Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Ông Nguyễn Quang A xúi dại ông Nguyễn Phú Trọng

 

Ông Nguyễn Quang A xúi dại ông Nguyễn Phú Trọng

Jackhammer Nguyễn

24-4-2021

Vụ án Vũ ‘nhôm’ (Phan Văn Anh Vũ) liên quan đến nhiều viên chức công an, lại được dư luận chú ý khi một nhân vật mới tên là Nguyễn Duy Linh được tiết lộ là người nhận hối lộ từ Phan Văn Anh Vũ.

Hôm 23/4/2021, tác giả Trần Kỳ Khôi của Tiếng Dân có bài viết chi tiết về nhân vật mới này. Nguyễn Duy Linh là con trai của một viên tướng công an khét tiếng đã về hưu: Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng. Ông Linh hiện là đại tá, Cục trưởng Cục Tình báo, Bộ Công an.

Báo chí lề phải cũng có đưa tin, như các tờ Tiền PhongThanh NiênNgười Đưa Tin… Báo Tiền Phong và Thanh Niên viết tắt tên N.D.L., còn báo Người Đưa Tin thì nêu đích danh Nguyễn Duy Linh, nhưng vài giờ sau, bài viết đã bị gỡ bỏ.

Ông Trần Kỳ Khôi kêu gọi phải trừng trị Nguyễn Duy Linh. Ông Nguyễn Quang A, người hoạt động dân sự và nhân quyền trong nước thì nghi ngờ, ông viết: Không thể hiểu ông đốt lò có đốt hết bọn chúng hay không? Đốt lò có hiệu quả không?

Ông đốt lò đây không ai xa lạ mà chính là ông Nguyễn Phú Trọng, đảng trưởng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tên tuổi ông Nguyễn Văn Hưởng, thời còn làm Thứ trưởng Bộ Công an, gắn chặt với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cũng xuất thân từ công an) như hình với bóng. Trong năm năm qua những người được cho là thuộc phe thủ tướng Dũng (tức phe tướng Hưởng) bị “vào lò” của ông Nguyễn Phú Trọng khá nhiều, nhưng cuộc dàn xếp quyền lực đại hội ĐCS lần thứ 13 vừa qua lại cho thấy dường như cái lò của ông Trọng đã bớt nóng.

Có hai chỉ dấu cho điều đó. Một là, một viên công an lên làm thủ tướng, ông Phạm Minh Chính (có lời đồn ông này chịu ơn mưa móc thời ông Dũng còn cầm quyền), hai là cậu ấm của cựu thủ tướng Dũng là Nguyễn Thanh Nghị, ung dung ra Hà Nội, ngồi vào ghế Bộ trưởng Xây dựng.

Diễn biến mới, tên tuổi Nguyễn Duy Linh bị tiết lộ, có phải là cuộc phản công của phe đốt lò Nguyễn Phú Trọng, hay chỉ là hồi quang phản chiếu?

Ngay sau khi ông Trọng loại được ông Dũng, ông Trọng nắm quyền “chống tham nhũng” (đốt lò) mà nhiều người nói rằng, đây là dịp ông tiện tay triệt phá các phe phái đối phương. Chiến dịch này tương tự như chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của người đồng cấp của ông Trọng bên Trung Quốc là Tập Cận Bình, tung ra vào năm 2012, trong đó đối thủ sừng sỏ của Tập là Bạc Hy Lai, đảng trưởng Trùng Khánh, bị “truất phế”, lãnh án chung thân, tịch thu tài sản.

Người bạn tuổi thơ của ông Tập, cùng lớn lên trong khu quý tộc đỏ Trung Nam Hải, ông Trần Tiểu Lỗ, nói với nhà báo Jan Perlez của New York Times rằng, chiến dịch của ông Tập chỉ nhằm mục đích thanh trừng đối thủ chính trị là chính.

Ông Trần Tiểu Lỗ là con trai nguyên soái Trần Nghị, thời cách mạng cộng sản Trung Quốc, sau này giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao của Bắc Kinh. Ông Trần Nghị bị cho ra rìa trong cuộc đại Cách mạng Văn hóa, trong đó con trai ông là một hồng vệ binh. Ông Trần Tiểu Lỗ sau này làm cố vấn quan hệ đối ngoại cho đại công ty tài chính Hoa Lục là An Bang. Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình bắt giam ông Ngô Tiểu Huy, Tổng Giám đốc An Bang, vốn là cháu rể của Đặng Tiểu Bình.

***

Trở lại “cái lò” của ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi đặt câu hỏi nghi ngờ về hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng, ông Nguyễn Quang A đề nghị bốn điểm để chống tham nhũng có hiệu quá, đó là: 1/ Luật trị, 2/ Tư pháp độc lập, 3/Nền báo chí tự do, 4/ Xã hội dân sự lành mạnh.

Ông Nguyễn Quang A xúi dại ông Trọng, vì làm bốn điều ấy thì còn gì là ĐCS của ông Trọng và các đồng chí của ông ta nữa. Thứ nhất, những người cộng sản rất sợ một hệ thống pháp luật. Luật của đảng do chính họ đặt ra mà họ còn xé bỏ, huống chi luật pháp của đất nước.

Thứ hai là Đảng của ông Trọng độc quyền lãnh đạo nên không thể có tư pháp độc lập. Trong năm năm qua, ông Trọng vừa là tổng bí thư, kiêm chủ tịch nước từ năm 2018 và trên thực tế ông kiêm luôn chức chánh án tòa án tối cao, vì ông luôn lên tiếng “chỉ đạo xử lý các vụ án”.

Thứ ba, Đảng lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối”, nên không thể có báo chí tự do. Tin tức từ báo chí ngoài lề đã bị tường lửa bao quanh, muốn đọc phải biết cách trèo tường lửa. Báo chí “lề dân”, mạng xã hội hiện đang hứng chịu những đòn trừng phạt dữ dội của Đảng.

Điều thứ tư cũng không thể, Đảng đã và đang dẹp bỏ hết những tổ chức mà họ không kiểm soát được, xã hội dân sự là cái gai trong mắt họ.

Tóm lại, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện bốn điểm mà ông Nguyễn Quang A nêu ra, thì Đảng Cộng sản không còn tồn tại nữa.

Các nhân vật tham nhũng trong thể chế cộng sản cũng có thể bị trừng trị, nhưng đó là do họ sa cơ thất thế, khi phe của họ yếu hơn thôi, như các ông Bạc Hy Lai, Ngô Tiểu Huy… bên Trung Quốc, hay các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh … bên Việt Nam. Nhưng mà coi chừng, khi phe của họ mạnh trở lại thì chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét