Rất cần một chính sách cho chủ quyền biển Đông trong giới khoa học*
Tác giả John Ross trên trang Times Higher Educationngày 11/12 mới đây viết về một hiện tượng mà nhiều nhà khoa học người Việt ngoài và trong nước đã biết và cảnh báo từ nhiều năm trước, đó là việc bản đồ đường 9 đoạn nổi tiếng của Trung Quốc ở Biển Đông đã được các nhà khoa học Trung Quốc đưa vào các bài báo ở mọi lĩnh vực, thậm chí cả ở lãnh vực tưởng chừng không liên quan như Sinh học phân tử, trong các bài báo hợp tác với các cộng sự phương Tây - những người mà chuyên môn của họ không đòi hỏi phải biết đến câu chuyện đường lưỡi bò.
Đã có những nỗ lực từ nhiều năm trước của một số nhà khoa học Việt, kiến nghị các tạp chí khoa học không chính trị hoá khoa học, và đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, nỗ lực của một vài cá nhân không đủ sức để cản được một số lượng công bố ồ ạt của các nhà khoa học Trung Quốc.
Một số nhà khoa học Việt Nam đã đề xuất là giới khoa học Việt Nam cần phải tăng cường công bố quốc tế. Thậm chí có ý kiến đề nghị rằng, nếu như không có công bố thì không được cấp tiếp tiền đề tài. Một số nhà khoa học khác thì lại phản bác rằng các nghiên cứu khoa học biển cần phải giữ bí mật, không nên công bố, hoặc họ làm khoa học là để khám phá tìm hiểu, không cần công bố!
Tuy nhiên những người làm khoa học nghiêm túc đều hiểu có rất nhiều chủ đề ở Biển Đông có thể công bố, và qua đó khẳng định Việt Nam vẫn đang làm chủ vùng biển của mình. Có những vấn đề cần giữ bí mật, nhưng có những vấn đề có thể đóng góp vào tri thức nhân loại. Nếu Việt Nam không làm thì các quốc gia khác vẫn có thể làm được và công bố, thể hiện qua sự công bố thường xuyên của các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Hoạt động khoa học nếu bằng tiền của nhà nước thì cần phải có những đóng góp cụ thể cho xã hội thông qua bài báo hoặc sản phẩm được sự ghi nhận của cộng đồng chứ không đơn thuần là chỉ làm để thoả mãn sự tò mò của cá nhân mình.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Trung Quốc đang tận dụng khoa học công nghệ để giành quyền kiểm soát Biển Đông cả trên thực địa và trong kho tàng tri thức nhân loại, người làm khoa học có tự trọng, có trách nhiệm nên suy nghĩ làm sao để không lãng phí tiền bạc và cơ sở vật chất được đầu tư cho mình nghiên cứu khoa học, chứ không phải viện đủ mọi lý do để cho mình vô can.
Một đề xuất khác, đó là nếu như có thể chứng minh được việc đưa bản đồ đường lưỡi bò vào các công trình khoa học đã được thực hiện một cách có chủ ý và hệ thống, thì có thể nói đây là một hoạt động có tính chính sách của Trung Quốc và do vậy, giới khoa học và ngoại giao Việt Nam có thể vận động giới khoa học và ngoại giao của các quốc gia khác cùng phản đối việc Trung Quốc chính trị hoá khoa học.
* Tựa đề do BVN đặt
Nguồn:https://www.facebook.com/pg/daisukybiendong/posts/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét