Dài dòng báo chí
Trung Bảo
24-12-2019
Thế giới của báo chí chưa khi nào thiếu những tay phóng viên “nghiện rượu, biếng nhác, vô công rồi nghề” như cách của một vị Hiệu trưởng Đại học Harvard từng mô tả. Thế giới của báo chí cũng tràn đầy những thông tin rác rưởi, bẩn thỉu mà người ta chỉ đọc để rồi cười nhếch mép khinh bỉ người viết lẫn tờ báo đăng nó. Chưa kể, sự khinh bỉ còn đến khi người ta phải gặp những “nhà báo” dùng lợi thế của ngòi bút để kiếm tiền bất chính.
Nhưng, trong cái thế giới ấy cũng đầy những nhà báo mạo hiểm mạng sống của mình để kể lại những câu chuyện bi thảm nơi chiến trường, chấp nhận tù đày để bảo vệ các quyền tự do của người dân.
Chiến tranh Việt Nam sẽ còn diễn biến thế nào nếu ngày đó không có những bài viết về bê bối Watergate của hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein. Hay, bức ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan xử tử người Việt cộng trên đường phố của phóng viên ảnh Eddie Adams. Và một số thông tin thời hậu chiến cùng những sắp xếp, tính toán sẽ mãi mãi nằm trong vòng mờ ảo của tin đồn cho đến khi hai tập sách Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức ra đời.
Đừng tưởng chỉ tiếng Việt mới có thành ngữ “báo chí ba xu” đầy chế nhạo. Bắt đầu từ khi ông chủ bút Benjamin Day bán tờ báo New York Sun chỉ với giá 1 xu (one penny) vào năm 1833, thuật ngữ “The penny press” đã ra đời, dùng để chỉ những tờ báo chuyên đăng các chuyện cướp – giết – hiếp và có những biên tập viên rất giỏi giật tít đẩy câu chuyện trở nên… khủng khiếp từ những chuyện không có gì quá ghê gớm. Nó dùng để phân biệt với “Ordinary newspaper” chuyên đăng tải các đề tài nghiêm túc về chính trị, kinh tế, thơ văn… và có trị giá khoảng 6 xu (thời đó).
Nếu có thứ gì đó thay đổi nhanh thì nhanh nhất hẳn là báo chí. Ngày nay, khi báo mạng phát triển ồ ạt, thậm chí một tờ báo mạng còn… không bán được 1 xu. Mọi người đều được đọc miễn phí thì gánh nặng tài chính càng lớn hơn bởi sức ép cạnh tranh thông tin và thực tế là không thể nào bảo vệ được bản quyền khi đưa nội dung lên mạng.
Người Việt ta có thể hãnh diện một cách tự trào rằng chúng ta không có bất kỳ một tờ báo lá cải nào đúng nghĩa. Hầu hết các tờ báo, trừ những tờ quá sức bảo thủ, đều chen lẫn giữa thông tin nghiêm túc và thông tin giật gân. Thậm chí, ở những tờ báo chọn đường đi là khiêu gợi sự tò mò thấp kém bên trong người đọc, thì vẫn chưa phải là lá cải đúng nghĩa.
Nếu từng đọc qua những tờ báo lá cải về giới nổi tiếng, chính trị, biếm… sẽ thấy hầu hết các phóng viên và biên tập viên ở những tờ báo giật gân của ta chưa đủ trình độ để làm báo lá cải. Những người này rất giỏi dùng ngôn từ của lá cải, thậm chí là mạt hạng, nhưng hoàn toàn không có được tư duy và khả năng tác nghiệp của các nhà báo làm cho những tờ báo lá cải thực thụ.
Bất chấp còn những nhà báo chọn con đường làm báo ngay thẳng, vẫn có người bĩu môi khi nghe người đối diện tự giới thiệu họ làm nghề báo. Cứ tưởng, chỉ có nhà báo tại Việt Nam mới nghèo nếu chọn con đường làm báo thật sự, hóa ra những đồng nghiệp tại Mỹ cũng có cùng… cảnh ngộ. Mặc dù, cái nghèo tại Mỹ chắc hẳn khá hơn cái nghèo tại Việt Nam.
Trong số những người bĩu môi chê bai nghề báo tại Việt Nam, có lẽ giới kinh doanh chiếm đa số vì những tác động qua lại giữa báo chí – kinh doanh. Thế nhưng, khi những người kinh doanh nhớ đến báo chí thường là khi họ có uất ức, bị chèn ép hoặc cần quảng bá tên tuổi, sản phẩm. Nhưng, phổ biến nhất trong ngày nay đó là dùng tiền để “bịt miệng” những tờ báo khi xuất hiện thông tin bất lợi và ngược lại, nhiều nhà báo rất “thính” khi ngửi ra mùi tiền từ những thông tin kiểu như vậy.
Những người làm kinh doanh ít khi nghĩ rằng, nếu họ muốn, họ cũng có khả năng khiến cho nghề báo đỡ nhiễu nhương đi một phần. Đòi hỏi tất cả đều ngay thẳng trong kinh doanh là vô vọng trong một nền kinh tế như Việt Nam nhưng đâu đó vẫn có những doanh nhân có lòng với xã hội, những người này hoàn toàn có thể dùng đồng tiền lương thiện của mình để quảng cáo, tài trợ cho những chuyên mục hay tờ báo có nội dung tử tế trong nghề báo hiện nay. Cách làm đó không chỉ giúp những tờ báo vượt qua cơn bĩ cực, giúp đưa một ít thông tin trong sạch đến xã hội mà còn khẳng định rằng những doanh nghiệp này chỉ “chơi” với những tờ báo thật sự là báo. Đồng thời, để thiên hạ thấy rằng không cứ phải bám vào quần lót, siêu xe, khoe ngực, cộng đồng mạng phát sốt…, thì mới có thể sống được
Cách nói này có thể gặt lại sự chỉ trích rằng đây là một loại ngụy biện. Không thể đòi hỏi người ta trả tiền để nhà báo làm báo tử tế. Nhưng, quả thật, trong “cuộc chiến” hiện nay giữa nghề báo tử tế và thợ viết trá hình thì cũng cần có sự tiếp sức của nhiều người. Để cho thấy rằng không bao giờ là hết đất sống cho cái nghề nghiệp đặt những điều như ngay thẳng, công chính, trung thực… làm tôn chỉ hành nghề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét