Ung thư, nỗi đau nào của riêng ai
21-12-2019
Mấy hôm trước, tôi có dịp về bệnh viện K – Tân Triều để tham gia hoạt động chụp ảnh chân dung từ thiện cùng Help Portrait VN. Help Portrait là cộng đồng tập hợp những người chụp ảnh trên toàn thế giới, tự nguyện cống hiến thời gian, thiết bị và chuyên môn của mình để chụp ảnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Help Portrait ở VN có bề dày lịch sử hoạt động từ 10 năm nay, với 9000 tay máy cùng các tình nguyện viên hỗ trợ, với 458 điểm từng chụp, đa phần là ở các bệnh viện, đa phần là bệnh nhân ung thư. Đã có khoảng hơn 73 ngàn bức chân dung được tổ chức này thực hiện. Những hình ảnh này rồi hầu hết sẽ là hình bóng cuối cùng của một ai đó đã từng sống ở trên cõi đời này. Và đáng buồn là có rất nhiều trẻ em trong những bức hình đó.
Theo thông tin trên báo chí: Ông Trần Văn Thuấn – giám đốc Bệnh viện K, viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư – cho biết năm 2018 Việt Nam có thêm trên 164.000 người mắc ung thư và trên 114.000 người tử vong do ung thư.
Theo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư ở trẻ em đang tăng ở mức báo động với khoảng 250.000 trẻ em mắc phải. Mỗi năm có thêm khoảng 160.000 trẻ em bị ung thư và 90.000 trẻ em chết vì ung thư.
Những con số này thật là kinh hoàng, nhưng quả thật nó cũng chỉ là một con số thống kê khô khan, chưa đáng sợ bằng những hình ảnh mà tôi có dịp ghi lại khi đồng hành cùng Help Portrait Việt Nam. Phải nói ngay rằng nguyên tắc số một của chúng tôi khi tác nghiệp là không được khai thác những góc hình bi thương. Chúng tôi phải cố gắng cười nói, giao lưu với các bệnh nhân, đặc biệt là với các em nhỏ để sao cho hình ảnh là tươi vui yêu đời nhất. Nhưng mỗi khi về bình tĩnh xem lại từng khuôn hình, có đôi lúc tôi bắt gặp những ánh mắt, cái mím môi, bàn tay siết nhẹ… một nỗi đau hiện hữu bằng hình ảnh không lời nào tả được.
Bé gái này đang trong quá trình truyền hoá chất, đã rụng hết tóc, phải cắt bỏ chân trái. Nhưng em vẫn nén cơn đau đang hành hạ mình để gắng gượng ngồi xe lăn ra chụp ảnh cùng nhiều bạn khác. Hãy nhìn sâu vào ánh mắt của nó đi, bạn có thấy điều gì trong đó không? Tương lai của em rồi sẽ ra sao?
Tôi đã từng được ngắm nhìn trực tiếp dãy ảnh chân dung các nạn nhân trong nhà tù Tuol Sleng của Pol Pot. Tôi cũng biết ở đâu đó bên Châu Âu có một bộ sưu tập ảnh các nạn nhân lò hơi ngạt của phát xít Đức. Nếu bây giờ tập hợp được các bức chân dung mà Help Portrait Việt Nam thực hiện trong 10 năm qua thì chúng ta cũng sẽ có một bộ sưu tập thật là kinh dị về những nạn nhân ngay giữa thời bình.
Đau đớn thay, nhiều người trong chúng ta còn chưa ý thức được rằng bệnh ung thư không tự dưng mà có. Nó đến từ một chính sách điên rồ, duy ý chí, bất chấp hậu quả môi trường, bất chấp hệ luỵ xã hội… ấy là chủ trương công nghiệp hoá hiện đại hoá từ cách đây hơn 30 năm. Ung thư về mặt tư tưởng. Đó mới là căn bệnh ung thư khủng khiếp nhất đang từng ngày huỷ hoại đất nước chúng ta.
30 năm phát triển công nghiệp, từ một đất nước nhiệt đới xanh tươi, cho đến nay chúng ta có gì ngoài một môi trường tan nát, những nhà máy thép khói bụi, những thuỷ điện phá nát rừng đầu nguồn, những nhiệt điện bụi mờ không khí, những đồng ruộng bờ xôi ruộng mật bị cưỡng chế cho công nghiệp rồi bỏ hoang hàng chục năm. Và trên hết là một lực lượng bệnh nhân ung thư hùng hậu nhất hành tinh.
Không chỉ hủy hoại môi trường, chế độ này còn đàn áp và ngăn cản những nỗ lực nhằm minh bạch thông tin về môi trường một cách có hệ thống, có tổ chức. Mới gần đây, ngày 19/12/2019 Bộ Tài nguyên Môi trường đã ngang nhiên đuổi các nhà báo ra khỏi phòng trong cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Xa hơn nữa, chúng ta không khó để thấy trường hợp các nhà hoạt động môi trường bị bỏ tù như Đinh Đăng Định, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Thị Xuân… khi họ chỉ làm một việc duy nhất, ấy là đấu tranh bảo vệ môi trường.
Có một điều an ủi là bệnh ung thư chia đều cho tất cả chúng ta. Các tác nhân gây ung thư có ở khắp nơi trong môi trường. Giàu hay nghèo. Sang hay hèn. Già hay trẻ. Ở đô thị hay nông thôn. Có yêu đảng yêu bác hay không… tất cả đều không quan trọng gì nữa khi chúng ta đều có cơ hội là ngang nhau để đón nhận căn bệnh tử thần này.
Vì thế, các bạn dư luận viên bảo vệ chế độ nên bình tĩnh, đừng vội nhảy dựng lên mà chửi tôi như mọi khi nhé. Hãy từ từ mà tận hưởng “tính ưu việt” của chế độ, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ đâu. Còn đến lúc hiểu ra rồi thì vẫn chưa muộn, tôi sẽ vẫn chờ các bạn ở đây, để chúng ta cùng chung tay xóa bỏ chế độ khốn nạn vô nhân tính này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét