Chứng cứ hợp pháp đối với vụ án xét xử ông Nguyễn Bắc Son
21-12-2019
Gần đây, trong phiên tòa hình sự xét xử các bị cáo nguyên là cựu bộ trưởng về tội danh “Nhận hối lộ”. Theo đó, khi bị cáo trong phiên tòa là cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phản cung cho rằng mình không nhận số tiền hối lộ, thì tòa án đã không ngần ngại trưng ra công khai chứng cứ là thư viết tay của người này gởi gia đình, trong thư có nội dung thừa nhận hành vi nhận số tiền hối lộ.
Chứng tỏ, thư viết tay của ông cựu bộ trưởng đã không đến được tay người nhận trong gia đình, thậm chí, đã bị chiếm giữ, bị đọc và bị tiết lộ công khai nội dung bức thư.
Như thế, bên cạnh việc chứng minh hành vi có tội của bị cáo, thì tòa án cũng mặc nhiên công khai thừa nhận việc vô hiệu hóa nguyên tắc luật pháp bảo hộ bí mật thư tín của người này.
Bí mật thư tín được luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều minh thị bảo hộ.
Từ Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948 đã định rằng : “Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”(điều 12).
Tại Việt Nam, khi thế giới chưa từng biết đến khái niệm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, thì năm 1946, hiến pháp đầu tiên của nền cộng hòa vừa phôi thai đã sớm quy định “ Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”(điều 11). Luật pháp đi trước thế giới, đây là điểm son pháp chế nước nhà.
Đến lần tu chính hiến pháp gần nhất năm 2013, thì bí mật thư tín vẫn được tái công nhận bảo hộ qua khái niệm “bí mật cá nhân” tại điều 21 như sau : “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Cụ thể hóa hiến pháp, Bộ luật dân sự năm 2015 (điều 38, khoản 1) quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ…”.
Bí mật thư tín được pháp luật bảo hộ. Theo đó, xâm phạm vào bí mật thư tín có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà hình phạt cao nhất có thể đến 3 năm tù giam (điều 159 Bộ luật hình sự).
Được biết, trong cuộc chiến chống tham nhũng, ngoại trừ trường hợp bắt quả tang, thì các trường hợp còn lại đều rất khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc tìm chứng cứ chứng minh tội danh hối lộ. Bởi lẽ, hành vi hối lộ thường được thực hiện một cách lén lút, kín đáo, không có người chứng kiến. Tuy vậy, việc phải sử dụng biện pháp không hợp pháp để thu thập chứng cứ và dùng chứng cứ không hợp pháp để chứng minh tội phạm tại tòa lại là một hành vi không được pháp luật thừa nhận.
Học lý hình sự quốc tế đã từng biết đến án lệ liên quan đến ngôi sao bóng rổ nổi tiếng một thời của Hoa Kỳ : O.J.Simpson. Simpson bị cáo buộc với về hành vi giết vợ cũ và người bạn trai của cô ta. Qua quá trình điều tra, một loạt chứng cứ trực tiếp bất lợi cho Simpson được thu thập. Thế nhưng, khi các luật sư bào chữa chỉ ra các nghi vấn về cách thức thu thập chứng cứ đã khiến bồi thẩm đoàn phải tuyên Simpson vô tội. Cho thấy, mặc dù chứng cứ là thật, nhưng cách thức thu thập chứng cứ phải theo trình tự hợp pháp. Quan điểm về thu thập chứng cứ hợp pháp trong luật pháp hình sự đã được thế giới rất mực tôn trọng.
Trở lại vụ án đối với các ông cựu bộ trưởng. Hầu như, cả hệ thống chính trị đã “vào cuộc” trong việc truy tố các ông cựu bộ trưởng, thì tất nhiên, kết quả vụ án được bảo đảm “bao ăn”. Công chúng không hề mảy may nghi ngờ về khả năng các ông cựu bộ trưởng sẽ bị tuyên án có tội và chịu sự chế tài. Thế nên, để chứng minh tội phạm theo cách thức xâm phạm vào một quyền khác được luật pháp minh thị bảo hộ là điều rõ ràng không cần thiết. Pháp đình không nên làm ô uế dấu son của bản hiến pháp đầu tiên của nền cộng hòa khi minh thị bảo hộ quyền công dân trước cả khi quyền đó được thế giới công nhận trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét