Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

Phiên xử thứ 7 vụ Mobifone mua AVG: Các bị cáo nói lời sau cùng

Phiên xử thứ 7 vụ Mobifone mua AVG: Các bị cáo nói lời sau cùng

BTV Tiếng Dân
24-12-2019
Sáng 24/12/2019, 14 bị cáo trong vụ đại án Mobifone mua AVG đã nói lời sau cùng. Người được phát biểu đầu tiên là cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, cứ nghĩ người làm tới cấp bộ trưởng và đầu đã bạc gần hết như ông Son vẫn còn giữ được chút khí phách, nhưng thái độ cúi đầu và tham sống sợ chết của ông ta không khác gì Trịnh Xuân Thanh 2 năm trước. 
VnExpress đưa tin: Ông Nguyễn Bắc Son xin ‘được sống’Son nói: “Bị cáo phải trả cái giá đắt, nhận hình thức kỷ luật cao nhất của Đảng và chính quyền. Với nội dung luận tội của VKS, bị cáo có thể trả giá bằng cả sinh mạng của mình”. Rồi Son xin HĐXX rộng lượng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt hết mức có thể để ông ta “được sống”, sau những năm tập trung cải tạo được trở về với gia đình và đồng đội vào cuối đời. 
VnExpress có clip, ghi lại lời ông Nguyễn Bắc Son xin được khoan hồng, “được sống”:
Son cũng “học tập” Trịnh Xuân Thanh và diễn trò xin lỗi “bác Trọng”, xin lỗi cả HĐXX và VKS vì vụ Son “quay 360 độ” trong phiên xử ngày 17/12 khi phủ nhận rồi lại thừa nhận vụ 3 triệu Mỹ kim. Son cam kết, gia đình ông ta sẽ khắc phục 100% hậu quả vụ sai phạm này.
Người kế nhiệm của Son là Trương Minh Tuấn thì không cầu xin trực tiếp mà diễn giải dài dòng, gián tiếp. Báo Dân Trí dẫn lời ông Trương Minh Tuấn: Sai phạm của tôi như nhát dao để lại sẹo cả đời. Tuấn kể công rằng, ông ta đã có “10 năm quân ngũ, tham gia bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc, 27 năm làm công tác tuyên giáo”, mới sang làm tại Bộ TT&TT: “Bị cáo không nghĩ mình có cái kết cay đắng như ngày hôm nay, phải đứng tại đây nói lời sau cùng như này”.
Báo Thanh Niên dẫn lời cựu Chủ tịch MobiFone: ‘Tôi đã được giải thoát khỏi ám ảnh, bất lực, sợ hãi’. Đến lượt cựu Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà đầy tiền bạc và quyền uy một thời cũng diễn màn khóc lóc, van xin: “Tôi thành tâm xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán cán bộ MobiFone, xin lỗi gia đình, vợ con!… Khi khai báo thành khẩn, tôi đã được giải thoát khỏi những ám ảnh, bất lực và sợ hãi. Xin cho tôi được khoan hồng, để tôi sớm được trở về tận hiếu với bố mẹ, chăm sóc người vợ đang bị ung thư”.
Báo Pháp Luật TP HCM trích lời cựu TGĐ Mobifone, Cao Duy Hải: ‘Không biết còn kiếp nạn nào nữa không’. Hải cũng van xin: “Không biết còn kiếp nạn nào nữa không nhưng tôi mong được bình an. Tôi đã biết lỗi và tôi đã quay trở về. Tôi đã thực thi bản án lương tâm. Về bản án của tòa, tôi kính xin HĐXX mở thêm nữa lòng từ bi, bao dung, nhân ái để tôi cùng 13 bị cáo được nhận khoan hồng, để chúng tôi đi tiếp phần còn lại của cuộc đời ngắn ngủi này”.
Sau Trà, Hải, đến lượt giàn cựu lãnh đạo MobiFone đồng loạt xin hưởng khoan hồng để sớm trở về với gia đình, xã hội, theo báo Người Lao Động. Nhìn chung, không chỉ tất cả các cựu lãnh đạo, quan chức Mobifone mà các bị cáo còn lại đều nói lời sau cùng với ý chính giống nhau: Bày tỏ sự hối lỗi, xin được khoan hồng, lôi gia đình ra làm khiên chắn. Riêng “mafia đỏ” Phạm Nhật Vũ thì lấy lý do sức khỏe nên không có mặt.
Đến đây, HĐXX tiến hành nghị án. Lúc đầu, phía tòa án thông báo, dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 31/12, nhưng không biết có ai hối thúc gì không mà lại đổi thành ngày 28/12. Những ai quan tâm vụ này chỉ cần chờ 4 ngày nữa có thể biết Nguyễn Bắc Son có thoát được mũi tiêm hay không, nhưng có lẽ “lửa lò” của Tổng – Chủ khó có thể vươn tới được cửa nhà “đồng chí X”. 
Nhận định về “lời nói sau cùng” của các bị cáo
Chuyện Nguyễn Bắc Son không muốn chết thay “đồng chí X” và sẽ tìm mọi cách để giữ mạng, dù có phải bán đứng cựu lãnh đạo của mình, giờ đã rõ. Điều cần bàn là thái độ của người từng nắm quyền sinh sát ở Bộ TT&TT và các đồng chí của ông ta.
Nguyễn Bắc Son hay Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn hay Trịnh Xuân Thanh, với “khí phách của người cộng sản”, hóa ra khi ra tòa đều như nhau. Mang tiếng là quan chức CSVN một thời “hét ra lửa” nhưng họ đều tỏ rõ bản chất tham sống sợ chết, dám làm nhưng không dám nhận. 
Dù phe “đốt lò” có phần không thỏa đáng khi chưa khui ra được “đồng chí X” đứng sau tất cả các quan chức trên, nhưng Son, Tuấn hay Thăng, Thanh đều không hề vô can. Tay họ đều “nhúng chàm” và họ không thể phủ nhận trách nhiệm khi đồng tiền mồ hôi xương máu của dân bị họ tiêu như giấy vụn, vai trò của kẻ chủ mưu thì họ có thể phủ nhận nhưng vai trò của kẻ thừa hành thì họ không thể chối cãi. 
Tương phản với các quan chức trên là thái độ không sợ hãi, không van xin của các nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, Nguyễn Ngọc Ánh, Trần Hoàng Phúc, Huỳnh Thị Tố Nga… Họ không làm gì có lỗi với dân, họ chỉ phản biện những điều không đúng của chế độ CSVN rồi bị quy chụp, bị bắt và mang ra xử. Khi ra tòa, họ không hề van xin được “khoan hồng” hay “tha tội”, bởi họ chắc chắn rằng họ không phải là tội phạm. Còn Son, Tuấn, Thăng, Thanh, dù chẳng oan ức gì, nhưng lại từ bỏ hết nhân cách còn lại của mình để van xin. 
Các tay bồi bút của bộ máy tuyên truyền CSVN thường lập luận rằng, những nhà hoạt động tuổi đời còn trẻ là những người “không biết gì”, bị “thế lực thù địch xúi giục”. Nhưng nhìn thái độ của Son, Tuấn, Thăng, Thanh và đồng phạm khi ra tòa, những người còn biết nghĩ, còn lương tâm đều có thể tự đặt câu hỏi: Chẳng lẽ những kẻ dám làm, không dám nhận lại xứng đáng ngồi ghế lãnh đạo hơn những người biết phân biệt đúng sai, không khuất phục trước bạo quyền?
Kể cả khi các bên liên quan trong đại án Mobifion mua AVG có “khắc phục” hết hậu quả, vẫn không thay đổi được hình ảnh của các quan chức CSVN phá hoại đất nước như thế nào. Son, Tuấn và đồng phạm có ăn cơm tù suốt đời thì vẫn còn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn quan chức CSVN tàn phá không thua gì họ, vẫn đang ung dung tự tại. 
Sự kiện 18 ngân hàng Việt bị Moody’s hạ bậc triển vọng tín nhiệm chỉ là một trong các biểu hiện nhỏ cho thấy, đột nhiên có 3 tỉ Mỹ kim trên trời rơi xuống cũng không xoay chuyển được tình hình kinh tế VN, chứ đừng nói là vài triệu Mỹ kim “khắc phục hậu quả” trong vụ Mobifone mua AVG. Đơn giản, đây chỉ là một vụ thanh trừng nội bộ và là một nỗ lực của phe “đốt lò” trình diễn màn chống tham nhũng, còn người dân VN vẫn chỉ là “con tin” trong các màn đấu đá chính trị. 
______

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét