Nhật Bản hướng tới 'tôn ti và hòa hợp' của thời Lệnh Hòa
Nhật Bản vừa công bố niên hiệu của đời vua mới, "Lệnh Hòa" ("Reiwa"), sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5.
Lệnh Hòa mang ý nghĩa tôn ti và hòa hợp hoặc hòa bình.
Niên hiệu hiện nay, Bình Thành (Heisei), sẽ chấm dứt trong vòng một tháng nữa, khi Nhật Hoàng Akihito thoái vị.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga tại cuộc họp báo đã trưng ra khung ảnh có lồng chữ viết niên hiệu mới, với các ký tự được viết tay.
Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước quốc hội về ý nghĩa của tên gọi này.
Niên hiệu của mỗi đời Nhật hoàng, "gengo" trong tiếng Nhật, được dùng bên cạnh dương lịch.
Niên hiệu mới được ghép từ hai ký tự Rei và Wa, có nghĩa là "tôn ti", và "hòa bình" hoặc là "hòa hợp".
Lệnh Hòa nghĩa là gì?
Đây là lần đầu tiên niên hiệu được lấy từ một tập thi tuyển cổ của Nhật, Manyoshu (Vạn Diệp Tập), thay vì lấy từ tiếng Trung, ông Abe nói.
Manyoshu biểu tượng cho "nền văn hóa sâu sắc và truyền thống lâu dài" của Nhật Bản.
"Đất nước chúng ta đang đối diện với một bước ngoặt lớn, nhưng có rất nhiều giá trị Nhật Bản sẽ không thể phai mờ," ông Abe nói với các phóng viên.
Trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản, nước này đã trải qua bốn đời vua.
Kỷ nguyên hiện thời là của Nhật Hoàng Akihito, với niên hiệu Bình Thành (Heisei), có nghĩa là "đạt được hòa bình".
Trước đó là thời Chiêu Hòa (Showa) (1926-1989), có nghĩa là "hướng tới sự hòa hợp".
Niên hiệu Chiêu Hòa là thời Nhật Hoàng Hirohito cầm quyền 64 năm, trước và sau Thế Chiến 2.
Trước Chiêu Hòa là thời Đại Chính (Taisho) (1912-1926), và thời Minh Trị (1868-1912).
Mỗi triều đại có tầm quan trọng tới mức nào?
Niên hiệu của mỗi đời vua đều hướng tới việc đặt hướng đi cho những thập niên tới, và vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân Nhật Bản.
Niên hiệu được in trên các đồng tiền xu, trên báo chí, bằng lái xe và trên các giấy tờ chính thức.
Việc công bố niên hiệu mới hôm thứ Hai diễn ra vài tuần sau khi có những đồn đoán và các cuộc thảo luận cực kỳ bí mật trong nội các.
'Lệnh Hòa' cuối cùng đã được nội các chọn từ một danh sách các tên gọi do một ban soạn thảo gồm các học giả và các chuyên gia đề cử.
Dù vẫn được sử dụng rộng rãi nhưng lịch theo niên đại đang ngày càng mất dần vị thế bởi Nhật Bản đang chấp nhận ảnh hưởng toàn cầu nhiều hơn.
Do cả hai loại lịch đều sử dụng các tháng theo lịch phương Tây, nhiều người sử dụng song song cả hai.
Vì sao Nhật Hoàng Akihito thoái vị?
Chính phủ Nhật hồi 12/2017 xác nhận rằng Nhật Hoàng Akihito, năm nay 85 tuổi, sẽ từ chức vào 4/2019 do tuổi cao, nhường ngôi cho Thái tử Naruhito.
Ông sẽ là Nhật Hoàng đầu tiên thoái vị trong suốt hơn hai thế kỷ qua.
Thường thì một thời vua mới chỉ được công bố khi Nhật hoàng băng hà và tân vương đăng quang.
Lần này thì khác, việc đổi niên hiệu diễn ra do đương kim Nhật hoàng thoái vị.
Việc công bố được thực hiện trước một tháng để các cơ quan công sở và các công ty có thể cập nhật phần mềm máy tính và chuẩn bị cho việc chuyển tiếp trước khi niên hiệu mới chính thức có hiệu lực vào tháng tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét