Nhìn sâu để hiểu (hay lại tản mạn thêm về hai chữ… tham nhũng)
Nguyễn Duy Vinh
(hiện đang làm việc ở Phi Châu)
Trong đạo Phật tôi thường đọc đến hai chữ quán chiếu (dịch sang tiếng Anh có chữ “reflect” hay “deep looking”). Chữ “deep looking” hay hơn, có nghĩa là nhìn sâu. Nhìn sâu để hiểu. Và có nhìn sâu mới tìm ra được những nguyên nhân của vấn đề mình đang quan tâm. Vấn đề này có thể là một công án thiền và cũng có thể là một hay những khổ đau mình đang gánh chịu.
Đức Phật đi tu vì Ngài đã chạm trán và quan tâm đến khổ đau. Có người còn mạnh dạn nói: “lấy khổ đau đi thì đạo Phật sẽ không còn”. Và chính vì sự quan tâm rất lớn này mà đức Phật đã đi tìm, đã bôn ba lặn lội vào cuộc đời, tầm sư học đạo và chính Ngài cuối cùng đã tìm được câu trả lời, từ lúc nhận diện được sự có mặt của khổ đau cho đến lúc tìm ra đâu là nguyên nhân của khổ đau. Đến khi nhận thức được hạnh phúc là điều có thật khi khổ đau vắng mặt, Ngài đã tìm ra con đường đưa đến sự vắng mặt của khổ đau tức là tám con đường của sự hành trì chân chính (hay nói văn hoa mỹ tự hơn theo chữ nôm là Bát Chánh Đạo). Và từ đó đạo Phật ra đời, không ngoài mục đích giúp con người, giúp những ai muốn hành trì theo lời dạy của đức Phật, sống bớt khổ và yên vui hạnh phúc hơn.
Nhiều người sẽ nói đó là chuyện tâm linh quá cao siêu không nhằm nhò gì đến đời sống thường nhật của tôi, vì chúng tôi là phàm phu tục tử chỉ biết sống theo những gì văn hóa và truyền thống đã an bài thôi. Theo tôi, đây là nói cố, vì nếu đó là văn hóa Việt Nam thì đạo Bụt cũng như đạo thờ ông bà đã có và đã ăn nhập vào đời sống dân gian ta từ ngót gần hai nghìn năm. Và ở đây tôi cũng xin đóng thêm một ngoặc đơn nữa cho nó đầy đủ hơn là cái gọi là văn hóa Việt Nam đó sau này cũng đã được tưới tẩm thêm bởi các đạo khác như đạo Khổng, đạo Lão và ở thế kỷ 19 với sự du nhập của đạo Chúa vào Việt Nam.
Chúa Giê Su răn dạy “con người phải yêu thương đồng loại mình như Chúa đã từng yêu thương mình (“aimez-vous les uns les autres comme je vous ai aimé”). Cách sống biết thương yêu những người quanh mình này cũng là nền tảng của con đường đưa đến hạnh phúc. Và những tôn giáo như thế rất cần thiết cho xã hội loài người và nhất là cho xã hội nhiễu nhương như xã hội Việt Nam hiện nay. Hai đạo Phật và Chúa có thể đóng góp rất khả quan trong tiến trình xây dựng một nước Việt Nam lành mạnh an vui.
Bây giờ tôi xin tạm gác cái cao siêu về tâm linh ấy qua một bên và chỉ nhìn qua lăng kính khoa học của các nhà tâm lý học. Chúng ta thấy tuệ giác của đạo Phật đã để lại cho chúng ta một kho tàng quý giá về sự hiểu biết của cái Tâm phức tạp của con người, tức là sự hiểu biết về tâm lý nhân sinh.
Tâm lý học của đạo Phật đếm được cả thảy 51 anh chàng “tâm” (còn được gọi là tâm sở) khi những anh chàng này biểu hiện (theo những bài học về duy biểu). Mỗi tâm ấy khi biểu hiện trong tâm thức đều có khả năng dẫn dắt ta đi vào những nẻo đường khác nhau. Tỉ dụ khi anh tâm “nhìn sai” (SI) năng động, rồi anh tâm “cáu giận” (SÂN) trồi lên, ta có thể nói hoặc làm những chuyện đáng tiếc và đôi khi đáng trách. Tương tự như hành động của chồng nàng Thiếu Phụ Nam Xương ngày xưa. Sự lạnh lùng và cách đối xử của anh chồng đã đưa vợ và con mình đi vào một thảm cảnh rất thương tâm chỉ vì hiểu lầm vợ, một người đàn bà tiết tháo đảm đang và có một tấm lòng chung thủy. Hoặc khi “anh tâm yêu” (ÁI DỤC) xâm chiếm tâm hồn, ta có thể bỏ hết để chạy theo tình yêu. Nguyễn Bính đã phải thốt lên: khi yêu thì chỉ có Trời cứu! Còn một tâm ghê gớm nữa là tâm ham muốn (THAM). Ham muốn làm giàu. Đưa đến những tình trạng thụt két, lấy tiền của dân, hay cưỡng chế đất như những vụ tham nhũng lớn hiện nay ở Việt Nam. Tác dụng của TÂM rất đáng sợ.
Tôi không phải là một nhà tâm lý học, và tôi cũng chỉ mới tập tễnh bước đi trên đại lộ của đạo Bụt rộng thênh thang nên tôi chưa đủ thẩm quyền nói thêm về những hoạt động của các “anh tâm” này (đôi khi được gọi là tâm hành hay tiếng Anh là “mental formations”).
Bài tản mạn của tôi ở đây chỉ xin chú trọng đến cách nhìn sâu để hiểu của một người bình thường lớn lên trong một xã hội loạn ly. Tôi được may mắn đi học ở nước ngoài. Là một kỹ sư, một sinh viên đã được huấn luyện về khoa học cắt xén (building blocks) của Newton và Descartes, cái nhìn của tôi có tính cách thực dụng khi làm việc trong một phòng thí nghiệm hay khi phải tìm ra giải đáp cho những vấn đề của cuộc sống.
Ở đây tôi xin chia sẻ trước hết về cách tìm giải pháp của sở nghiên cứu tôi làm trước những vấn đề nan giải. Sở tôi đã cho các kỹ sư học kỹ thuật 5 cái tại sao và áp dụng kỹ thuật này vào những vấn đề nan giải (tức là phải tiếp tục hỏi tại sao 5 lần) (the technique of the 5 WHY).
Trong một cuộc thí nghiệm ở sở làm mà tôi được giao lãnh trách nhiệm đo đạc, một hôm tôi phải đo hai lần một thí nghiệm trong đó tất cả các yếu tố cấu tạo cuộc đo được giữ y nguyên (tức là không có thay đổi) trong hai thời điểm liên tục cạnh nhau. Thế mà kết quả đo lại khác nhau. Và năm câu hỏi đặt ra đã dắt tôi tìm được nguyên nhân chính (đây là trường hợp đo kết quả sức cản của gió trên một chiếc xe hơi trong một hầm gió):
Tại sao kết quả sức cản khác nhau qua 2 thí nghiệm trong khi tất cả yếu tố khác được giữ y nguyên?
Hiệu số (“coefficient”) của sức cản của gió được tính từ số đo sức gió bởi một cái cân và vận tốc của gió. Xem lại thì thấy vận tốc gió không đổi nhưng sức đẩy đo bởi cân khác nhau.
Thế thì tại sao sức đẩy đo bởi cân khác nhau trong hai thí nghiệm giống nhau?
Cân đây được làm bởi một cái dây bé tí được gọi nôm na là dây đo sự giãn nở (tiếng Anh là strain gauge). Sự giãn nở của sợi dây kim loại này có ảnh hưởng trên một yếu tố chính khác là điện trở của dây (resistance, đo bằng ohms). Điện trở này thay đổi tùy vào bề dài của dây. Sự thay đổi về bề dài của dây kim loại nhỏ này khi bị căng (khi có sức kéo của gió lên thanh cân) làm thay đổi điện trở của dây (resistance hay ohms). Đo được điện trở của dây ta sẽ tính được sức đẩy của gió nếu mình đã cẩn thận hiệu chỉnh (calibrate) cái dây đo này trước bằng những cân chính xác. Mặt khác, bề dài của sợi dây kim loại này cũng có thể giãn nở khác nhau tùy vào nhiệt độ không khí xung quanh dây.
Thế thì tại sao dây đo lại cho kết quả khác nhau dù sức gió không thay đổi?
Xem lại nhiệt độ trong hầm chứa xung quanh dây đo giãn nở, chúng tôi tìm ra là nhiệt độ này đã không giống nhau qua hai thí nghiệm liên tục.
Tại sao nhiệt độ trong hầm chứa lại khác nhau?
Đi tìm sâu thêm vào tại sao một hầm kín và được bao bọc bởi những vật liệu cách nhiệt như vậy mà nhiệt độ lại khác nhau trong một thời gian ngắn giữa hai thí nghiệm, chúng tôi tìm ra là nhiệt độ bên ngoài hôm đó quá lạnh và có nhiều gió to và tùy vào sức gió bên ngoài hầm gió cũng như chiều hướng thay đổi của sức gió, nhiệt độ trong phòng cân đã thay đổi trong hai thí nghiệm. Và đây là lý do sâu xa giải thích được sự khác biệt kết quả của hai thí nghiệm mà hiệu số trên nguyên tắc phải giống nhau. Và cuối cùng giải pháp nhanh chóng nhất (giải pháp ngắn hạn) cho buổi thí nghiệm hôm đó là chúng tôi đặt thêm mười mấy cái quạt máy nhỏ trong hầm cân để điều hòa nhiệt độ trong phòng và giữ cho nhiệt độ không đổi. Giải pháp dài hạn là chúng tôi sẽ tìm cách cô lập (isolate) phòng chứa cân hiệu quả hơn để gió và nhiệt độ bên ngoài không làm thay đổi nhiệt độ phòng chứa cân.
Đến đây, ví dụ trên cho chúng ta thấy là chỉ mới hỏi đến câu hỏi thứ tư chúng ta đã tìm được câu trả lời cho vấn đề nan giải đang được quan tâm.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là: bạn có thể dùng cách đặt những câu hỏi theo “kỹ thuật 5 tại sao” này trong những vấn đề phức tạp hơn trong cuộc sống không? Theo kinh nghiệm của tôi thì tôi thấy không dễ và còn tùy trường hợp. Đây nhé, chúng ta hãy lấy một thí dụ về sự chia tay của cặp tình nhân trẻ và đặt những câu hỏi để đi tìm nguyên nhân:
Tại sao cuộc tình duyên của hai người trẻ đó tan vỡ?
Tại vì cô nàng bỏ chàng trai theo một một thanh niên khác.
Tại sao em lại bỏ anh để theo cái thằng “phải gió” đó? (lúc mình giận lên thì mình gọi đối phương của mình là thằng phải gió và đây là cách nói rất chủ quan của người trong cuộc, một cách dùng từ rất Việt Nam).
Và câu trả lời đầu tiên đến từ cô gái: vì em gặp một thằng bạn mới nó vừa đẹp “giai” vừa không bủn xỉn như anh.
Tức là thằng phải gió ấy nó có tán tỉnh em và chính em cũng chưa bao giờ yêu anh thực sự. Vì cô nàng, còn trẻ, chạy theo tình yêu qua cái bề ngoài hào nhoáng và cách tiêu tiền của chàng đối với nàng (yêu kiểu này quả thật nguy hiểm và chết người). Ở đây câu trả lời cho cái tại sao thứ nhì cho chúng ta thoáng thấy ngay nguyên nhân việc nàng bỏ chàng ra đi. Nhưng nó cũng cho thấy đây là một tình yêu không chín chắn, một tình yêu hời hợt (frivole). Và đi xa hơn thì ta thấy chính chữ yêu nó cũng đã rất phức tạp rồi và hàm số yêu chắc chắn là một hàm số tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không đơn giản như trường hợp cái cân trong hầm gió.
Thành thử kỹ thuật 5 cái tại sao không dễ áp dụng khi đem vào những bài toán xã hội trong đó có sự sinh hoạt của cái tâm con người. Vì cái tâm đó có tới 51 tâm sở phức tạp luôn sẵn sàng gây khó khăn hơn cho ta trong việc đi tìm nguyên nhân. Trong một vấn đề có tính cách xã hội nhân quần, ta cần đặt nhiều câu hỏi và nhìn sâu hơn. Từ đó có thể ta sẽ tìm được những giải pháp.
Xin nhắc đến thảm kịch Tiên Lãng đã gây sự chú ý rộng lớn trong và ngoài nước. Có hơn cả trăm bài viết về tin tức vụ Tiên Lãng, gồm những bài được gọi là “lề trái” cho đến những bài được xem là “lề phải” và lại có những bài được gọi là “chính thống”. Những tin tức và những phản biện từ những “lề” khác nhau này đôi khi trái ngược nhau đưa đến những cái nhìn về nhiều khía cạnh khác nhau trong vụ án Tiên Lãng. Vừa qua có một bài viết xuất sắc là bài của Tiến Sĩ Hoàng Xuân Phú đăng trên blog “Anh Ba Sàm”, mang tựa đề “một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng - Hải Phòng” đặt nghi vấn về sự trong sạch của guồng máy chính quyền Hải Phòng.
TS Phú qua bài viết đã phân tích rất tỉ mỉ những lời kết luận của (cựu) Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về thảm kịch Tiên Lãng. Ông Hoàng Xuân Phú đưa ra những lời kết luận đanh thép như: “…bộ máy cầm quyền ở Hải Phòng…băng hoại…” và “…không thể để bộ máy cầm quyền ở Hải Phòng định đoạt số phận gia đình ông Đoàn Văn Vươn…”. Ông Phú viết thêm:
“…Huyện ủy Tiên Lãng đã triệu tập 300 đảng viên đến để tuyên truyền, phổ biến những thông tin sai trái, hoàn toàn bóp méo sự thật về những gì đã và đang xẩy ra trên đất Tiên Lãng và không thấy có đảng viên nào lên tiếng công khai phản đối. Trong thể chế mà Đảng CSVN lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, sự kiện kể trên cho thấy bộ máy cầm quyền ở Tiên Lãng đã mục ruỗng và không thể hy vọng gì từ đó. Để cho bộ máy cầm quyền ở Tiên Lãng rơi vào tình trạng thối nát và ngang nhiên hoành hành như vậy, không thể coi bộ máy cầm quyền của thành phố Hải Phòng - cấp trên trực tiếp của huyện Tiên Lãng - là vô can và trong sạch”…
Đây là những câu kết luận rất nặng kí. Bài của TS Hoàng Xuân Phú là một gáo nước lạnh dội vào bộ máy cầm quyền Hải Phòng. Nhưng cho những người còn tin tưởng vào việc giải quyết công minh của nhà nước, biến cố Tiên Lãng nếu được nghiên cứu tường tận sẽ giúp nhà nước tìm ra nguyên nhân của căn bệnh trầm kha của xã hội Việt Nam hiện nay là bệnh tham nhũng. Những nguyên nhân tìm được sẽ đưa đến những giải pháp. Cũng như những bác sĩ chẩn bệnh, những triệu chứng do căn bệnh gây ra trên cơ thể bệnh nhân giúp người thầy thuốc chẩn bệnh chính xác hơn. Thảm kịch Tiên Lãng đem đến rất nhiều dữ kiện cho người thầy thuốc (nhà nước) nếu vị thầy thuốc này có quyết tâm diệt trừ căn bệnh. Và ngoài sự quyết tâm đó, tìm ra những giải pháp thích đáng cho vụ Tiên Lãng còn đòi hỏi một cuộc điều tra nghiêm túc, một sự tìm tòi nhìn sâu. Nhìn sâu để hiểu. Khi hiểu thấu đáo rồi thì việc giải quyết công bằng sẽ dễ như trở bàn tay nếu chúng ta có trong tay đầy đủ những công cụ điều hành cần thiết. Và ở đây chúng ta sẽ gặp một số trở ngại lớn vì cơ chế điều hành không hoàn hảo và còn có những thiếu sót trầm trọng. Một trong những thiếu sót lớn về công cụ điều hành là tính độc lập của hệ thống luật pháp Việt Nam.
Trong tiến trình tố tụng và xử án ở các xứ bên trời Âu Mỹ, bất cứ một vụ án lớn nào như vụ án Tiên Lãng đều phải có sự hiện diện của một bồi thẩm đoàn (membres du jury) hoàn toàn độc lập với phe tố tụng và phe bị cáo. Và ông tòa (chánh án) xử án dựa trên kết luận của bồi thẩm đoàn. Bộ luật hình sự hiện nay ở Việt Nam tương đối khá tốt nhưng cách xử án ở VN hiện tại có tính cách thiên vị guồng máy nhà nước vì bị chính guồng máy này kiểm soát (Tòa Án Nhân dân nhận chỉ thị của Viện Kiểm sát Nhân dân và VKSND nhận chỉ thị từ Bộ Chính trị). Chúng ta chỉ cần xem lại lời tuyên bố sơ khởi của bà Chánh Án Tòa Án Nhân Dân thành phố Hải Phòng về vụ Tiên Lãng để đoán trước vụ án Tiên Lãng sẽ được xét sử như thế nào hoặc xem lại những vụ tố tụng và xử án trong quá khứ để thấy cách xử án bất công của hệ thống luật pháp nước ta, tỉ dụ điển hình là vụ xử linh mục Nguyễn Văn Lý hoặc vụ bắt “giam” không có án của bà Bùi Thị Minh Hằng.
Trở ngại to tát thứ hai là sự sợ hãi. Chiến tranh dai dẳng mà nước ta đã gánh chịu qua rất nhiều năm. Thêm vào đó, khi chiến tranh chấm dứt, người dân hai miền đã phải sống qua những áp lực và khó khăn gây ra bởi những chính sách hậu chiến tranh của nhà nước, tạo cho người dân từ Nam chí Bắc một nỗi lo âu sợ hãi. Và đây là một căn bệnh của người Việt chúng ta, nó ăn vào xương vào tủy của rất nhiều người Việt Nam. Thêm vào đó, sự lạm quyền (và nhất là sự lộng quyền) của những quan chức địa phương như các vị chủ tịch các ủy ban nhân dân tỉnh huyện xã làm người dân bình thường lo sợ thêm mỗi khi thấy bóng dáng của các vị này và nhất là khi chính mình bị mời lên làm việc ở một văn phòng bộ công an. Sự sợ hãi này sẽ làm cho những nhân chứng quan trọng trong bất cứ vụ án nào ở Việt Nam im hơi lặng tiếng. Họ sợ dây vào thì sẽ bị liên lụy sau đó vì những đe dọa hoặc những cuộc trả thù thẳng tay. Câu hỏi được đặt ra ở đây là nhà nước (vị thầy thuốc chữa bệnh tham nhũng) có chính sách nào để lấy đi sự sợ hãi của người dân trước bộ máy của nhân viên an ninh (tức là cảnh sát và công an) nhà nước? (hay là nhà nước ngược lại đang củng cố sự sợ hãi này để dễ trị dân và giữ trật tự trong nước?). Ngoài ra cách dùng những nhân viên dân sự (không làm việc cho nhà nước) mà các báo lề trái thường gọi là xã hội đen (hay côn đồ) để áp đảo dân biểu tình kêu oan hay để dẹp “loạn” là việc thường thấy nhắc đến rất thườg xuyên trên những báo lề trái này.
Trở ngại thứ ba là tự do báo chí ở trong nước. Chúng ta có hơn mấy trăm tờ báo chính thống trên mạng nhưng không tờ báo nào cho chúng ta những tin tức có thể tin cậy được hoàn toàn trừ những tin vô thưởng vô phạt thường nhật như tai nạn xe cộ hay những án mạng trong nước. Tìm những bài phân tích tự do về cách cai trị và điều hành guồng máy quốc gia của nhà nước rất khó. May thay nhờ vào sự có mặt hiện nay của truyền thông trên mạng (cái được gọi là Internet), những blogs độc lập trong nước đã tạo được một thành quả rất lớn trong việc đem ánh sáng công luận trong vụ Tiên Lãng (TL). Các blogs “không chính thống” này đã gây sự chú ý và nhất là sự quan tâm của rất nhiều người trong và ngoài nước. Sự quan tâm rộng lớn này cũng có thể là một lý do đã thúc đẩy (cựu) Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng “thân chinh” dự phần vào việc xử lý thảm kịch TL.
Nói tóm, một thay đổi trong cơ chế nhà nước về luật pháp để hệ thống luật pháp được độc lập, một chính sách cai trị dùng nhân viên công lực ngay thẳng và có lòng nhân ái, và sự nới rộng về tự do báo chí là ba điều cần phải làm theo suy luận của tôi để xây dựng một xã hội an lành hơn. Tôi không biết quý độc giả và nhà nước có đồng ý với suy luận của tôi hay không, và tôi cũng không biết nhà nước có muốn thực hiện ba việc này hay không.
N.D.V.Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét