Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Nhà cộng sản Nguyễn Thiện Nhân

Nhà cộng sản Nguyễn Thiện Nhân

Đỗ Thành Nhân
27-4-2019
Trong bài viết này: “nhà cộng sản” được hiểu là “nhà lãnh đạo đảng cộng sản”.
I. Nhà cộng sản
Ông Nguyễn Thiện Nhân được đào tạo ở Đức, Mỹ; hiện nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TP.HCM; ông đã trải qua một quá trình là một nhà khoa học với học vị là Tiến sĩ Điều khiển học, là nhà giáo với học hàm Giáo sư Kinh tế. Nhưng qua dư luận xã hội thấy ông nổi bật với vai trò là một “nhà cộng sản” nhiều hơn.
Những dấu ấn khó quên “nhà cộng sản” Nguyễn Thiện Nhân chắc chắn sau này sẽ được ghi trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam cũng giống như những tiền nhân đã sinh ra nó. Xin đánh giá mấy sự kiện nổi bật mang dấu ấn Nguyễn Thiện Nhân mà người dân TP.HCM và cả nước (có thể cả nhân loại) sẽ không bao giờ quên cho đến đến thời điểm hiện nay là:
* Một: Chính quyền đã cưỡng chế, chiếm đất đai của người dân Vườn rau Lộc Hưng đang sinh sống ở đó nhiều thế hệ từ những năm 50 thế kỷ 20. Việc tổ chức thực hiện cưỡng chế lấy sạch đất đai, san ủi nhà cửa vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2019 đã tước đi quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân; quyền được sum họp, thờ cúng tổ tiên trong những ngày Tết cổ truyền.
* Hai: Chính quyền quyết dời lư hương trước tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo đúng vào ngày 17/2/2019 – ngày kỷ niệm 40 năm quân dân ta đánh trả cuộc chiến tranh xâm lược bởi Trung Quốc ở biên giới 6 tỉnh phía bắc Việt Nam.
Nên nhớ, Lư hương trước tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo đã tồn tại hơn 50 năm. Dời lư hương làm cho người dân mất đi một chốn linh thiêng bày tỏ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, sự biết ơn tiền nhân có công giữ nước và mở mang bờ cõi.
* Ba: Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hứa với Bộ Chính trị, Chính phủ không để biểu tình diễn ra ở TP.HCM trước ngày kỷ niệm 30/4 và 1/5; xem bài viết trên Báo Thanh Niên (1).
Trong khi:
– Nhờ những cuộc xuống đường, tuần hành, biểu tình của các tầng lớp nhân dân (có cả Phật giáo), đặc biệt là ở đô thành Sài Gòn – Gia Định góp phần làm cho chế độ Việt Nam Cộng hòa suy yếu; để từ đó những người cộng sản mới có được chiến thắng ngày 30/4/1975.
– Nhờ những người công nhân lao động trên toàn thế giới xuống đường, bãi công, biểu tình đấu tranh giành quyền lợi với giới chủ và buộc họ phải nhượng bộ; để từ đó mới có được ngày 1/5/1886 – được chọn làm ngày Quốc tế Lao động.
Lời hứa của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trước Bộ Chính trị đã tạo điều kiện “miễn giảm” cho các tầng lớp nhân dân, công nhân lao động của TP.HCM – là đô thị đặc biệt, lớn nhất nước – không phải thực hiện quyền được hiến định là “biểu tình” theo Điều 25 Hiến pháp 2013 (2). Quyền “biểu tình” cũng là quyền con người tối thiểu theo Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền 1948 (3) và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (4) mà Việt Nam tham gia năm 1982.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc gặp mặt, Ảnh: Trung Hiếu/ TN
***
II. Trường đào tạo cộng sản
Pol Pot học ở Pháp, Kim Jong-un học ở Thụy Sĩ; còn ông Nguyễn Thiện Nhân thì học ở Đức, Mỹ. Các quốc gia Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Mỹ đều là các quốc gia phát triển về giáo dục.
Thực tế cho thấy, dù cho những quốc gia phát triển, có đào tạo cỡ nào đi nữa, thì môi trường đào tạo cộng sản vẫn tốt hơn, đã cho ra những nhà cộng sản đúng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và Mao Trạch Đông.
Ông Nguyễn Thiện Nhân sinh năm 1953 ở Trà Vinh, năm 1954 theo gia đình tập kết ra Bắc. Tuy “nói giọng Bắc nhưng là người miền Nam” nên ông Nguyễn Thiện Nhân cũng biết về miền Nam trước đây, giai đoạn 1954-1975 dưới chính thể Việt Nam cộng hòa:
– Mặc dù chế độ Mỹ-Ngụy đã kiềm kẹp, đàn áp, bóc lột nhân dân miền Nam một cách dã man;
– Mặc dù chính quyền Việt Nam cộng hòa chỉ là chính quyền bù nhìn, tay sai, bán nước.
Nhưng “đế quốc Mỹ và tay sai” vẫn để cho người dân miền Nam, trong đó có thành phố Sài Gòn được những quyền tối thiểu của con người là: tự do BIỂU TÌNH và tự do BÁO CHÍ(ngôn luận).
Phải nói là ông Nguyễn Thiện Nhân đã được trải qua một môi trường đào tạo cộng sản nghiêm túc mới có được những quyết sách như vậy (Một, Hai, Ba – phần I)!
Nếu đánh giá tư tưởng của những người lãnh đạo hiện tại qua hành động thực tế của họ, thì ông Nguyễn Thiện Nhân là nhà cộng sản chân chính và cũng … chuyên chính.
Phân tích theo tư duy logic của ngành điều khiển học:
Trong khi: Việt Nam vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; ông Nguyễn Phú Trọng tuổi cao sức yếu; ông Nguyễn Thiện Nhân hiện nay là Bí thư TP.HCM; nhân dịp này dư luận viên, tuyên giáo và các thành phần khác nên ủng hộ (hay đề nghị, đề xuất, bầu cử, …) ông Nguyễn Thiện Nhân lên làm Tổng bí thư luôn.
Lúc đó, Tổng bí thư Nguyễn Thiện Nhân sẽ đến Lăng Ba Đình: hứa với Chủ tịch Hồ Chí Minh không có biểu tình ở Việt Nam.
Tiếp theo là sửa Hiến pháp 2013, ít nhất một phần hay toàn bộ nội dung là Điều 25.
Sau khi nắm quyền tối cao, với trình độ Giáo sư Tiến sĩ, tài năng lãnh đạo quốc gia của nhà cộng sản Nguyễn Thiện Nhân chắc chắn không thua kém những người cũng được đào tạo ở Châu Âu như Pon Pol ở Campuchia hay Kim Jong-un ở Bắc Triều Tiên: ông sẽ sớm đưa Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội.
_____
Ghi chú: 
(1). Bài viết trên Báo Thanh Niên (18:10 – 26/04/2019), tuy nhiên Báo Thanh Niên đã gỡ bài, các báo khác đăng lại: https://bizlive.vn/thoi-su/bi-thu-nguyen-thien-nhan-tphcm-hua-voi-bo-chinh-tri-se-khong-co-bieu-tinh-3504254.html
Trích nguyên văn:
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM hứa với Bộ Chính trị sẽ không có biểu tình
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho hay TP.HCM sẽ có những biện pháp chống biểu tình và đã hứa với Bộ Chính trị, Chính phủ không để biểu tình diễn ra ở TP.HCM.
Chiều nay 26.4, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM gặp mặt cán bộ cấp tướng nghỉ hưu tại TP.HCM nhân kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2019).
Đến dự cuộc gặp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang, lãnh đạo Quân khu 7 cùng hơn 70 vị tướng đại diện cho 112 vị tướng nghỉ hưu và đang sinh sống ở TP.HCM.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu một số thành tựu về kinh tế – xã hội mà TP.HCM đạt được trong năm 2018 và quý 1.2019.
Trong đó, TP.HCM đang tập trung mọi giải pháp để phát huy về việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.
“Chúng ta cần phải làm vì TP.HCM có biểu tình thì ảnh hưởng đến cả nước”
Liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng ở TP.HCM mà một số đại biểu đặt ra, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân điểm lại một số cuộc biểu tình đã diễn ra ở TP.HCM, trong đó đáng chú ý là cuộc biểu tình diễn ra trong năm 2014 và tháng 6.2018.
Từ đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành ủy, UBND TP.HCM yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM xây dựng phương án chống biểu tình, trong đó có phương án chống biểu tình bằng xe máy và đưa người từ các tỉnh về TP.HCM biểu tình…
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân để biểu tình không thể diễn ra, thì chính quyền cần có phương án sẵn sàng ứng phó, truyền thông tiếp cận tuyên truyền người dân không tham gia biểu tình, tách những người dẫn dắt biểu tình và biện pháp xử lý…
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay hết tháng 6.2018, TP.HCM thống kê có khoảng 600 người dẫn đầu, dẫn dắt, tổ chức biểu tình để có phương án phụ trách từng người, khi có biểu hiện lôi kéo, tụ tập sẽ có biện pháp xử lý ngay.
Những người kêu gọi ra đường biểu tình cũng sẽ bị chính quyền, đoàn thể nhắc nhở ngay.
Do cách làm này, nên theo ông Nguyễn Thiện Nhân, thời gian gần đây những đối tượng tổ chức biểu tình không thể kêu gọi, tổ chức biểu tình được nữa. Từ tháng 6.2018 đến nay ở TP.HCM không có biểu tình.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nói tiếp: “Sau tháng 6.2018, chúng tôi hứa với Bộ Chính trị, hứa với Chính phủ là TP.HCM sẽ không có biểu tình.
Chúng ta cần phải làm vì TP.HCM có biểu tình thì ảnh hưởng đến cả nước. Chúng ta đã cam kết và đã làm được điều đó”.
“Điều 25: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
(3) Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền 1948(Universal Declaration of Human Rights – UDHR)
(4) Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét