Lãnh đạo thế giới đến TQ dự Diễn đàn Vành đai, Con đường
Các lãnh đạo thế giới đang tụ hội về Bắc Kinh, bắt đầu từ thứ Năm để tham dự kỳ họp thượng đỉnh về sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc, giữa lúc dự án này đang ngày càng bị nhiều chỉ trích.
Dự án cơ sở hạ tầng này nhằm mở rộng các liên kết thương mại toàn cầu.
Sáng kiến của Trung Quốc đã tài trợ cho các đường tàu, đường bộ và cảng biển ở nhiều nơi, nhưng đồng thời cũng khiến cho nhiều nước mắc nợ.
Một số người coi đây là nỗ lực mạnh mẽ của Bắc Kinh trong việc gây ảnh hưởng địa chính trị. Đặc biệt, Hoa Kỳ đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về cái gọi là "ngoại giao vay nợ".
Các quan chức Trung Quốc đã tìm cách giải tỏa những quan ngại quanh dự án của Chủ tịch Tập Cận Bình, được trông đợi là sẽ đi cùng các khoản đầu tư trị giá hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Trong ngày đầu tiên khai mạc diễn đàn tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn nói Trung Quốc muốn sáng kiến Vành đai, Con đường là một dự án bền vững, và muốn ngăn ngừa các nguy cơ nợ nần.
Hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu rằng Vành đai, Con đường không phải là một "khái niệm địa chiến lược" mà là một phần trong nỗ lực xây dựng "một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai, giữa các quốc gia trên toàn cầu".
Trong số các lãnh đạo từ 37 quốc gia và nhiều quan chức tới dự kỳ họp thượng đỉnh kéo dài ba ngày có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, đã lên đường tới Bắc Kinh hôm 25/4, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Ý gần đây đã trở thành quốc gia phát triển đầu tiên ký kết tham gia chương trình Vành đai, Con đường, làm dấy lên những quan ngại từ phía các đồng minh của Rome.
Chính phủ các nước phương Tây, nhất là Hoa Kỳ, đang ngày càng lo lắng về sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Bẫy nợ?
Các nước được hưởng lợi từ dự án cũng tỏ ra ngày càng cảnh giác hơn.
Sri Lanka, Malaysia và Pakistan đều đã bày tỏ quan ngại về dự án.
Các nước được nhận tài trợ lo sợ về những khoản nợ chồng chất và về ảnh hưởng gia tăng từ Trung Quốc.
Sri Lanka là quốc gia bị đặc biệt ảnh hưởng - nước này đã phải trao quyền kiểm soát một cảng biển cho Trung Quốc hồi 2017 để đổi lấy việc được hỗ trợ trả các khoản vay nước ngoài.
Tin liên quan
- Trung Quốc kiểm soát nền kinh tế châu Âu tới mức nào?
- Trung Quốc muốn đem Vành đai Con đường sang Ý
- Ý tham gia Đường Tơ lụa mới của TQ
- TQ nêu các biện pháp thúc đẩy kinh tế và tăng chi phí quốc phòng
- TQ có dự án kinh tế tham vọng cho Vùng Vịnh Lớn
- TQ đang tạo gánh nặng cho Châu Phi bằng nợ nần?
- Trung Quốc sau 40 năm Cải cách 'muốn mua hết giám sát hết'
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét