Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Tăng nhân ‘sám hối’ không đáng lo bằng Thủ tướng ‘rã rời’

Tăng nhân ‘sám hối’ không đáng lo bằng Thủ tướng ‘rã rời’

Trân Văn
26-4-2019
Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN
“Bọn phản động lưu vong” không nên giữ sự “rã rời” như bảo vệ tài sản cá nhân mà cần quảng bá ý kiến, nỗ lực của Thủ tướng Việt Nam, kích động thủ tiêu các tiêu chuẩn định tính, định lượng mức độ văn minh của một quốc gia, tiến bộ của một xã hội cho thiên hạ cùng biết để cảnh giác…
***
Thành hội Phật giáo Hải Phòng vừa yêu cầu Đại đức Thích Bản Phúc, trụ trì chùa Trung Hành (tọa lạc tại phường Đằng Lâm, quận Hải An), phải “sám hối chư tăng” (một trong những hình thức kỷ luật được xem là nghiêm khắc nhất dành cho các tu sĩ Phật giáo), vì hành xử khiếm nhã với phật tử và sử dụng bia rượu (1)…
Cuối tuần trước, một phật tử kể trên facebook của cô rằng, cô và một người bạn vừa bị Đại đức Thích Bản Phúc đuổi ra khỏi sân chùa khi họ dùng điện thoại chụp cảnh chùa. Theo tường thuật thì nguyên văn lời của tăng nhân trụ trì là thế này: Chúng mày cút ngay ra khỏi chùa, nếu không tao thả chó cắn nát mặt chúng mày bây giờ (2)…
Ở Hải Phòng, Đại đức Thích Bản Phúc là một tăng nhân vốn đã nổi tiếng từ lâu vì ăn nói hàm hồ, hành xử kỳ quái, không có phong thái cần thiết mà người ta mong được thấy nơi một người tu hành. Theo Chủ tịch phường Đằng Lâm thì dân chúng trong vùng thất vọng tới mức, từng kiến nghị điều chuyển Đại đức Thích Bản Phúc đi chùa khác!
Chùa Trung Hành vốn là một cổ tự. Cổ tự này cùng với miếu Trung Hành ở bên cạnh đã được xếp hạng là di tích văn hóa quốc gia nhưng cổng chùa chưa bao giờ rộng mở cho cả Phật tử lẫn du khách. Thậm chí ngay cả khi phật tử đang cúng bái, trụ trì vẫn thản nhiên dọn lễ vật của họ ra ngoài cho cảnh chùa “sạch sẽ”…
Để làm rõ thực hư, phóng viên tờ Tuổi Trẻ đã đến chùa Trung Hành, phỏng vấn Đại đức Thích Bản Phúc. Trụ trì ngôi chùa vừa uống bia, vừa tiếp chuyện. Tựu trung: Ông là người… quản lý vấn đề tâm linh, “ai nhờ lễ bái, hành đạo, đám ma đám mung… thì đáp ứng”. Những chuyện khác, xấu hay tốt thì tùy… miệng Phật tử (3).
Chuyện Đại đức Thích Bản Phúc làm người ta liên tưởng đến… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc…
***
Cũng cuối tuần trước, ông Phúc – Thủ tướng Việt Nam lại khuấy động dư luận khi video clip ghi lại buổi gặp gỡ giữa ông và một nhóm người Việt tại Cộng hòa Séc (Czech), nhân dịp ông đến Praha (thủ đô của Czech), thăm quốc gia này trong ba ngày (từ 16 đến 18 tháng 4), được đưa lên mạng xã hội.
Video clip đó gây náo động vì phát biểu của Thủ tướng Việt Nam có hàng loạt yếu tố mà tự chúng thóa mạ lẫn nhau, thóa mạ toàn bộ hệ thống mà ông là thành viên.
Ông Phúc nhấn mạnh, chính quyền Việt Nam “rất tự hào” vì cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói chung và cộng đồng người Việt ở Czech nói riêng “tự vươn ra, tự khẳng định”, ngoài chuyện “có tiền, còn yêu quê hương, đất nước”. Ông Phúc đề nghị người Việt sống ở bên ngoài Việt Nam “xây dựng cộng đồng lớn mạnh để giám sát, hạn chế tối đa những tổ chức chống đối đất nước”, đồng thời “kêu gọi những người ‘hướng thiện’ hướng tới quê hương, đất nước” và khuyến cáo những người khác hãy “quay về con đường lương thiện, lo làm ăn, xây dựng quê hương, đất nước hơn là chống đối”. Để minh họa, ông Phúc dẫn chuyện ông Trump – Tổng thống Mỹ – từng ve vẩy cờ đỏ sao vàng khi đến Việt Nam để gặp Chủ tịch Bắc Hàn, kèm nhận định, hành động ấy của Tổng thống Mỹ khiến “bọn phản động, lưu vong rã rời chân tay”…
***
Cứ như lời Thủ tướng Phúc trong video clip vừa kể thì quê hương, đất nước chỉ của người Việt trên danh nghĩa. Trong nhận thức của ông Phúc, quê hương, đất nước cũng giống hệt như… chùa Trung Hành! Tiếng là của bá tánh song những chuyện lẽ ra là đương nhiên như vãn cảnh, lễ bái,… bắt buộc phải đúng ý của trụ trì.
Bởi tự ban cho mình quyền “quản lý vấn đề tâm linh”, Đại đức Thích Bản Phúc chỉ đáp ứng chuyện “nhờ lễ bái, đám ma, đám mung” chứ không màng đến những nhu cầu khác của phật tử và công chúng. Thành ra, trụ trì chùa Trung Hành không bận tâm đến chuyện phật tử nghĩ gì, công chúng mong gì. Với tăng nhân ấy, đó là chuyện… tùy miệng!
Ở vị trí “quản lý vấn đề tâm linh”, Đại đức Thích Bản Phúc xem chuyện dẹp lễ vật của Phật tử khi họ đang cúng bái là quyền có tính… tất nhiên để bảo đảm “sạch sẽ” đúng ý của ông. Thủ tướng Phúc và các đồng chí cũng chẳng khác gì, cho nên, phân tích – bình luận về thực trạng, góp ý cải sửa, đề nghị tôn trọng, thực thi các tiêu chí chung của cộng đồng quốc tế về dân chủ, nhân quyền vốn tất nhiên nhưng vẫn là… bất thiện.
Ai cũng biết lề lối quản trị – điều hành quốc gia là lý do chính khiến người Việt đã, đang, cũng như sẽ còn lũ lượt dắt díu nhau bỏ xứ tha phương cầu thực, kể cả những người Việt từng góp mồ hôi, nước mắt, máu kiến tạo Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoặc từng sinh ra và lớn lên dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN.
Lịch sử hình thành và đặc điểm của cộng đồng người Việt tại Czech nói riêng và các cộng đồng người Việt khác tại khu vực Đông Âu nói chung chính là những bằng chứng sinh động, rõ ràng nhất cho thảm trạng này. Cho nên “tự hào” vì người Việt “tự vươn ra, tự khẳng định” tại Czech nói riêng và các xứ sở khác nói chung chính là đỉnh cao của sự trâng tráo!
Kêu gọi công dân hoặc thường trú nhân đang cư trú trên lãnh thổ của những quốc gia khác “giám sát, hạn chế” quyền tự do biểu đạt thông qua diễn ngôn, sách báo, bày tỏ thái độ bằng những hành động phản kháng phi bạo lực trong các cộng đồng gốc Việt, có khác gì kích động để thủ tiêu các tiêu chí văn minh, tiến bộ trên bình diện quốc tế, vốn đã được cả cộng đồng quốc tế, lẫn chính quyền các quốc gia sở tại cam kết bảo hộ bằng luật pháp?
Xét cả về tính chất lẫn mức độ, sự càn rỡ của Đại đức Thích Bản Phúc (dọa thả chó cắn nát mặt khách vãn cảnh chùa Trung Hành nếu không ra khỏi chùa ngay lập tức) rõ ràng là thua xa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi ông kêu gọi người Việt sống ở xứ người, “giám sát, ngăn chặn” quyền tự do biểu đạt của những người Việt khác, bất kể đó là chuyện cấm kỵ đối với phần còn lại của nhân loại và bị luật pháp sở tại nghiêm cấm.
Người Việt lắc đầu khi Đại đức Thích Bản Phúc bộc tuệch, bộc toạc về “đám ma, đám mung”, trách tăng nhân này theo con đường tu tập mà không tu thân. Thiên hạ chắc chắn cũng sẽ lắc đầu khi biết Thủ tướng Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thúc giục “giám sát, ngăn chặn” quyền tự do biểu đạt ở bên ngoài Việt Nam và định tính thiện lương là… không chống đối hệ thống chính trị, hệ thống công quyền!
Bi kịch lớn nhất của Đại đức Thích Bản Phúc là tăng nhân này tự đồng hóa mình với “tâm linh”, xem “tâm linh” là tối thượng, khi đã có quyền quản lý thì nói sao, làm gì cũng như… Phật, nên không cần nghĩ, không thèm cẩn trọng, chẳng cần tôn trọng ai. Đó cũng là gốc rễ dẫn tới bi kịch Việt Nam, ông Phúc và các đồng chí tự đồng hóa họ với “quê hương, đất nước” thành ra quản trị ra sao, điều hành thế nào thì cũng vẫn là đỉnh của… thiện lành, bất khả tư nghị – không ai có quyền bình phẩm, góp ý.
Nếu ngoan ngoãn đi theo ông Phúc và các đồng chí mới là… “hướng thiện”, còn bao nhiêu người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam muốn “hướng thiện”? Bao nhiêu người Việt từng tìm đủ cách thoát khỏi Việt Nam, nay đang cư trú bên ngoài Việt Nam, đủ dại dột để thực thi lời kêu gọi của ông Phúc “giám sát, ngăn chặn” quyền tự do biểu đạt của người khác và trở thành tội phạm, giống như vài người Việt ở Đức, ở Czech vừa thân bại danh liệt, tán gia bại sản do “hướng thiện” mà tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?
Cho dù ông Phúc mạnh mẽ diễn dịch, việc Tổng thống Mỹ ve vẩy cờ đỏ sao vàng khi đến Việt Nam để gặp Chủ tịch Bắc Hàn, nhân tiện gặp ông Phúc, khiến “bọn phản động, lưu vong rã rời chân tay” nhưng xét cho kỹ vẫn đừng dại mà… “hướng thiện”. Nhận định “bọn phản động, lưu vong rã rời” của ông Phúc đúng ở một điểm: Bọn phản động, lưu vong rã rời! Quê hương như thế, dân tộc như thế làm sao không rã rời? Tâm trạng rã rời ấy đã có từ rất lâu chứ không phải ông Trump ve vẩy cờ mới rã rời đâu ông Phúc ạ!
Chú thích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét