Chuyện của bên thắng và bên thua cuộc (Phần 2)
2-4-2019
Tiếp theo phần 1: Bác Hiền. Phần 2: Chuyện tù cộng sản của một người lính VNCH
Chỉ một ngày sau 30/4, chính quyền mới đã cho loa gọi những binh lính VNCH ra trình diện để “nhận khoan hồng, về sống với gia đình”. Họ ra rả nói về chính sách hoà hợp hoà giải, toàn những điều tốt đẹp.
Chỉ được ở với gia đình 4 ngày thì bác Hiền bị gọi lên tập trung, không ngờ ngày đó bắt đầu cho 13 năm địa ngục trần gian. Tháng 12/1976, bác Hiền cùng hàng ngàn người tù bị đưa ra Bắc bằng tàu thuỷ, đi từ Tân Cảng.
Họ bị nhét vào một con tàu chở hàng. Con tàu đó có 3 khoang, trước đó một khoang chở than, một khoang chở xi măng, và một khoang chở vôi. Thì nay mỗi khoang nhốt 500 người như chở súc vật, ngồi chồng lên nhau, nằm chồng lên nhau. Ai ở khoang vôi thì đầu tóc người ngợm trắng phớ, khoang than thì đen xì, khoang xi măng thì người bạc phếch.
Cứ hai người còng vào nhau bằng một chiếc còng tay, người này đi vệ sinh thì người kia cũng phải đi theo. Có một câu chuyện đau lòng, khi bước qua cầu để lên tàu, một người trong số họ đã trượt chân ngã xuống biển, thế là người kia cũng rơi theo. Cai tù dửng dưng đứng nhìn họ vùng vẫy rồi chết chìm, không đếm xỉa đến việc cứu người.
Cả khoang 500 người chỉ có 2 cái xô để đi tiểu, và để nguyên đó cả ngày mới cẩu cái xô đi đổ một lần. Có lần không may cái xô bị rớt, nước tiểu đã cũ đổ tung toé vào đầu vào mặt mọi người.
Tàu đến Hải Phòng là 3 ngày 4 đêm, những ngày đêm không tắm rửa, thức ăn thì đầy cát. Từ Hải Phòng bác Hiền bị đưa đi Lào Cai, tiếp tục những ngày lao động khổ sai.
Một lần làm việc trong rừng, bắt chuyện với một người kiểm lâm đã từng vào Sài Gòn sau năm 75, bác Hiền hỏi ông ấy:
“Ông thấy Sài Gòn thế nào?”
“Ôi, chẳng khác nào thiên đường, rất hiện đại và thứ gì cũng có. Trước kia tôi tưởng khác cơ”. Người ấy trầm trồ.
Năm 1978 bác Hiền bị đưa về Tân Lập, Vĩnh Phúc.
Những người tù bị vắt kiệt sức lao động, ăn uống đói khát, nên chết nhiều lắm. Họ chết vì đói, vì kiệt sức chứ không bệnh tật gì, cứ 10 người thì khoảng 2 đến 3 người chết. Không mấy ngày không có người chết. Có những người sáng không thấy dậy đi làm, mở màn ra gọi thì đã chết từ khi nào. Có người đang làm việc thì chết vì say nắng.
Một chiếc ao nhỏ ở trại tù được dùng làm nơi tắm gội chung cho cả người tù và trâu bò, phân nổi lềnh bềnh.
Trung tá Văn Lạc được vợ từ Miền Nam ra thăm và tiếp tế. Đói khát kham khổ đã lâu, nên khi ăn những thức ăn ngon vợ gửi vào, ông Lạc đã bị ỉa chảy, không được cấp cứu, ông Lạc chết ngay sáng hôm sau.
Trung tá phi công Phạm Bình Minh ngã bệnh vì kiệt sức. Khi vợ ông đến thăm, quản giáo không cho gặp mà hẹn đến hôm sau. Đêm hôm đó ông chết, không đợi được đến sáng gặp vợ. Người vợ để thể hiện tình cảm sắt son với chồng, đã đi làm tấm bia cho chồng, đọc một bài thơ, rồi chị cắt phăng mái tóc dài đặt lên mộ chồng.
Biết bao những câu chuyện đau thương trong những trại tù ấy, xung quanh những thân phận ấy. Tử thần luôn rình rập họ bất kể ngày đêm.
Bác Hiền và những người sống sót được một phần là do họ bấu víu vào niềm hi vọng rằng họ sẽ được quốc tế cứu ra. Riêng bác Hiền cứ luôn nhẩm câu thơ của Nguyễn Công Trứ khi bị đi đày:
“Còn Trời còn đất còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này?”
Có lẽ ta đâu mãi thế này?”
Tháng 4/1982, bác Hiền cùng nhiều người tù được đưa về Nam bằng tàu lửa, tiếp tục 5 năm tù tại Đồng Nai. Trên tàu lửa họ vẫn bị xích tay hai người một vào nhau.
Nhưng có một chuyện lạ. Tàu chạy qua các ga miền Bắc, biết trên đó là những người tù VNCH, những người bán hàng rong ở dưới đã tới tấp ném đồ ăn lên tàu cho họ, nào là đậu phộng, dưa hấu, bánh kẹo…, bất cứ thứ gì trong rổ hàng mà họ đang bán. Nhưng tất cả đều bị đám áp giải tù ném lại xuống, những người tù đói khát không được nhận một thứ gì.
Qua chuyện này mới thấy rõ, bảy năm sau chiến tranh, nhận thức của người dân Miền Bắc đã thay đổi nhiều, họ không còn coi những người lính VNCH là kẻ thù, là xấu xa độc ác như họ từng bị nhồi sọ.
Chuyện của bác Hiền dài lắm, nhưng fb không phải chỗ kể dài, tôi sẽ kể thêm ở những bài viết khác.
Bác Hiền ra tù năm 1988, sau 13 năm khổ sai đày đoạ. Năm 1993 bác được sang Mỹ theo diện HO. Dẫu cuộc sống nay bình yên đủ đầy, nhưng nỗi đau thương quê, thương nước đã khiến bác không thể vô tư hưởng yên vui.
(Còn nữa)
Phần 3: CHUYỆN CỦA MỘT CAI NGỤC CỘNG SẢN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét