Quốc hội đánh giá tín nhiệm, có thể tham khảo ý kiến người dân như lời Thủ tướng?
RFA
2018-10-24
2018-10-24
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cử tri trao đổi với Đại biểu Quốc hội về mức độ tín nhiệm ai đó như thế nào là quyền của công dân, là chuyện bình thường, được pháp luật bảo vệ?? Sự thật lâu nay ở Việt Nam có như lời Thủ tướng Phúc hay không?
Chỉ mang tính cảnh báo, nhắc nhở
Lần đầu Quốc hội Việt Nam tiến hành lấy phiếu tín nhiệm là vào năm 2013, có 47 chức danh chuẩn được đưa ra đánh giá. Lần thứ hai là vào tháng 11 năm 2014, có 50 chức danh đã được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Và kỳ này là lần thứ ba lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh.
Tin cũng cho biết, kể từ Quốc hội khóa XIV, sẽ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 10 năm 2018, Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết:
Cái thủ tục này là nhằm cảnh báo, nhắc nhở, điều chỉnh nhiều hơn là sự đánh giá mang tính chất quyết định cho cái vị trí của nhân vật đó.
-ĐBQH Dương Trung Quốc
“Theo tập quán chung, theo thông lệ thì việc lấy phiếu tín nhiệm thường có 2 nấc thôi, là tín nhiệm và không tín nhiệm, và cũng thường là lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân vật mà có những sự cố, có những sự việc cần đưa ra để đánh giá thôi. Chứ còn ở Việt Nam là lấy tất cả những đối tượng đối với Quốc hội là Quốc hội bầu, đối với tổ chức dân cử khác như địa phương là Hội đồng nhân dân bầu. Cái thứ hai là có ba mức khác nhau là ‘tín nhiệm cao’, ‘tín nhiệm’ và ‘tín nhiệm thấp’. Nếu mà ‘tín nhiệm thấp’ mà quá bán thì mới bước sang một khâu là bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm. Lúc đó mới quyết định là sự tín nhiệm có được ở lại vị trí cũ hay không? Nói như thế là cái thủ tục này là nhằm cảnh báo, nhắc nhở, điều chỉnh nhiều hơn là sự đánh giá mang tính chất quyết định cho cái vị trí của nhân vật đó.”
Theo ông Dương Trung Quốc, lần lấy phiếu tín nhiệm này về cơ bản cũng như hai lần trước, chỉ có khác là các hồ sơ được gởi đến các đại biểu quốc hội sớm hơn. Nhưng hồ sơ chỉ dừng lại là những bản báo cáo của cá nhân về những việc đã làm trong thời gian đã qua. Ông nói tiếp:
“Cá nhân tôi quan niệm là, các con số tuyệt đối nó không phản ánh đúng sự thật. Tất cả những nhân vật đó ở những vị trí rất khác nhau, rất khó so sánh được người này với người kia. Tôi lấy thí dụ là các vị làm trong quốc hội chẳng hạn, thì khi thể hiện rất là khó. Một trong các đánh giá là công việc làm luật, nếu mà nói bảo một cái bộ luật kém chất lượng, bị xã hội phê phán đánh giá, thì rất khó để mà quy trách nhiệm cho ai trong gần 500 lá phiếu, trong đó có cả tôi. Tôi cũng phải chịu trách nhiệm một phần trong quyết định cuối cùng khi ban bố bộ luật ấy.”
Rất khó có thể lấy ý kiến cử tri
Tại cuộc họp báo diễn ra vào sáng 22 ngày 10 năm 2018, trước thềm kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về việc liệu cử tri có quyền công khai nói với vị Đại biểu Quốc hội đại diện cho mình, là nên đánh giá tín nhiệm cao hay thấp cho một vị lãnh đạo nào đó mà họ quan tâm hay không, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cử tri trao đổi với Đại biểu Quốc hội về mức độ tín nhiệm ai đó như thế nào là quyền của công dân, là chuyện bình thường, được pháp luật bảo vệ??
Từ Đà Nẵng, Nhà báo Trương Duy Nhất đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Có tín nhiệm và mức bao nhiêu thì tôi cho rằng đó là hình thức, là mị dân. Trước hết thì quy định lấy phiếu như thế nào và đối tượng như thế nào thì tôi không rõ, nhưng như trường hợp một nhà báo như tôi, khi đó là năm 2013, lần đầu quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, thì để hưởng ứng việc lấy phiếu tín nhiệm của quốc hội thì trên website của tôi, tôi đã mở một hộp thư điện từ, tôi mở một cái trang để bạn đọc người ta vào. Tôi cho rằng ý kiến bạn đọc thì cũng như là kiểu bây giờ tham khảo ý kiến người dân. Thì ý kiến bạn đọc của tôi cũng là ý kiến người dân. Thì khi đó có mấy triệu lượt bạn đọc vào trang đó người ta có ý kiến, người ta bỏ phiếu tín nhiệm điện tử trên cái trang của tôi. Nhưng bên an ninh lại cho rằng đó là một trong 12 bài là chứng cứ để kết tội tôi và kết án tôi hai năm tù.”
Nhà báo Trương Duy Nhất nêu ví dụ như trường hợp Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ, làm cho nền giáo dục Việt Nam bê bết, tai tiếng mà vẫn làm bộ trưởng giáo dục mặc dù có ý kiến dư luận yêu cầu từ chức:
“Đó là những ý kiến, của chúng tôi có được lắng nghe không? Tôi cho là không được lắng nghe. Còn cái bỏ phiếu trong quốc hội thì thật ra quốc hội của mình là trên 90% là đảng viên. Mà đại biểu quốc hội thì toàn kiêm nhiệm hết, bên này nói bên kia rồi cả nể, nể nang lẫn nhau, thì tôi cho rằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm nó chỉ là hình thức chứ không thực tế.”
Nhận xét về câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam cho rằng:
Người ta có ý kiến, người ta bỏ phiếu tín nhiệm điện tử trên cái trang của tôi. Nhưng bên an ninh lại cho rằng đó là một trong 12 bài là chứng cứ để kết tội tôi và kết án tôi hai năm tù.
-Nhà báo Trương Duy Nhất
“Vấn đề không phải là chỗ ông ấy nói, mà thực tế người ta đã tiến hành như thế nào? Tôi thấy họ nói là cái bỏ phiếu thì không có phiếu ‘bất tính nhiệm’, mà chỉ có ‘rất tín nhiệm’, ‘tín nhiệm’ và ‘tín nhiệm ít’… có nghĩa là tất cả đều tín nhiệm. Như cái bài diễn văn khai mạc của bà Chủ tịch Quốc hội, thì cái gì cũng đẹp hết, nhưng thực tế nó không phải như vậy. Riêng cái chuyện ấy thôi cũng thấy rằng người ta rất sợ sự thật, và người ta rất sợ lòng dân.”
Theo ông Dương Trung Quốc, các Đại biểu quốc hội ở cương vị đại diện cho cử tri, nhưng thực chất rất khó có thể lấy ý kiến cử tri về việc đánh giá tín nhiệm. Bởi vì những gì báo cáo, nhân thân thì Đại biểu quốc hội cũng được tiếp cận một cách rất hạn chế vì đó là tài liệu mật, làm sao có thể công bố cho người dân biết được. Làm sao để thu thập ý kiến người dân.
Thông thường tại các nước văn minh, sự tín nhiệm của người dân vô cùng quan trọng, nó bảo đảm sự hợp pháp của quyền lực chính trị. Muốn biết sự tín nhiệm của người dân như thế nào đối với một vấn đề gì đó, chính phủ phải tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên không dễ thực hiện việc này, vì vậy các quan chức chính phủ cần phải được bỏ phiếu tín nhiệm bởi các vị dân biểu.
Nhưng sự tín nhiệm hay bất tín nhiệm của các vị dân biểu chưa chắc đã trùng hợp ý nguyện của người dân. Vì vậy đôi khi chính phủ một quốc gia có quyền giải tán quốc hội để tổ chức bầu cử lại. Nếu người dân vẫn bầu lại cho lãnh đạo chính phủ hay đảng của chính phủ đương nhiệm, thì có nghĩa chính phủ đã vượt qua được sự bất tín nhiệm của quốc hội. Tuy nhiên cũng có khi ý nguyện của người dân và của quốc hội đã hoàn toàn giống nhau.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đưa ra nhận định:
“Tôi nghĩ tín nhiệm hay không tín nhiệm thì ngay cả các nước như tôi được biết thì cũng không làm đại trà. Ví dụ có những vấn đề gây sự cố hay có những vấn đề gây bức xúc toàn xã hội hay đánh giá của cả nội các thì có thể có. Chứ hàng năm hay một nhiệm kỳ đem ra đánh giá thì cũng chẳng nước nào làm. Vì thế tôi cho rằng trong tương lai, cái việc giám sát này, dù dưới hình thức nào, nó phải phản ánh đúng nguyện vọng của người dân.”
Theo nhà báo Trương Duy Nhất, nếu thủ tướng nói người dân có quyền là một cái kênh để quốc hội tham khảo trong việc bỏ phiếu tín nhiệm, thì ông đề nghị quốc hội và chính phủ nên xin lỗi những người mà chính phủ đã bắt bỏ tù như ông, vì ông là người với tư cách công dân và nhà báo đã từng lên tiếng để giúp quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trước đây, từ năm 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét