Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Bản tin ngày 30-10-2018

Bản tin ngày 30-10-2018

Tin Biển Đông
Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông, Trung Quốc cảnh báo nước ngoài không can thiệp, theo RFA. Ngày 29/10/2018, trong buổi họp báo ở Manila, Philippines, Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ John Richardson phát biểu, “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra ở khu vực Biển Đông trong chương trình tự do hàng hải nhằm thách thức những đòi hỏi quá đáng trong vùng nước tranh chấp”.
Cũng tại Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng cảnh báo “các nước bên ngoài khu vực đang gây bất ổn ở vùng nước tranh chấp và phô diễn sức mạnh” và kêu gọi “Trung Quốc và các nước Châu Á nên cùng nhau chống lại sự can thiệp bên ngoài“.
VOA dẫn lời tân Bộ Trưởng Ngoại giao Philippines: ASEAN, TQ khó đạt bộ quy tắc ràng buộc về Biển Đông. Ông Teodoro Locsin đánh giá: “Có lẽ chúng ta sẽ không thể đi đến một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý”. Phải chăng ông Locsin thấy rằng cộng đồng ASEAN vẫn chưa đủ sức mặt đối mặt với Trung Quốc?
Trang Viet Times dẫn lời PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà: Lịch sử cần phải được mô tả một cách khách quan như nó từng diễn ra. Đây là một bài viết hiếm thấy trong môi trường báo chí “lề đảng”, thừa nhận vai trò của các chính thể Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa trong lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông. 
Ông Hà cho biết: “Những đóng góp của chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại, cũng như Việt Nam Cộng hòa trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng được ghi vào trong bộ quốc sử”, là một bộ sách sử đang được biên soạn, “gồm 25 tập, từ khi dựng nước đến năm 2015”.
Quan hệ Việt – Trung
Báo Người Việt có bài: Ngô Xuân Lịch sang Bắc Kinh ‘thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu’. Chuyện bộ máy truyền thông CS đưa tin ông Ngô Xuân Lịch gặp viên tướng Hứa Kỳ Lượng và cam kết rằng, Việt Nam vẫn là “đồng chí” gần gũi với Trung Quốc, ưu tiên quan hệ quốc phòng Hà Nội – Bắc Kinh, bài viết nhận định: 
“Cơ quan thông tấn chính thức của CSVN lờ đi chuyện Trung Quốc đã đe dọa đánh chiếm các đảo của Việt Nam hồi giữa năm ngoái nếu Hà Nội không hủy bỏ việc tìm kiếm dầu khí tại lô 136.3 bãi Tư Chính trên thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam”.
Dự thảo của Bộ GD&ĐT: Sinh viên bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học
Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT với nhiều quy định trời ơi, làm mọi người sững sờ, trong đó có quy định: Sinh viên bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học. Dự thảo quy định, nếu sinh viên bán dâm lần đầu trong suốt khóa học sẽ bị khiển trách, lần thứ hai sẽ bị cảnh cáo, lần thứ ba bị đình chỉ có thời hạn và lần thứ tư mới bị đuổi học.
Theo báo Lao Động, quy định này chỉ dành riêng cho sinh viên ngành “sư phạm”: Sinh viên sư phạm bán dâm đến… lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học. Không rõ sinh viên các ngành khác thì sao? Chẳng hạn như sinh viên ngành công an, thì được phép bán dâm tới mấy lần mới bị đuổi học?
Giấy phép bán dâm do ông JB Nguyễn Hữu Vinh thiết kế
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn có quy định cho sinh viên về việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội như: “Xử lý đối với sinh viên đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy; xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân; xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước trên mạng Internet“, cũng như “tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định của pháp luật“.
Trang Zing có bài: Sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học: Quy định gì kỳ vậy? LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng, quy định này trái với điều 4 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, do Quốc hội ban hành năm 2003. Ông Hậu nói: “Đã cấm thì làm gì có lần thứ nhất hay lần thứ tư. Người hoạt động mại dâm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự dù là lần thứ nhất hay thứ hai. Theo tôi, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định như thế này trong dự thảo là đang làm trái luật“.
Nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh lưu ý tới trường hợp các cô giáo bị chính quyền điều động đi tiếp khách như chuyên xảy ra ở Hà Tĩnh, Hải Dương… rằng nếu có bị bắt quả tang, cũng sẽ không bị tính một lần bán dâm. Ông Vinh nói, quy định này “thể hiện được tinh thần của ‘thời đại rực rỡ nhất’ của dân tộc ta là thời đại Hồ Chí Minh“.
Vụ GS Chu Hảo bị kỷ luật và phong trào bỏ đảng
Sau một loạt đảng viên công khai thoái đảng, đến lượt ông Chu Hảo tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản VN. Ông Hảo nhận định, đảng CSkhông có tính chính danh, hoạt đổng không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại“.
VOA thống kê: Ít nhất 13 trí thức bỏ Đảng sau ‘hiệu ứng Chu Hảo’. Theo bài viết, trong số 13 người này có người cho rằng, đảng CS đang đi sai đường và sẽ còn nhiều người công khai bỏ đảng. Một số tên tuổi vừa bỏ đảng, gồm: Giảng viên ĐH Khoa Học Tự Nhiên Trần Thanh Tuấn, trung uý Quân Đội Nguyễn Hữu Chiến, cựu phó chủ tịch huyện Bình Chánh Hà Quang Vinh, Giảng viên Học viện Âm nhạc Huế Dương Bích Hà, đảng viên trẻ Nguyễn Việt Anh, Luật sư Lê Văn Hòa, nhà văn Mai Tú Ân.
Facebooker Sương Quỳnh thống kê, tính đến cuối ngày hôm qua, đã có 13 người bỏ đảng, trong đó có bạn trẻ Elvis Vương, cũng vừa tuyên bố bỏ đảng hôm qua: “Tiếp bước GS Chu Hảo. Tôi cũng từ bỏ đảng cộng sản được 3 năm. Từ năm 2015 đến nay. Mong tất cả DV còn lại hãy thức tỉnh“.
Elvis Vương là người vừa tuyên bố bỏ đảng
Nhà báo Nguyễn Hùng có bài đăng trên VOA: Giáo sư Chu Hảo và tờ Quân hại nhân dân, bàn về một bài viết trên báo Quân Đội Nhân Dân công kích GS Chu Hảo. Hiệu ứng bỏ đảng đã bắt đầu từ ngày 26/10, nhưng đến ngày 29/10, truyền thông “lề đảng” mới bắt đầu “hoàn hồn” để đáp trả. Có một “trí thức” phía đảng không có bằng chứng, luận cứ nhưng vẫn tuyên bố: “Tôi đảm bảo trình độ của ông này không bằng mấy bạn trẻ mới 18 tuổi mà tôi đang dạy cách làm báo”.
Trong nỗ lực tiếp tục phê phán GS Chu Hảo, VTV bàn về đảng viên và trách nhiệm với đất nước, trong đó dẫn lời PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng đã là đảng viên CS thì phải nhất mực trung thành với chế độ và “gương mẫu” với quần chúng, giọng điệu điển hình của những tuyên truyền viên có “học vị”, “học hàm” từ thế kỷ trước.
Nghèo khổ vì mạnh ai nấy phá… 
Một thảm họa cho nền kinh tế Việt Nam từ hàng triệu tỷ đồng đầu tư công: “Gần như không có câu trả lời hiệu quả thấp hay cao”, theo báo Dân Trí. Bức tranh kinh tế – xã hội ngày càng ảm đạm nhưng những “công bộc” của dân vẫn loay hoay tìm hiểu xem một loạt dự án hiệu quả hay không. Vậy là họ đang đánh bạc chứ không phải đang đầu tư, thậm chí là đánh bạc bằng đồng tiền xương máu của người dân. 
VOV dẫn lời ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nhận định: “Hiếm có nước nào phân bổ đầu tư công dàn trải như Việt Nam“. Bà Mai nói: “Kinh nghiệm các nước cho thấy, nguồn lực đầu tư từ phía Nhà nước hầu như chỉ tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, toàn xã hội. Ví dụ như ở Australia đầu tư vào sân bay, còn ở Hàn Quốc thì tư nhân làm đường cao tốc”. Hơn nữa, tiềm lực kinh tế của Việt Nam không thể sánh với hai quốc gia này, còn mức đầu tư dàn trải và không hiệu quả thì hai quốc gia này không thể sánh với Việt Nam.
Mời đọc thêm: Đầu tư công còn dàn trải, nhiều dự án không hiệu quả (ND). – Hàng triệu tỷ đồng đầu tư công: “Gần như không có câu trả lời hiệu quả thấp hay cao” (DT). – Các dự án “tùy tiện” để lại hậu quả lớn (SGGP). – ‘Không quốc gia nào mỗi tỉnh, thành phố có một dự án như Việt Nam’ (VNE). – Phân bổ ngân sách cho các dự án: Công bằng không có nghĩa là cào bằng (VTV). – TS. Vũ Tiến Lộc: Ngân sách cân đối vẫn phụ thuộc nhiều vào bán đất, bán tài sản công (TTT/ CafeF). – Quốc hội đang giảm dần tranh luận?(VnEconomy). – 23 DN nợ hơn 14,5 tỷ đồng, ngành Thuế Can Lộc không thể cưỡng chế (HT).
… và tình hình ngân sách cạn kiệt, nợ ngày càng tăng
Báo Tuổi Trẻ có bài: Nợ nước ngoài sắp chạm trần. Chính quyền CSVN công bố số liệu “nợ công khoảng 61,4% GDP, nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia (gồm nợ vay, bảo lãnh của Chính phủ và các thành phần kinh tế vay theo hình thức tự vay tự trả) tương đương 49,7% GDP trong khi trần nợ vay là 50% GDP”. Tuy nhiên, những con số trên được đánh giá là ngụy tạo để ổn định lòng dân.
Nợ nần chồng chất, áp lực trả nợ nước ngoài tăng cao, nguồn thu từ thuế, phí có giới hạn. Thu không đủ chi, nên chính quyền CSVN không ngừng bán tài sản của nhân dân như: Đất công, khoáng sản, doanh nghiệp… Trong cơn cùng quẫn, CS bày thêm nhiều mưu kế để vơ vét vàng và USD của dân. Vấn đề này tiếp tục được báo Lao Động nhắc lại: Làm thế nào “đánh thức” 60 tỉ USD đang nằm trong dân?; và VTC trấn an bằng bài viết: Huy động vàng trong dân: Cán bộ làm gương trước, dân sẽ noi theo.
Khả năng sắp có một cuộc “đánh tư sản” mới, với mục tiêu thu gom vàng và ngoại tệ trong dân, đã được các nhà phân tích đề cập lâu nay. Có điều, trong thời đại thông tin ngày nay, CS không dám làm liều như xưa nữa, nhưng ngân sách không còn đủ để trả nợ, cũng như để duy trì bộ máy khổng lồ, cho nên họ không còn nhiều lựa chọn.
Bao che đảng viên sai phạm
Báo Lao Động đưa tin: Dự án giao thông 6.300 tỉ sai phạm “khủng”, chỉ rút kinh nghiệm rồi được tái bổ nhiệm. Cụ thể, Giám đốc Ban quản lý Dự án 3, thuộc Tổng cục Đường Bộ, ông Nguyễn Xuân Trường tham nhũng hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn thông đồng, giao cho các nhà thầu không đủ tiêu chuẩn thi công, bỏ qua các yêu cầu an toàn và chất lượng. Với những vi phạm nghiêm trọng, ông được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) cho phép “rút kinh nghiệm” và tái bổ nhiệm chức danh Giám đốc Ban Quản lý Dự án 3.
Báo Văn Hóa đặt câu hỏi Khánh Hòa: Nhiều dự án lấn biển nghiêm trọng, cán bộ chỉ bị xử lý… qua loa? Cán bộ bắt tay, cho doanh nghiệp bất động sản lấn biển, phá hủy môi trường sinh thái, cảnh quan của tỉnh. Tuy nhiên, tất cả đều được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bao che. Một cán bộ nghỉ hưu chỉ bị xử lý với hình thức “khiển trách. Các cán bộ còn tại vị thì chưa có hình thức kỷ luật nào vì “chưa tới mức kỷ luật”.
Vụ cao tốc 34.000 tỷ thấm dột
Dù cao tốc 34.500 tỷ bị thấm dột, Bộ GTVT vẫn cho thu phí trở lại, theo Zing. Một số chuyên gia xây dựng và tài xế nhận định rằng, tuyến cao tốc này mới đưa vào khai thác hơn một tháng đã liên tục xảy ra sự cố và “hàng chục cầu, cống chui thấm dột thì chứng tỏ công trình có vấn đề về chất lượng. Việc trả phí vì thế là bất hợp lý”.
Báo Lao Động có bài: Bộ trưởng Bộ GTVT tránh né nói về dự án 34.000 tỉ kém chất lượng. Trong lúc giải trình một số vấn đề trước QH sáng 29/10, ông Nguyễn Văn Thể hầu như không đề cập đến dự án cao tốc hơn 34.000 tỉ đồng chất lượng kém, nhưng vẫn trình bày về một số dự án khác đốt tiền không kém như sân bay Long Thành.
Báo Tiền Phong dẫn lời ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam: Cao tốc 34 nghìn tỷ đồng vừa hoàn thành đã hỏng là ‘sự lãng phí lớn’. Nào chỉ dự án này, khắp nơi trên cả nước còn hàng loạt dự án như thế, các dự án được bày ra để có lý do tham nhũng, kèm theo lãng phí và thất thoát, kết quả là người dân ôm đang một đống nợ, chẳng biết bao giờ mới trả cho xong.
Môi trường ô nhiễm
Báo Dân Trí đăng tải phóng sự: Người dân kinh hãi trước sai phạm to bằng… quả núi của doanh nghiệp khoáng sản! Theo bài viết, “bất chấp các quy định pháp luật, bất chấp luôn tính mạng và tài sản của người dân, Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang ngang nhiên đổ thải tràn lan tạo thành quả núi phế thải khổng lồ sau khi khai thác than tại mỏ Bố Hạ, Yên Thế (Bắc Giang)”.
Báo Môi Trường và Đô Thị đặt câu hỏi: UBND xã Đông Dư buông lỏng quản lý để DN hoạt động trái luật? Cụ thể, Công ty cổ phần Trọng Phụng ở Hà Nội hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nhưng UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Đông Dư lại không có biện pháp xử lý, làm ngơ các vi phạm. Mặc dù người dân gửi đơn tố cáo, kêu cứu nhiều nơi nhưng chính quyền nói “chỉ ảnh hưởng một tý”.
Báo Dân Việt đưa tin: Cá chết tiếp tục nổi trắng mặt hồ điều hòa ở Hạ LongTheo phóng viên, cá chết nổi trắng 4 hồ nước điều hòa, dòi bọ, bốc mùi hôi thối: “Nước hồ có màu xanh sẫm bốc mùi hôi khó chịu. Quanh hồ nhiều cống nước thải sinh hoạt nước đen kịt liên tục chảy vào”. Người dân cho biết, nhiều khu dân cư xung quanh không có nhà máy xử lý nước thải, xả trực tiếp ra các hồ. Khi được hỏi, chính quyền địa phương trả lời chưa biết vụ việc trên.
Thực phẩm bẩn
Vụ ngộ độc thực phẩm tại Sài Gòn, có đến 55 người nhập viện, báo Pháp Luật Plus đưa tin. Đa số nạn nhân là trẻ em, với các triệu chứng đau bụng, ói, tiêu chảy. Những người này đã ăn bánh mì chà bông gà mua từ một cửa hàng trên địa bàn. Cơ sở cung cấp chà bông bị phát hiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở bánh mì cũng không đủ các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để hoạt động. 
Trang Khỏe 365 đưa tin Đắk Lắk: Bắt quả tang một cơ sở chế biến nước chấm, tương ớt và gia vị ‘bẩn’Tại cơ sở sản xuất, “các loại nước chấm, tương ớt và gia vị không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng sản phẩm ớt xay và chất phụ gia trong chế biến thực phẩm đã hết hạn sử dụng”. Nơi sản xuất nằm cạnh nhà vệ sinh, ô nhiễm, công ty này còn xả thải trực tiếp ra môi trường.
***
Thêm một số tin: Nhìn vào người đứng đầu biết vận mệnh của đảng, của quốc gia  —  Phiên xử thứ hai đối với Vũ Nhôm dự kiến diễn ra vào ngày 27 tháng 11 (RFA). – Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Huế (BBC). – Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam gửi tâm thư đến Thủ tướng: Không thể để taxi công nghệ “lách luật”, tạo bất bình đẳng trong kinh doanh (LĐ). – Vụ cha bồng con chạy khắp bệnh viện tìm bác sĩ: Kíp trực tranh thủ ăn cơm? (LĐ). – Vụ biệt thự ca sĩ Mỹ Linh: ‘Phải xử nghiêm cán bộ tiếp tay’(DS). – Tiếp tục điều tra sai phạm thi THPT quốc gia 2018 tại nhiều tỉnh (DT). – Kỷ luật chủ tịch huyện vì “nợ như chúa chổm”  —  Nghệ An: Thân nhân khiếu nại vì bị cắt chế độ thờ cúng liệt sĩ (LĐ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét