Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Từ một khảo sát chính trị

Từ một khảo sát chính trị

Thi Phương
29-10-2018
Theo một khảo sát công phu về sự lựa chọn chính trị của người Mỹ gốc Á trước cuộc bầu cử giữa mùa vào ngày 6-11 sắp đến, người gốc Việt đứng đầu trong tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump đương nhiệm. Khảo sát này được thực hiện bởi tổ chức phi đảng phái cổ động quyền bầu cử cho Người Mỹ gốc Á và người Mỹ trên đảo Thái Bình Dương (Asian/Pacific Island Americans Vote) và Viện Nghiên cứu Người Mỹ gốc Á và Người Mỹ trên đảo Thái Bình Dương (AAPIData), tiến hành từ ngày 23/8 đến 4/10 năm 2018 với 1.316 cử tri gốc Á tham gia, trong đó có 219 cử tri gốc Việt.
Nói rõ ràng và chính xác hơn về kết quả khảo sát này, có bảy nhóm được nghiên cứu, gồm Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Phi Luật Tân, và các nhóm còn lại, thì người Việt là cộng đồng duy nhất ủng hộ ông Trump, và ủng hộ với một đa số rõ ràng 64%. Có thể nhắc rằng khi thăm dò người Mỹ nói chung, ông Trump chỉ được khoảng 40% ủng hộ, và đa số thành phần này là người Cộng Hòa, da trắng!
Các cộng đồng khác thì không có mấy thiện cảm với tổng thống, tỷ lệ ủng hộ cao nhất là Phi Luật Tân (48%), các nhóm Mỹ gốc Á (36%), Triều Tiên (32%), Ấn Độ (28%), Trung Quốc (24%) và Nhật Bản (14%). Ngược lại, những con số về tỷ lệ người không đồng tình với ông Trump cũng đáng suy nghĩ tương tự: người Mỹ gốc Nhật đứng đầu với 72%, người Hoa 70%, người Ấn và người Triều Tiên bằng nhau (66%), người Á tứ xứ 58%, người Phi 48% và người Việt chúng ta 32%. Có tới 3/5 cử tri gốc Á (58%) không ủng hộ ông Trump, nhất là cử tri trẻ trong độ tuổi từ 18-34. Lứa tuổi có học hơn và tỷ lệ tham gia lao động cao nhất. Nói cách khác, phần lớn người theo ông Trump thuộc thế hệ trung niên đến lão niên (trên 40). Sự lựa chọn như thế là rõ ràng. Nhưng giải thích không phải dễ.
Để có thể hiểu vì sao người Mỹ gốc châu Á có sự lựa chọn như thế, cùng trắc nghiệm sự hiểu biết của họ về chính trị Mỹ, người ta hỏi thêm một câu: họ có ý kiến thuận lợi hay không thuận lợi về bà Hillary Clinton. Bà Clinton là vợ của Tổng thống Bill Clinton (1993-2000), và từng là thượng nghị sĩ liên bang (2001-2008), rồi là ngoại trưởng cho Tổng thống Barack Obama. Bà ra tranh cử tổng thống năm 2016 đại diện cho đảng Dân Chủ mà đối thủ Cộng Hòa là Donald Trump, một nhà kinh doanh đầu tư địa ốc và sân khấu giải trí, chưa hề “làm chính trị” (hiểu theo nghĩa đã tranh cử hay đảm nhận một chức vụ gì trong chính quyển). Bà bị ông Trump đánh bại – được xem là bất ngờ – vì bà thắng trong số phiếu phổ thông (popular vote) nhưng thua ở số phiếu cử tri đoàn (electoral college) quyết định.
Tại sao người ta hỏi người dân có thích bà Clinton hay không cho dù bầu cử tổng thống đã được hai năm rồi và bà Clinton đã rửa tay gác kiếm. Có lẽ là vì, tuy bà Clinton nay đã đúng 71 tuổi (sinh ngày 26-10-1947) và có lẽ bà cũng đã mỏi mệt (đàn bà sống lâu hơn đàn ông chừng 6-7 tuổi, nhưng cũng già sớm hơn), không ra nữa, nhưng ông Trump vẫn cứ nhất quyết xem bà là kẻ thù của ông. Vẫn luận điệu về “crooked Hillary”, vẫn nói người Nga không “thông đồng” (collusion) với ông (dù họ có tiếp xúc với người của ông, con ông, rễ ông ngay tại Trump Tower), họ chỉ thông đồng với bà Clinton để phá … bà Clinton!
Người Phi Luật Tân là người có tỷ lệ không ưa bà cao nhất: 48% (có lẽ họ đã mỏi mệt vì mấy bà Ferdinand Marcos, Corazon Aquino, Gloria Macapagal Aroyo). Sau đó là người Việt, nhưng tỷ lệ chỉ có 38%. Đáng nói là tỷ lệ số người Việt có thiện cảm với bà là 36% – hầu như xấp xỉ với số người ghét bà. Vì sao người ta ghét bà, có thể vì bà là vợ của một tổng thống Dân Chủ trong khi phần lớn người Việt có thể ái mộ tổng thống Cộng Hòa hơn.
Vì sao người ta ưa bà chắc chắn là vì người ta không ưa ông Trump, và vì sao không ưa ông Trump, câu hỏi đó không thực sự là cần thiết. Nhưng ta cũng nên ghi nhận hai con số: 10% những người chưa bao giờ nghe đến bà, và 14% không biết bà là thế nào. Những con số đó nói lên điều gì? Người Việt chúng ta không ít người ở trong tình trạng “thiếu thông tin”, không biết gì lắm về chính trị Hoa Kỳ – không nói gì đến những chuyện phức tạp hơn như lịch sử, văn hóa dân chủ của Mỹ để suy nghĩ về hai câu hỏi “Who Were We” và “Who Are We”.
Trừ người Phi và người Việt có tỷ lệ người không thiện cảm với bà Clinton cao hơn tỷ lệ thiện cảm (người Phi: 44-48; người Việt: 36-38), những người châu Á khác đều thích bà nhiều hơn ghét bà (Ấn Độ: 72-24, Triều Tiên: 58-30; Nhật Bản: 58-30; người châu Á khác (Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Miến Điện…): 50-34, Trung Quốc: 44-32). Cũng đáng để ý có đến 22% người Hoa không biết hay không có ý kiến về bà mặc dù bà đã từng đi Bắc Kinh, Thượng Hải nhiểu lần trong gần hai thập niên.
Nên để ý rằng cộng đồng người Hoa tại Mỹ cũng có tỷ lệ di dân cao, giống như người Việt, nghĩa là người mới đến nhiều, người không sinh ra tại Mỹ có thể đến hơn 50%. Thiện cảm của người châu Á đối với bà Clinton cũng vì một số lý do: bà Clinton thuộc đảng Dân Chủ, và đảng Dân Chủ vốn có tiếng không kỳ thị người da vàng, da nâu, da màu…; đảng Dân Chủ có lập trường cởi mở về vấn đề di dân so với đảng Cộng Hoà, đảng Dân Chủ cũng có một số chủ trương thích hợp với người di dân châu Á hơn, như vấn đề y tế, kiểm soát súng đạn chẳng hạn; những người châu Á không ưa tư cách và một số chủ trương “quốc xã” của ông Trump nên quay về với bà Clinton.
Làm sao để giải thích sự lựa chọn chính trị của một cộng đồng người thiểu số như các sắc dân gốc các nước châu Á chẳng hạn. Ví dụ như tại sao người Mỹ gốc Hoa không đồng tình với đường lối của Tổng thống Trump, trong khi đó người Mỹ gốc Việt lại ưu ái ông Trump thấy rõ? Trong tính cách “nghiên cứu nghiệp dư”, chúng ta có thể xét một vài đặc tính có thể kết luận về những cộng đồng Mỹ gốc Á này. Ví dụ như mức độ hội nhập của một cộng đồng. Mức độ hội nhập này đương nhiên tùy thuộc vào tỷ lệ di dân trong cộng đồng, có nghĩa là bao nhiêu người sinh quán ở ngoài nước Mỹ, nên được xem là “di dân”, bao nhiêu sinh trên đất Mỹ và đương nhiên là công dân Mỹ (Bởi thế nhiều phụ nữ mang thai người Hoa và nay cả người Việt ưa bắt chước vẫn thích du lịch ở Mỹ, trước mua vui sau con có ngay quốc tịch Mỹ). Yêu tố này cũng phần nào định đoạt được trình độ học vấn, văn hóa, kiến thức, kinh nghiệm của thành viên một cộng đồng thiểu số đối với nước “chủ nhà”.
Nói một chuyện đơn giản nhất là trình độ nói, đọc và viết tiếng Anh của người trong cộng đồng. Bao nhiêu phần trăm còn phải lệ thuộc vào “tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi” và bao nhiêu phần trăm đã thông thạo tiếng Mỹ để có thể độc lập đọc báo Mỹ, xem TV Mỹ, nghe đài Mỹ, và ra đường thoải mái như “at home”. Yếu tố trình độ Anh ngữ này rất quan trọng, vì nó quyết định mức độ hội nhập, mức độ “độc lập” của người Mỹ gốc Á này.
Hãy xem một số người Miên bỏ nước qua đây vì nạn khủng bố diệt chủng của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sari sau năm 1975. Sau đó, đất nước của họ lại rơi vào tay ngoại xâm từ Hà Nội với những con bài bù nhìn như Heng Samrin, Hun Sen trong suốt những năm 80. Người ta qua đây bập bẹ tiếng Mỹ và không có kỹ năng để hiểu được nước Mỹ và hội nhập nhanh chóng, Trong khi đó báo chí Campuchia thì chủ yếu là quảng cáo. Ngay cả người Mỹ gốc Việt, tỷ lệ người di dân có trình độ “English literacy” có thể là bao nhiêu (đến 20% chăng). Trong khi đó báo chí và các đài tiếng Việt rất khó khăn trong nhiệm vụ truyền thông văn hóa chính trị (người viết như lá mùa thu trên cây), cho nên phần lớn chỉ thích theo đuổi mục tiêu “bảo tồn văn hóa dân tộc”. Khi nhìn lại mấy chục năm qua và thực trạng ngành báo chí (báo giấy cũng như báo mạng), chúng ta có thể giật mình trước những khó khăn khi tìm câu trả lời.
Chúng ta cũng nên xét đến cách nhìn của người Mỹ da trắng đối với một số người gốc Á, qua ấn tượng của họ về những nước gốc Á đó. Mặc dù người Mỹ gốc Âu đương nhiên là rất đông – bao gồm hết những người da trắng – nhưng người ta không nói đến những cộng đồng người Mỹ gốc Pháp, Mỹ gốc Anh, Mỹ gốc Scotland, Mỹ gốc Ý, Mỹ gốc Tây Ban Nha, hay Mỹ gốc Đức, v.v… Lý do là gốc của người Mỹ da trắng từ lâu là từ đó, nhưng ngày nay thì không còn bao nhiêu di dân đến từ những nước Tây Âu đó. Có thể có di dân gốc Âu đến từ những nước Đông Âu, như Nga, Bosnia, Yugoslavia… nhưng không bao nhiêu, khi so với những cộng đồng người Mỹ gốc Á. Phi Luật Tân từng là một thuộc địa của Mỹ đến cả nửa thế kỷ (1898-2946) mà Mỹ lấy từ Tây Ban Nha, cho nên mới có chuyện người Phi được di cư qua Mỹ. Triều Tiên cũng dính líu với Mỹ qua Chiến tranh Cao Ly 1951-53. Mọi cộng đồng người Mỹ gốc Á đều có quá khứ dính líu với sự bành trướng thế lực của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương…
Có thể nói cộng đồng người Mỹ gốc Nhật và người Mỹ gốc Hoa là những cộng đồng gốc Á lâu đời nhất ở Mỹ. Hoa Kỷ đã biết Nhật từ thời tàu chiến của Mỹ chấm dứt chính sách cô lập của lãnh chúa Nhật từ năm 1853. Cũng trong thời Hoa Kỳ bắt đầu làm đường xe lửa, người Hoa đã có mặt trong những vai trò công nhân hay nấu bếp. Tuy nhiên, người Nhật thường được kính trọng hơn, và trong thực tế cũng có vai vế trong xã hội Mỹ cao hơn. Người Mỹ bình thường đều biết Nhật là một nước chủ yếu gây ra Đệ nhị Thế chiến ở Thái Bình Dương, mà cuối cùng Mỹ phải thả bom nguyên tử để buộc Nhật đầu hàng. Nhưng người ta cũng biết Nhật Bản là “siêu quốc” (emerging Japanese superstate – Herman Kahn) tạo được sự nể trọng đặc biệt nơi người Mỹ về dân tộc tính. Cũng cần ghi nhận là trong dân số Mỹ gốc Nhật, hầu như không còn tỷ lệ di dân nữa. Và người dân ở Nhật cũng không “trọng thị” Nhật kiều bao nhiêu, khiến cho người Nhật cũng ít khi về nước mẹ. Ý kiến của người Mỹ gốc Nhật về ông Trump và bà Clinton cần được nhìn từ góc độ của một nền văn hóa coi trọng những giá trị văn minh chính trị (political civility).
Trong khi đó, người Hoa tìm đến Hoa Kỳ cũng từ lâu lắm, chủ yếu là vì không chịu nổi “The Good Earth” (Pearl S. Buck), nền kinh tế nông nghiệp “đất cày lên sỏi đá”, nhưng chỉ được người Mỹ xem là biểu tượng của “hiểm họa da vàng” (yellow peril), nhất là trong giai đoạn sau Đệ nhị Thế chiến và trước khi Cộng Sản chiếm hết Trung Hoa lục địa, đuổi Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan năm 1949. Trong thời gian gần đây, người Hoa giàu có và quyền thế di cư qua Mỹ nhiều – Việt Nam cũng chẳng khác gì. Người Mỹ bắt đầu cảm thấy mối đe dọa của Trung Quốc đang bành trướng khắp nơi trên thế giới và tăng cường xâm nhập vào nước Mỹ (Hãy xem vụ án Đại học Harvard bị kiện về “kỳ thị người châu Á”, mà chủ yếu chính là người Hoa. Người ta nói sinh viên người Hoa giỏi, làm người ta sợ sự cạnh tranh; người Hoa ích kỷ, cá nhân se sua, đúng là khó chơi). Cộng đồng người Hoa tại Mỹ ngày càng phức tạp. Nếu người Mỹ gốc Hoa ngày nay không ưa ông Trump, lý do một phần lớn là vì cuộc chiến tranh mậu dịch của ông nhằm vào Trung Quốc hiện nay có thể ảnh hưởng đến họ, công việc làm ăn của họ. Cả những người da vàng khác cũng đang sợ bị vạ lây!).
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt được hình thành trong hoàn cảnh đặc biệt, có thể đó là lý do của sự lựa chọn khác thường này. Người Mỹ gốc Việt là cộng đồng gốc Á trẻ nhất (tính đến nay mới hơn bốn thập niên), ra đời từ sự chấm dứt của cuộc chiến tranh Việt Nam (mà Mỹ đã tham gia tích cực từ năm 1960 cho đến 1973 là năm có hiệp định đình chiến để Mỹ tháo chạy), trước là do cao trào “boat people” sau khi Việt Cộng chiếm Miền Nam, và sau là HO (Humanitarian Operations), tức là chính sách của chính phủ Mỹ cho phép nhập cư những người Việt Miền Nam từng làm trong chính quyền hay quân đội phải đi tù  (“học tập cải tạo”) hơn ba năm.
Cộng Sản Bắc Việt chiếm được Miền Nam chủ yếu là do sự “giải kết” bất thường của Tổng thống Cộng Hòa Nixon mà lẽ ra chúng ta phải cảnh giác với chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” từ năm 1969. Ông Nixon bị đe dọa “đàn hặc” vì vụ Watergate, nên phải từ chức vào tháng 8-1974, phủi tay trước sự sụp đổ của Saigon. Ít người Việt nhìn thấy trách nhiệm của Nixon, người Cộng Hòa, và chỉa mũi nhọn vào Tổng thống Lyndon Johnson, người tuyên bố sẽ không ra tái tranh cử năm 1968 và đề nghị Miền Bắc “hòa đàm” trong phát biểu lịch sử ngày 31-3-1968. Thật ra, Johnson rất muốn chiến thắng, nhưng không biết chắc phải làm thế nào, và sau vụ Mậu Thân không làm gì hơn được trong tình thế đó, và chúng ta có phần trách nhiệm lớn khi để xảy ra vụ Mậu Thân của Việt Cộng năm 1968. Năm 1964, nếu ứng cử viên Cộng Hòa Barry Goldwater (Arizona) đắc cử tổng thống, câu chuyện có thể khác, nhưng người Mỹ đã không bầu cho ông vì sợ ông. Âu cũng là cái số!
Phần lớn người Việt ghi khắc công ơn với Tổng thống Cộng Hòa Ronald Reagan vì đã mở ra chương trình H.O. Thật ra, cộng đồng người Việt đã hình thành, lớn mạnh trong 12 năm Tổng thống Cộng Hòa (1980-92) dưới hai thời Tổng thống Reagan và Bush. Nhưng cũng thật ra, nếu trong những năm đó tổng thống là Dân Chủ, đứng trước chuyện người Miền Nam lớp thì bỏ nước trốn chạy, lớp thì “ở mãi không về” trong các trại cải tạo, thì chính quyền Mỹ cũng phải mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn mà thôi.
Đã có ý kiến ngưòi Việt tại Mỹ phải đi theo Cộng Hòa mới phải đạo. Và đó có lẽ cũng là lý do mà tuy California căn bản là một tiểu bang Dân Chủ, chính trị người Việt tại tiểu bang này lại theo đảng Cộng Hòa. Phần lớn ứng cử viên người Việt đi theo Cộng Hòa. Có lẽ cho đến gần đây. Khi giới trẻ sau này, các thế hệ sau này, nhìn thẳng vào thực chất chính trị của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, nhất là chính sách khác nhau của hai đảng về các vấn đề di dân, các sắc dân thiểu số, phúc lợi xã hội (Social Security, CHIP, Medicare, Medicaid), bảo hiểm y tế (Obamacare), súng đạn (kiểm soát hay quyền sở hữu), quyền bỏ phiếu… Phần lớn người Cộng Hòa vì quyền lực thì nay chấp nhận “America First”, “Make America Great Again”, trong khi người Dân Chủ đang bế tắc và lo ngại về sự suy đồi dân chủ và nêu khẩu hiệu “Make America American Again”. Thực tế là trong lãnh đạo đảng Cộng Hòa, người ta thấy sự thống lĩnh chủng tộc của người da trắng, trong khi ở đảng Dân Chủ thì sự đa chủng tộc, đa văn hóa rõ ràng hơn.
Trong hai năm qua, Tổng thống Trump đã rất khắt khe về vấn đề di dân và chủng tộc. Khó nói người da đen, người Hispanic, người da đỏ, người Hồi giáo Trung Đông và ngay cả người châu Á ủng hộ ông.
Phía Dân Chủ đang thấy cuộc bầu cử vào ngày 6-11 hứa hẹn những thay đổi lớn, trong khi đảng Cộng Hòa đang cố sức duy trì trật tự sẵn có với đảng Cộng Hòa đang nắm ưu thế ở cả hai viện Quốc Hội, Hành Pháp (Trump) và Tư Pháp (5 chánh án do Cộng Hòa bổ nhiệm).
Những ứng cử viên người Việt nay cũng đứng ngồi không yên, vì họ phần lớn theo đảng Cộng Hòa, nhưng không thể lấy lá phiếu bằng gieo rắc ảo tưởng hoang đường hay mỵ dân là ông Trump sẽ giúp tăng cường dân chủ ở Việt Nam hay giúp Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng chống Tàu.
Bởi vậy, cuộc bầu cử này cũng sẽ là một trắc nghiệm cho cộng đồng người Việt chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét