Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Hồ sơ Nguyễn Ái Quốc bị tù ở Hồng Kông

Hồ sơ Nguyễn Ái Quốc bị tù ở Hồng Kông

Trần Gia Phụng
29-10-2018
Trong những năm gần đây, trên liên mạng toàn cầu, xôn xao câu chuyện Hồ Chí Minh (HCM) là Nguyễn Ái Quốc (NAQ) giả. Nguồn gốc của câu chuyện nầy bắt đầu từ quyển sách của tác giả Hồ Tuấn Hùng, nhan đề là Hồ Chí Minh sinh bình khảo (Khảo cứu về cuộc đời Hồ Chí Minh), do nhà xuất bản Bạch Tượng Văn Hóa phát hành tại Đài Loan ngày 01-11-2008 với mã số ISBN là 9789866820779.
Trong sách nầy, điểm then chốt là tác giả Hồ Tuấn Hùng cho rằng NAQ đã chết năm 1932 trong nhà tù ở Hồng Kông, và nhân vật HCM sau đó là NAQ giả. Để dễ theo dõi vấn đề, trước hết cần tìm hiểu việc Nguyễn Ái Quốc bị tù ở Hồng Kông năm 1931.
NGUYỄN ÁI QUỐC BỊ TÙ Ở HỒNG KÔNG NĂM 1931
Nguyễn Ái Quốc, lúc đó có tên là Lý Thụy, thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) ngày 6-01-1930, do Trần Phú làm tổng bí thư. Trần Phú được lệnh từ Moscow, đổi tên đảng CSVN thành đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) ngày 10-10-130 tại Kowloon (Cửu Long), ngoại ô Hồng Kông.
Nguyễn Ái Quốc, tiếp tục hoạt động tại Trung Hoa, làm nhiệm vụ gián điệp cho Đệ tam Cộng sản Quốc tế (CSQT) tức cho Liên Xô. Trong một chiến dịch rộng lớn phối hợp giữa Anh, Pháp và Trung Hoa để truy quét CSQT tại Đông Nam Á, cảnh sát Anh bắt được một người Pháp tên là Robert Ducroux, còn gọi là Lefranc ở Singapour [Singapore]. Lefranc đã hủy những hồ sơ quan trọng của y, nhưng còn sót lại quyển sổ tay ghi đầy đủ tên và địa chỉ, mà trong đó Quốc được ghi là Sung [Song] Man Cho (Tống Văn Sơ). (Pierre Brocheux, Ho Chi Minh, Paris, Presses de Sciences Po, 2000, tr. 119.)
Nguyễn Ái Quốc (Tống Văn Sơ) bị bắt ở Hồng Kông năm 1931. Nguồn: Tuần báo Văn Nghệ TPHCM
Người Anh bắt được Song Man Cho ngày 6-6-1931 tại thành phố Kowloon (Cửu Long), gần Hồng Kông. Song Man Cho hay Tống Văn Sơ, chính là Lý Thụy hay Nguyễn Ái Quốc. Được tin nầy, Đệ tam QTCS thuê văn phòng luật sư Frank H. Loseby & D. N. Pritt tại London (thủ đô Anh Quốc), biện hộ cho Quốc. Văn phòng nầy uỷ nhiệm cho luật sư F. C. Jenkin, có văn phòng ở Hồng Kông, phụ trách bào chữa.
Lúc đó, chính quyền Pháp vận động Hồng Kông trục xuất NAQ về Sài Gòn. (Straits Settlements, Overseas and Private Records [Singapore]. Nguyên văn câu ghi nhận trên bia của chính quyền Singapore: “Note from the French Government that they consider him to be a danger to all European possessions in the Far East. They wanted him deported to Saigon.”)
Tòa án Hồng Kông quyết định trục xuất Quốc về Hải Phòng (Việt Nam) ngày 12-8-1931. Việc nầy khiến QTCS lo ngại vì trước đó, NAQ đã bị tòa án Vinh (Nghệ An) tuyên án tử hình ngày 10-10-1930. Luật sư Jenkin chống án.
Tòa phá án Hồng Kông vẫn giữ y án và buộc đương sự phải rời Hồng Kông về Việt Nam đầu tháng 9-1931. Luật sư của NAQ cho rằng NAQ không phải là cán bộ QTCS mà là một người chống Pháp vì yêu nước; trục xuất NAQ về Việt Nam có nghĩa là đưa NAQ vào án tử hình, và những hoạt động của NAQ ở Hồng Kông không gây thiệt hại cho quyền lợi nước Anh. (Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh, the Missing Years, University of California Press, 2002, tr 192.)
Vụ án đang tiến hành, thì cuối năm 1931, NAQ được đưa vào bệnh viện Bowen Road ở Hồng Kông vì bệnh lao phổi. Vào tháng 8-1932, báo chí cộng sản loan tin rằng NAQ chết vì bệnh lao. (Sophie Quinn Judge, sđd. tr 194.) Ngang đây, xin trở lại với Hồ Tuấn Hùng và sách Hồ Chí Minh sinh bình khảo.
HỒ TUẤN HÙNG: HỒ CHÍ MINH LÀ NGUYỄN ÁI QUỐC GIẢ (?)
Trong sách Hồ Chí Minh sinh bình khảo, giáo sư Hồ Tuấn Hùng khẳng định rằng NAQ đã chết vì bệnh lao năm 1932, có giấy chứng tử, và từ năm 1933 xuất hiện một Nguyễn Ái Quốc giả. Cũng theo giáo sư Hồ Tuấn Hùng, một người tên là Hồ Tập Chương, vốn là người thuộc sắc tộc Hakka tức Khách Gia, mà người Việt gọi là Hẹ, thuộc huyện Miên Lật, địa khu Đồng La, Đài Loan, đã giả làm NAQ. Chính NAQ giả nầy về sau là HCM, người sáng lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945 và chết tại Hà Nội năm 1969, hiện di thể nằm trong lăng Ba Đình.
Trong sách nầy, ngoài chi tiết quan trọng trên đây, giáo sư Hồ Tuấn Hùng còn viết thêm về nhiều vấn đế chung quanh NAQ (giả) như chuyện hôn nhân, văn phong trong tập thơ Ngục trung nhật ký, di chúc HCM… Tuy nhiên, vấn đề chính yếu vẫn là nguồn gốc của nhân vật Hồ Chí Minh mà giáo sư Hồ Tuấn Hùng cho là NAQ giả từ năm 1933.
Lập tức, câu chuyện HCM là NAQ giả bùng nổ xôn xao trong và ngoài nước Việt Nam. Có thể chia thành hai nhóm: 1) Nhóm theo thuyết của Hồ Tuấn Hùng cho rằng NAQ đã chết trong tù năm 1932, và HCM là NAQ giả. 2) Nhóm tin rằng không có chuyện NAQ chết trong tù năm 1932, nghĩa là HCM là NAQ thật. Ở đây xin tạm gọi HCM thật và HCM giả cho gọn.
TÀI LIỆU NGUYỄN ÁI QUỐC ĐÃ CHẾT
Nguồn tin NAQ đã chết trong tù Hồng Kông đầu tiên phát xuất từ luật sư Loseby. Ngày-6-9-1969, bốn ngày sau khi HCM chết (2-9-1969) ở Hà Nội, bà Loseby đã tiết lộ trên báo New York Times rằng chính chồng bà đã tung tin rằng NAQ đã chết trong nhà tù ở Hồng Kông năm 1932 nhằm đánh lạc hướng điều tra của tình báo Pháp. Báo Daily Worker ở London (Anh Quốc) cũng loan báo rằng NAQ đã chết ngày 11-8-1932 (Sophie Quinn Judge, sđd. tr. 194 và tr. 289.) Ngày 15-2-1933, Quốc tế Cộng sản loan báo NAQ đã chết từ 26-6-1932. (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người & huyền thoại, tập II, Houston, Nxb. Văn Hóa, tt. 126-127.) Theo Nguyễn Khánh Toàn, Quốc tế Cộng sản còn làm lễ truy điệu NAQ tại Moscow. (Chính Đạo, sđd. tr. 117.)
Ngoài những nguồn tin trên đây, một nguồn tin quan trọng được nhiều người nhắc đến là bài báo của L’Humanité ngày Thứ ba 9-8-1932, nhan đề như sau: “Luttons pour libérer l’Indochine – Nguyen Ai Quoc – Le vaillant fondateur du P.C. Indochinois est mort emprisonné”. (Hãy chiến đấu để giải phóng Đông Dương – Nguyễn Ái Quốc – Người sáng lập dũng cảm đảng C.S. Đông Dương đã chết trong tù”.)
(Bài báo về NAQ phía cuối trang L’Humanité, bên phải)
Xin chú ý, nguồn tin NAQ chết trong tù xuất phát từ luật sư Loseby nhằm mục đích đánh lạc hướng người Pháp. Những nguồn tin còn lại do QTCS hay do báo chí CS như Daily Workerở London hoặc L’Humanité đưa ra, có thể theo tin của Loseby, hoặc để phụ họa với chiến thuật của luật sư Loseby.
Trước hết, nếu NAQ đã chết thật trong nhà tù ở Hồng Kông năm 1932, thì khi NAQ giả qua Liên Xô năm 1933, ở lại Liên Xô học tập và tham dự đại hội kỳ 7 của Đệ tam QTCS từ 25-7-1935 đến 20-8-1935 ở Moscow, thì:
1) Thời gian nầy là thời kỳ đại khủng bố ở Liên Xô do Stalin chủ trương để tiêu diệt bè phái của Lenin, thì làm sao NAQ giả có thể qua mặt được cơ quan mật vụ KGB trong thời kỳ đại khủng bố?
2) Trong đại hội kỳ 7 từ 25-7-1935 đến 20-8-1935 của Đệ tam QTCS ở Moscow, có cả Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn tham dự. Minh Khai đã từng tham dự khóa huấn luyện chính trị do NAQ phụ trách ở Hồng Kông từ năm 1930 và sau đó là vợ NAQ. Nếu lúc đó, có người giả NAQ, thì Minh Khai chắc chắn phải phát hiện kẻ đó không phải là chồng bà.
3) Nguyễn Ái Quốc phải ở lại Liên Xô đến năm 1938 mới được CSLX giao công tác mới. Trong một thời gian dài từ 1933 đến 1938, NAQ tiếp xúc với nhiều giới cán bộ Liên Xô khác nhau, làm sao có thể thoát được sự theo dõi của mọi người? Năm 1938, NAQ qua Trung Hoa, đến Diên An (Thiểm Tây), làm việc cho quân đội Trung Cộng, mang bí danh mới là Hô Quang cho tiện việc đi lại. (Sophie Quinn Judge sđd.tr. 228.)
Ngoài ra, nếu nguồn tin NAQ, vốn là một đảng viên đảng CS Pháp, đã chết do báo L’Humanité ở Paris đưa ra là đúng sự thật, thì năm 1946, khi HCM theo phái đoàn Phạm Văn Đồng đến Paris tham dự hội nghị Fontainbleau, thì không lẽ đảng CS Pháp và báo L’Humanité không nhận ra đó là người giả NAQ hay sao? Và tại sao đảng CS Pháp và báo L’Humanité không lên tiếng tố cáo rằng đó là NAQ giả, mà vẫn im lặng để HCM thương thuyết với chính phủ Pháp? Hơn nữa, chắc chắn chính phủ Pháp đã đọc báo L’Humanité loan tin NAQ đã chết ở Hồng Kông, thì tại sao chính phủ Pháp vẫn tiếp đón, thương thuyết và ký hiệp định Modus Vivendi với HCM ngày 14-9-1946?
Trả lời cho các câu hỏi trên đây là nguồn tin của L’Humanité là nguồn tin giả, chứ không phải Hồ Chí Minh là người giả NAQ. Nguyễn Ái Quốc không chết ở Hồng Kông năm 1932 và sau nầy trở thành HCM.
TÀI LIỆU NGUYỄN ÁI QUỐC CHƯA CHẾT NĂM 1932
Những tài liệu chính cho biết Nguyễn Ái Quốc chưa chết ở Hồng Kông, có thể kể như sau:
1. Pierre Brocheux, Ho Chi Minh, Paris, Presses de Sciences Po, 2000.
2. Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh, the Missing Years, University of California Press, 2002.
3. Hong Kong Memory (Hương Cảng ký ức) – Ho Chi Minh in Victoria Gaol (2011).
4. Céline Marangé, Le Communisme Vietnamien (1919-1991), Sciences Po Presses, Paris, 2012.
5. Bia kỷ niệm Hồ Chí Minh tại Singapore. (Tìm trên Internet)
6. The United Kingdom National Archive, “Nguyen Ai Quoc: arrangement for deportation”.
Bộ hồ sơ cùa The United Kingdom National Archive (Thư khố quốc gia Vương quốc Liên hiệp Anh) là tài liệu gốc về việc NAQ bị tù ở Hồng Kông, mang số hiệu CO 129/539/2, gồm 133 trang, từ ngày 29-01-1932 đến ngày 31-1-1933, tập hợp những ghi chú viết tay, những thư từ đánh máy của các quan chức, luật sư tòa án Hồng Kông liên hệ đến vấn đề Nguyễn Ái Quốc bị tù ở Hồng Kông và việc trục xuất NAQ ra khỏi Hồng Kông; số thứ tự trang được viết bằng tay.
Trang bìa của bộ hồ sơ “Nguyen Ai Quoc: arrangement for deportation”.
Sau đây xin trích dẫn ba tài liệu căn bản từ bộ hồ sơ nầy.
TÀI LIỆU (1): Thư của Bộ Ngoại giao Anh ngày 29-01-1932 gởi ông Jacques Truelle, đại sứ Pháp tại London, về việc giam giữ Nguyễn Ái Quốc. (trang 123)
29th. January, 1932
Dear Monsieur Truelle,
We have been carefully considering your letter of 22nd December 1931 to Mr. Mounsey about the Annamite Nguyen ai Quoc.
As you will be aware, Quoc is at present in police custody pending his appeal to the Privy Council against the orders issued for his deportation and expulsion from Hong Kong. As the result of correspondence between the Colonial Office and the Governor of Hong Kong, I am happy to be able to inform you that Quoc will be detained under surveillance in Hong Kong until the result of this appeal is announced.
Tạm dịch:
Ngày 29 tháng 01 năm 1932
Ông Truelle kính mến,
Chúng tôi đã nghiên cứu cẩn thận thư của ông đề ngày 22-12-1931 gởi cho ông Mounsey về người An Nam tên Nguyễn Ái Quốc.
Như ông sẽ biết, hiện nay Quốc đang bị cảnh sát giam giữ trong khi chờ đợi kháng án lên Privy Council về lệnh lưu đày và trục xuất ra khỏi Hồng Kông. Theo kết quả liên lạc thư từ giữa Bộ Thuộc địa và quan toàn quyền Hồng Kông, tôi hân hoan có thể thông báo với ông rằng Quốc sẽ bị giam giữ dưới sự giám sát ở Hồng Kông cho đến khi kết quả của sự kháng cáo được công bố.
TÀI LIỆU (2): Thư của Văn phòng luật sư Burchells, luật sư Bộ Thuộc địa và chính quyền Hồng Kông, gởi thứ trưởng Bộ Thuộc địa Anh Quốc về việc giải quyết ngoài Tòa vụ án Tống Văn Sơ (tr. 110).
27th June, 1932
“SUNG MAN CHO V. SUPERINTENDANT OF PRISONS,
HONG KONG AND ANOTHER”
We beg to inform you that this Appeal came before the Judicial Committee of the Privy Council this morning when after a meeting of Counsel outside the Court at which terms were arranged, their Lordships allowed the Appeal to be withdrawn and made no order as to costs. We will send you a copy of the terms arranged between Counsel and an Opinion by Sir Stafford Cripps and Mr. Wilfrid Lewis explaining and supporting the term arranged.”
We are,
Sir,
Your obedient Servants,
Burchells
Tạm dịch:
Ngày 27 tháng 06 năm 1932
“Tống Văn Sơ đối với Thanh tra
các nhà tù ở Hồng Kông và nhà tù khác
“Chúng tôi xin thông báo để Ngài biết rằng vụ Kháng án nầy đã diễn ra trước Ủy ban Tư pháp của Privy Council [viện Cơ mật] vào sáng hôm nay, sau một cuộc họp giữa các luật sư bên ngoài Tòa án, mà các điều kiện đã được hai bên dàn xếp. Các quan tòa cho phép [Tống Văn Sơ] rút lại đơn kháng cáo và không phạt tiền. Chúng tôi sẽ gởi đến Ngài một bản văn về những điều kiện đã được thỏa thuận giữa các luật sư, và bản Ý kiến của Ngài Staffords Cripps và ông Winfrid Lewis giải thích và ủng hộ những điều kiện đã được dàn xếp.”
Chúng tôi là,
Thưa Ngài,
Hạ chức trung thành của Ngài
Burchells
TÀI LIỆU (3): Thư của Toàn quyền Hồng Kông gởi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh Quốc ngày 31-01-1933 sau khi Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông (tr. 33).
Thư dài 5 trang đánh máy, do toàn quyền Hồng Kông Wlliam Peel gởi lên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh, tường trình lại việc Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông ngày 22-01-1933, trong đó ở trang 3, từ dòng 21 đến cuối trang, có đoạn viết về việc ra đi của Nguyễn Ái Quốc như sau. (Số trang 33 viết tay trong bộ hồ sơ.)
“ … At the same time the solicitors were informed that the law would only hold its hand for a further three days. This they claimed was quite inadequate for their object, namely a secret departure northwards and I was considering some further latitude when they decided to take no further responsibility for Nguyen’s safety and informed the Government that he would be leaving by the s.s. “Anhui” at 5 p.m. on the 22nd January and called upon me to implement the undertaking given on behalf of this Government at the settlement of the appeal in the words quoted above…”
Tạm dịch:
“… Cùng một lúc, các luật sư [của Nguyễn Ái Quốc] được thông báo rằng luật pháp sẽ chỉ được ngưng thi hành trong vòng ba ngày nữa mà thôi. Họ kêu ca rằng khoảng thời gian nầy không đủ cho mục đích của họ, đó là cuộc khởi hành bí mật về phương bắc. Trong khi tôi đang còn suy nghĩ một giải pháp rộng rãi hơn, thì họ quyết định không chịu trách nhiệm về sự an toàn của Nguyễn nữa, và thông báo cho Chính phủ rằng đương sự sẽ ra đi bằng thương thuyền An Huy vào lúc 5 giờ chiều ngày 22 tháng giêng [năm 1933] và yêu cầu tôi thực thi sự cam kết nhân danh Chính quyền nầy khi giải quyết vụ kháng án với những điều kiện dẫn trên …”
***
Bộ hồ sơ “Nguyen Ai Quoc: arrangement for deportation” của The United Kingdom National Archive (Thư khố quốc gia Vương quốc Liên hiệp Anh) cho thấy Nguyễn Ái Quốc bị tù ở Hồng Kông và không chết năm 1932 như tin đồn lúc bấy giờ, và cũng không chết theo sách của ông Hồ Tuấn Hùng ở Đài Loan.
Bộ hồ sơ nầy gồm những giấy tờ trong thời gian NAQ bị tù ở Hồng Kông, kể cả những ghi nhận về tiền bạc chi tiêu hằng ngày. Đây là bộ hồ sơ gốc về vấn đề Nguyễn Ái Quốc bị tù ở Hồng Kông. Người Anh ở Hồng Kông bắt Tống Văn Sơ tức Nguyễn Ái Quốc, giam giữ Nguyễn Ái Quốc tại ngục thất Hồng Kông, đưa ra xét xử trước tòa án Hồng Kông, rồi thả Nguyễn Ái Quốc và đưa Nguyễn Ái Quốc lên tàu An Huyrời khỏi Hồng Kông, thì người Anh phải biết rõ từ đầu đến cuối câu chuyện nầy.
Để có thể tìm hiểu thêm về bộ hồ sơ nầy, xin vào Google, chữ khóa “The United Kingdom National Archive”, rồi “Nguyen ai Quoc: arrangement for deportation”.  Độc giả sẽ được thư khố Anh hướng dẫn đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề NAQ bị tù ở Hồng Kông, chết hay chưa chết năm 1932, hiện vẫn đang còn tranh cãi. Hy vọng sẽ còn có những hồ sơ khả tín khác được tìm thấy để làm sáng tỏ hơn vấn đề nầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét