Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

‘Lên án chế độ độc tài’: Giấc mơ nào cho Thủ tướng Phúc?

‘Lên án chế độ độc tài’: Giấc mơ nào cho Thủ tướng Phúc?

Phạm Chí Dũng
Ông Phúc tại Liên Hiệp Quốc.
Ông Phúc tại Liên Hiệp Quốc.
Lần đầu tiên lên án “bắt cóc công dân”!
Gần hai năm sau phút cảm xúc phát ngôn rất thật lòng “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và “sụp đổ tài khóa quốc gia” vào đầu năm 2017, tức sau khi đã chính thức ngồi ghế thủ tướng được nửa năm, đến tháng Mười năm 2018 Nguyễn Xuân Phúc lại có thêm hai phát ngôn được giới phân tích chính trị chú ý bởi tính bất ngờ cùng cái nội hàm có thể mang ý tứ rất sâu xa của nó: “lên án mọi hành động bắt cóc công dân giữa các quốc gia” (bài ‘Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10’ tại Tokyo - Nhật, Tạp chí Cộng sản đăng ngày 9/10/2018), và “Chúng tôi lên án chế độ độc tài” (trong cuộc họp báo ngày 15/10/2018 cùng Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tại Áo).
Bởi Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 mang chủ đề về các vấn đề thiên nhiên, môi trường xanh, thương mại và vai trò trung tâm của người dân mà không phải nhằm mục đích thảo luận hay thỏa thuận chính trị, bài diễn văn của tác giả Nguyễn Xuân Phúc với nội dung “lên án mọi hành động bắt cóc công dân giữa các quốc gia” là một hiện tượng lạ. Hoặc rất lạ.
Vào thời điểm ông Phúc đọc diễn văn trên tại Tokyo, cuộc khủng hoảng mang tên ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ giữa Đức và Việt Nam vẫn chưa hề có biểu hiện suy giảm rõ rệt nào, cho dù một vài chuyên gia cận thần của chính thể độc đảng ở Việt Nam chủ động tiết lộ tin tức về triển vọng quan hệ giữa hai nước đang trên đà phục hồi. Lý do đơn giản nhất khiến cuộc khủng hoảng này chưa thể chấm dứt, và chưa biết đến khi nào mới chấm dứt, là kể từ tháng Bảy năm 2017 khi bùng nổ vụ người Đức phẫn nộ cáo buộc một nhóm mật vụ Việt Nam đã xông thẳng sang Berlin để bắt cóc người và ngang nhiên vi phạm pháp luật của Đức, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ lời xin lỗi hay ‘cam kết sẽ không tái phạm’ nào được đưa ra từ giới chóp bu Việt Nam, cho dù việc chỉ cần mở miệng xin lỗi mà không thông báo cho báo chí, cùng thói đầu môi chót lưỡi nói trước quên sau là một đặc tính rất trội trong thể loại gene ‘luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’ của ‘đảng và nhà nước ta’.
Không những không cải thiện được quan hệ đối tác chiến lược - vấn đề mà Nhà nước Đức đã phải tuyên bố tạm ngừng vào tháng Chín năm 2017, Việt Nam còn đang phải đối mặt với một nguy cơ còn nguy hiểm hơn: sau gần nửa năm không thèm tận dụng các cơ hội do Chính phủ Slovakia đưa ra và cũng chẳng thèm hồi âm bất kỳ câu trả lời thỏa đáng nào cho câu hỏi ở mức độ tối thiểu của Slovakia: “nếu không phải Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc và bị đưa lên một chiếc máy của Slovakia để bay sang Nga, hãy giải thích làm thế nào mà ông Thanh lại từ Đức về được Việt Nam để tự nguyện đầu thú”, Chính phủ Slovakia đang trù tính một cách hết sức nghiêm túc đến khả năng “tạm ngừng quan hệ với Việt Nam” trong tương lai rất gần. Mà ‘tạm ngừng quan hệ’ là một khái niệm toàn diện, không chỉ về những vấn đề chiến lược mà tính luôn cả việc ngừng ngay các mối quan hệ cụ thể về thương mại song phương, đầu tư vào Việt Nam, viện trợ cho Việt Nam, tiếp nhận lao động Việt Nam, kể cả những chương trình và dự án khác về kinh tế, xã hội và văn hóa cho Việt Nam.
Không loại trừ khả năng Thủ tướng Phúc đã có chủ ý và chủ động đưa nội dung “lên án mọi hành động bắt cóc công dân giữa các quốc gia” vào bài diễn văn của ông ta tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 ở Tokyo. Như một cách khéo léo để thanh minh rằng ông ta ‘vô can’ trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh? Và để nếu cuộc khủng hoảng Trịnh Xuân Thanh lan rộng hơn trong thời gian tới và sẽ phải có những quan chức Việt Nam bị quốc tế chế tài về trách nhiệm hình sự, xuất cảnh và tài sản, ông ta sẽ không bị ảnh hưởng gì?
Còn phát ngôn “Chúng tôi lên án chế độ độc tài” thì sao?
Lần đầu tiên lên án ‘chế độ độc tài’!
Phát ngôn trên của Thủ tướng Phúc không phải là một diễn văn soạn sẵn, mà được nói miệng trong bối cảnh báo giới quốc tế đặt ra một câu hỏi về nhân quyền Việt Nam - chủ đề mà Thủ tướng Áo Sebastian Kurz sau đó đã nói rõ là ông đề cập thẳng vấn đề này với Thủ tướng Phúc chứ không phải do tiếp xúc ngoại giao mà không nói ra điều đó.
Đây là lần đầu tiên trong các chuyến công du nước ngoài, ông Phúc đề cập đến ‘chế độ độc tài’, không những thế còn xác quyết thái độ phản ứng của ông ta bằng cấp độ “lên án”. Và cũng là lần đầu tiên cụm từ này được Thủ tướng Phúc đề cập trong toàn bộ những phát ngôn của ông ta ở các hội nghị, hội thảo và các cuộc họp công khai tại Việt Nam.
Người ta có thể tự hỏi là vì sao khi đã trở thành thủ tướng được gần một năm rưỡi, ông Phúc lại không hề đề cập đến chủ đề ‘bắt cóc công dân’ và ‘chế độ độc tài’, mà chỉ đến tháng Mười năm 2018 mới bất ngờ bật ra hai phát ngôn nhạy cảm chính trị này chỉ cách nhau ít ngày?
Không biết vô tình hay hữu ý, nhưng đã có một điểm trùng hợp đặc biệt: phát ngôn “Chúng tôi lên án chế độ độc tài” của Thủ tướng Phúc hiện ra chỉ hai tuần sau khi Hội nghị Trung ương 8 của đảng cầm quyền tại Việt Nam kết thúc với quyết nghị cho một ứng cử viên duy nhất được thừa kế cái ghế chủ tịch nước sau khi người tiền nhiệm là Trần Đại Quang đã có từ ‘cố’ phía trước chức danh của ông ta. Đó là Nguyễn Phú Trọng.
Đến lúc đó, những giả thiết ban đầu có vẻ còn mơ hồ về tham vọng quyền lực của “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” (một danh xưng mà giới văn nhân cận thần dành cho ông Trọng) đã trở nên không còn hồ nghi gì nữa: một khi nắm được cả hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng sẽ rất giống, hoặc trở thành một phiên bản của Tập Cận Bình ở Trung Quốc - hình ảnh tập quyền cao độ và độc tài nhất kể từ thời Mao Trạch Đông những năm 60 của thế kỷ XX. Và ở Trung Quốc thời nay, rất nhiều người đã gọi là ‘Hoàng đế Tập Cận Bình’.
Bây giờ thì không còn hoài nghi gì nữa: đại hội 13 của đảng cầm quyền - dự định tổ chức tận năm 2021 - đã được đốt cháy giai đoạn ngay tại Hội nghị Trung ương 8 vào tháng Chín năm 2018 với cái ghế chủ tịch nước dành thêm cho Tổng bí thư Trọng, để hình ảnh ‘choàng hai vai’ sáng chói của ông ta sẽ lướt qua năm 2021 mang tính thủ tục và kéo đến tận năm 2024 hoặc 2026 - tùy vào mức độ thay đổi Hiến pháp.
Một khi không còn đại hội 13 vào năm 2021 theo đúng nghĩa đen của nó, toàn bộ những quan chức đầu sỏ hiện thời, trừ Trọng, sẽ ‘ai ngồi đâu ngồi đó’. Sẽ không thể cục cựa gì nữa. Sẽ không còn màn chạy đua quyết liệt và quá nhiều cảm xúc vào chức Tổng bí thư hay Chủ tịch nước như những đại hội trước đây. Tất cả đều bị triệt tiêu ‘động lực cống hiến’, bởi tương lai sự nghiệp chính trị của tất cả đều đã ‘đụng trần’.
Thậm chí vào năm 2021, nếu Nguyễn Phú Trọng muốn và còn giữ được quyền lực độc tôn trước ‘đàn cừu’ của mình, ông ta hoàn toàn có thể làm như Tập Cận Bình đã làm tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2019: không biết làm cách nào mà Tập đã khiến cả Ban chấp hành Trung ương lẫn Quốc hội chấp thuận bỏ thẳng điều khoản ‘Chủ tịch nước làm không quá hai nhiệm kỳ’ trong Hiến pháp, để từ đó hướng đến tương lai ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’.
Có lẽ nhân vật ‘đau khổ’ nhất sau vụ ‘ngồi mãi’ trên là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Giấc mơ nào?
Có hai Nguyễn Xuân Phúc khác hẳn nhau như thể từ bóng tối ra khoảng sáng trước và sau đại hội 12 của đảng cầm quyền.
Cho đến cuối năm 2015 khi còn là cấp phó thường trực cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc vẫn chỉ mang hình bóng của một nha sai mẫn cán, biết nghe lời và hoàn toàn không có gì nổi bật trên phương diện phát ngôn hay ‘kiến tạo’ - điều mà ông ta đã trở nên chói sáng với tần suất cao nhất trong Bộ Chính trị đảng sau khi trở thành Thủ tướng. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào việc một người chỉ biết công việc tay hòm chìa khóa của Chính phủ mà trở nên ù lì an phận thì sẽ là một sai lầm ghê gớm.
Nguyễn Xuân Phúc là người mà, sau thời kỳ đầu ngây ngất vinh danh trong cái ghế Thủ tướng, đã vụt biến thành một nỗi đam mê và tham vọng quyền lực cháy bỏng, mà ngày càng hiện ra nhiều dấu hiệu và biểu hiện hơn cho thấy nỗi khao khát đó thậm chí còn to lớn hơn cả sự thèm muốn vật chất và tiền bạc.
Từ giữa năm 2017 và trùng với thời điểm Trần Đại Quang bất thần bị ‘bệnh lạ’ mà đã ‘biến mất’ lần đầu tiên trong gần hết tháng Tám năm đó, người ta nhận ra Thủ tướng Phúc đã bắt đầu chiến dịch vận động cho chức vụ Tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021. Ngoài thành tích ‘GDP tăng trưởng vượt bậc’, ông Phúc đi nhiều địa phương và nơi nào cũng được ông ta xem là ‘đầu tàu’, cùng những từ ngữ đầy hoa mỹ mà đã khiến giới lãnh đạo những địa phương này ‘tự sướng’ đến mức có thể sẵn lòng bỏ phiếu cho ông Phúc trong một hội nghị trung ương ‘thăm dò uy tín Tổng bí thư cho đại hội 13’ và kể cả tại đại hội 13…
Nhưng cùng thời gian trên, nhiều dư luận bắt đầu đề cập nhiều hơn đến ‘nhóm sân sau’ của Thủ tướng Phúc - một câu chuyện rất tương đồng với các nhóm lợi ích sân sau của Nguyễn Tấn Dũng trong 9 năm trời ông ta làm Thủ tướng. Tuy chưa đến mức thao túng Chính phủ và ‘đớp hốt’ ghê gớm như các nhóm sân sau của Nguyễn Tấn Dũng, những nhóm kinh tài được cho là sân sau của Thủ tướng Phúc lại được cho là ‘rất nhiều triển vọng’ để trở thành nhóm lợi ích có sức ảnh hưởng lớn nhất đến Chính phủ và cả đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai không xa.
Nhưng cũng như các ủy viên bộ chính trị đã ‘đụng trần’ mà gần như không còn cơ hội leo lên cái ghế Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc rất có thể sẽ phải thúc thủ ở cái ghế Thủ tướng mà không thể mơ mộng hơn cho tương lai ‘trên vạn người’ của ông ta.
Trong khi đó, khác hẳn với vẻ xởi lởi có vẻ dễ chịu khi còn làm Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng ngày càng giống với một lãnh đạo quyền biến và không hề ‘lú’. Tư tưởng độc tôn cùng tính cách gia trưởng, đa nghi, khe khắt và soi mói, ‘làm nhân sự’ bất ngờ và đảo lộn đến khó tin đang là những đặc tính nổi trội của ông Trọng để khiến ông ấy chẳng ưa gì thói tráo trở chính trị và những kẻ mượn danh nghĩa ‘đốt lò’ của ông ta để trục lợi cá nhân.
P.C.D. VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét