Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Bản tin ngày 29-10-2018

Bản tin ngày 29-10-2018

Tin Biển Đông
Chiến khu miền nam Trung Quốc nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu, theo báo Thanh Niên. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình vừa ra lệnh cho Chiến khu miền nam, phụ trách Biển Đông và khu vực Đài Loan, tập trung “ứng phó tình huống phức tạp”. Chuyên gia Collin Koh từ Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam nhận định, “các phát biểu mới từ giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm gửi thông điệp đến Mỹ nói riêng và bất kỳ bên nào khác liên quan đến Biển Đông và cả Đài Loan”.
Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Diễn đàn an ninh của Trung Quốc “né” vấn đề biển Đông vì quá nóng? Diễn đàn an ninh Hương Sơn do TQ tổ chức, nơi có Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tham dự, vừa kết thúc ở Bắc Kinh. Báo Dân Trí cho biết: “Truyền thông Trung Quốc đã không đăng tải bất kỳ phát biểu nào chỉ trích Mỹ từ phía Trung Quốc cũng như vấn đề biển Đông mặc dù các nhà tổ chức đã mong đây sẽ là những chủ đề bàn luận chính của diễn đàn quốc tế này”.
Làn sóng bỏ đảng sau đề nghị kỷ luật GS Chu Hảo
Sau vụ Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật GS Chu Hảo, giới trí thức, cựu quan chức đồng loạt kêu gọi CSVN ‘rút lại kết luận sai trái về ông Chu Hảo’, theo báo Người Việt. Trong số những người kêu gọi có nhà văn Nguyên Ngọc, GS Tương Lai, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Lê Đăng Doanh, cựu Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ Vũ Kim Hạnh… Họ đã cùng ký tên vào thư ngỏ gửi UBKTTƯ và Bộ Chính trị ngày 27/10/2018.
BBC dẫn lời PGS. TS Mạc Văn Trang: Kỷ luật Chu Hảo là ‘giọt nước tràn ly’. Ông Trang nhận định về tình hình nội bộ đảng như sau: “Tôi tin là có nhiều đảng viên, trong đó có những người nắm hoặc từng nắm giữ vị trí nhất định trong Đảng, cũng thấy đường lối sai lầm của đảng… Ví dụ như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh”.
PGS. TS Mạc Văn Trang viết về việc ra khỏi đảng. Ông Trang kể về bốn cách bỏ đảng, trong đó có cách âm thầm bỏ đảng như sau: “Khi chuyển đơn vị công tác hay khi về hưu, làm giấy chuyển sinh hoạt Đảng, rồi về cất đi”. Rất nhiều người thực hiện cách này, trong đó có cả cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang. 
PGS. TS Đỗ Ngọc Thống viết: Chuyện từ chối vào đảng. Ông Thống chia sẻ rằng, ngày xưa có một số quan chức từng đề nghị ông vào đảng nhưng ông từ chối. Giờ ông thấy tiếc vì nếu ngày đó ông đồng ý, thì giờ ông cũng có thể viết thư tuyên bố bỏ đảng để “hưởng ứng bác Ngọc và bác Trang rồi”.
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy viết: Hiệu ứng Chu Hảo, để tổng kết tình hình “bỏ đảng”. Theo ông Thụy, đến cuối ngày 28/10/2018, đã có bảy người tuyên bố bỏ đảng: PSG. TS Mạc Văn Trang, nhà văn Nguyên Ngọc, trung tá Trần Nam, TS Trần Anh Tuấn, KS Hoàng Tiến Cường, cựu Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh Hà Quang Vinh và một kỹ sư chưa công khai tên thật, bên cạnh đó có ba người bỏ đoàn.
Anh Nguyễn Hữu Hiếu, cựu trung úy quân đội NDVN cũng đã tuyên bố từ bỏ đảng. Anh Hiếu viết: “Mất cmn tổng cộng 9 năm tuổi xuân vì chương trình ‘Chúng tôi là chiến sỹ’ nó dụ. Từ 2014, nhờ facebook, youtube tôi bắt đầu nhận ra bản chất của đảng cộng sản nhưng hồi đó còn yêu bác… Tới giữa 2017, nhận rõ sâu xa vấn đề và tôi đành phải phục viên làm lại cuộc đời…”
Thẻ đảng viên và CMND của anh Nguyễn Hữu Hiếu
Cô Hà Phương Bích, hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam, giảng viên Học viện âm nhạc Huế, cũng đã tuyên bố bỏ đảng. Cô Bích viết:Mình chủ động xin ra Đảng vì lý do mất lòng tin sau một thời gian ăn rồi họp, họp rồi ăn, động viên mình rút đơn, dọa mình đủ thứ… Cuối cùng cũng phải cho mình ra khỏi đảng, với lý do hài hước, mà với lý do này, càng làm cho mình dị ứng với Đảng hơn. Nguyên văn ‘vô ý thức tổ chức kỷ luật Đảng, không có ý thức đấu tranh’!? Hơ hơ, toàn những lời kết tội suông, bài bản, dối trá...”
Facebooker Trần Thị Kim Thoa, ở Sơn La viết“Tôi Trần Thị Kim Thoa tuyên bố từ giã Đội, ra khỏi Đoàn và không vào Đảng!”
Chị Trần Thị Kim Thoa
“Chống phá nhà nước, xuyên tạc chủ trương chính sách” trên mạng
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Phó chính ủy Quân khu 7 nói về hoạt động chống phá nhà nước trên mạng. Phát biểu trước Quốc hội sáng 27/10, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó chính ủy Quân khu 7, nói: “Liên quan đến việc cố chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, trong một số ngày cuối tháng 9-2018 trên mạng xã hội đã có 36.000 bài viết174.921 bàn luận, 198.384 lượt chia sẻ và hàng triệu lượt like với những thông tin, hình ảnh xuyên tạc ác ý nhằm nói xấu chế độ”.
Về “bọn phản động” đưa tin vụ Thủ Thiêm, ông Hoàng nói: “Chúng đưa tin rằng kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đất đai Thủ Thiêm là chưa rõ ràng, thiếu minh bạch. Đặc biệt chúng tấn công Luật An ninh mạng, Luật Đặc khu, đẩy cao chiến dịch kêu gọi người dân xuống đường tuần hành, biểu tình, bạo loạn, gây hậu quả rất nghiêm trọng ở nhiều tỉnh thành phố trong thời gian qua”. Mời nghe clip phát biểu của ông Hoàng:
Nhân quyền ở Việt Nam
Bài thứ tư trong loạt bài trên báo Thanh Niên về thân phận 40 năm oan khuất: Nợ những câu trả lời thỏa đáng. Đó là vụ tám người bị bắt oan, bị nhục hình phải nhận tội “cướp năm chỉ vàng” và đào ngũ. Sau 40 năm, chỉ có một trường hợp là ông Nguyễn Văn Dũng được đình chỉ điều tra, bảy người kia vẫn phải mang thân phận của kẻ phạm tội.
Ông Dũng kể: Ngày 11/5/1983, ông cùng với bảy người thân “liên quan vụ án được ra tù. Từ một thanh niên mới 25 tuổi, một quân nhân với bao ấp ủ, dự tính tươi đẹp của cuộc đời, dường như ông Dũng mất hết tất cả: cuộc sống, tương lai, nhân phẩm, danh dự”.
Ông Nguyễn Văn Dũng và bảy người đang mang thân phận bị can. Nguồn: TN
Những vụ “ăn” đất
UBND TP HCM quyết định chuyển hồ sơ vi phạm của Công ty Tân Thuận sang cơ quan điều tra, theo trang Nhà Báo và Công Luận. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Chánh Thanh tra TP “thành lập đoàn thanh tra để làm rõ việc chấp hành các quy định pháp luật tại dự án khu định cư An Phú Tây do Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn làm chủ đầu tư”.
Từ tháng 4/2018, Công ty Tân Thuận bị phanh phui vụ sai phạm bán đất dự án khu Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Khoảng 30ha đất công bị bán với giá quá rẻ mạt, gây thất thoát hàng ngàn tỉ cho ngân sách nhà nước. Khi đó, vụ việc tạm dừng với yêu cầu kiểm điểm ông Tất Thành Cang.
Báo Dân Trí bàn về vụ gia đình liệt sỹ “tố” bị trưởng thôn chiếm đất: Dân nói có, chính quyền bảo không! Đó là vụ bà Trần Thị Thủy, vợ liệt sỹ Trần Văn Năm ở xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình “bị gia đình trưởng thôn chiếm đoạt đất sản xuất gia đình được giao gây ra việc tranh chấp đất nông nghiệp”, chính quyền xã và huyện đã có thông báo trả lời đơn kiến nghị của công dân, nhưng chưa thỏa đáng.
Vụ cán bộ huyện chiếm đất chia cho người nhà: Diễn biến mới nhất, theo VTC. Đó là vụ bà Nguyễn Thị Hoa tố cáo ông Hồ Hữu Phúc, cựu Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế, có “hành vi sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người thân chiếm đoạt tiền bồi thường đối với phần diện tích đất gia đình bà Hoa đã khai hoang để trồng mía”.
Tàn phá môi trường sống, giết dân chết dần, chết mòn
BBC có bài của LS Phùng Thanh Sơn: ‘Mắt thấy tai nghe’ từ Vĩnh Tân. LS Sơn cho biết,  “xỉ than ở Vĩnh Tân chất thành núi, và đang quá tải. Chỉ cần một cơn gió lớn thổi qua cũng đủ làm xáo trộn đời sống người dân nơi đây ngay tức thì”. 
Người dân địa phương kể, “chính quyền địa phương ở đây rất sợ gió. Bởi mỗi khi có gió lớn là tro xỉ bay tung toé, người dân live stream là ảnh hưởng ngay đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, an ninh huyện phải nháo nhào lên”. Vậy là họ sợ gió và tro xỉ bị… kích động, lợi dụng để gây rối, “chống phá đảng và nhà nước”, chứ không hề quan tâm đến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm môi trường.
Báo VnExpress viết về nỗi ám ảnh làng ung thư. Điểm danh một số “làng ung thư” trên đất nước, bài báo nhận định: “Điểm chung của Lũng Vị, Mẫn Xá và Phước Thiện gợi ý rằng đằng sau sự tồn tại của các ‘làng ung thư’… là nỗi sợ môi trường sống và cách mà chính quyền phản ứng với những vấn đề môi trường”
Vụ mua bán 100 đô, bị phạt tiền khủng
Báo Tuổi Trẻ có bài: Vụ mua bán 100 USD, phạt 270 triệu: Coi chừng tiền lệ xấu. Vụ mua bán $100 đô ở Cần Thơ, người mua bị phạt 90 triệu đồng VN, người bán bị phạt 270 triệu, đã làm nhiều người tỉnh ngủ, khi mà chuyện phạt vạ tùy tiện, nhất là chuyện tịch thu tài sản của dân, chỉ vì không có hóa đơn.
Những gì đang diễn ra ở Cần Thơ đã làm cho mọi người hoang mang, lo sợ, rằng họ có thể sẽ trở thành nạn nhân. Việc phạt vạ và bắt bớ đó có thể gây tác động xấu đến lượng ngoại tệ ở nước ngoài đang đổ vào VN. “Mức lan tỏa của vụ việc sẽ có tác động mạnh đến niềm tin của doanh nghiệp và người dân, vì đụng chạm đến một lĩnh vực phổ biến và nhạy cảm là kiều hối và việc thực thi pháp luật trong môi trường kinh doanh đang được Chính phủ nỗ lực cải thiện”.
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Khi nào cơ quan chức năng có quyền khám xét nhà dân?Ông Nguyễn Văn Chung, viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM, nói: “Về nguyên tắc, tài sản của dân được pháp luật công nhận và bảo vệ nên không thể bỗng dưng mà sung công tài sản thu giữ chỉ vì nó không chứng minh được nguồn gốc… Pháp luật luôn bảo vệ quyền tài sản của người dân, nếu đó không phải là tài sản do phạm pháp mà có thì không thể thu giữ hay sung công quỹ“.
Quan chức hay côn đồ?
Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vừa cảnh cáo trưởng phòng vung ghế dọa nạt nữ đồng nghiệp, theo báo Tuổi Trẻ. Ông Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc cơ quan này cho biết, ông Nguyễn Xuân Thảo, trưởng phòng tổ chức hành chính bị kỷ luật cảnh cáo “vì có hành vi gây gổ, vung ghế với nữ đồng nghiệp” vào chiều 18/10/2018. Người bị dọa nạt đã xin nghỉ phép để điều trị tâm lý.
Ở các nước dân chủ văn minh, đối xử tệ với phụ nữ, hành hạ thể xác hay tinh thần, đều là nỗi nhục của đàn ông, nếu bị phát hiện. Còn ở Việt Nam, chuyện hành hung phụ nữ, đối với một số cánh mày râu dường như để thể hiện sức mạnh của đàn ông, nhất là một số quan chức. Có lẽ tinh thần cộng sản đã giúp các quan chức, cán bộ miễn nhiễm với nỗi nhục đó?
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét