Vì sao tôi không vào đảng?
29-10-2018
Việc mới đây UBKT TƯ quyết định kỷ luật PGS TS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN, Tổng biên tập kiêm Giám đốc Nxb Tri Thức như một sự tuyên chiến của đảng với những đảng viên trí thức bị buộc tội “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã gây một hiệu ứng phản đối có tính chất dây chuyền bằng hành động thoái đảng của một số nhân sĩ trí thức đã có gần cả cuộc đời theo đảng.
Có lẽ với họ đó là một quyết định không dễ dàng, nhưng họ không thể làm khác khi “tài khoản niềm tin” vào đảng (chữ của nhà báo Đoàn Bảo Châu) đã xuống đáy.
Tôi đăng stt này rút trong “Chuyện nghề” tôi đã viết mà cũng chưa biết khi nào xuất bản được, (có thêm vài chi tiết cho bắt kịp tính thời sự).
***
Với lý lịch đỏ chót, gia đình cách mạng toàn tòng, con liệt sĩ, học hành tử tế, nói chung được đào tạo bài bản, ba mươi năm làm báo đảng, thuộc loại có năng lực (theo nhiều người đánh giá), không vi phạm kỷ luật, không vi phạm pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp… không ai nghĩ rằng tôi đứng ngoài tổ chức đảng cộng sản. Nhưng thực sự tôi không vào đảng vì tôi không muốn.
Có ai cản trở tôi không?
Tôi luôn nghĩ rằng, rất ít! Bởi vì với các thủ trưởng cũ của tôi (Tổng biên tập, các phó TBT) luôn cần người làm việc và trong lĩnh vực nghiệp vụ báo chí tôi rất được tin cậy, một khi lãnh đạo đã giao việc gì cho tôi, họ có thể yên tâm đắp chăn nằm ngủ. Do đó nếu đưa tôi vào đảng họ rất có lợi.
Còn kẻ đố kỵ, ghen ăn tức ở, sợ tôi vào đảng chiếm mất vị trí của họ không phải là không có, nhưng xin khẳng định không nhiều. Có lần ông Trần Trọng Tốn TBT nói thẳng: bên Ban tuyên giáo Tỉnh ủy phê bình tau răng không đưa mi vô đảng! Hehe, tôi cười trả lời: răng bác không nói vô đảng là tự nguyện mà cháu thì chưa tự nguyện!
Rất nhiều người chân thành muốn tôi đứng trong hàng ngũ đảng vì tôi xứng đáng và cũng là điều kiện quan trọng để đề bạt tôi vào những vị trí cao hơn cái chức danh phóng viên, biên tập viên và cũng có người muốn tôi vào đảng để dễ bề quản lý, sai khiến.
Nói thật khi mới ra trường như bao thanh niên tích cực, sôi nổi khác tôi cũng muốn vào đảng với nhận thức ấu trĩ rằng: để cống hiến, để thực hiện lý tưởng của mình, lại làm báo đảng thì sớm muộn gì mình cũng phải vào đảng, như trên đã nói vì đó là điều kiện bắt buộc nếu mình muốn phấn đấu để có vị trí cao hơn.
Nhưng với công việc của một người làm báo, đi nhiều, biết nhiều, va chạm với thực tế cuộc sống, tận mắt chứng kiến những điều ngang trái, dối trá, bịp bợm diễn ra trước mắt càng ngày tôi càng không muốn vào đảng. Nói như ngôn ngữ bây giờ là “phai nhạt dần lý tưởng”. Hơn nữa, vì không phải là kẻ cơ hội (vào đảng để chui sâu leo cao), lại yêu công việc phóng viên của mình, muốn đi đây đi đó, muốn viết thật những cảm nhận, suy nghĩ của mình về cuộc sống, (dù biết rằng viết là một chuyện nhưng đăng được lại là chuyện khác), tôi chọn làm người tự do!
Tôi không muốn vào đảng cũng vì nhờ đọc nhiều, biết nhiều tôi không tin những lý tưởng, tôn chỉ mục đích của đảng và những đảng viên là có thật, bởi vì cuộc sống hàng ngày đập vào mắt tôi toàn những điều trái ngược, nói không đi đôi với làm, nói một đường làm một nẻo. Viết đến đây, tôi cũng xin lỗi những người lãnh đạo, những đảng viên mà tôi quen biết vẫn còn nhân cách, vẫn trong sạch dù gần bùn nhưng ít tanh hôi. Bởi tôi thấy, nói là vì dân, đảng không có lợi ích nào ngoài lợi ích của nhân dân, của đất nước nhưng:
Không ai khinh dân, coi thường dân bằng những người lãnh đạo.
Không ai tham lam, vơ vét, tìm cách chạy chọt mua quan bán tước để tìm những vị trí cao hơn, thủ lợi nhiều hơn bằng những người lãnh đạo.
Không ai có cuộc sống xa hoa, giàu có, đòi hỏi nhiều ân sủng như lãnh đạo, mà đời sau luôn hơn đời trước.
Và có một điều trong suốt 30 năm làm báo tôi nhận thấy rằng, nhìn chung lãnh đạo đời sau thường kém năng lực hơn đời trước, nhưng sự tham lam và hưởng thụ thì chắc chắn hơn nhiều. Điều này cũng dễ dàng lý giải, vì với thể chế độc tài này, dân chủ chỉ là hình thức, đảng không có cơ chế lựa chọn tinh anh nên thường chỉ những kẻ cơ hội, biết nịnh hót, luồn cúi hoặc dĩ hoà vi quý mới có thể ngồi vào những vị trí quyền lực, những người thực sự tài năng, có nhân cách thường tự trọng, liêm sỉ nên tránh xa chốn ô trọc này.
Cuối cùng lý do tôi không muốn vào đảng vì tôi không muốn tham gia một tổ chức chính trị nào và không muốn ai quyết định cuộc đời mình, tôi chọn làm người trí thức tự do. Tôi nghĩ rằng đó là một điều bình thường, nói như ngôn ngữ bọn trẻ bây giờ: chẳng có việc gì phải xoắn…
(Trích “Chuyện nghề” chưa xuất bản).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét