Nhất thể hóa – Bước lùi của lịch sử? Phê phán ông Trương Huy San (P1/2)
Minh Anh
1-10-2018
Gần đây ở Việt Nam dấy lên tranh luận về việc nhất thế hóa giữa chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước (theo mô hình hiện nay của Trung Quốc), và đang có một số phe nhóm vận động cho khuynh hướng này.
1. Chẳng hạn ông Trương Huy San, một người ủng hộ nhất thể hóa, cho rằng: ‘Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam’.
Vậy người đang nắm quyền tối cao là ai, đó là Nguyễn Phú Trọng:
– Một người bảo thủ, với tầm nhìn thụt lùi so với thời đại, đang cố gắng áp đặt một ý thức hệ đã bị lịch sử vứt vào sọt rác – chủ nghĩa cộng sản – trở lại xã hội Việt Nam.
– Một người đang ngày càng gia tăng đàn áp người dân Việt Nam, khiến cho tình hình tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam ngày càng trở nên tồi tệ kể từ năm 2016.
– Một người đang cố kết quyền lực bất chấp thủ đoạn, thông qua thanh trừng phe phái, kể cả phải thủ tiêu đồng chí của mình.
– Một người mị dân, luôn rao giảng lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chống tham nhũng, đề cao đạo đức truyền thống…nhưng thử hỏi xã hội Việt Nam đã tiến bộ được những gì trong những năm qua, Việt Nam có bớt tham nhũng đi không, bộ máy nhà nước có hoạt động hiệu quả hơn không, môi trường Việt Nam có trong sạch hơn không .vv.?; trong khi đó, những sự tự do, tiến bộ luôn bị bóp nghẹt, người dân bất bình lên tiếng thì bị bỏ tù, bị ông gán cho mác là ‘bị các thế lực phản động xúi giục’.
Nếu một con người như vậy, kiêm thêm chức chủ tịch nước, với quyền lực ngày càng tăng thì không biết người dân Việt Nam sẽ gánh chịu biết bao nhiêu tai họa. Hãy nhìn trường hợp của Lê Duẩn, tổng bí thư quyền lực nhất Việt Nam, đã gây ra cho người Việt Nam bao nhiêu thảm họa.
2. Ông San viết tiếp: ‘Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, VN sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hoà bán tổng thống.’
Ý ông San ở đây là gì khi ông dùng từ nền cộng hòa bán tổng thống? Khi dùng từ này, người ta thường liên tưởng đến nền DÂN CHỦ cộng hòa bán tổng thống ở phương Tây. Ông San có đang cố đánh tráo khái niệm, để người đọc nhầm tưởng rằng, thông qua hợp nhất như vậy, người Việt Nam sẽ có chế độ dân chủ bán tổng thống như Pháp.
Xin ông cẩn trọng, tổ chức quyền lực về mặt hình thức như tổng thống, bán tổng thống, đại nghị không phải là điều quyết định nhất về mặt thể chế, mà điều quyết định nhất đó là BẦU CỬ ĐA ĐẢNG TỰ DO.
Nếu không có bầu cử đa đảng tự do thì tổ chức quyền lực như trên có ý nghĩa gì. Các nhánh quyền lực có thể kiểm soát lẫn nhau không khi tất cả nằm trong tay một đảng, Đảng Cộng sản, và khi không có tự do báo chí với Luật An ninh mạng.
Cải cách quan trọng nhất về mặt thể chế của Việt Nam, phải là bỏ điều 04 trong Hiến pháp, quy định độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
3. Ông San viết tiếp: ‘Chủ tịch …. là cái ghế mà chỉ ai thực sự là một chính trị gia hàng đầu mới nên ngồi vào. Trong khi đó, Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị….’
Xin hỏi ông San trong nền chính trị Việt Nam, có ai từng là một chính trị gia hàng đầu, ai từng là nhà kĩ trị… và nếu có người đó, mà anh ta không ở trong phe cánh trong đảng, không có nhiều tiền thì anh ta có thể ngồi vào vị trí đó hay không.
Tiếp, ‘nếu các chính sách của ông và nội các kinh tế có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích nhóm thì ông và các thành viên mà ông chọn có thể phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ’.
Xin hỏi ông điều này từng xảy ra trong hệ thống độc đảng hay chưa, ở Việt Nam người dân chỉ thấy ‘rút kinh nghiệm’ ‘kiểm điểm sâu sắc’, và sau đó thì lại thăng chức cao hơn vì ‘đảng giao phó’.
Và tiếp: ‘Vì, cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với “nội các”.’
Xin hỏi ông là ở Việt Nam có một cơ quan điều tra độc lập hay không, hay tất cả họ đều thuộc về cùng một đảng, Đảng Cộng sản.
4. Ông San viết tiếp: ‘Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ.’
Ông đang viết điều gì thế ông San, trong hệ thống độc đảng, với bằng chứng lịch sử gần 100 năm qua, ở mọi nơi trên thế giới, liệu có sự tôn trọng các quyền lực được ghi trong hiến pháp.
Ông quên các nguyên tắc quan trọng trong lập hiến: ‘quyền lực thì luôn suy đồi, quyền lực tuyệt đối thì suy đồi tuyệt đối’; và ‘tham vọng phải được kiềm chế bởi tham vọng’.
Tất cả nền chính trị này nằm trong tay một Đảng Cộng sản, ai sẽ kiềm chế tham vọng của họ, ai khiến họ phải tôn trọng hiến pháp.
Xin ông trả lời?
Là một nhân vật của công chúng, là một người viết sử, hiểu rõ những khổ nạn của dân tộc Việt Nam, xin ông đừng dùng ảnh hưởng của mình để đẩy người dân Việt Nam vào con đường nô lệ hơn nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét