Nhìn lại để ra đi…
24-9-2018
Khi những giọt nước mắt rịn ra từ tâm khảm của nhân dân đổ xuống đất Việt ngày đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi. Nhiều, rất nhiều là tiếc nuối. Vì đó, có thể là người vĩ đại cuối cùng.
Họ hiểu rằng, không ai trong số những người còn lại, xứng đáng nhận những giọt nước mắt dân tộc như vậy nữa. Không một cá nhân nào, có thể chạm đến cảnh giới lòng tin của nhân dân nữa.
Cho dù, con người và sự nghiệp của đại tướng, cũng không tránh khỏi một vài vệt xám. Như những Bá Thanh, Sáu Khải sau này. Nhân vô thập toàn. Miễn sao, trong cái mưu cầu cho bản thân, đã từng đặt mưu cầu cho xã hội, cho dân tộc lên trên. Nhất là, kiến tạo được một thông điệp, một giá trị vĩnh hằng.
Có một xu hướng đáng ngợi khen. Là nhiều lãnh đạo cao cấp đã xin về quê an vị, thay vì nằm Mai Dịch. Nhưng, nằm đâu cũng vậy. Chỗ trang trọng nhất là trong lòng nhân dân. Nhược bằng cứ lấy lăng tẩm đền đài để mưu cầu sự nể trọng của nhân dân. Thì đó là não trạng phong kiến, thô bạo và mê muội.
Lòng dân như tờ giấy trắng, trong câu chuyện của nhân dân hôm nay, vẫn có bóng hình của tiền nhân đi trước. Những khai quốc công thần, những chí sĩ bình dị. Dân có ngày nào quên. Cũng dòng chảy nghìn năm ấy, bao bạo chúa hôn quân dù có đình đài miếu mạo thì cũng chỉ nhận lại từ nhân dân một cái lắc đầu.
Nhân dân chưa bao giờ vô ơn. Vẫn khắc ghi công trạng của một thế hệ chuyên chính đã cùng nhau làm nên lịch sử. Chỉ có niềm tin chuyên chính, mới có thể cơm nắm đào hầm, mới trường kỳ kháng chiến. Những con người chuyên chính ấy trở về, cáng đáng đất nước. Nhân dân vẫn tin tưởng và ngợi khen.
Nhưng sòng phẳng, đất nước ấy, dân tộc ấy, với một quá khứ lẫy lừng, đã đi đến một hiện tại và tương lai chưa sáng sủa. Những người chuyên chính thật sự, hãy nhìn vào điều ấy mà hiểu rằng, mình còn nợ dân nợ nước.
Lại nữa, trong một nửa đời sau “chiến thắng”, dù gì cũng đã nệm ấm chăn êm. Đã được biệt đãi hơn nhân dân rất nhiều. Đã vinh quang hơn những người khác nằm xuống hôm qua không manh chiếu, hồn phách hòa vào sông núi, khí khái vô tư. Nghoảnh nhìn lại những anh linh đó, mình có thấy hổ thẹn?
Đừng cố nhào nặn những người hùng khi nhân dân không có nổi sự xót xa của một tha nhân. Không phải là niềm tin đã đổ sông đổ bể. Mà thực tế của thời đại, người dân cần một niềm tin khác, thay vì hào quang xưa cũ. Dân cần nắm thóc mùa giáp hạt, cần con đường đến trường phẳng phiu cho thế hệ mai sau hơn những tụng ca giáo điều.
Cảm xúc của nhân dân, thậm chí bị đè nén, bị bất công ấm ức. Vì phải hàm ơn “tự động”, khi họ chưa hiểu điều gì, chưa tri diện đầy đủ về những con người nằm xuống.
Sống biệt điện, chết lăng tẩm. Di sản để lại là nợ công, sự mất niềm tin, môi trường bị tàn phá, bọn tham nhũng và ngu xuẩn. Điều đó, làm lòng dân suy kiệt.
Hãy nhìn lại, trước khi ra đi. Những con người thật sự vĩ đại, luôn biết khiêm nhường trước nhân dân. Kể cả khi chọn cách nằm xuống…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét