Nhóm lợi ích Bộ tài nguyên môi trường bất chấp luật lệ để giấu diếm ĐTM ra sao?
27-9-2018
Năm 2014 Quốc Hội thông qua Luật Bảo vệ Môi trường quy định rất rõ một trong những loại thông tin môi trường PHẢI ĐƯỢC CÔNG KHAI là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). [1]
Nếu làm theo luật này, chẳng hạn đối với Formosa Hà Tĩnh, công chúng và báo chí sẽ biết rõ nhiều thông tin quan trọng sau:
(1) Đơn vị được thuê lập ĐTM là ai? Gồm những cá nhân nào? Năng lực ra sao?
(2) Hội đồng phê duyệt bao gồm những cá nhân nào? Uy tín thế nào trong lãnh vực môi trường?
(3) Đơn vị tư vấn lập ĐTM dự báo dự án có thể gây tác động xấu đến môi trường như thế nào? Đơn vị này đưa ra những giải pháp để phòng ngừa, giảm thiểu các tác động đó? Hội đồng phê duyệt nhìn nhận những dự báo được nêu ra sao và đánh giá từng giải pháp của đơn vị tư vấn thế nào?
Nếu công chúng và báo chí biết được loại thông tin (1) và (2) sẽ ngăn chặn được tình trạng ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’ trong quy trình ĐTM, chẳng hạn với trường hợp Formosa Hà Tĩnh khi mà đơn vị tư vấn và hội đồng phê duyệt ĐTM đều thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường [2]. Hơn thế, nguy cơ bị chỉ mặt đặt tên trên truyền thông sẽ tạo một hiệu ứng tâm lý tích cực khiến các cá nhân, ở cả đơn vị tư vấn lẫn hội đồng phê duyệt ĐTM, không thể cẩu thả và gian dối trong công việc của mình được.
Loại thông tin (3) lại tạo điều kiện cho các nhà chuyên môn có thể phân tích và đánh giá chất lượng ĐTM của mỗi dự án lẫn tính khách quan, chính xác của công tác phê duyệt. Những thành viên trong hội đồng phê duyệt – thường đều là những chuyên gia trong lãnh vực môi trường – hẳn không muốn thân bại danh liệt trong học giới nên sẽ vượt qua cám dỗ kim tiền của nhà đầu tư mà làm việc nghiêm túc. Trong khi đó, phân tích của giới chuyên môn cũng sẽ giúp tất cả các bên liên quan, bao gồm cả nhà đầu tư, phân biệt được đâu là đơn vị tư vấn nghiêm túc, đâu chỉ copy-paste để loại bỏ dần đi.
Kết quả là, những dự án nguy cơ ô nhiễm cao sẽ bị chặn từ trong trứng nước. Hoặc giả như có ô nhiễm xảy ra đi chăng nữa thì với lượng thông tin từ ĐTM, việc nhận ra lỗi phải ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Và mỗi lần như thế sẽ là một lần gạn đục khơi trong, loại bỏ các cá nhân vô trách nhiệm, bít những lổ hổng trong quy trình, khiến tình hình ngày một tốt hơn.
Bao nhiêu ích lợi từ việc công khai ĐTM như thế đều không trở thành hiện thực bởi lẽ nhóm lợi ích Bộ Tài nguyên Môi trường đang cố tình giấu diếm các bản ĐTM và các thông tin liên quan.
Trắng trợn hơn, trong các văn bản cụ thể hoá Luật Bảo vệ Môi trường 2014 từ Nghị định 18/2015, Nghị định 19/2015 đến Thông tư 27/2015 mà Bộ Tài nguyên Môi trường có vai trò chính trong việc soạn thảo và ban hành, những lãnh đạo Bộ này hoặc đã phớt lờ yêu cầu công khai của Luật, hoặc đã biến tấu đi để ĐTM không trở thành thông tin mà công chúng và báo chí có thể dễ dàng tiếp cận. [3]
Chính vì thế, việc đòi hỏi Bộ Tài nguyên Môi trường công khai ĐTM và toàn bộ quy trình xung quanh nó theo tinh thần Luật Bảo vệ Môi trường 2014 cần trở thành trọng tâm của công cuộc đấu tranh vì môi sinh môi trường ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng chính là thay đổi thể chế (institutional changes) về môi trường mà các tổ chức và truyền thông quốc tế thường thắc mắc là liệu đã được thực hiện ở Việt Nam sau thảm họa Formosa hay chưa?
Ấy cũng có nghĩa là họ hỏi ta, liệu có học được gì sau khi đã trả quá nhiều học phí hay chưa?
—
[1] Luật BVMT 2014 (Xem điều 131): http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=36884
[3] Nghị định 18 (Xem Điều 12, 16): http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=52325&Keyword=
Nghị định 19 (Xem Điều 51, 52): http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=52528&Keyword=
Thông tư 27 (Xem Điều 10): http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=67918&Keyword=
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét