Bản tin Biển Đông ngày 26-9-2018
BTV Tiếng Dân
Ngoài thực địa
Trang Oxii dẫn tin từ tài khoản Twitter Aircraft Spots, chuyên theo dõi các chuyến bay của không quân Mỹ, cho biết, ngày 24/9, hai oanh tạc cơ B-52 của Mỹ đã bay vào Biển Đông. Đây là lần thứ 8 trong năm nay không quân Mỹ điều máy bay ném bom hạng nặng bay vào khu vực, theo Oxii.
Theo đó, hai máy bay số hiệu “ETOS01” và “ETOS02” đã cất cánh từ Căn cứ không quân Anderson ở đảo Guam, bay qua eo biển Ba Sĩ giữa Đài Loan và Philippines và đi về phía nam Biển Đông để hướng đến căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Các máy bay này được hộ tống bởi bốn chiếc KC-135R số hiệu TOXIN 21, 22, 23 và 24, loại chuyên cơ tiếp nhiên liệu cho máy bay quân sự.
Hồi cuối tháng 8, hai máy bay B-52 đã xuất phát từ căn cứ Anderson và bay qua khu vực quần đảo Trường Sa, liên tiếp 2 lần trong 4 ngày. Bản đồ đường bay cho thấy, hai oanh tạc cơ này gần như bay dọc theo các thực thể Xu Bi, Ga Ven, Chữ Thập, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn mà Trung Quốc đang chiếm đóng, sau đó đến Bãi cạn Scarborough hiện đang do Trung Quốc kiểm soát.
Truyền thông Trung Quốc gọi các phi vụ này là hành động khiêu khích và có ý đồ rõ ràng. Đáp lại, bộ phận quan hệ cộng đồng của Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF) nói rằng, các chuyến bay được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế và chính sách tự do hàng hải lâu đời của Mỹ.
Báo VnExpress cho biết, tàu khu trục HMNZS Te Mana của hải quân New Zealand, cùng với gần 200 thủy thủ, do Trung tá Lisa Hunn dẫn đầu, cập Cảng Sài Gòn sáng 25/9, bắt đầu chuyến thăm TP. Hồ Chí Minh 4 ngày. Trung tá Lisa Hunn là nữ quân nhân đầu tiên của Hải Quân New Zealand giữ vị trí chỉ huy của tàu khu trục.
Theo tạp chí Công nghệ Hải quân (Naval Technology), HMNZS Te Mana là tàu khu trục hạng nhẹ, lớp Anzac. Đây là một trong hai tàu chiến chủ lực của hải quân New Zealand, được trang bị nhiều khí tài hiện đại.
Là tàu chủ lực của hải quân New Zealand, HMNZS Te Mana đã tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quân sự quan trọng như đại diện cho New Zealand lần đầu tiên cập cảng tại Nga khi tới thăm thành phố Vladivostok năm 2005, và vừa rồi đại diện cho New Zealand tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 tại Hawaii, Mỹ.
Báo VnExpress dẫn lời trung tá Lisa Hunn, khẳng định: “Chuyến thăm lần này cùng với chuyến thăm của tàu Ta Kaha năm ngoái cho thấy, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, bền chặt”. Trong thời gian ở TPHCM, thuỷ thủ đoàn sẽ có các hoạt động hợp tác, giao lưu quốc phòng với hải quân Việt Nam.
Trước đó, ngày 24/9, Bộ trưởng Các Lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly đã gặp ông Christopher Pyne, Bộ trưởng Quốc phòng Úc và thảo luận tương lai hợp tác hải quân giữa hai nước, theo SBS News. Trong cuộc họp báo chung, ông Pyne tuyên bố, hải quân Úc sẽ diễn tập chung với Pháp và các nước khác ở Biển Đông, báo The Australian cho biết.
Ông Pyne nói, Úc đã tăng cường các chuyến hải hành ở Biển Đông và có thể sẽ làm việc cùng với Pháp trong một hoạt động đa phương trong tương lai.
Dù Úc đã tăng cường hiện diện ở cả vùng biển và vùng trời ở Biển Đông, cách tiếp cận của Úc không giống với Mỹ. Cũng giống như Anh, Úc không cho tàu áp sát các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở Biển Đông. Và Úc sẽ không có ý định thay đổi gì trong chính sách này, theo The Australian.
Trong khi đó, Thông tấn xã Việt Namdẫn tin từ Reuters và báo Wall Street Journal, ngày 25/9 cho biết, Trung Quốc từ chối đề nghị cho phép tàu tấn công đổ bộ Wasp của Mỹ đến thăm Đặc khu hành chính Hong Kong vào tháng tới, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington liên quan tới thương mại.
Một quan chức nói, “đối với các đề nghị cho tàu quân sự Mỹ đến thăm Hong Kong, Trung Quốc luôn thực hiện việc phê chuẩn theo từng trường hợp, phù hợp với nguyên tắc chủ quyền và tình hình cụ thể”, song không nêu rõ chi tiết.
Đọc thêm: Trung Quốc yêu cầu Anh không can thiệp vấn đề Biển Đông (VNE). – Trump sẽ tố cáo “sự nguy hiểm, hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông trước LHQ (Oxii).
Vành đai Con đường
Các hoạt động thương mại ở nước ngoài của Trung Quốc dấy lên câu hỏi, liệu việc đầu tư vào cảng biển có liên quan đến mục tiêu quân sự và đem đến hiểm nguy an ninh tại quốc gia sở tại hay không, theo báo Soha.
Báo này cho biết, các công ty Trung Quốc như Cosco Shipping Ports và China Merchants Port Holdings đang ồ ạt mua cổ phần hoặc ký các thỏa thuận xây dựng nhà ga tại các cảng biển nước ngoài. Cosco bắt đầu điều hành cảng ở thành phố Piraeus, Hy Lạp vào năm 2008, khi chính phủ nước này sắp vỡ nợ. Từ đó, Bắc Kinh trở thành một nhân tố quan trọng trong ngành cảng biển ở châu Âu.
Hiện Trung Quốc đã bắt đầu in dấu chân ở 3 cảng biển lớn nhất ở châu Âu: Euromax ở Rotterdam, Hà Lan (Trung Quốc sở hữu 35%); Antwerp tại Bỉ (sở hữu 20%) và Hamburg, Đức (Trung Quốc chuẩn bị xây dựng một nhà ga mới).
Năm 2015, Zhang Jie, nhà nghiên cứu tại Học viện khoa học xã hội nhân văn Trung Quốc, viết ý tưởng “tiền dân sự, hậu quân sự”, trong đó các cảng thương mại có thể xây dựng với mục tiêu dần dần phát triển thành các “điểm hỗ trợ chiến lược” có thể hỗ trợ Bắc Kinh trong việc kiểm soát các tuyến đường thủy quan trọng.
Hiện Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về một bộ khung quy định kiểm soát các hoạt động đầu tư nước ngoài trên toàn EU. EU đang ngày càng lo lắng rằng Trung Quốc có thể dùng sự ảnh hưởng về mặt kinh tế ở các cảng biển để tạo ra các ảnh hưởng chính trị lên các quốc gia thành viên, theo Frans-Paul van der Putten, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Quan hệ quốc tế của Hà Lan.
Mới đây ngày 19/9, EU cũng đã thông qua “Chiến lược Kết nối” liên kết giữa châu Âu và châu Á để nhằm đối phó với kế hoạch Vành đai Con đường của Trung Quốc, theo The Diplomat.
Chiến lược của EU nhấn mạnh tính bền vững, đề xuất rằng các khoản đầu tư nên tôn trọng quyền lao động, không tạo ra các phụ thuộc chính trị hoặc tài chính và bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Nước ngoài (OPIC), cơ quan phát triển tài chính quốc tế của chính phủ Mỹ, hiện cũng đang đàm phán để mời Ấn Độ tham gia vào một liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm đối kháng với sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, báo Người Lao Động dẫn tin từ South China Morning Post. Trước đó, OPIC đã đạt được các thỏa thuận với Nhật Bản và Úc.
Theo bài báo, quan hệ hợp tác này sẽ giúp 3 quốc gia cải thiện quy trình đầu tư chung trong lĩnh vực năng lượng, vận chuyển, du lịch và cơ sở hạ tầng công nghệ. Tầm ảnh hưởng của OPIC ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ gia tăng một khi dự luật “Sử dụng tốt hơn các khoản đầu tư dẫn đến Đạo luật phát triển năm 2018” (BUILD 2018) được thông qua. Dự luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào hồi tháng 7 và sẽ được bỏ phiếu tại Thượng viện trong tuần này. Nếu thành luật, BUILD 2018 sẽ cho phép OPIC đầu tư vào các dự án phát triển thay vì chỉ cho vay.
Đọc thêm: Trung Quốc yêu cầu Anh không can dự vào Biển Đông (RFI). – TQ nhắc nhở Anh ‘chớ thiên vị, hãy tôn trọng chủ quyền ở Biển Đông’ (VOA). – Cố vấn an ninh Mỹ cảnh báo sự gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông (DT). – Australia sẽ cùng Pháp tham gia cuộc tập trận quốc tế tại Biển Đông(VOV). – Trung Quốc bác đề nghị thăm Hong Kong của tàu hải quân Mỹ (Zing). – Mỹ thông qua thỏa thuận 330 triệu USD bán linh kiện vũ khí cho Đài Loan (NLĐ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét