Biểu tượng và công cụ
23-9-2018
Những ngày này trên cộng đồng mạng, tôi thấy vô số người dân mang cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang ra giễu cợt, phê phán, nhưng hiếm thấy ai chia sẻ lòng tiếc thương, ngoại trừ vài người từng là đồng sự, đồng nghiệp của ông và những kẻ nịnh bợ chế độ.
Chẳng những chỉ riêng Trần Đại Quang thôi, mà cả các nhân vật từng là lãnh đạo của đảng CS đang trong tình trạng bệnh hoạn, già yếu, mấp mé cái chết như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đinh Thế Huynh… cũng bị mang ra làm bia cho những trò cười.
Bên cạnh thái độ của đa số, thì có người phê phán sự bày tỏ tình cảm ấy là tàn nhẫn, là sự hả hê vô nhân tính, trái với đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” của văn hóa Việt.
Vì sao lại có hiện tượng như vậy? Nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của LÒNG DÂN do sự chán ghét, căm hận chế độ. Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng thử bàn sâu hơn thì tôi có thêm vài ý như sau:
Người ta không nghĩ đến Trần Đại Quang với thân phận của một con người hữu hạn và nhỏ bé trong dòng đời, như là một người cha, người con, người bạn… mà lại nghĩ đến những hành động của ông đã tác động lên xã hội, đất nước, nhân dân. Người ta nghĩ đến vụ đàn áp người dân tộc ở Tây Nguyên, đến những cái chết trong đồn công an, đến những vụ đàn áp người yêu nước biểu tình chống Trung Quốc, đến những bản án khắc nghiệt với người đấu tranh cho dân chủ, đến sự kiêu binh, tàn ác của bộ máy công an, đến luật An ninh mạng…
Với các nhân vật khác như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đinh Thế Huynh… người dân cũng chế giễu và phê phán họ như vậy. Hầu hết nỗi căm ghét nằm trong 3 điều: tội ác, sự ngu dốt, và hành vi phản quốc.
Người ta đã không xem các nhân vật này như những CON NGƯỜI với các phẩm chất và vấn đề cá nhân, mà người ta xem họ là BIỂU TƯỢNG và CÔNG CỤ của quyền lực, của chế độ đang sắt máu áp chế lên nhân dân.
Biểu tượng và công cụ là vật vô-tri-giác (inanimate object).
Người ta không băn khoăn khi tàn nhẫn với vật vô-tri-giác!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét