Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Bản tin Biển Đông ngày 25-9-2018

Bản tin Biển Đông ngày 25-9-2018

BTV Tiếng Dân
Một số áp lực lên Việt Nam trong đàm phán COC
Bài bình luận của Mark Valenciađến từ Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc, đăng trên ASEAN Today, nói về nguy cơ chia rẽ trong quá trình đàm phán COC, cho thấy những áp lực mà Việt Nam đang đối mặt để bảo vệ yêu sách của mình ở Biển Đông.
Áp lực đầu tiên đó là, Việt Nam muốn đưa quần đảo Hoàng Sa vào phạm vi điều chỉnh của COC, nhưng Trung Quốc bác bỏ và cho rằng, đây là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, không phải là vấn đề của cả ASEAN và Trung Quốc, nên đưa vào một văn bản COC giữa ASEAN và Trung Quốc là không phù hợp.
Một học giả đến từ Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc viết, sự bất đồng quan điểm về vấn đề này là nguyên nhân gây ra đổ vỡ trong đàm phán COC năm 2002, và kết quả cuối cùng các bên chỉ đạt được một văn bản DOC mang tính chính trị, không có ràng buộc pháp lý. Việt Nam nếu không khéo léo đưa Hoàng Sa trở thành vấn đề chung của khu vực, có thể sẽ bị coi là thủ phạm làm chậm quá trình đạt được đồng thuận cho COC chỉ vì muốn bảo vệ chủ quyền và yêu sách hợp pháp của mình ở Hoàng Sa.
Cũng nên nhắc lại, mặc dù cho rằng vấn đề Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã luôn khước từ, không đàm phán với Việt Nam về Hoàng Sa.
Áp lực thứ hai cho Việt Nam, đó là trong Văn bản Đàm phán Dự thảo COC Duy nhất không chứa bất kỳ tham chiếu nào đến các cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc. Văn bản có đề xuất tới những cơ chế giải quyết tranh chấp khác nhau, nhưng quy định rằng, chỉ khi ‘được sự đồng ý của các bên’. Điều này về cơ bản sẽ làm cho COC không có tính ràng buộc.
Xin nhắc thêm rằng, Trung Quốc không chấp nhận giải quyết tranh chấp ở Toà, mà chỉ chấp nhận cách tiếp cận thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị nơi Trung Quốc có thể áp đặt ý muốn riêng của mình. Điều này hạn chế đáng kể, những cơ hội có thể phá vỡ bế tắc và giải quyết tranh chấp một cách công bằng.
Áp lực thứ 3 đối với các nước nhỏ hơn trong khu vực đó là, Trung Quốc muốn việc tập trận chung với các nước ngoài khu vực cần phải có sự đồng ý của tất cả các bên thành viên tham gia COC. Và hợp tác chung trên biển không được tiến hành với các công ty đến từ các nước ngoài khu vực. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, là nước hiện đang có những dự án khai thác chung với các công ty của Ấn Độ, Nga, Mỹ. Năm 2017 và 2018, dưới áp lực đe doạ của Trung Quốc, Việt Nam đã phải dừng kế hoạch khoan dầu trong dự án hợp tác chung với Respol của Tây Ban Nha.
Dường như Việt Nam muốn tránh khỏi nguy cơ này bằng cách đề xuất tất cả các bên cần phải tôn trọng các vùng biển được thiết lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Yêu cầu Trung Quốc làm điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải từ bỏ yêu sách quyền lịch sử trong phạm vi đường 9 đoạn. Phán quyết Toà trọng tài năm 2016 đã bác bỏ yêu sách này của Trung Quốc và Trung Quốc đã cự tuyệt không tuân theo phán quyết của Toà. Bởi vậy, cũng có thể dễ tiên đoán Trung Quốc sẽ không chấp nhận đề xuất này của Việt Nam.
Chính sách và ngư dân
Trong một bài báo với tựa đề “Ngư dân ra khơi thêm gian nan”, báo Dân Việt cho biết, hai đợt điều chỉnh giá xăng dầu hồi tháng 4/2018 đã khiến chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến đi biển tăng lên, gây ra nhiều lo lắng cho ngư dân.
Theo tính toán của các ngư dân tỉnh Quảng Nam, thời điểm tháng 4/2018, giá dầu tăng thêm 700 đồng/lít khiến chi phí nhiên liệu tăng chóng mặt, thêm 3 triệu đồng mỗi chuyến đi biển. Trong vòng hơn 1 năm qua, giá dầu đã tăng thêm tới 3.000 đồng/lít, đồng nghĩa với việc chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến biển đã đội lên 12 triệu đồng.
Chi phí đó còn chưa tính đến sự tăng “phi mã” của hàng loạt mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, gas… là hệ quả của giá xăng dầu tăng. Điều này khiến giá thành sản xuất ngày càng tăng trong khi nguồn lợi thuỷ sản đang có nguy cơ cạn kiệt.
Bài báo có đoạn: “Nhiều ngư dân cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng khiến chuyến biển nào của bà con cũng lỗ. Theo thống kê của Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), tổng sản lượng khai thác của hơn 800 phương tiện của ngư dân các tỉnh miền Trung neo đậu tại cảng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 20.000 tấn, giảm 82 tấn”.
Bài báo cũng cho biết, việc tăng giá xăng dầu còn ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển, khiến cho giá nông sản cũng sẽ tăng lên.
Bài báo kết luận, với quyết định mới về đánh thuế bảo vệ môi trường ở mức cao nhất đối với tất cả các sản phẩm xăng dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng từ sản xuất nông nghiệp đến các ngành nghề khác, và một mặt bằng giá mới đắt đỏ sẽ được hình thành trong tương lai không xa.
Trong một câu chuyện chính sách khác, ngư dân Bùi Đình Trầm đang bị kiệt quệ bởi nhà nước quên hỗ trợ cho ông đóng tàu vỏ thép. Theo trình bày của ông, trước năm 2016, ông có 1 con tàu gỗ công suất máy 500 CV, hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa được gần 20 năm. Vì thường xuyên bị rượt đuổi bởi các tàu Trung Quốc, ông Trầm bán con tàu gỗ và vay mượn đóng tàu vỏ thép để ra khơi được vững vàng hơn.
Ông chấp nhận vay vốn với lãi suất thương mại để hưởng tiền hỗ trợ theo Quyết định 47/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên sau 9 tháng, ông vẫn chưa nhận tiền và kiệt quệ vì trả lãi trên 100 triệu đồng/tháng.
Mời xem clip từ báo Thanh Niên:
Video Player
00:00
03:13
Bài báo kết luận: “Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị, nói ngắn gọn: ‘Quyết định UBND tỉnh phê duyệt rồi, hồ sơ đã gửi đầy đủ ra ngoài T.Ư rồi và lên tận Thủ tướng. Các bộ ngành T.Ư đang sắp xếp vốn, nếu vướng thì vướng ở ngoài kia chứ chúng tôi đã làm hết nhiệm vụ rồi’. Theo ông Trầm, mấy ngày gần đây phía Công ty Khiên Hà đã ra ‘tối hậu thư’ rằng nếu không trả khoản nợ 4 tỉ, họ sẽ cho người vào ‘siết’ tàu đưa về Hải Phòng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét