Xuyên màn đêm “thu giá”
23-5-2018
Chiều 22/05/2018, Bộ Trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhét vào dân Việt Nam từ “thu giá” – một từ không hề có trong bất cứ từ điển nào và cũng không có trong bất cứ văn bản pháp luật nào.
Chuyện Gì Đã Xảy Ra Sau Bức Màn Bí Mật Của Thu Giá?
Lâu nay, Bộ GTVT đã đồng lõa với các doanh nghiệp thu phí trái pháp luật tại các trạm BOT nhưng không ai phát hiện ra hoặc không ai lên tiếng. Khi cuộc đấu tranh chống BOT lan rộng và quyết liệt – đặc biệt là BOT Cai Lậy, thì vấn đề đặt ra là các trạm thu phí này đã thu theo luật nào để từ đó mới có thể xử lý người chống đối, người không chịu nộp phí.
Thu phí thì phải theo Luật PHÍ VÀ LỆ PHÍ số 97/2015/QH13 do quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 với hai nội dung quan trọng, gây ngất ngư cho Bộ Giao Thông Vận Tải:
A. Phí và Lệ phí là các khoản thu ngân sách nhà nước, phải được quốc hội thông qua bằng luật và giao cho Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Bộ Tài Chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh qui định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng. Không có dòng nào, chữ nào qui định Bộ Giao Thông Vận Tải được quyền xía vào.
Và điều 16 Luật Phí và Lệ Phí cũng qui định:
1. Các hành vi nghiêm cấm bao gồm:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí;
b) Thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.
2. Trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
B. Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/08/2016 qui định tiền thu phí phải được nộp vào “Tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước” (điều 3/k2b).
Bộ Giao Thông Vận Tải trả lời trước quốc dân thế nào về việc lâu nay, các ông bà cùng với các doanh nghiệp sân sau, ấn định mức thu phí tại các trạm BOT, rồi tự chi với nhau, không “thực hiện kê khai tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và nộp tiền phí phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau khi trừ số tiền phí được để lại”. (Điều 3/k2b)?
Nay thì Ông Nguyễn Văn Thể chữa cháy, né “thu phí” thành “thu giá” nhưng cái đuôi khỉ của Tôn Ngộ Không thì vẫn còn lồ lộ: “thu” vẫn là “thu”. Đã thu thì cưỡng chế nộp. Cưỡng chế nộp thuế, nộp phạt, nộp phí là thẩm quyền của quốc hội và các cơ quan do quốc hội chỉ định chứ Bộ GTVT và Doanh nghiệp BOT thì làm gì có quyền này? Các ông bà đã và đang thu phí, quản lý phí tại các BOT theo luật nào?
Bí mật lớn nhất đã lòi ra từ miệng ông Thể: “sản phẩm BOT do doanh nghiệp làm ra, nhưng không phải doanh nghiệp muốn quyết giá bao nhiêu cũng được mà sẽ ký hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải; Bộ có trách nhiệm giám sát quá trình thu giá“. Tha hồ múa giá với nhau, dân nộp sướng không?
Dù với bất cứ lý do gì và với bất cứ hoàn cảnh nào thì doanh nghiệp cũng không được dùng từ “thu” và ấn định mức thu với nhân dân này. Thu phí, thu thuế, hay thu giá – như ông Thể đặt tên – thì bản chất vẫn là “thu”. Các ông bà có hiểu bản chất của từ “thu” không? Và vì sao thu, chi ngân sách hằng năm phải thuộc thẩm quyền của quốc hội không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét