Đường Chữ U nối liền bao gồm 67 lô dầu khí của Việt Nam
RFA
2018-05-25
2018-05-25
Đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc nối liền lại với nhau sẽ cắt mất 67 lô dầu khí của Việt Nam.
Reuters có bài phân tích ngày 23 tháng 5 với nhận định do hãng tư vấn Wood MacKenzie đưa ra như vừa nêu. Cụ thể trong số 67 lô đó có bốn lô đang cho ra sản phẩm và những lô khác đang ở các giai đoạn thăm dò và khai thác khác nhau.
Reuters nhắc lại những diễn biến gần đây liên quan tình hình hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí giữa Việt Nam với các tập đoàn nước ngoài khác.
Gần nhất vào tuần qua, chi nhánh Việt Nam của Tập đoàn Dầu khí Nga Rosneft lên tiếng bày tỏ quan ngại hoạt động khai thác của họ tại lô dầu khí ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam có thể làm Trung Quốc phản ứng bất lợi.
Ngay sau đó Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng khẳng định lô dầu khí mà Rosneft tham gia khai thác hoàn toàn nằm trong vùng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng quyền chủ quyền của Việt Nam tại đó.
Vào tháng 3 vừa qua, Việt Nam cho ngưng dự án khoan dầu tại Mỏ Cá Rồng Đỏ vì bị Trung Quốc gây áp lực. Vụ việc này được hãng tư vấn chuyên phân tích nguy cơ Verisk Maplecroft cho rằng là một vố đánh vào ngành thăm dò dầu khí của Việt Nam cũng như nổ lực phát triển ngành dầu khí của chính phủ Hà Nội.
Thống kê cho thấy từ năm 1986 đến năm 2009, Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam đem lại cho nguồn thu chiếm 20% Tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam.
Trữ lượng dầu thô tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam được ước tính từ 3 tỷ 300 triệu đến 4 tỉ 400 triệu tấn.
Tuy nhiên vào năm 2014 khi xảy ra vụ Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, thì sản lượng dầu thô năm đó giảm xuống hơn 15 triệu tấn rưỡi. Năm ngoái con số này là 13 triệu 567 ngàn tấn.
Giới ngoại giao trong và ngoài Việt Nam đều cho rằng nổ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí là một phần chiến lược của Hà Nội nhằm ‘quốc tế hóa’ vấn đề tranh chấp Biển Đông trước sức ép của Bắc Kinh.
Vào tháng 5 và tháng 6 năm 2011, Việt Nam có phản đối chính thức về việc tàu dân sự Trung Quốc can thiệp hoạt động thăm dò địa chấn của Việt Nam, một vụ cụ thể là tàu Trung Quốc cắt cáp một tàu Na Uy được PetroVietnam thuê thực hiện hoạt động này.
Căng thẳng giữa hai phía tăng cao vào tháng 5 năm 2014 khi Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Lúc đó tàu tuần duyên của hai nước đã đụng độ nhau.
Nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn nổ ra tại nhiều nơi khắp Việt Nam và Bắc Kinh cho rút giàn khoan.
Trở lại hoạt động khai thác của chi nhánh Rosneft của Nga hiện nay tại Việt Nam, chuyên gia phân tích tình hình Đông Nam Á người Nga, Anton Tsvetov thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược, thì giữa Nga và Trung Quốc hiện đang có quan hệ mạnh mẽ và vấn đề năng lượng được đặt nặng. Do đó theo chuyên gia này thì khả năng cao là Trung Quốc sẽ không gây ra vấn đề cho một tập đoàn dầu khí lớn như thế của Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét