“Bộ… hạ” thu “giá dài” – Tiếng Việt mất dần
Lò Văn Củi
25-5-2018
Anh Bảy Thọt vừa ngồi xuống là thở dài nhưng cười mim mỉm:
– Mệt ghê, mấy bữa nay mệt ghê, mệt bởi cha nội này.
Anh Sáu Nhặt hỏi liền:
– Cha nội nào mà làm Bảy ta khổ dữ vậy? Phải là tay tổ nào đó chớ hổng phải chơi, gây khổ được Bảy hổng dễ đâu à.
Anh Bảy trả lời:
– Dạ, nhức cái đầu luôn. Cha nội Bộ trưởng Thể.
Ông Hai Xích lô nói:
– Cha nội phí phí, giá giá rần rần mấy bữa nay chớ chi. Thằng cha móc… cứt mũi chẳng thèm che chắn lại gì hết ráo, tự nhiên như kẻ điên, móc xong chắc bỏ miệng lủm, nhai nuốt luôn.
Nghe ông Hai nói bà con cô bác không nhịn được cười, và bữa nay được cười rần rật suốt gần hết buổi.
Anh Bảy gật đầu:
– Dạ, chính cha nội dó. Thể mà hổng kiểm soát được toàn thân thể, để cái đầu ngu, cái mũi ngứa, cái mỏ xảo ngôn nó lộng hành, thua phần trên rồi, chỉ còn phần dưới, coi như là bộ trưởng BỘ… HẠ. Giá thì có giá búp, giá cọng dài, BOT khoái giá dài là cái chắc. Suy ra “BỘ HẠ” thu “GIÁ DÀI”. Hổng có nói lái nói lọt gì hết à nha.
Cũng từ chỗ giá này mà căng cái đầu. Con vô quán kêu tô phở, cái bà chủ tiệm hỏi trụng phí hông hay phí sống? Ngơ ngác chim bay một đỗi mới nghiệm ra, à là giá trụng hay giá sống như mọi lần xưa nay. Rồi cái cô dạy đứa con, kêu con ăn cho hết đừng có bỏ giá, tội lắm. Bà chủ tiệm nghe liền bực mình cãi lại, nãy chị kêu hông bỏ giá tui có bỏ đâu. Cô kia phải đính chánh, hổng phải, tui đang dạy sắp nhỏ từ mới cho quen dần, giá là phí, phí là giá, bỏ phí tội lắm đó mà. Bà chủ tiệm gõ gõ đầu mình, tui mới nói với chú Bảy còn quên lửng, xin lỗi chị.
Gần kề bên có cặp đôi đang yêu, cô nàng nhõng nhẽo, nũng nịu hoài, cái anh chàng nói thôi em, em làm như có phí lắm, cô nàng nhướn cổ, phí cao ngất, lo mà mần có tiền đóng tình giá hông thì đừng có mà xơ múi. Bà con tưởng đang nói ngôn ngữ tuổi ten tuổi tén gì đó.
Anh Năm kể tiếp:
– Có bà kia nhập viện cấp cứu, bác sĩ hỏi đóng giá chưa, bả nói… dạ, nhà em trồng… cải đóng cải được hông. Bác sĩ nạt, giỏi cãi quá hen, tưởng bả đùa làm bà khóc huhu, nói người nhà quê có biết chi, có sao nói vậy bác sĩ ơi. Hồi sau chuyện mới phân minh.
Chú Tám Thinh vỗ đùi cái bốp, kể thêm:
– Có chuyện này nữa, nhưng khác chút. Có ông kia đi nhậu dìa, bà vợ cằn nhằn, ăn nhậu cho ngập mặt ngập bụng, dìa nhà đái ngập tùm lum. Ổng cự nự, bà ăn nói cho đàng hoàng, tui đi nhậu chỉ tụ nước trong bụng, đái cũng chỉ tụ nước chứ có ngập cái gì. Ăn nói phải học tập theo cán bộ, cán bộ bự nói vậy đó, nói cà chớn cán bộ rầy á.
Ông Hai Xích lô lắc đầu:
– Mấy cha giao thông vận tải hoặc có liên quan, cứ tạo xì căng đan hoài ha, hết còn “nhúc nhích là đâu có kẹt xe”, chỉ là ùn ứ, cái bùng binh hay cái vòng xoay đổi thành cái “nút giao thông”, y như cái nút áo, nút quần, nút chai, rồi tới “đường cong mềm mại”, “cầu tạo hình chữ V” chứ không sập, một nửa cây cầu còn lại vẫn xài tốt khi nửa kia sập trôi mất theo dòng nước… bây giờ tiếp nối mấy vụ này.
Bà con thở dài ngao ngán. Ông Thầy giáo nãy giờ ít cười, ông trầm ngâm rồi nói:
– Chuyện lớn chứ hổng phải chỉ là ngu xuẩn, làm trò cười cho thiên hạ không thôi đâu. Nghe bà con cô bác chửi và cười sự ngu xuẩn, sự ranh ma, xảo trá chứ chưa ngẫm tới vụ lớn này. Bà con cô bác còn nhớ cụ Ngự tiền, Thượng thơ Phạm Quỳnh đã nói chứ: “Tiếng ta còn, nước ta còn” đó. Tiếng Việt đang mất dần nó cho thấy các quan chức vô trách nhiệm, chỉ lo trèo cao, tiếm quyền, tìm mọi thủ đoạn để phụng sự sự ích kỷ của mình, của phe nhóm mình, đâu có còn ngó ngàng tới đất nước, tới dân chúng, tới chữ nghĩa.
Tiếng Việt đâu có thể để nói: “Bà con ngư dân bám biển để giữ chủ quyền lãnh hải”, “Phát cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân bám biển giữ đảo”… đây là các câu cửa miệng của quan chức quân đội, và như ông thiếu tướng Phan Anh Minh: “Về nguyên tắc, tất cả người dân phải có trách nhiệm tự bảo vệ tài sản và quyền lợi của mình. Nhà nước có trách nhiệm bồi dưỡng kỹ năng, hỗ trợ người dân thực hiện quyền tự vệ”. Và còn nhiều câu không ý nghĩa hoặc vô trách nhiệm nữa.
Một dàn các bộ chỉ chăm chăm lợi ích riêng, thì chuyện bị ngoại bang thao túng, hoành hành là điều dễ dàng và mất nước là điều dễ như trở bàn tay. Không thể là chuyện nhỏ.
Nghe ông Thầy nói, bà con mới thấy được, đúng là chuyện lớn chứ không phải đùa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét