Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Lại nối vòng tay lớn

Lại nối vòng tay lớn

bxvnSat 1:16 AM

Nguyễn Duy Vinh 

Nghe bài hát “Nối vòng tay lớn” (NVTL) do cô Emily Kershaw và ban nhạc thủy thủ đoàn Carl Vinson trình diễn tại Đà Nẵng hôm mồng 05 tháng 03 vừa qua khiến tôi miên man nghĩ đến thông điệp nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài NVTL đã được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) hát trên Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30 tháng 04 năm 1975 ca ngợi cuộc tấn công và chiếm đóng miền Nam của quân đội Bắc Việt (xin nghe lại qua YouTube dưới đây[5]). Bài hát mà những người tị nạn CSVN nghe lại ngày hôm nay vẫn còn lạnh xương sống. Trịnh Công Sơn (TCS) đầy nhiệt huyết đã ngây thơ (mà chắc cũng có thể cố tình?) vỗ tay ăn mừng chiến thắng của quân đội Bắc Việt ngày 30 tháng 04. Cái mà Trịnh Công Sơn gọi là “ngày giải phóng” qua lời tuyên bố hùng hồn và đầy nhiệt huyết đó đã không thành hình. Thông điệp nối vòng tay lớn của TCS cuối cùng là một thông điệp giả dối vì cách hành xử của Nhà nước Việt Nam ngay sau ngày 30 tháng 04 1975 cho thấy chẳng có ai trong những người “bên thắng cuộc” muốn nối vòng tay lớn với quân dân chính miền Nam cả. Nhà nước CSVN đã hành xử vô cùng tệ bạc với nhân dân miền Nam và lịch sử đã chứng minh điều này qua các nhà tù cải tạo, qua những cuộc đánh tư sản mại bản và qua cuộc vượt biên vượt biển chưa từng có trong lịch sử nhân loại, của hơn một triệu người Việt Nam hy sinh tính mạng liều mình ra đi tìm tự do. TCS sau đó cũng chẳng được ân huệ gì hơn của Đảng và Nhà nước. Tiếng nói đầy nhiệt huyết của anh cuối cùng cũng theo anh xuống mồ và chính bài hát lịch sử NVTL mà anh đã hát trên đài phát thanh cũng đã bị cấm ngay sau đó và sự cấm hát này kéo dài mãi đến tháng 04 năm 2017, tức là suốt 42 năm.

Cũng may cho cô Emily Kershaw, không biết cô có biết ở Việt Nam không phải ai muốn hát bài gì thì hát. Có một số ca sĩ chỉ vì hát những bài kêu gọi tôn trọng nhân quyền, đòi tự do dân chủ cho Việt Nam (nhất là những bài của nhạc sĩ Trúc Hồ qua hãng đĩa nhạc ASIA) đã bị Nhà nước cho vào danh sách persona non grata và bị cấm không được về Việt Nam trình diễn. Trong nước thì phải kể trường hợp ông Nguyễn Văn Lộc aka Lộc Vàng, một người say mê hát nhạc vàng (thể điệu bolero) giữa Thủ đô Hà Nội. Cách sống say mê nghệ thuật này đã khiến ông Lộc Vàng (LV) và một số bạn bè của ông phải lâm vào cảnh tù tội. Ông Lộc Vàng bị Nhà nước Việt Nam kết tội hình sự. Bị khép tội truyền bá nhạc “đồi trụy, phản cách mạng” và bị kết án 10 năm tù cộng 4 năm bị tước quyền công dân. Ông được thả năm 1976. Gần đây hơn nữa, có một nhạc sĩ trẻ phải đi tù vì đã sáng tác những bài hát nói lên tâm sự của một người Việt Nam yêu nước, tên anh là Việt Khang, và họ bắt anh vì hai bài hát “Việt Nam tôi đâu”, và “Anh là ai”. Ngày 30/10/2012, anh bị Tòa án TP Hồ Chí Minh tuyên án 4 năm tù và 2 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Hiện nay Việt Khang đã được thả và số phận anh khá hơn Lộc Vàng sau khi ra tù vì anh đã xin được sang tị nạn ở Hoa Kỳ.

Nói thêm về Bộ luật Hình sự Việt Nam. Theo Bộ luật Hình sự này, các điều sau đây đã được Nhà nước CSVN sửa đổi và tác giả bài viết cố tóm tắt lại như dưới đây. Xin ghi nhớ là những điều luật này đã được các chánh án Nhà nước CSVN dùng để bỏ tù rất nhiều nhà tranh đấu cho lẽ phải và nhân quyền trong nước, gần đây nhất và tiêu biểu nhất là những bản án khắc nghiệt dành cho Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh[2]và bà Trần Thị Nga[4]. Người dân Việt Nam trong nước chỉ cần lên tiếng về việc Trung Cộng chiếm đất chiếm đảo hoặc việc Công ty Gang Thép Formosa đổ hàng triệu lít chất thải vào biển làm hỏng môi trường biển Việt Nam trên 250 km bờ biển là có thể bị bắt, bị khởi tố và bị phạt tù dựa theo Điều luật 88, 258 hoặc 79. Chưa bao giờ mà những quyền tự do căn bản của người Việt Nam bị cướp đi trắng trợn và dã man như thế so với ngay cả thời Việt Nam còn nằm dưới ách đô hộ của người Pháp. Theo báo cáo của ông Nguyễn Đan Quế và các nhà hoạt động nhân quyền trong nước[4], riêng năm 2017 nhà cầm quyền CSVN đã bỏ tù 94 người theo các điều luật hình sự 79, 88 và 258. Theo báo cáo này, một số đã bị công an và côn đồ (do công an bao che) đánh đập dã man gây thương tích trầm trọng.

Điều 79 về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” sửa đổi thành Điều 109 “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, và bổ sung thêm hai khoản 3 và 4.

Điều 88 về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chuyển thành Điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Điều 258 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” được sửa đổi thành Điều 343, nội dung vẫn giữ nguyên.

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, bài hát NVTL nằm trong danh sách hơn 2500 bài sáng tác trước 1975 tại miền Nam bị cấm hát. Tuy nhiên qua nghị định ký ngày 12 tháng 04 năm 2017 Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) của Bộ Chính trị đã lấy bài NVTL ra khỏi danh sách những bài bị cấm hát. Và như vậy ban nhạc hải quân của chiến hạm USS Carl Vinson hát bài này không vi phạm luật và không cần phải xin giấy phép của cục NTBD.

Trong chuyến thăm Đà Nẵng hôm mồng 05 tháng 03 năm 2018 vừa qua của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, thủy thủ đoàn của chiến hạm thuộc lớp Nimitz chạy bằng nguyên tử này đã có dịp xuống thăm Thành phố Đà Nẵng theo như những bài báo trong nước thuật lại. Trong những sinh hoạt đầy ý nghĩa và thân thiện của thủy thủ đoàn USS Carl Vinson, có mục cô Emily Kershaw và ban nhạc của USS Carl Vinson trình diễn tại Cầu Rồng (Đà Nẵng)[3]. Một bài hát đã làm cho khán giả thích thú là bài NVTL mà cô Emily đã hát theo thể điệu nhanh và bằng tiếng Việt làm khán giả có mặt xúc động. Những người lớn tuổi như chúng tôi ở tận nơi rừng sâu núi thẳm của xứ Phi Châu nghèo nàn khi xem YouTube[3] của buổi trình diễn này cũng rất xúc động huống hồ là những người được xem tận mắt.

Xúc động vì tính cách trình bày trẻ trung và tươi mát của cô Emily và nhất là hình ảnh của một người Mỹ trẻ hát tiếng Việt đã đánh động được quả tim của những người xem. Và cô Emily trong cuộc phỏng vấn với báo chí trong nước đã lên tiếng nhấn mạnh về thông điệp muốn kết nối (nối vòng tay lớn) của hai dân tộc Mỹ-Việt khi cô chọn bài này. Đây là hình cô Emily lúc đang được phỏng vấn (mà tác giả chép lại từ Báo Thế giới[1]):

Tình cảm mà người dân Đà Nẵng dành cho cô Emily và ban nhạc thủy thủ đoàn USS Carl Vinson rất sôi động và hứng thú. Chỉ cần nhìn tấm hình mấy cháu bé ra đứng nhún nhẩy theo điệu nhạc (xem dưới đây, chép lại từ bài đăng trên Báo Thế giới) của ban nhạc USS Carl Vinson cũng đủ làm xiêu lòng rất nhiều người.

Đây là một hình ảnh đẹp và dễ thương. Ban nhạc hải quân của chiến hạm USS Carl Vinson đã chiếm được trái tim của người dân Đà Nẵng nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Tuy thế, như lịch sử đã chứng minh, ông TCS không thể nói là mình đại diện cho tiếng nói của “bên thắng cuộc” trong ngày 30 tháng 04 khi hát bài NVTL trên đài phát thanh Sài Gòn và chính cô Emily và ban nhạc của chiến hạm Carl Vinson cũng không thể nói là mình nhân danh chính quyền Hoa Kỳ khi hát bài NVTL tại Đà Nẵng ngày 05 tháng 03 vừa qua. Cử chỉ của cô Emily và ban nhạc thủy thủ đoàn USS Carl Vinson là một cử chỉ rất thân thiện và tự nhiên. Và theo tác giả bài viết, chắc họ không biết bài hát đó của TCS đã bị Nhà nước cấm và là một bài hát đang còn bị đa số người Việt Nam tị nạn Cộng sản khắp nơi trên thế giới tẩy chay. Cách ứng xử của ban nhạc thủy thủ đoàn USS Carl Vinson cho thấy họ là những người đầy tâm huyết và nhiệt huyết và họ xứng đáng được gọi là những sứ giả của tình thương và hòa bình trong chuyến viếng thăm Việt Nam. 

Riêng về phần Nhà nước Việt Nam, cách đón tiếp các quan chức cao cấp của Hạm đội thứ Bảy Hoa Kỳ tại Đà Nẵng đã bị báo chí hải ngoại[6] cho là rụt rè và thiếu nghi thức ngoại giao qua sự vắng mặt của các lãnh đạo Nhà nước. Nhà cầm quyền Việt Nam hình như đang bị một gọng kềm nào đó phong tỏa và vì vậy họ đã bỏ lỡ một cơ hội lớn để tỏ lòng thân thiện với một cường quốc có thể giúp Việt Nam thoát khỏi gọng kềm từ phương Bắc. 

Yaoundé một chiều mưa
N.D.V.
__________
[4] Báo Cáo Vi Phạm Nhân Quyền Việt Nam 2017, nhóm biên soạn: Nguyễn Đan Quế, LM Phan Văn Lợi, HT Thích Không Tánh, ThS Phạm Bá Hải, LS Lê Công Định, Ký giả Nguyễn Vũ Bình và Kỹ sư Lê Thăng Long, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, 2017
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét