Những cái chết oan bởi sự tham nhũng, gian dối và vô trách nhiệm
Hoàng Dân
30-3-2018
Tôi từng đọc đâu đó câu ngạn ngữ rằng, chúng ta tạo ra những điều may rủi rồi đổ cho đó là số phận. Vậy đấy, khi gặp tai hoạ, gặp điều không may chúng ta thường nói đó là cái số, số trời. Đến đôi dép còn có số huống chi con người. Mà đã cho là số phận thì thường có tâm lý chấp nhận, chịu đựng dù có lên tiếng thì đó chỉ là tiếng than thở, oán trách đời. Tôi cũng tin vào số phận, nhưng không phải là tất cả. Bởi có những “số phận” thực ra là do tham nhũng, lạm dụng chức quyền, gian dối, tham lam, bất cẩn, vô trách nhiệm của con người gây ra. Chẳng hạn:
Trường hợp 14 người chết trong vụ cháy chung cư Carina ở TP.HCM vừa qua có phải là số phận? Nếu xem đó là số phận, vậy thiên định, hay nhân định? Giả sử, ban quản lý chung cư Carina thực hiện nghiêm ngặt quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy thì liệu có xảy ra vụ cháy?
Nếu trước đó những kiến nghị của người dân về an toàn cháy nổ được những người có trách nhiệm xử lý thì có thể đã không xảy ra vụ cháy. Nếu những công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng làm đúng quy định, nghiêm khắc, không bỏ qua những sai phạm về phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư thì có thể hậu quả đã không xảy ra. Nếu trước đó chính quyền TP kiểm tra rà soát chất lượng, hệ thống tiêu chuẩn an toàn của nhà chung cư thì đâu có xảy ra thảm hoạ thương tâm như thế. Và nếu có xảy ra thiệt hại cũng không nghiêm trọng như vậy (trường hợp ở thời điểm xảy ra vụ cháy, hệ thống báo cháy không bị tê liệt, các trụ cứu hoả có nước).
Ai đã tạo ra những số phận nghiệt ngã đó?
Nếu những người sửa chữa bảo dưỡng thiết bị chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình không cẩu thả, những cán bộ ở bệnh viện nghiệm thu đúng quy trình, thì đã không xảy ra vụ 8 người chết khi chạy thận.
Ai đã tạo ra những cái chết thương tâm đó?
Nếu những cán bộ ở Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ công binh) không bán đầu đạn cũ ra ngoài mà xử lý đúng quy định, những cán bộ cơ sở có trách nhiệm trong việc kiểm tra cháy nổ trong phạm vi quản lý của mình, chủ kho phế liệu không tham lam thì đã không xảy ra vụ nổ kho phế liệu kinh hoàng ở Bắc Ninh, khiến 2 em bé thiệt mạng.
Ai đã cướp đi mạng sống của hai em nhỏ vô tội đó?
Nếu cái cổng trường học ở Lào Cai được làm cẩn thận, bê tông có lõi thép đúng tiêu chuẩn thì đã không xảy ra vụ sập khiến một học sinh lớp 2 chết oan uổng.
Cái chết oan uổng đó do đâu?
Và hàng ngàn cái nếu như: không tham nhũng, gian dối, tham lam, tắc trách… thì đã không có những cây cầu xây xong đã sập, đường mới làm đã nứt lún, trường mới xây đã hỏng, đê mới đắp đã bị vỡ, không có những công trình bê tông cốt tre, những cánh rừng bị triệt hạ, những con sông bị ô nhiễm…và tất nhiên sẽ ít đi những cái gọi là số phận oái ăm.
Thế nhưng, chẳng mấy ai quan tâm, chẳng mấy ai lên tiếng đấu tranh loại bỏ những điều tệ hại đó để xã hội tốt đẹp hơn. Hơn nữa, chúng ta có tâm lý chung là sợ hãi, chúng ta im lặng vì cho rằng nó không phải là chuyện của mình. Mà quên rằng, bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân tiếp theo.
Một đất nước, một xã hội mà người dân trong ngôi nhà của mình cũng không an toàn, ra đường tai hoạ khắp mọi nơi thì hạnh phúc chỗ nào? Tốt đẹp ở đâu?
© Copyright Tiếng Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét