Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

Tại Sao Việt Nam Cần Một Cuộc Cách Mạng Dân Chủ?


Tại Sao Việt Nam Cần Một Cuộc Cách Mạng Dân Chủ?

Lê Minh Nguyên
28-3-2018
Tại vì hiện nay đó là cách duy nhất để thay đổi hệ thống chính trị từ độc tài sang dân chủ. Đây là cuộc cách mạng để thay đổi vận mạng một dân tộc, không phải là sự hoài cổ hay trả thù. Cách mạng dân chủ để dân tộc hướng về một tương lai tươi sáng.
Để thay đổi một hệ thống con người (human system) nhất là hệ thống chính trị của một đất nước, nó chỉ có 3 cách, dù có bao nhiêu dạng thái thì chung quy cũng chỉ chạy về một trong 3 cách mà thôi.
Thứ nhất, thay đổi bên trong một hệ thống nhưng giữ y cấu trúc của hệ thống (reform) như CSVN đã làm năm 1986 và đột ngột dừng lại khi Đông Âu và Liên Sô sụp đổ, rồi họ đi đến Thành Đô bằng đầu gối năm 1990 để gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Hậu quả là mất đất, mất biển, mất đảo, mất vùng đặc quyền kinh tế, mang nợ ngập đầu để các nợ này biến thành lãnh thổ của TQ như hiện nay. Cách thay đổi nầy không chuyển qua được khung sườn dân chủ với các quyền chính trị căn bản của người dân được tôn trọng, nhưng ở bên trong hệ thống thì đời sống kinh tế dễ thở hơn qua mảng kinh tế tư nhân được phát triển. Sự thay đổi này nếu đi đến tận cùng thì nó sẽ cho ra một chế độ phát xít.
Thứ hai, thay đổi chính cái hệ thống, chính cái cấu trúc chính trị độc tài đang trị vì, nhưng tiệm tiến (transform) để sau một thời gian hệ thống độc tài được hoàn toàn xoá bỏ và thay vào đó là một hệ thống dân chủ hoàn toàn mới và khác. Sự thay đổi này được thực hiện bằng một trong hai cách:
Cách tiệm tiến thứ nhất là từ bên ngoài hệ thống chính trị đương hữu, do những cá nhân và tổ chức tranh đấu dân chủ làm chủ động, CSVN gọi là diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch và đã thẳng tay đàn áp. Ngày 5/4/2018 họ đem 6 anh chị em của Hội Anh Em Dân Chủ (Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức) ra xử với tội lật đổ (Điều 79). Điều này có nghĩa là đừng hy vọng CSVN chấp nhận diễn biến hoà bình.
Cách tiệm tiến thứ hai là từ bên trong hệ thống chính trị đương hữu, do chính những người cộng sản đã thấy rõ cái lỗi hệ thống, và nếu không thay đổi hệ thống thì chính họ và gia đình họ sẽ không có một tương lai an toàn, dù họ là trung ương uỷ viên hay uỷ viên bộ chính trị. Họ muốn thay đổi để các thế hệ mai sau có một tương lai tốt đẹp hơn mà trong đó có gia đình, con cái và thân nhân của họ.
Ông tỷ phú đôla Quách Văn Quý của Trung Quốc (cũng là đảng viên cộng sản trong ngành an ninh cao cấp) đang tỵ nạn ở New York đã bày tỏ mong muốn thay đổi này (của giai cấp ông trong Đảng CSTQ) với ông Nguỵ Kinh Sinh, một nhà tranh đấu dân chủ nổi tiếng của TQ. CSVN gọi đó là “hiện tượng tự diễn biến tự chuyển hoá từ bên trong và từ bên trên”, họ lo sợ và luôn báo động về hiện tượng này. Tham nhũng thì trung ương uỷ viên nào cũng dính, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng trong vụ Ciputra, nhưng dùng chiêu bài chống tham nhũng để đốt lò thì thực sự là để phục vụ quyền lợi phe bảo thủ của ông Trọng, để tiêu diệt đối thủ và “hiện tượng tự diễn biến tự chuyển hoá từ bên trong và từ bên trên”. Điều này có nghĩa là đừng hy vọng CSVN chấp nhận “tự diễn biến tự chuyển hoá từ bên trong và từ bên trên”, tức người cộng sản từ thượng tầng chủ động để thay đổi qua dân chủ. Thay đổi của họ, nếu có, là thay đổi của con vi trùng trong bệnh viện, vừa nguy hiểm hơn vừa lờn thuốc hơn.
Thứ ba, thay đổi bằng cách phá bỏ ngay hệ thống chính trị đuơng hữu và xây dựng lại cái khung sườn, và các định chế của một hệ thống hoàn toàn mới (revolution). Sự thay đổi này có tính cách dứt khoát và nhanh, từ khung sườn đến cung cách ứng xử. Nó đòi hỏi dân chúng cương quyết đứng lên thay đổi cái trật tự hiện tại của độc tài, và một sự nhận lãnh trách nhiệm, tận tâm hướng dẫn của giai tầng trí thức. Đây là cách duy nhất khả dĩ còn lại hiện nay và các điều kiện để nó có thể xảy ra cũng đã gần hội đủ. Có thể nói dân tộc đang ở vào thời kỳ rạng đông của cách mạng dân chủ và đang tiến đến Giờ Ngọ của sự thay đổi vận mạng dân tộc.
Có người cho rằng CSVN đang nắm chặt công an quân đội, đang thành công ngoại giao, đang được thế giới công nhận, có Đảng CSTQ chống lưng… thì làm sao mà cách mạng dân chủ có thể xảy ra được? Điều họ nói không sai nhưng cũng không phải là chân lý. Ông Tập Cận Bình và Đảng CSTQ đang trên đỉnh cao quyền lực, rất đúng, nhưng nếu gọi là rất ổn định thì không! CSVN cũng vậy! Bất cứ một chế độ nào không phải là bạn dân mà trái lại xem dân như kẻ thù, sợ dân thì dứt khoát không phải là chế độ ổn định dù kinh tế có phát triển bao nhiêu hay quan hệ quốc tế có tốt bao nhiêu. Các chế độ độc tài đều có một đặc tính chung là khi chưa sụp đổ trông giống như thành đồng vách sắt, nhưng khi sụp đổ thì nhanh và dứt khoát như cành cây khô bị gãy.
Hơn nữa, lịch sử của các quốc gia trong thế giới đã chứng minh rằng, khi một chế độ không được lòng dân thì sự thay đổi là do dân chứ không phải do các yếu tố bên ngoài. Cuộc cách mạng dân chủ xảy ra là do dân chúng đứng lên và thượng tầng lãnh đạo của độc tài bị mục rữa và hai yếu tố này càng ngày đang càng hiện rõ ở Việt Nam.
Để trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam cần một cuộc cách mạng dân chủ, ta có thể khẳng định rằng đó là cách duy nhất để lịch sử được sang trang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét