“Điệp vụ Biển Đỏ” chỉ là cái cây trong cả khu rừng
Nam Quỳnh
30-3-2018
Nếu quá chăm chú vào những tranh cãi ồn ào về bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” như đang diễn ra tại Việt Nam, người ta dễ rơi vào cảnh nhìn cái cây mà bỏ quên cả khu rừng.
Đó là một trong những cảm giác của người viết sau khi tham dự một buổi thuyết giảng mang tên “Dressing-up the Dragon? Chinese media as ‘Soft Power’”, diễn ra tại trường Đại học Westminster tại thủ đô London (Anh) vào ngày 28/3.
Tên buổi thuyết giảng nói trên có thể tạm dịch sang tiếng Việt là “Bận áo cho con rồng? Truyền thông Trung Quốc như là một ‘quyền lực mềm’”.
Giáo sư chủ trì buổi giảng là một nhà nghiên cứu hàng đầu về truyền thông Châu Á tại Anh, giáo sư trường Đại học Westminster, ông Daya Thussu.
Phần giảng bài có tính mở mang tầm mắt của giáo sư Thussu kèo dài một tiếng đồng hồ. Tiếp theo sau đó là một phần hỏi đáp thú vị khi người viết hỏi chủ tọa về trường hợp phim “Điệp vụ Biển Đỏ”.
Cũ và mới về quyền lực mềm
Giáo sư Thussu bắt đầu bằng việc đưa ra các định nghĩa cơ bản nhất vốn không hề mới mẻ.
Xuất phát điểm của học thuyết về quyền lực mềm có thể xem là nhà khoa học chính trị người Mỹ Joseph Nye Jr. Ông này đưa ra hai khái niệm quyền lực tồn tại song song.
Quyền lực cứng (hard power) là quyền lực đến từ sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế. Quyền lực cứng cưỡng ép sự tuân thủ.
Quyền lực mềm (soft power) thì lại không có tính cưỡng ép. Nó dựa vào việc thu hút, lôi kéo, và thâu nạp để mưu cầu sự tuân thủ tự nguyện.
Theo giáo sư Thussu, khái niệm “quyền lực mềm” tự nó là một ý tưởng “rất Mỹ”.
Nó do trí thức người Mỹ sáng tạo, và phát triển tiếp, để gọi tên một thứ quyền lực mà người Mỹ đã sẵn có.
Quyền lực đó đến từ một ngành công nghiệp truyền thông đa phương tiện khổng lồ thuộc hàng phức tạp nhất thế giới của người Mỹ.
Bộ máy truyền thông đó cho phép người Mỹ dễ dàng làm các công tác “thu hút”, “lôi kéo”, và “thâu nạp”. Càng làm lâu thì họ lại càng làm có bài bản và “nhà nghề” hơn.
Nhà cầm quyền nào biết khéo léo dùng cả quyền lực cứng và quyền lực mềm thì như biết tuyệt chiêu “song thủ hỗ bác”, hay như một cao bồi “hai tay hai súng” điêu luyện. Một nhà cầm quyền như thế sẽ được cho là có quyền lực khôn ngoan (smart power).
Cuối năm ngoái, Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy – NED), một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, đã có một nghiên cứu phân tích chỉ ra một dạng mới có gần đây của quyền lực mềm: quyền lực sắc bén (sharp power).
Quyền lực sắc bén dùng để chỉ “môn phái” quyền lực “không cứng mà cũng chẳng mềm” của các chính quyền chuyên chế tại Nga và Trung Quốc.
Theo NED, Nga và Trung Quốc không tìm cách chiến thắng “con tim và khối óc” – vốn là mục tiêu bình thường của quyền lực mềm. Nhưng họ cũng đủ khôn ngoan để không “khua khoắng” quyền lực cứng quá đà, dẫn đến chiến tranh xung đột.
Quyền lực sắc bén không tìm cách thu hút hay thuyết phục con người.
Một chính quyền áp dụng quyền lực sắc bén khi nó dùng quyền lực cứng để đàn áp tự do, ép buộc đồng thuận trong nước; nhưng đồng thời nó lại dùng quyền lực mềm – thu hút, thuyết phục – để tìm cách thao túng và chia rẽ nội bộ các quốc gia khác.
Dĩ nhiên, cách diễn giải “quyền lực sắc bén” của NED chỉ là một lực chọn có thể dùng của các nhà nghiên cứu và các nhà bình luận.
Mới và không mới về quyền lực mềm của Trung Quốc
Theo giáo sư Thussu, việc Trung Quốc có quyền lực mềm không phải là chuyện gì đó mới và cũng không phải chỉ có từ khi Trung Quốc đã phát triển kinh tế thành công.
Ngay từ thời trịnh trị của chủ nghĩa Mao tại Trung Quốc, tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa này (vốn có thể xem là một cách diễn giải chủ nghĩa cộng sản sao cho phù hợp với điều kiện kém phát triển của các nước thuộc “thế giới thứ ba”) đã lan rộng ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, tạo thành một thứ ảnh hưởng chính trị “không thông qua nòng súng” trên trường quốc tế của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc từng giương cao ngọn cờ kêu gọi các nước thuộc địa hay cộng sản vùng lên “chống đế quốc” cũng có thể xem là một ví dụ sử dụng quyền lực mềm từ sớm của họ.
Sau khi Trung Quốc phát triển kinh tế thành công, việc thực hành quyền lực mềm của họ thay đổi về tình chất.
Nhưng việc Trung Quốc có quyền lực mềm không phải là một sự kiện quá mới mẻ.
Quyền lực mềm trong chiến lược gây ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc
Giáo sư Thussu giải thích rằng, chính quyền Trung Quốc hiện đại có hai công cụ tạo ảnh hưởng không dùng vũ lực: kế hoạch phát triển kinh tế quốc tế và bộ máy truyền thông đa phương tiện dùng sức mạnh mềm.
Kế hoạch phát triển kinh tế quốc tế của Trung Quốc chính là kế hoạch “Một vành đai, một con đường, một địa cực” (One belt, One road, One arctic; hay Belt and Road Initiative).
Còn thông qua bộ máy truyền thông đa phương tiện của mình, chính quyền Trung Quốc vẫn đang lò mò học cách “thu hút”, “lôi kéo”, và “thâu nạp” những “con tim và khối óc” của người dân tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là những khu vực Trung Quốc đang có nhiều đầu tư hay cứu trợ kinh tế, như Châu Phi.
Bộ máy truyền thông đa phương tiện của Trung Quốc
Bên cạnh các kênh truyền hình phát thanh trong nước, hệ thống truyền thông quốc doanh có tầm lan tỏa quốc tế của Trung Quốc bao gồm:
- Hãng tin Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency)
- Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc (China Global Television Network – CGTN)
- Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (China Radio International)
- Nhân dân Nhật báo (People’s Daily)
- Trung Quốc Nhật báo (China Daily)
Có thể điểm qua tiềm lực của vài kênh này.
Hiện Đài CGTN của Trung Quốc đã phủ sóng toàn thế giới với sáu kênh khác nhau bao gồm CGTN Mỹ, CGTN Châu Phi, CGTN tiếng Tây Ban Nha, CGTN tiếng Nga, CGTN tiếng Pháp và CGTN tiếng Ả-rập.
Tân Hoa Xã thì có 180 văn phòng quốc tế (bureau) cung cấp tin bài bằng 8 ngôn ngữ khác nhau (trong khi đó các hãng tin lớn khác như Reuters có 200 văn phòng, AP nhiều nhất có 280 văn phòng).
Bên cạnh các kênh tin tức nói trên là các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các lãnh vực truyền thông, bao gồm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm điện ảnh ra thị trường quốc tế, ví dụ như Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc (China Film Group Corporation).
Quốc doanh quân đông tướng mạnh là vậy.
Nhưng theo giáo sư Thussu, sẽ là sai lầm nếu chỉ xem hệ thống nói trên là “con bài tẩy” trong chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc.
Có một hệ thống khác có khả năng tạo ảnh hưởng còn khủng khiếp hơn: hệ thống truyền thông dân doanh bao gồm các công ty truyền thông đa phương tiện và công ty kỹ thuật số tư nhân.
Giáo sư Thussu đặt câu hỏi: liệu Jack Ma có trở thành phiên bản ông trùm Rupert Murdoch “tay trong tay ngoài” với chính phủ Trung Quốc để “khuynh đảo truyền thông” thế giới không?
Điều này hoàn toàn có thể, nếu nhìn vào vài khoản đầu tư khủng của Jack Ma: 4,5 tỷ đô-la cho kênh video (giống Youtube) Youku Tudou, 586 triệu đô cho mạng xã hội dạng tiểu blog Sina Weibo, 266 triệu đô cho báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) đóng ở Hong Kong.
Hiện Jack Ma đang thương lượng mua Caixin Media, tập đoàn truyền thông hàng đầu chuyên về tin kinh tế kinh doanh của Trung Quốc.
Tập đoàn Alibaba của Jack Ma chỉ mới là một trong bộ ba công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, hay còn gọi là bộ ba BAT (Baidu – Alibaba – Tencent).
Nhờ vào việc dùng Vạn lý Tường lửa kiểm soát Internet và áp dụng chính sách “cấm vận” ngăn chặn các công ty công nghệ nước ngoài thâm nhập thị trường mà Trung Quốc nay đã có trong tay một “hệ sinh thái” khá phong phú và đầy đủ bao gồm các công ty công nghệ, dịch vụ kỹ thuật số và Internet nội địa.
“Hệ sinh thái” này là một điểm mạnh của Trung Quốc mà ngay cả các quốc gia phương Tây hàng đầu như Anh, Đức, Pháp cũng không hề có.
Mỗi một “sản phẩm” công nghệ của Mỹ đều có một phiên bản Trung Quốc tương đương: Google – Baidu, Youtube – Youku, Facebook – Renren, Youku – Youtube, Renren – Facebook, v.v.
Vậy nên xét về cạnh tranh “bá quyền” kỹ thuật số, bây giờ chỉ có Trung Quốc là có khả năng địch lại Hoa Kỳ.
Theo giáo sư Thussu, như vậy tức là Trung Quốc đã hình thành cho bản thân họ một thứ chủ nghĩa tư bản điện tử mang màu sắc Trung Quốc riêng biệt (cyber-capitalism with Chinese characteristics).
Nếu thứ chủ nghĩa tư bản điện tử đó của Trung Quốc thắng thế trước chủ nghĩa tư bản điện tử của Hoa Kỳ trên trường quốc tế, thì đó có thể sẽ được xem là một chiến thắng góp phần nâng tầm với của quyền lực mềm Trung Quốc, giúp Trung Quốc tiến tới việc cuối cùng đạt được một cái gọi là toàn-cầu-hóa-Hoa (Sino-globalization).
Tuy nhiên, trên thực tế, mọi thứ khó khăn hơn nhiều.
Trung Quốc vẫn chưa biết cách dùng tốt quyền lực mềm
Nói nôm na, có thể tưởng tượng Trung Quốc như một anh chàng nouveau rich – nhà giàu mới nổi, đủ tiền mua một chiếc Lamborghini mới cóng, nhưng vẫn quen lái cái xe đạp cọc cạch cũ kỹ.
Anh Trung Quốc chưa lái chiếc “Lamborghini truyền thông” quen bằng anh trọc phú lâu năm Mỹ quốc.
Theo giáo sư Thussu, có thể điểm qua vài biểu hiện lúng túng của Trung Quốc.
Đó là sự thật rằng các “sản phẩm” công nghệ Trung Quốc vẫn chỉ có người Trung Quốc trong nội địa Trung Quốc xài.
Đó là thực tế rằng cho đến nay, 180 văn phòng quốc tế của Tân Hoa Xã vẫn chưa lần nào giúp tổ chức này trở thành bên đầu tiên đưa một tin nóng sốt dẻo về một sự kiện quốc tế đặc biệt nào đó.
Đó là các sản phẩm điện ảnh bắn giết đùng đoàng với mục đích tuyên truyền thô thiển mà ví dụ cụ thể được giáo sư Thussu đưa ra là bộ phim “Chiến binh sói 2”. Những bộ phim này chỉ khiến nhiều nhóm khán giả quốc tế phải phì cười với thông điệp tuyên truyền trắng trợn của chúng, thay vì cảm thấy thuyết phục về một thứ “sức mạnh Trung Hoa” nào đó.
Đó là nhan nhản các biểu hiện hành vi “lệch pha” văn hóa, phân biệt hay kỳ thị theo những cách phần lớn là không cố ý, của các đơn vị truyền thông quốc doanh.
Ví dụ gần đây nhất là vụ việc trong chương trình tạp kỹ cuối năm của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc diễn ra hồi tháng 2 vừa rồi, khi khán giả phải thấy cảnh một diễn viên hóa trang mặt đen, độn mông vào vai một người phụ nữ châu Phi.
Hay một cuộc triển lãm tại một bảo tàng quốc doanh nơi người ta “hồn nhiên” treo hình mặt muông thú song song hình mặt người dân châu Phi mà không hề có chút lo lắng mảy may nào về khả năng bộc lộ sự kỳ thị chủng tộc.
Tất cả những điều đó không làm tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc.
Theo giáo sư Thussu, các vấn đề thiên về văn hóa, thói quen, kỹ năng nói trên có thể được giải quyết bằng việc đào tạo từ từ và lâu dài. Người Trung Quốc vẫn đang không ngừng học hỏi.
Nhưng vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là họ vẫn chưa có một triết lý riêng về xây dựng hình ảnh trong phô diễn quyền lực mềm. Mọi thứ vẫn rất nhỏ lẻ và mánh mung.
Giáo sư Thussu cho rằng những người Trung Quốc làm truyền thông vẫn đang bị quá ám ảnh với phương Tây, quá ám ảnh với những tiêu chuẩn Âu-Mỹ, quá ám ảnh với câu hỏi “người da trắng nghĩ gì?”.
Nỗi ám ảnh đó sẽ còn khiến cho Trung Quốc còn trầy trật trong quá trình dùng truyền thông để xiển dương quyền lực mềm.
Hỏi đáp về “Điệp vụ Biển Đỏ”
Người viết tận dụng thời gian trong phần hỏi đáp để tường thuật lại cho giáo sư Thussu và những người dự giảng khác các tranh luận mới đây về vụ chiếu phim “Điệp vụ Biển Đỏ” tại Việt Nam.
Khá ngạc nhiên là cả những người Trung Quốc dự giảng lẫn những người Anh dự giảng đều tỏ ra rất quan tâm đến cách công luận Việt Nam phản ứng lại một “chiêu trò” quyền lực mềm sử dụng điện ảnh như thế.
Đặc biệt có ông Duncan Bartlett, một nhà báo người Anh dự giảng, cũng đang quan tâm đặc biệt đến phim “Điệp vụ Biển Đỏ”. Ông Bartlett phát biểu rằng ông đang điều tra một thông tin, đó là phần lớn hay toàn bộ kinh phí làm bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” đến từ chính quân đội Trung Quốc.
Nếu đúng là thế thì không ngạc nhiên gì với “giọng điệu” hiếu chiến đã được xem là thể hiện trong bộ phim này.
(Tìm hiểu thêm của người viết cho thấy đơn vị sản xuất chính của bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” chính là công ty phát hành phim Beijing Polybona, đơn vị cũng từng tham gia sản xuất phim “Chiến binh sói 2”.)
Beijing Polybona là một công ty con thuộc tập đoàn China Poly, một tập đoàn nhà nước kinh doanh đa ngành từng được tạp chí Hollywood Reporter của Mỹ gọi là “kênh kinh doanh của quân đội Trung Quốc” (“a business wing of the People’s Liberation Army”).
Tập đoàn này nổi bật với vai trò đại diện thương mại cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Trung Quốc.
Cho dù chưa coi “Điệp vụ Biển Đỏ”, nhưng dựa vào những gì người viết kể, giáo sư Thussu nhận xét rằng bộ phim này có vẻ chỉ là một trường hợp khác giống với phim “Chiến binh sói 2”: một sản phẩm tuyên truyền thô thiển (crude), thiếu khéo kéo (lack of finesse).
Có thể nói rằng, nếu làm phim tuyên truyền mà thô thiển đến mức như “Điệp vụ Biển Đỏ” hay “Chiến binh sói 2” thì đó là một thất bại của quyền lực mềm: chả thuyết phục được người khác, còn khiến họ nổi giận, dè chừng hơn.
Nhận xét này có vẻ được nhiều người Trung Quốc dự giảng đồng tình.
Một trong số họ phát biểu rằng nhóm khán giả mục tiêu chính của những nhà làm phim “Điệp vụ Biển Đỏ” là khán giả nội địa Trung Quốc chứ không phải khán giả quốc tế. Và đơn giản là trong thị trường Trung Quốc, người xem phim có một khát khao (và sẵn sàng trả tiền) để được nhìn thấy sức mạnh của đất nước họ được phô diễn trên trường quốc tế.
Giáo sư Thussu cũng chỉ ra rằng nhà nước hay quân đội đứng sau hỗ trợ hay đầu tư thẳng kinh phí cho giới điện ảnh làm phim mang tính tuyên truyền không phải là chuyện lạ, ngay ở cả các nước phương Tây.
Tuy nhiên, nếu có thể nhìn dưới giác độ kỹ thuật, những nhà làm phim Trung Quốc vẫn đang chưa học được cách “nhìn từ cái nhìn người đối diện”, và vẫn còn rất “thô ráp” trong cách họ kể các câu chuyện điện ảnh của mình.
Nhưng theo thời gian thì họ sẽ dần học được cách xử lý tinh tế hơn để thu hút, thuyết phục người xem theo những cách kín đáo, như giới điện ảnh phương Tây đã học và làm được.
Người viết có chút lo ngại khi nghe như thế.
Những nhà làm phim Trung Quốc có khả năng “nhìn từ cái nhìn người đối diện” không khi vấn đề là một tranh chấp chủ quyền dễ làm sôi những hồng cầu dân tộc?
Vả lại, chừng nào mọi thứ vẫn chịu kiểm soát chuyên chế của chính quyền tại Trung Quốc thì chẳng phải là chừng đó các nhà làm phim Trung Quốc vẫn phải làm phim với nội dung “tuyên truyền” theo chỉ đạo ư?
Đáp lại, giáo sư Chang Xiangqun đến từ Viện Nghiên cứu Toàn cầu Trung Quốc (Global China Institute) phát biểu rằng, sẽ là một cái nhìn quá giản đơn nếu xem “mọi người Trung Quốc đều như nhau”.
Giáo sư Chang kể rằng có một sự khác biệt thế hệ tại Trung Quốc khi vấn đề tranh chấp Biển Đông (hay theo cách bà gọi, “Nam Hải”) được đề cập:
Người trẻ Trung Quốc có vẻ tin tưởng vào tuyên truyền nhà nước hơn và có niềm tin sâu sắc vào “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc ở Biển Đông hơn người già.
Những người Trung Quốc già hơn lại chịu khó nghiên cứu, suy nghĩ thấu đáo hơn; và họ nhìn nhận được rằng tranh chấp Biển Đông không đơn giản và “một chiều” theo như tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc.
Ý rằng “Trung Quốc cũng có người này người kia” từ lời nói của giáo sư Chang có thể tạm trấn an người viết về vấn đề người Trung Quốc có khả năng “nhìn từ cái nhìn người đối diện” hay không, nhưng vẫn không trả lời được vấn đề kiểm soát chuyên chế của chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời lượng của buổi giảng không còn đủ cho những chất vấn tiếp tục.
Trên đường về, người viết chợt nghĩ đến việc người Trung Quốc vẫn đang ngày ngày tinh vi hóa bộ máy truyền thông đa phương tiện phục vụ việc dùng quyền lực mềm của họ.
Nếu “Điệp vụ Biển Đỏ” là một thất bại của quyền lực mềm, thì khi người Trung Quốc thành công, nó trông sẽ như thế nào?
Phải chăng người Việt chúng ta cần phải theo chú ý dõi các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc kỹ càng hơn, với tư duy phản biện chắc chắn hơn, để học cách nhìn ra những “chiêu trò” thu hút, thuyết phục người xem theo những cách kín đáo nhất của người Trung Quốc?
Nếu chọn cách kiểm duyệt, hay từ chối mọi sản phẩm văn hóa có màu sắc tuyên truyền từ Trung quốc, thì người Việt chúng ta khác gì những con đà điểu rụt cổ vào trong cát?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét