2018: Năm đầu tiên xuất siêu Việt Nam vào Mỹ bị sụt giảm?
bxvnThu 12:23 AM
Phạm Chí Dũng
Công nhân Việt Nam chế biến cá ba-sa xuất khẩu ở tỉnh Bến Tre (ảnh tư liệu).
VOA - Từ năm 2001 khi Việt - Mỹ ký Hiệp định song phương thương mại (BTA) đến năm 2017, giá trị xuất siêu của hàng Việt Nam vào Mỹ đã tăng liên tiếp và gấp gần 150 lần, từ 200 triệu USD lên gần 30 tỷ USD. Nhưng 2018 rất có thể là năm đầu tiên chứng kiến cú sụt giảm của đường biểu diễn xuất siêu chưa từng đi xuống đó.
Chỉ trong năm 2017, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, thép và nhôm đã bị Bộ Thương mại Mỹ dự định áp thuế cao “ngất trời”.
Doanh nghiệp “kêu thét”
Vào tháng Ba năm 2018, “điềm xấu” mới nhất đã hiện ra: tại kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ đã ra quyết định cuối cùng với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay - cao gấp đôi giá bán.
Mức thuế quyết định cuối cùng của Mỹ cao gấp 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR 13 hồi tháng 9-2017, cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR 12) trước đó.
Mức thuế trên sẽ tác động thế nào đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam?
“Đây là mức thuế cao nhất khủng khiếp đối với con cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Với mức thuế này thì coi như cá tra Việt Nam hết đường xuất khẩu sang Mỹ vì hiện tại giá xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã là 4-5 USD/kg, xuất để làm gì nữa!” - hầu hết doanh nghiệp cá tra đã phải “kêu thét” lên về cái tương lai quá u ám ấy.
Nhưng cá tra không phải là mặt hàng chủ lực duy nhất mà rất có thể bị mất thị trường Mỹ.
Cũng vào tháng Ba và ngay trước vụ cá tra, Bộ Thương mại Mỹ gần như chắc chắn sẽ nâng tỷ lệ thuế đánh vào mặt hàng tôm Việt Nam lên hơn 25%, tức mặt hàng này sẽ phải chịu thuế cao gấp 21 lần so với mức chỉ khoảng 2% trước đây.
Vào năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đã giảm 7% còn 659 triệu USD. Nếu biện pháp đánh thuế tôm lên hơn 25% được Bộ Thương mại Mỹ kiên quyết áp dụng, chắc chắn giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ còn giảm sút thê thảm.
Cộng hưởng với việc bị Liên minh châu Âu “rút thẻ vàng” đối với hàng hải sản Việt Nam và đang lấp ló “thẻ đỏ”, kim ngạch xuất khẩu của hải sản Việt Nam vào hai thị trường EU và Mỹ trong năm 2018 chắc chắn sẽ bị giảm sút phần nào, nếu không muốn nói là giảm đáng kể, so với doanh số năm 2017.
Thói “gian lận thương mại”
Song có lẽ điểm ngắm lớn nhất của Bộ Thương mại Mỹ là thép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Cơ quan này cũng gần như chắc chắn sẽ nâng tỷ lệ thuế đánh vào thép Việt Nam lên đến 53%.
Mặc dù các Hiệp hội thép Việt Nam, Bộ Công thương và nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thép vào Mỹ như Tập đoàn Hoa Sen, thép Nam Kim, tôn Nam Kim… bắt đầu phản ứng và cho rằng với mức thuế ấy, Việt Nam sẽ mất thị trường xuất khẩu thép vào Mỹ, nhưng lại có một nguồn cơn bị xem là “gian lận thương mại” đủ trở thành cái lý xác đáng để người Mỹ chế tài đối với thép Việt Nam.
Vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo một phát hiện chấn động: có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nếu bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp dụng biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc”, toàn bộ ngành thép Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực, trong đó có nhiều sản phẩm thép do chính Việt Nam sản xuất.
Nhưng hậu quả trên lại giống như một kết quả tất yếu mà những doanh nghiệp Việt Nam cùng Bộ Công thương mang nặng não trạng và thói quen “ăn” hàng Trung Quốc phải gánh chịu.
Không những thế, có nhiều dấu hiệu và biểu hiện cho thấy doanh nghiệp Việt Nam còn tiếp tay với doanh nghiệp Trung Quốc để nhập khẩu thép và nhôm Trung Quốc vào Việt Nam, sau đó “mông má” rồi dán nhãn Việt Nam để xuất sang Mỹ. Nghi vấn kho nhôm tại Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam ở Bà Rịa-Vũng Tàu có dấu hiệu lợi dụng buôn lậu, tuồn hàng xuất xứ Trung Quốc vào là một ví dụ điển hình.
Vào cuối năm 2016, tờ Wall Street Journal cho hay sau khi bị Mỹ đánh thuế bán phá giá, công ty của tỉ phú Liu Zhongtian và nhiều nhà xuất khẩu nhôm Trung Quốc đã tìm cách thành lập các pháp nhân bí mật tại những nước như Mexico hay Việt Nam để che giấu nguồn gốc, xuất xứ nhằm trốn thuế khi xuất khẩu hàng của mình vào Mỹ.
Đầu năm 2017, 500.000 tấn nhôm được chất lên tàu và chuyển từ Mexico đã được vận chuyển tới một cảng biển ở Vũng Tàu.
Dù Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan - đã tổ chức kiểm tra vụ việc trên và xác định nghi vấn trên là “chưa có căn cứ”, không ai dám bảo đảm rằng các cơ quan hay những quan chức “có trách nhiệm” của Việt Nam lại không “đi đêm” với doanh nghiệp Trung Quốc - tương đồng với truyền thống phí Trung Quốc được xem là “chi thoáng nhất” cho quan chức Việt.
Đã từ quá nhiều năm qua, cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị mất cân đối cực kỳ nghiêm trọng: Việt Nam luôn phải nhập siêu đều đặn từ “bạn vàng” Trung Quốc gần 30 tỷ USD/năm theo đường chính ngạch, chưa kể đường tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD/năm.
Chỉ một tháng sau việc bất thần tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc”, Hoa Kỳ đã khiến giới chức thương mại Việt Nam” chịu sốc thêm một lần nữa khi thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về 8 công ty mà lẽ ra Việt Nam phải đăng ký là “doanh nghiệp nhà nước” theo quy tắc thương mại toàn cầu.
8 công ty mà Mỹ khai báo với WTO đều là những cái tên nổi đình nổi đám ở Việt Nam: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và công ty con là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)…, đều là doanh nghiệp nhà nước và do Chính phủ Việt Nam sở hữu trên 50% cổ phần. Trong quan hệ làm ăn ở Việt Nam, các doanh nghiệp này vẫn thường rất tự hào với mác “quốc doanh” của họ. Không những thế, một số trong các doanh nghiệp nhà nước này đã từ quá lâu nay được hưởng thế độc quyền kinh doanh và do đó luôn tạo áp lực đáng kể đối với người tiêu dùng và xã hội về giá cả theo lối “một mình một chợ”.
Vụ việc 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam bị phía Hoa Kỳ cáo buộc lên WTO chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp này, bởi cả 8 doanh nghiệp nhà nước này đều tham gia hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu.
“Công bằng và đối ứng”
Tròn một năm sau thời điểm liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại” cho nền kinh tế Mỹ, đúng vào ngày Lễ Tình Yêu 14 tháng Hai năm 2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như muốn bày tỏ “tình yêu” đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam bằng cử chỉ “siết nợ” thông qua nội dung “hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề thương mại và cam kết sẽ tăng cường, mở rộng mậu dịch song phương công bằng và đối ứng”.
Dấu hỏi lớn là sau “công bằng và đối ứng” về thép, nhôm, tôm và cá tra, Trump sẽ còn có thêm những chế tài thương mại nào đối với Việt Nam?
Ngày càng rõ là người thay thế tổng thống cũ Obama đã không còn dành nhiều ưu ái cho Việt Nam.
Luôn là một ẩn số khó đoán định và không hề ưu ái Việt Nam, Trump đang trở thành một trong những nhà lãnh đạo thực dụng nhất trên thế giới, dẫn đến khả năng giá trị xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2018 bị sụt giảm, thậm chí sụt khá mạnh so với năm 2017 đang ngày càng hiện rõ, càng khiến rệu rã chân đứng của chế độ chính trị Hà Nội trong bối cảnh nền ngân sách Việt Nam đang ngắc ngoải trong nỗi bế tắc của nợ công - nợ nước ngoài, nợ xấu, bội chi, nợ lương, nạn tin tiền và lạm phát tăng vọt.
P.C.D.
Bài đã đăng trên VOA, tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét