Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Bản tin tối 26-3-2018


Bản tin tối 26-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Hải quân Trung Quốc thông báo rằng nước này có thể điều tàu sân bay Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông, VnExpress đưa tin. Bài viết dẫn lời “một nguồn tin quân sự giấu tên” từ Trung Quốc nói rằng: “Cuộc tập trận được lên kế hoạch vào đầu năm nay. Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh nhiều khả năng sẽ lần đầu tiên tham gia tập trận sau khi thể hiện khả năng tác chiến trong 5 lần diễn tập gần đây”.
RFA đưa tin: Hội Nghề Cá Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông. Vẫn như mọi năm, Hội Nghề Cá Việt Nam khẳng định: “Hành động đơn phương tuyên bố cấm đánh bắt cá của Trung Quốc gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, xâm phạm chủ quyền quẩn đảo Hoàng Sa và vùng biển Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam”.
Về bộ phim tuyên truyền tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được duyệt chiếu ở Việt Nam, Bộ VH-TT-DL đã phản hồi về bộ phim “Điệp vụ biển đỏ”, theo báo Người Lao Động. Bộ này cho rằng “những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo”.
Ngày 25/3/2018, báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi: Phim nói Biển Đông thuộc Trung Quốc vẫn duyệt chiếu ở Việt Nam? Bài viết phân tích cảnh cuối bộ phim: “Hình ảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc đi qua một vùng biển được chú thích bằng dòng chữ ‘South China Sea’ (tức Biển Đông). Tại đây, hạm đội Trung Quốc phát loa yêu cầu một tàu chiến khác phải ‘rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc’. Thông điệp này hoàn toàn sai lệch, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của VN đối với Biển Đông”
Như vậy, cảnh cuối bộ phim “Điệp vụ biển đỏ” có đầy đủ thông tin thể hiện tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bộ VH-TT-DL vẫn tìm cách bào chữa cho nó, rằng cảnh cuối phim này không liên quan gì đến tình hình Biển Đông. Các quan chức CSVN vẫn ngụy biện rằng họ đã thẩm định “đúng quy trình” để cho chiếu một bộ phim thể hiện tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam.
Nhân quyền ở Việt Nam
Dân oan Đoàn Thanh Giang chia sẻcác video clip ghi lại cảnh bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, biểu tình trước Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương ở TP Hà Nội, sáng ngày 26/3/2018:
Vụ Mobifone mua AVG
Trang VietNamNet bàn về mấu chốt thương vụ MobiFone – AVG: Định giá hay định động cơ trục lợi. Theo bài viết, “vấn đề mấu chốt trong thương vụ này ở chỗ, lựa chọn trả gần 9.000 tỉ đồng của MobiFone cho AVG là sai lầm trung thực hay là cố tình trục lợi”. Các công ty thẩm định thậm chí có thể định giá AVG cao hơn nữa, “nhưng nếu MobiFone biết là không có công ty nào chịu mua AVG trên 1.000 tỉ đồng”thì chuyện thiệt hại tài sản nhà nước đã không xảy ra.  
“Các trường hợp bán tài sản nhà nước quá rẻ, không định giá thương hiệu, lợi thế quyền sử dụng đất… hay vụ việc MobiFone-AVG lần này cho thấy đây là một mảnh đất màu mỡ để một số người có thể trục lợi và làm giàu”
Vụ án Ngân hàng Đại Tín
Hôm nay, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 7 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Đại Tín, theo Zing. Theo đó, 7 cựu lãnh đạo này “bị buộc tội Vi phạm quy định về cho vay trong việc cấp tín dụng cho 2 công ty sân sau của Phạm Công Danh vay, gây thiệt hại cho Trustbank hơn 471 tỷ đồng”.
Cáo trạng cho biết, 7 cựu lãnh đạo nói trên đã phê duyệt cấp tín dụng cho vay đối với 2 công ty sân sau của ông Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, mà không “thực hiện đúng quy định cho vay như hồ sơ vay vốn không có báo cáo tài chính của khách, không đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng, rủi ro về tài chính”.
Về sai phạm của NHNN gây hậu quả, thất thoát tài chính ở Ngân hàng Đại Tín và Ngân hàng VNCB, VTC đặt câu hỏi: Những ai bị truy tố cùng nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình? Bài báo cho biết: Ngoài ông Đặng Thanh Bình, cựu phó thống đốc NHNN Việt Nam, Viện KSND Tối cao còn truy tố 4 thành viên khác của tổ giám sát của NHNN về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 
Các cựu lãnh đạo, quan chức của NHNN bị truy tố vì đã giúp Phạm Công Danh thực hiện rút tiền, gửi tiền, vay tiền mà không thẩm định nghiêm túc, dẫn tới thiệt hại hàng ngàn tỉ cho VNCB, khiến NHNN phải mua ngân hàng này với giá 0 đồng. 
Bên cạnh đó, VKSND Tối cao đã kê biên tài sản khủng của bà Hứa Thị Phấn, cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín, báo Thanh Niên đưa tin. Ngoài các tài sản là nhiều khu đất, biệt thự bị kê biên, các “cổ phần, cổ phiếu của bà Phấn bị CQĐT đã phong tỏa. Cụ thể, bà Phấn có 620.775 cổ phần Trường đại học Công nghệ TP.HCM, hơn 1 triệu cổ phần Công ty CP Tập đoàn SSG và gần 3,2 tỉ đồng cổ tức thuộc sở hữu của bà Phấn”.
Bất ổn ở Eximbank
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 2 thủ quỹ Eximbank Chi nhánh TP.HCM sau khi khám xét cơ sở này, báo Giáo Dục và Thời Đại đưa tin. Theo đó, vụ khám xét này “có liên quan đến một số cán bộ nhân viên, kiểm soát viên Eximbank chi nhánh TP.HCM, vì thực hiện xác nhận, ký duyệt trên những giấy tờ, hồ sơ giả mạo giúp sức cho Lê Nguyễn Hưng lừa đảo chiếm đoạt 245 tỉ đồng của Eximbank”.
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao 2 cán bộ Eximbank chi nhánh TPHCM bị bắt? Vì Nguyễn Thị Thi và Hồ Ngọc Thủy, 2 nữ nhân viên Eximbank vừa bị bắt, “đã ký giấy tờ giả mạo, mặc dù biết rất rõ theo quy định của pháp luật cũng như Eximbank là bắt buộc phải có mặt khách hàng, cụ thể ở đây là bà Chu Thị Bình”. Dù bà Bình không có mặt, 2 người này vẫn ký xác nhận trên giấy tờ giả mạo do ông Hưng đưa. 
Lãnh đạo Eximbank nói hai nhân viên bị bắt là sơ suất nghiệp vụ, không cố ý, theo Zing. Ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank nói: “Chúng tôi được biết các nhân viên này không cố ý, nhưng có thể Lê Nguyễn Hưng đưa chứng từ có chữ ký của bà Bình, yêu cầu xác nhận giấy ủy quyền không có sự hiện diện của khách hàng. Việc sơ suất trong nghiệp vụ dẫn đến cái giá quá đắt khi vướng vào vòng lao lý”.
“Quan nhỏ” ở địa phương
Chuyện ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh: Xã tự ý khai thác hơn 20.000 khối đất trái phép, theo báo Giáo Dục và Thời Đại. Người dân xã Thạch Xuân cho biết: “Mặc dù chưa được tỉnh, huyện cấp phép nhưng chính quyền xã này lại tự ý thuê máy múc cùng phương tiện xe tải để khai thác đất tại địa phương đưa đi phục vụ công trình”.
Ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân giải thích: “Qúa trình xây dựng các tuyến đường cần một khối lượng lớn đất san lấp nên xã đã vận dụng linh hoạt lấy đất trên địa bàn để phục vụ công trình. Dù biết khai thác khi chưa được cấp phép là sai quy định, nhưng làm như vậy sẽ giảm chi phí cho địa phương”.
Báo Nhân Đạo và Đời Sống đặt câu hỏi: Gia Lai: Ngang nhiên khai thác trộm tài nguyên đất? Người dân sống quanh Cụm Công nghiệp huyện Chư Păh cho biết: Hiện tượng “đất tặc” ngang nhiên khai thác đất “đã diễn ra khá lâu nhưng chưa thấy chính quyền địa phương xử lý đối tượng nào. Trong khi, hàng ngày, các đối tượng khai thác có sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như máy múc, ô tô trọng tải lớn, làm thất thoát khối lượng lớn nguồn tài nguyên của nhà nước”
Báo Dân Trí đưa tin: Nguyên Chủ tịch UBND xã tiếp tay cho “cò đất” lừa đảo. Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 26/3/2018, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Danh, cựu Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, 3 năm tù vì đã ký xác nhận giúp một tay “cò đất” trên các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được làm giả. 
“Lực lượng nòng cốt” của đảng
RFA đưa tin: Gần 4000 công nhân Yamani Dynasty tiếp tục đình công. Sáng nay, mặc dù công ty mở cả hai cổng, nhưng công nhân vẫn tiếp tục đình công, không vào làm việc. Gần 4000 công nhân này đã bắt đầu đình công từ chiều 21/3/2018. “Tại buổi đối thoại do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức công ty đã đồng ý 9/14 yêu sách của công nhân tuy nhiên công nhân vẫn chưa đồng ý và tiếp tục ngừng việc để yêu cầu công ty giải quyết những yêu sách còn lại”.
Chuyện ở Thái Bình: 500 công nhân Công ty Kỹ thuật điện tử Fu Hong VN ngừng việc tập thể, theo báo Lao Động. Hôm nay, khoảng 500 công nhân Công ty Fu Hong VN, một công ty có 100% vốn thuộc Đài Loan, đã đình công tập thể “do định mức sản lượng cao, vượt quá sức chịu đựng của họ”.
Các công nhân phản ánh: Công ty này liên tục ép tăng sản lượng, khiến công nhân không thể có đủ sức làm việc. “Công nhân xin nghỉ phép khi gia đình có công việc hay bản thân ốm, đau cũng không được công ty chấp nhận. Họ bị trừ lương, cắt chuyên cần khi nghỉ phép, bất kể đó là lý do chính đáng”.
Trang Phong Trào Lao Động Việt viết: Công nhân Công ty TNHH Gỗ Grant Art Việt Nam bị ép nghỉ thai sản sớm chỉ vì đăng clip công ty không trả lương cho công nhân. Theo bài viết, chiều nay, “công nhân Nguyễn Thị Mỹ Siêng đã đăng lên facebook cá nhân của cô việc cô bị ép nghỉ thai sản sớm hơn là 20 tuần 4 ngày thay vì 28 tuần như quy định. Việc nghỉ thai sản đã khiến cô và gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn”
Ô nhiễm môi trường
Lãnh đạo Đà Nẵng cho phép hai nhà máy gây ô nhiễm hoạt động trở lại trong 6 tháng, theo VietNamNet. Trưa nay, Phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thành Tiến đã công bố quyết định cho phép các nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc hoạt động trở lại, dựa trên “ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy”
Tuy nhiên, người dân sống quanh 2 nhà máy thép hoàn toàn không đồng tình với quyết định này. Một người dân cho biết: “Tôi ở cách nhà máy 40m, đến nước máy cũng ô nhiễm nặng nề. Hơn 10 năm nay người dân chúng tôi vẫn hết sức chia sẻ nhưng đến lúc này TP vẫn chưa có quyết định gì rõ ràng”.
Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Vì sao Đà Nẵng cho 2 nhà máy thép ô nhiễm hoạt động trở lại? UBND TP Đà Nẵng cho phép 2 nhà máy hoạt động trở lại “để xử lý những tồn tại liên quan của doanh nghiệp và giảm thiểu các thiệt hại phát sinh”. Trong khi đó, “các hộ dân cũng cảnh báo rằng, họ sẽ lại vây cổng nhà máy phản đối như lâu nay”.
Cháy nổ ở VN: Hỏa hoạn hay nhân tai?
Thêm thông tin vụ cháy chung cư Carina: 4 tháng trước, Cảnh sát PCCC không phát hiện sai phạm nào, theo VTC. Lãnh đạo Cảnh sát PCCC quận 8, khẳng định: “Lần cuối cùng kiểm tra định kỳ việc PCCC ở chung cư Carina (đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM) là vào tháng 12/2017. Tại thời điểm này, Cảnh sát PCCC quận 8 không phát hiện sai phạm nào”.
Một người dân chung cư Carina nói: “Chúng tôi đặt câu hỏi về kết quả giám định, nghiệm thu, quản lý về PCCC của chính quyền địa phương. Ngoài ra, đám cháy xảy ra khoảng 1 tiếng sau cảnh sát PCCC mới có mặt, vậy thời gian đó họ ở đâu? Cần phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong sự việc này”.
Giáo dục Việt Nam
Trang VietNamNet đưa tin: Bộ Nội vụ nói về việc rút đề xuất tăng lương giáo viên. Lãnh đạo bộ này giải thích, nhiều bộ, ngành khi xây dựng “luật chuyên ngành quy định về lương, cả phụ cấp làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề”.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, phân tích: “Tiền lương thực trả phụ thuộc vào nguồn thu và kết quả hoạt động của từng đơn vị sự nghiệp, các ngành Giáo dục, Y tế… được thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi phù hợp”. Nói cách khác, thực trạng nhiều giáo viên phải làm trái nghề để có thêm thu nhập vẫn… phù hợp với quy hoạch tiền lương hiện tại ở Việt Nam.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Xôn xao clip cá nục trong bữa ăn của HS có giun. Ông Lương Đình Khả, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Buôn Ma Thuột, cho biết: Chiều 22/3/2018, “ông đã nghe báo về sự việc trên nên đã yêu cầu bếp trưởng của trường là bà Lê Thị Mai Hiên kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, bà Hiên cho biết không phát hiện giun trong cá”.
***

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Sau khi LS John Dowd, là một luật sư hàng đầu trong nhóm pháp lý của Trump, chuyên lo về cuộc điều tra của ông Mueller, đã từ chức hôm thứ Năm, ông Trump thuê thêm hai luật sư mới nữa là Joe diGenova và Victoria Toensing. Thế nhưng, hai luật sư này không thể tham gia do những mâu thuẫn, Reuters đưa tin.
Ông Jay Sekulow nói trong một tuyên bố: “Tổng thống thất vọng vì những  mâu thuẫn đã ngăn không cho Joe diGenova và Victoria Toensing gia nhập nhóm pháp lý. Nhưng những mâu thuẫn này không ngăn cản họ trợ giúp Tổng thống trong các vấn đề pháp lý khác. Tổng thống muốn làm việc với họ”. Việc thay đổi nhân sự trong nhóm pháp lý cho thấy, nhóm này đang trong tình trạng hỗn loạn về việc đối phó với cuộc điều tra của ông Mueller.
Vụ bê bối ái tình của Trump: Cô diễn viên phim người lớn Stormy Daniels đã phá vỡ sự im lặng khi trả lời phỏng vấn Anderson Cooper trong chương trình “60 minutes”, tối Chủ Nhật, của đài CBS. Cô Daniels nói cô bị người của ông Trump đe dọa, bằng cách bỏ ra $130.000 buộc cô phải im lặng. Khi cô im lặng, Trump phủ nhận mối quan hệ nên nhiều người cáo buộc cô nói dối. Đó là một trong những lý do cô lên tiếng để bảo vệ mình. Mời xem một phần clip phỏng vấn của đài CBS:
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét