Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Thế giới vinh danh Lưu Hiểu Ba

Thế giới vinh danh Lưu Hiểu Ba

bauxitevn7:20 AM

Vũ Ngọc Yên                   
clip_image002
Nhà phê bình chế độ Trung cộng nổi tiếng Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), Giải Nobel Hòa bình 2010, đã chết vì ung thư gan trong bệnh viện thành phố Thẩm dương (Shenyang) vào ngày 13.07.2017 thọ 61 tuổi.

Cái chết của ông là hậu quả của nhiều năm bị đày đọa trong lao tù cộng sản. 
Năm 2009 ông bị kết án 11 năm tù vì „kích động lật đổ chính quyền“. Khoảng hai tuần trước ngày lâm chung, ông được chuyển từ nhà giam đến bệnh viện để điều trị khẩn cấp. Các quốc gia Đức, Pháp, Mỹ kêu gọi Bắc Kinh hãy cho phép ông ra nước ngoài điều trị, nhưng nhà cầm quyền cộng sản đã khước từ.
Lưu Hiểu Ba từng mơ ước sẽ thấy Trung cộng được dân chủ. Nay sự ra đi của ông đã kéo theo một phần hy vọng về một nước Trung Hoa tự do. Dân tộc Trung Hoa thương tiếc một người quân tử bất khuất và phong trào dân chủ thế giới mất đi một kẻ sĩ tranh đấu kiên cường cho Dân chủ, Công lý và Nhân quyền. Bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel đã quy trách nhiệm về cái chết quá sớm của người mang giải Nobel Hoà bình Lưu Hiểu Ba cho chính quyền Trung cộng. Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel vinh danh Lưu là „người bảo vệ quả cảm cho dân quyền“. Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội Đức Martin Schulz phát biểu „Lưu là tấm gương lớn và với cái chết của Lưu thế giới mất đi một tiếng nói mạnh mẽ cho Tự do và dân chủ“. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề cao Lưu Hiểu Ba là „người khởi xướng đấu tranh cho Tự do, Bình đẳng và Pháp trị dân chủ ở Trung hoa“. 
Thân thế và sự nghiệp
Lưu Hiểu Ba sinh ngày 28.12.1955 ở thành phố Trường xuân (Changchun), miền Đông Bắc Trung Hoa, trong một gia đình trí thức. Học văn chương trong thập niên 80 và đậu tiến sĩ năm 1988 với luận án “Thẩm mỹ và Tự do của con người“. Lưu từng là giảng viên Đại học Sư phạm Bắc Kinh, viết báo văn nghệ và là  tác giả của 11 cuốn sách và hàng trăm bài luận.Năm 1988 ông được đại học Oslo (Na Uy) mời dạy 3 tháng, sau đó qua Mỹ thỉnh giảng ở Đại học Hạ Uy Di và Columbia.
Lưu là nhà phê bình văn học có tiếng đồng thời cũng là nhà đối kháng tích cực chống sự độc quyền cai trị của đảng cộng sản. 
Năm 1989, phong trào dân chủ trong nước bùng phát, Lưu từ Mỹ trở về dấn thân cho cuộc đấu tranh vì một nước Trung Hoa tự do, dân chủ và tuân hiến. Vì là một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình lớn nhất của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn – Bắc kinh vào tháng 6.1989, ông bị giam tù từ 1989 đến 1991. Lúc bị quân đội áp giải, ông dõng dạc tuyên bố „Dù ở trong tù hay được tự do tôi vẫn đấu tranh cho quyền tự do ý kiến và tự do báo chí“.
Từ 1991-1995, Lưu sống ở Bắc Kinh, tiếp tục hoạt động cho phong trào dân chủ và điều hành tạp chí „Trung Hoa dân chủ“, rồi sau án tù 6 tháng trong năm1995, ông bị đưa đi cải tạo lao động từ 1996 đến1999. 
Tháng 11- 2003, Lưu Hiểu Ba được bầu làm Chủ tịch Trung tâm Văn bút Độc lập Trung Hoa – Independent Chinese PEN Center (ICPC).
Vào ngày 8.12.2008, Lưu bị tạm giam vì soạn thảo Hiến chương 08 và ký tên chung với hơn 300 nhà trí thức Trung Hoa đòi Thực hiện bầu cử tự do, xây dựng nhà nước pháp trị dân chủ với tam quyền phân lập và cơ cấu cai trị liên bang. 
Tháng 6.2009, Lưu bị kết án 11 năm tù vì tội „xúi dục chống phá nhà nước“ và bị đưa về nhà tù Cẩm Châu tỉnh Liêu Ninh.  
Ngày 8.10.2010, Ủy ban Nobel của Na Uy thông báo Giải Nobel Hòa bình 2010 được trao cho Lưu Hiểu Ba – nhà văn và nhà bất đồng chính kiến người Trung Hoa đang bị giam giữ “vì cuộc đấu tranh lâu dài và bất bạo động của ông cho các quyền con người cơ bản ở Trung Hoa”. Thi sĩ Lưu Hà (Liu Xia) – vợ ông, được phép đến nhà tù thăm chồng và báo tin ông đã đoạt giải Nobel. Trở về Bắc kinh, Lưu Hà cho biết Lưu Hiểu Ba muốn cống hiến giải này cho các nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn. Từ sau lời tuyên bố đó đến nay, chính quyền Trung cộng vốn lên án mạnh mẽ giải thưởng dành cho Lưu Hiểu Ba – đã áp dụng chế độ quản thúc tại gia với Lưu Hà và tìm cách ngăn cản bà hay bất cứ họ hàng, bạn bè nào của ông Lưu rời Trung cộng để dự lễ trao giải ở Oslo, Na Uy.
Lưu Hiểu Ba là công dân đầu tiên của Trung Hoa được trao giải thưởng Nobel khi vẫn còn sống ở trong nước. Ông cũng là người thứ 3 được trao giải thưởng này khi còn ở trong tù hay bị giam giữ, sau Carl von Ossietzky (1935) của Đức và bà Aung San Suu Kyi (1991) của Miến Điện. Ông cũng là người thứ hai (người đầu tiên là Ossietzky) đã bị từ chối không cho người đại diện thay mặt đi nhận giải và chết trong trại giam. 
Cuộc đấu tranh giữa quân tử và tiểu nhân
Nhà văn Lưu Hiểu Ba là người đối lập chính trị đã đấu tranh qua nhiều thập niên cho sự chuyển hóa, là người Trung Hoa đầu tiên lãnh giải Nobel Hòa bình. Lưu thuộc thế hệ những người sinh trong thập niên 50 và hiện đang tiêu biểu cho Trung hoa. 
Lưu Hiểu Ba, Chủ tịch nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình (1953), Thủ tướng Trung Hoa Lý Khắc Cường (1955), Giải Nobel Văn chương 2012 Mạc Ngôn (1955), Nghệ sĩ Ngải Vị Vị (1957), trong thời niên thiếu tất cả họ đều đã trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa kinh hoàng dưới triều đại Mao Trạch Đông. Nhưng mỗi người tự tìm cho mình một kết luận cho cuộc sống. Người quân tử là những người sống lương thiện và hy sinh vì đại nghĩa, còn tiểu nhân chỉ chăm lo cho tư lợi-quyền thế.
Lưu Hiểu Ba hoạt động nhân quyền, kêu gọi bầu cử dân chủ, ủng hộ các giá trị tự do, ủng hộ việc phân rõ quyền hạn. Từ năm 1989 đến ngày từ trần, ông đã bị kết án tù và lao động khổ sai bốn lần vì các hoạt động chính trị hòa bình của mình. Các nỗ lực của ông sẽ không hoài công. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là gai trong da thịt của tập đoàn lãnh đạo cộng sản. Cộng đảng cũng biết là kẻ sĩ Khổng giáo trong lịch sử là những người anh dũng hy sinh vì đại nghĩa, vì những giá trị tinh thần và là những người không khuất phục trước bạo lực của kẻ cầm quyền. Nhân dânTrung Hoa thấm nhuần đạo giáo luôn tưởng nhớ dựng tượng những anh hùng như vậy trong các đền thờ. Hình ảnh nhà giáo Lưu Hiểu Ba, người quân tử hiện đại chắc chắn cũng sẽ được nhân dân Trung Hoa đưa vào nơi tưởng niệm để tỏ lòng biết ơn sự nghiệp của người anh hùng chống chế độ độc quyền chính trị.
V.N.Y.
Tác giả gửi BVN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét