MỘT SỐ GHI NHẬN
bauxitevnFri 7:05 AM
Trịnh Khả Nguyên
Bây giờ việc đi Mỹ, đi một số nước Âu Châu để định cư, du học, tìm đối tác làm ăn, trình diển văn nghệ, du lịch… được xem là “ngon”. Ngay con tôm, con cá da trơn cũng cố gắng vượt qua rào cản của nước chủ nhà, dù hơi khó, len lỏi để có mặt ở Mỹ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu khác như may mặc, nông sản cũng nhắm đến hai thị trường (khó tính) Mỹ và EU. Báo PLO ngày 20.7 trong bài: “Cá tra Việt Nam bị triệt đường vào Mỹ” dẫn lời ông Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phải xác định Mỹ vẫn là thị trường chủ lực: “Từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho cá tra tại các thị trường Mỹ, EU. Phải xác định Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam. Bộ sẽ cùng các cơ quan liên quan đàm phán tháo gỡ thị trường, nhất là đấu tranh với đạo luật Farm Bill của Mỹ”.
Trong nước thì từ môi trường, hàng hóa, cách sống đến các trò chơi trên TV (kèm câu) theo tiêu chuẩn Âu, Mỹ(American standard), hoặc theo phương pháp đo lường nầy, đánh giá kia của các nước trên.Vừa qua, ông Thứ trưởng GD cho biết rồi đây Bộ sẽ cho thi trắc nghiệm theo cách Mỹ, vì Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong việc ra đề thi theo kiểu nầy. Mỗi khi đi ra hay tiếp các đối tác từ Âu, Mỹ đến quí vị thường kêu gọi sự đầu tư, giúp đỡ về vốn, về chuyên gia…
Nhưng ngược lại, một số ý kiến về Việt Nam từ hai nơi kia bị cho là can thiệp vào nội bộ, là thiếu khách quan, trung thực.
Do hoàn cảnh, hiện nay người Việt đi ra và ở khắp nơi, từ Mỹ đến các nước Châu Phi, không thể kể hết, sau đây chỉ nói vài trường hợp:
Đi ra do công tác hay tư tác. Nhiều quan chức cấp cao đã đi Mỹ, nhiều văn nghệ sĩ đã đi Mỹ, một số vị cựu chiến binh năm xưa đã trực tiếp đối súng với Mỹ “đánh cho Mỹ cút” nay cũng đã đi Mỹ để thăm quan, giao lưu, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm làm sâu sắc hơn sự quan hệ, nâng sự quan hệ lên một tầm cao mới, thúc đẩy gia tăng hợp tác v.v…
Đi tư tác thì nhiều, nhưng có mấy “diện” sau:
Đi công khai có phép tắc, có trật tự (ODP-Orderly Departure Program như HO, đoàn tụ) hay du học, tham quan… Những người đi theo dạng nầy thì thanh thản, có thể làm tiệc chia tay bà con “ở lại”. Họ được đưa tiễn, và quan trọng là đi đứng an toàn. Ngoài ra còn có những người bị buộc phải xuất cảnh, họ đi cũng “trật tự”, được hộ tống đến tận chân cầu thang máy bay.
Đi “chui” thì bị truy bắt vì tội vượt biên trái phép. Nếu bị tóm thì vào tù/đi cải tạo, nếu lọt chưa hẳn là may, trên đường thìlành ít rủi nhiều, Người đi chịu biết bao nhiêu nguy hiểm, nhiều người mất mạng trên biển, biết vậy nhưng có người đã chấp nhận.
Nhưng cả hai, hiện nay gọi chung là Việt kiều, là khúc ruột (ở cách) ngàn dặm. Điểm giống nhau nữa là họ đều gởi một lượng tiền lớn, kiều hối, về nước. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam nhận 12,25 tỷ USD kiều hối trong năm 2015, riêng từ Mỹ là 7 tỷ đô. (xem: http://vneconomy.vn/thoi-su/my-dung-dau-ve-kieu-hoi-gui-ve-viet-nam-2015-20151228105746353.htm)
Kiều hối năm 2015 là > 12 tỷ, các năm khác cũng một lượng tương đương thế, tính chung là một số tiền lớn. Số nầy gởi về giúp thân nhân ở quê nhà, và (tự nhiên) thêm cho ngân sách một số ngoại tệ. Nhưng có ý cho rằng thực ra các số tiền kia còn lớn hơn, gởi bằng các hình thức mà Ngân hàng Nhà nước không kiểm soát được. Dù có hay không kiểm soát được thì đây cũng là một nguồn thu ngoại tệ lớn, mà các “quả đấm thép”, nhiều ngành xuất khẩu mơ cũng không thấy. Và trong các chuyến công du của các vị, ít có trường hợp nào kêu gọi đầu tư, xin viện trợ, vay được một khoản tiền như thế, nếu được cũng là “của nợ”, tiền vay, bị ràng buộc đủ thứ. Có khi vay về, như đã xảy ra, làm ăn thế nào không biết, lời không thấy,vốn cũng tiêu luôn, nhưng nợ (vốn+lãi) thì phải trả, có “xù” được đâu. Còn nhận kiều hối thì vô cùng khỏe, vô cùng sướng, không vướng víu gì cả. Những người ra đi đã trở về thăm bà con, quê hương, có kẻ về cư trú “bên nầy”, đến kỳ sang “bên kia” nhận trợ cấp, ăn về nội, tội về ngoại. Vậy, những người ra đi cũng có một tí đóng góp, vẫn còn có ích. Nhưng ngược lại, một số người ở trong nước đang xẻ núi lấp sôngchiếm đất công, đất trồng trọt để làm sân golf, rì sọt, xây biệt thự, biệt phủ. Một số làm thất thoát, tẩu tán hàng nghìn, hàng chục, hàng trăm nghìn tỉ đồng. Họ đang phá đất nước để làm giàu riêng nhưng vẫn được tiếng là có “công” là xây dựng. Món nợ của quốc gia do họ gây ra, đừng kể dân, các vị ĐBQH cũng boăn khoăn, không rõ, liệu có “an toàn” không.
Có thể, gặp người quen trong một bữa cà phê hay một bữa liên hoan, đám giỗ, họ mừng nói sắp/đã du lịch sang Mỹ hay con họ đang/sắp được du học Mỹ. Các cách trên không có ý khoe khoang, chỉ báo tin vui. Du lịch Mỹ thì vui, du học Mỹ thì có tương lai.
Nhiều người tuổi cao được đi Mỹ. Thấy vậy, có người quen góp ý thành thật rằng tuổi già, trình độ không có, tiếng Anh không rành, sang “bển” biết làm gì, ngồi nhà suốt ngày buồn thấy bà. Ở Mỹ, ai cũng đi làm từ tinh mơ, tối mịt mới về. Qua, rồi ân hận như ông X, ông Y. Ở mình vui hơn, có tiền thì có thiếu thứ gì, ăn không thiếu thứ gì. Và nhiều người ra đi cũng trả lời thành thật, ra đi ra xa bà con, quê hương sao không buồn. Đi đâu phải để làm gì, chỉ vì tương lai của bọn nhỏ.
Vì tương lai con em,nhiều người giàu có đã lo cho con đi Mỹ từ trong thai. Báo emdep.vn/xã hội có bài “Sang Mỹ đẻ con lấy quốc tịch đã trở thành trào lưu của mẹ Việt?”.
Một số vị “có điều kiện”, ngoài việc xây dựng cơ ngơi, lo đưa con lớn vào chỗ nầy chỗ kia, còn đưa con nhỏ sang Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Sing du học. Thanh Niên có bài “Du học sinh Việt Nam ở Mỹ tăng ‘chóng mặt’”.
Chi phí theo học tại các trường tại Mỹ không nhỏ, nhưng sinh viên Việt Nam lại đang tăng rất nhiều ở nơi đây - Ảnh: Bloomberg
Hình trên chắc “chụp” các du học sinh Việt Nam tại Mỹ, các em rất vui tươi, hớn hở. Không biết các em thuộc “giai cấp” nào.
Vượt qua Nhật Bản, Việt Nam có tỉ lệ gia tăng sinh viên theo học tại Mỹ cao thứ 3 trong đợt tuyển sinh vừa qua, một khảo sát mới đây của SEVIS cho biết.
Từ tháng 7 tới tháng 11.2015, số lượng sinh viên Việt Nam ở Mỹ tăng đến 18,9%, đặc biệt ở các trường đào tạo cao đẳng, đại học. Đây là con số chỉ xếp sau Ấn Độ (20,7%) và Trung Quốc (19,4%), những nước đóng góp nhiều sinh viên nước ngoài nhất ở Mỹ.
Thống kê này do Hệ thống thông tin về sinh viên và khách mời trao đổi (SEVIS) thực hiện và công bố trong tháng 12.2015. Khác với cách tính của Open Doors, thuộc Viện Giáo dục Quốc tế, những con số của SEVIS tính theo thời gian thực và bao hàm tất cả những người theo học tại mọi cấp trong hệ thống giáo dục.
Sự tăng trưởng của số lượng người Việt Nam theo học tại Mỹ được nhận xét “chóng mặt”, qua đó nâng tổng số học viên, sinh viên người Việt ở Mỹ lên 28.883 người. Như vậy, Việt Nam hiệp xếp thứ 6 trong thống kê về số học viên, sinh viên nước ngoài tại Mỹ.
Du học sinh có vai trò như đại sứ văn hóa, giúp người Mỹ hiểu thêm về người Việt Nam. Khi trở lại Việt Nam, họ giúp mọi người hiểu hơn về Mỹ. Ngoài ra, du học sinh có thể sử dụng kiến thức đã thu nhận tại Mỹ để xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng hơn”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius phát biểu (theo VnExpress)
Ý nghĩa tốt đẹp là như vậy, còn thực tế mới là vấn đề.
Đi du học ở những nước văn minh là một sự đầu tư. Thế nhưng, có người đi du học mà (cố tình) không thấy, có người học cái nầy lại để củng cố cho cái kia. Kim Jung Un đã du học tại Bắc Âu, một xã hội tự do, dân chủ, hiền hòa nhưng khi về nước cầm quyền thì lại là một tay độc tài thượng hạng. Học về tự do dân chủ để bóp tự do dân chủ “từ trong trứng nước”.
Số 28.883 du học sinh Việt Nam tại Mỹ, không phải là số “chóng mặt”, đó là số đầu tư lớn về người. Không phải tất cả người đi du học đều thành tài, nhưng số người du học đông thì chắc dễ có người tài hơn, cứ cho rằng đó là một sự đầu tư đúng và cũng sẽ sử dụng đúng. Nếu những người đã du học đã thành danh trở về hợp với những người giỏi trong nước thì chắc chắn đất nước có một một “số vốn” nhân tài đông. Nhân tài là vốn quí của quốc gia, trong các lần “gặp gỡ tài năng” ta hay nghe câu nầy. Nhưng có vốn là một việc, còn dùng vốn để sinh lời là việc khác.
Lâu nay “ta” hãnh diện về một số người Việt Nam học hành đỗ đạt rất cao ở Pháp, Anh, Mỹ… rằng ông A, bà B đoạt giải thưởng quốc tế về lĩnh vực nầy, có công trình về lĩnh vực kia. Nhưng một số đang ở, làm việc luôn tại xứ người vì tại đó “môi trường thông thoáng”. Một số khác ở trong nước, ngoài nước có tài, có tâm huyết, nhiều lần hiến kế, góp ý, nhưng ý của họ khác với ý “trên”, họ không được nghe, chứ đừng nói tới được dùng, đã thế, còn bị phê phán nặng nề. Thử hỏi như vậy thì dù du học nhiều, dù có nhiều nhân tài cũng như… không.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét