Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

TRANH LUẬN TỰ THÂN ĐA NGUYÊN

TRANH LUẬN TỰ THÂN ĐA NGUYÊN

bauxitevn7:47 PM

T.S Lê Vĩnh Triển
Khoa Quản lý Nhà nước
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
…các phân tích […] cho thấy tầm quan trọng của việc chấp nhận thể chế chính trị đa nguyên như là một lựa chọn có thể có sau cuộc tranh luận...
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng mới đây tuyên bố Đảng Cộng sản không sợ tranh luận “bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” (Báo Pháp Luật 18/5/2017). Người viết đánh giá cao tinh thần này. Để có thể có được những kết quả tốt nhất và khách quan từ tranh luận, làm cơ sở tham khảo cho nhà nước trong việc ra chính sách cũng như điều hành, bài viết cho rằng cần trả lời hai câu hỏi cơ bản về người tranh luận và những vấn đề tranh luận. Từ đó bài viết nêu những rào cản trong tranh luận. Cuối cùng là một vài đề nghị để tranh luận đạt được những mục tiêu nêu trên.

1. Vấn đề thứ nhất: người tranh luận.

Có nhiều nhóm tranh luận và việc tranh luận thật ra đã diễn ra nhiều lúc, nhiều nơi ở Việt Nam (nhưng có thể nói tác động còn hạn chế vì đã không diễn ra trong không gian tự do về tư tưởng). Dựa trên mục tiêu tranh luận và đối tượng (cử tọa) nhắm đến khác nhau, trong giai đoạn trước mắt bài viết giới hạn người tranh luận thuộc hai nhóm. Đó là 1) tranh luận giữa các nhà nghiên cứu, và 2) tranh luận giữa các chính trị gia nhà nước và những người đối lập chính trị.
Nhóm tranh luận I: Giữa (1) một bên là trí thức, các nhà nghiên cứu độc lập, và (2) bên kia là các trí thức, nhà nghiên cứu ủng hộ, đại diện chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước (có thể do Đảng cử hoặc tự nguyện).Mục tiêu tranh luận của hai bên trong nhóm này là bảo vệ quan điểm tri thức của mình trong giải quyết các vấn đề Việt Nam. Cụ thể hơn là một bên bảo vệ chính sách và một bên phản biện. Hai bên thuyết phục nhau bằng các lập luận hợp lý, duy lý nhằm đạt đến một kết quả chung, một hướng giải quyết vấn đề mà trong đó có được sự đồng thuận cao nhất từ hai phía tranh luận. Mục tiêu của nhóm tranh luận này là tri thức và việc áp dụng, đối tượng thuyết phục của họ là trí thức và nhà cầm quyền.
Nhà nước, chính quyền là những đối tượng hưởng lợi từ các kết quả tranh luận này trong việc quản lý và điều hành đất nước, cũng như trong các cuộc tranh luận chính trị của chính họ để giành được các quyền quản lý và điều hành này. Họ có thể sử dụng các kiến nghị, giải pháp được rút ra từ các cuộc tranh luận của nhóm I, hoặc tham khảo chúng trong việc ra chính sách hay điều hành tùy vào quan điểm cũng như năng lực của họ.
Có thể nói, các bên tranh luận hoàn thành mục tiêu và trách nhiệm của mình, còn phía thực thi chính sách (chính quyền) cũng hiểu biết tốt hơn, chịu trách nhiệm cụ thể hơn (vì đã được góp ý, cảnh báo) cho công việc của mình. Các cuộc tranh luận có thể là kín (private), ở các trường, viện, có thể là công khai (public) trên báo chí, hay trước công chúng (thường không phổ thông).
Nhóm tranh luận II: Giữa (1) một bên là các quan chức lãnh đạo nhà nước và (2) bên kia là những người đối lập: Đây là nhóm tranh luận chưa chính thức hiện hữu tại Việt Nam (ít nhất ở phía những người đối lập). Nếu từ tuyên bố của ông Thưởng, có sự hình thành nhóm tranh luận này, đặc biệt là phía những đối lập chính trị - có năng lực và khả năng tranh luận để chính thức lên tiếng, sẳn sàng tranh luận với đại diện bên phía Đảng, Nhà nước, thì có thể nói ông Thưởng là người chính thức công nhận sự hiện diện của thành phần tranh luận này. Nhóm tranh luận này dùng các luận cứ của bên ủng hộ mình trong nhóm tranh luận làm cơ sở cho mình. Mục đích của tranh luận, đối thoại của hai bên trong nhóm tranh luận II này, ngoài việc chứng minh sự am tường của mình trong các vấn đề của nhóm tranh luận I, thì việc quan trọng hơn còn là giành sự ủng hộ của công chúng để từ đó giành quyền quản lý và điều hành đất nước, và thực thi các chính sách mà họ tin vào. Vì mục đích này, cử tọa nhắm đến không chỉ là các trí thức hai bên mà là dân chúng; và cũng vì mục đích này mà các chiêu trò tiêu cực, ngụy biện, vu khống, tin giả… trong tranh luận có thể xuất hiện, lắm khi lấn át cả sự hiện diện của các lập luận hợp lý. Trong các thể chế dân chủ hoàn chỉnh việc sử dụng các cách thức tiêu cực là phổ biến nhưng bù lại, sức mạnh hệ thống báo chí, truyền thông độc lập, có điều kiện hoạt động không hạn chế, liên tục kiểm chứng cách thức tranh luận, nội dung tranh cử của các bên. Kết quả của tranh luận từ nhóm này do dân chúng quyết định và có thể nói dân chúng là người hưởng lợi từ những kết quả, cũng như nhận lãnh những hậu quả cho sự lựa chọn, quyết định của mình.
Phần tiếp theo là nội dung hay phạm vi tranh luận. Từ đó, nhận ra các khó khăn và rào cản cho các cuộc tranh luận khả dĩ ở Việt Nam. Sau cùng là các đề nghị và kết luận.

2. Vấn đề thứ hai - Nội dung của các cuộc tranh luận và các câu hỏi liên quan:

Bài viết không, và cũng không thể đi vào chi tiết tất cả các nội dung của lĩnh vực tranh luận. Trong khuôn khổ bài báo, chúng tôi thử đề nghị các nội dung tranh luận cơ bản, để từ đó nhận ra các rào cản nội tại của việc tranh luận ở Việt Nam. Các lĩnh vực được đề cập tuần tự theo mức ảnh hưởng và liên quan đến chính trị của chúng. Các bên sẽ tranh luận trả lời cho các vấn đề/câu hỏi chi tiết hơn trong các lĩnh vực sau (không hạn chế):
(a) Chính trị, thể chế:Sự lựa chọn thể chế chính trị; Lợi và bất lợi khi chấp nhận một chế độ chính trị; Lựa chọn đa đảng, một đảng lãnh đạo; Vai trò của đảng phái; Vai trò của Đảng Cộng sản; Pháp quyền;
(b) An ninh, quốc phòng: Đối tượng được bảo vệ, quốc gia và chính quyền, dân và đảng phái; An ninh hàng không; An ninh hàng hải; An ninh mạng; An ninh năng lượng; Quyền con người và lợi ích quốc gia; Các vấn đề, chính sách với các quốc gia láng giềng; Đầu tư quốc phòng; Các liên minh, liên kết quân sự; Vấn đề đồng minh; Quân đội và kinh tế; Vấn đề biển đảo.
(c) Ngoại giao: Chính sách ngoại giao của Việt Nam; Chiến lược ngoại giao của Việt Nam; Quan hệ với nước lớn; Quan hệ với láng giềng; Việc bảo vệ người Việt Nam ở nước ngoài; Việc bảo vệ uy tín Việt Nam ở nước ngoài; Vai trò của sứ quán, lãnh sự;
(d) Kinh tế: Quyền tư hữu; Sự can thiệp và mức độ can thiệp của nhà nước; Tự do kinh tế; Chính sách cho khởi nghiệp; Cạnh tranh công bằng; An ninh lương thực; Tăng trưởng kinh tế và môi trường; Tham nhũng; Tư bản thân hữu; Xung đột lợi ích; Tập trung hay phi tập trung; Vai trò của địa phương;
(e) Giáo dục: Triết lý giáo dục; Giáo dục đại học; Giáo dục phổ thông, tiểu học; Quyền được đi học; Quan hệ, trách nhiệm gia đình và nhà trường; Sự trung thực của lịch sử;
(f) Văn hóa, xã hội, truyền thông: Các quyền tự do phổ quát; Các tổ chức xã hội dân sự; Sự tự do tôn giáo; tư tưởng, sáng tác; Đạo đức xã hội;
(g) Y tế, thể thao: Chính sách y tế quốc gia; Bảo đảm chăm sóc tối thiểu; Chính sách nâng cấp thể trạng người Việt; Chính sách y tế dự phòng; An toàn thực phẩm.

3. Rào cản đối với sự thành công của tranh luận

Phần trên là các chủ đề lớn, mang tính chính sách thuộc các lĩnh vực mà khả năng cao là hai nhóm tranh luận phải bàn đến. Các câu hỏi và vấn đề cụ thể hơn sẽ được đề cập khi tranh luận ở từng lĩnh vực. Tuy vậy, có thể thấy rằng, vì thể chế chính trị có tính quyết định đối với hầu hết các lĩnh vực, nên tất cả các câu hỏi được đặt ra trong các lĩnh vực khác chỉ có thể được trả lời khi vấn đề về thể chế và chính trị được thông suốt. Cụ thể, nếu dân chủ đa nguyên và pháp quyền không được chấp nhận như một sự lựa chọn (kết quả) có-thể -có sau tranh luận, thì có thể cho rằng:
- Trong lĩnh vực kinh tế, sẽ không có sự lựa chọncho tranh luận về sở hữu tư nhân (tư hữu) đối với đất đai; không có sự lựa chọn bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa theo cách Doang nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ đạo; không thể phủ nhận được sự tồn tại không công bằng của một nhóm doanh nghiệp vì lợi ích Đảng; không giải quyết được bài toán tư bản thân hữu và tham nhũng, cũng như bài toán tự do cạnh tranh…
- Trong giáo dục, sẽ không có sự lựa chọn của triết lý giáo dục đề cao sự tự do và khai phóng; sẽ không có sự khách quan trong khoa học xã hội, chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa… Nói cách khác, sẽ không có khoa học xã hội thực thụ; Sẽ không có sự lựa chọn để lịch sử được ghi lại như một sự hiện diện khách quan, tồn tại độc lập với tư duy đảng phái (vì đảng phái không độc lập khỏi nhà nước); không có việc nhìn nhận khách quan các nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm; sẽ không có đánh giá khách quan dành cho chế độ Việt Nam Cộng hòa 1954-1975, từ đó khó tạo được nền móng cho hòa hợp hòa giải; sẽ không có việc xem xét bỏ môn học Tư tưởng HCM; không có sự lựa chọn giữa học hay không học Chủ nghĩa Marx ở đại học và cao đẳng; sẽ không có việc chấp nhận một nền học thuật khoa học chính trị. Nguy cơ lớn nhất của việc thiếu các sự lựa chọn như vậy là không có sự khách quan và tự do trong giáo dục, nên không có trung thực và sáng tạo.
- Trong văn hóa, xã hội, truyền thông: Cũng như trong giáo dục, sẽ không thể bàn đến tự do sáng tác, tự do tư tưởng; sẽ không tồn tại các tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa vì bản chất các định chế này là bổ khuyết cho sự hạn chế cũng như khuyết tật của hệ thống quản lý nhà nước, phản biện với nhà nước; Sẽ không tồn tại các hình thức phê phán lãnh đạo đảng cầm quyền chính thức trong công chúng dù sự phê phán này là cần thiết cho điều chỉnh và phát triển; Không xóa được các vùng cấm trong chống tham nhũng vì các vùng cấm gắn với lãnh đạo của Đảng (duy nhất) và pháp luật không phải là tối thượng.
- Trong ngoại giao, quốc phòng, an ninh, sẽ khó bàn đến các liên kết liên minh quân sự sâu rộng với các quốc gia dân chủ; sẽ không tách bạch quyền lợi của Đảng, chính quyền vốn tạm thời và dân, quốc gia vốn là vĩnh cửu.
- Trong hầu hết các lĩnh vực: sẽ không thể chống tham nhũng vì pháp quyền không thể hiện diện (trong thể chế một đảng lãnh đạo).
Các phân tích bên trên cho thấy tầm quan trọng của việc chấp nhận thể chế chính trị đa nguyên như là một lựa chọn có thể có sau cuộc tranh luận.
Nếu chưa có được điều đó trước tranh luận thì như đã phân tích, các sự lựa chọn trong tranh luận sẽ rất hạn chế. Đồng thời, những người tranh luận, phản biện với các chính sách và quan điểm của nhà nước sẽ không tin rằng ý kiến và giải pháp của họ đưa ra sẽ được tôn trọng sau tranh luận nên tranh luận sẽ dừng lại ở mức hình thức. Điều này khiến cho mong muốn tranh luận chính đáng của nhà nước về các vấn đề phát triển của Việt Nam không đạt được hiệu quả thật sự.

4. Đề nghị

Người viết cho rằng, trong thời gian đầu để đánh giá các cuộc tranh luận cũng như nhằm có được kết quả tranh luận tốt nhất, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thao túng, bởi những chiêu trò tiêu cực, nhà nước nên tạo điều kiện cho nhóm tranh luận I thực hiện tranh luận trước. Hãy để các trí thức hai bên tranh luận với nhau và không chính trị/hình sự hóa các cuộc tranh luận với bất cứ lý do gì. Nhà nước nên chính thức tuyên bố các quan điểm của mình trong tất cả các lĩnh vực cùng đội ngũ chuyên gia, trí thức của mình, mời gọi các nhóm tranh luận độc lập người Việt trong và ngoài nước; có thời gian cụ thể; tổ chức các cuộc tranh luận và công khai trên các phương tiện truyền thông. Nghiêm cấm tất cả các hình thức thao túng truyền thông, quy chụp phản động đối với các nhóm tranh luận để các bên tranh luận cho giai đoạn sau (nhóm tranh luận II) có được những cơ sở tham khảo khách quan, thẳng thắn và trí tuệ nhất.
Phía Đảng, chính quyền cần chấp nhận rằng họ có thể thay đổi để các nhóm tranh luận I có một không gian tranh luận tự do và hợp lý, điều kiện tiên quyết để có thể tranh luận rốt ráo các vấn đề Việt Nam. Phía nhà nước vẫn có thể tuyên bố rằng Đảng Cộng sản là đảng duy nhất lãnh đạo sẽ tốt hơn cho đất nước, nhưng như đã phân tích, đó chỉ nên là quan điểm của một bên tranh luận, chứ không nên là quan điểm duy nhất trong tranh luận.
7/2017
L.V.T.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 19-7-17
(làm đậm là do viet-studies)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét