N.V.L - "nói và làm" hay "nói và lừa"?
bauxitevn7:34 AM
Lê Hiền Đức
Chẳng biết có phải vì liên tưởng tới loạt bài đăng báo Nhân Dân với bút danh N.V.L vào nửa cuối những năm 80 của thế kỉ trước mà bà Lê Hiền Đức - người được tổ chức Minh bạch quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007 - đã đặt tiêu đề như trên cho một bài viết của mình vào cuối năm 2011.
Xét thấy nội dung bài viết này còn nguyên tính thời sự, BVN trân trọng đăng lại.
Bauxite Việt Nam
|
Ngày 3-11-2011, trong hội thảo quốc tế với chủ đề "Bảo vệ người tố cáo tham nhũng", Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương Nguyễn Đình Phách phát biểu rất hùng hồn: "Đảng và Nhà nước rất chú ý đến công tác phòng chống tham nhũng và đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp làm cơ sở để đẩy mạnh phòng chống tham nhũng".
Nghe thì rõ hay song trên thực tế thì ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các vụ tham nhũng, các tên tham nhũng bị lôi ra ánh sáng là bởi dân thường chứ đâu phải bởi hệ thống các cơ quan phòng chống tham nhũng khá cồng kềnh. Không ít trường hợp, các cán bộ và cơ quan của Đảng, Nhà nước có trách nhiệm trong việc phòng chống tham nhũng lại đồng lõa, bao che cho kẻ tham nhũng, trù dập, bức hại người tố cáo tham nhũng. Còn nhớ ngày 18-3-2009, tại hội nghị biểu dương những cá nhân có thành tích và tích cực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng do Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương tổ chức tại Hà Nội, bà Phạm Thị Hồng Hoa, nguyên kế toán trưởng Tổng công ty mía đường II, một trong 3 cá nhân được mời đọc tham luận có kể rằng đã có lúc bà định xin ra khỏi đảng cộng sản để tiếp tục đấu tranh, rằng khi làm việc với bà, một vị trong đoàn thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói: "Chị là đảng viên, không được phép đi tố cáo".
Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, bà Phạm Thị Hồng Hoa rất xứng đáng là một cá nhân tiêu biểu nên câu chuyện của bà cũng thật sự tiêu biểu. Chẳng nói đâu xa, báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương tại hội thảo nêu trên đã dẫn ra hàng loạt trường hợp người tố cáo tham nhũng bị trù dập, bức hại tới mức điêu đứng: ông Phạm Thanh Bình (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô - quận Cầu Giấy - TP Hà Nội vì tích cực đấu tranh chống tham nhũng mà bị Quận ủy cho thôi chức; bà Nguyễn Thị Hòa (quận Tây Hồ - TP Hà Nội) tố cáo sai phạm của một số cán bộ trên địa bàn, bị nhiều kẻ xấu đe dọa, khủng bố tinh thần, dọa giết, nhà thường xuyên bị đổ phân, ném chuột, mìn; ông Nguyễn Kim Hợp (xã Phú Phong - huyện Hương Khê - tỉnh Hà Tĩnh) tố cáo cán bộ xã, huyện bán trái phép 300.000 m2 đất thì bị chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi hơn 4.000 m2 đất của gia đình... Tuy nhiên, việc góp thêm vài câu chuyện tương tự để khẳng định sự tiêu biểu ấy có lẽ không thừa.
- Giữa năm 2004, thầy Phan Văn Hướng, đảng viên Cộng sản ở Trường THCS Hồng Bàng - quận 5 - TP Hồ Chí Minh đứng ra tố cáo một đường dây chạy trường lớn có sự tham gia của Phó chủ tịch UBND quận Vương Phấn Kim, Trưởng phòng Giáo dục quận Nguyễn Tiến Trực… với quy mô lên tới hàng trăm em mỗi năm. Tuy việc tố cáo này có đầy đủ bằng chứng cụ thể, được một số phương tiện thông tin đại chúng xác nhận, các cơ quan chức năng của quận và thành phố cũng đã phải "vào cuộc" song rồi kết quả chẳng ra đâu vào đâu, thầy phải nhận kỉ luật khiển trách đảng và không được đứng lớp giảng dậy còn những kẻ có sai phạm thì đều "hạ cánh an toàn".
- Năm 2008, cựu chiến binh, đảng viên Đinh Đức Phiếu (nhà số 35 - khu tập thể Xí nghiệp in - phố 10 - đường Lương Văn Thăng - phường Đông Thành - TP Ninh Bình - tỉnh Ninh Bình) có 43 năm cống hiến cho cách mạng, 11 năm chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên gửi một số đơn kiến nghị, tố cáo các việc làm sai trái, độc đoán, chuyên quyền, vụ lợi của Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đinh Văn Hùng và một số cán bộ lãnh đạo tỉnh. Theo chỉ đạo của Đinh Văn Hùng, các cơ quan tố tụng tỉnh lập tức vào cuộc, ngày 2-10-2008 ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi vu khống, ngày 7-10-2008 có kết luận điều tra vụ án, tới ngày 1-12-2008 thì đưa ông Đinh Đức Phiếu ra xét xử và kết mức án 5 năm tù giam. Cuối năm 2010 Hùng bị kỉ luật, mất chức Bí thư Tỉnh uỷ song hơn nửa năm sau, trước sự phản đối gay gắt của gia đình, bạn bè ông Đinh Đức Phiếu và công luận, Tòa án Ninh Bình mới mở phiên phúc thẩm để tuyên ông Đinh Đức Phiếu không phạm tội vu khống. Song đến nay, những kẻ đã chỉ đạo và trực tiếp khởi tố, điều tra, xét xử ông vẫn vô can.
- Cuối năm 2010, đầu năm 2011, hơn 70 cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh bưu điện có đơn tố cáo Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty này là Đặng Thị Bích Hòa tham nhũng, lợi dụng chức vụ, dùng tiền công ty để giải quyết các quan hệ và có dấu hiệu khai man ngày sinh. Các chứng cứ kèm theo rất đầy đủ, rõ ràng. Đầu tháng 3-2011, 12 người đi đầu trong việc tố cáo Hòa bị công ty sa thải (trong đó có ông Trần Xuân Quý, nguyên Phó tổng giám đốc, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính và bà Khổng Thị Hồng Vân, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ). Họ nhờ tới sự giúp đỡ của Văn phòng luật sư Vì Dân để khởi kiện việc sa thải này ra Tòa án huyện Từ Liêm - Hà Nội song tòa đã thẳng thừng bác bỏ đơn kiện của họ, khiến họ tiếp tục bị tước đoạt công ăn việc làm, sa vào cảnh khó khăn về vật chất, hoang mang, bức xúc về tinh thần. Nghiêm trọng hơn, Văn phòng luật sư Vì Dân còn bị Hòa thuê bọn lưu manh, côn đồ tới đe dọa, hành hung 2 lần (ngày 5-4 và 8-8-2011) vì đã tố cáo ả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
- Tháng 10-2011, Ủy ban Kiểm tra - Huyện uỷ Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) ra quyết định kỉ luật một lúc 14/19 đảng viên thuộc Chi bộ đảng Trường THPT Lương Thế Vinh, trong đó 9 người chịu mức từ khiển trách đến khai trừ, 5 người phải kiểm điểm trước chi bộ vì đã kí đơn tập thể tố cáo Hiệu trưởng Võ Văn On có nhiều sai phạm. Hai người bị kỉ luật nặng nhất là nữ cán bộ Thanh tra nhân dân Tuyết Mai (khai trừ) và Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Minh Tuấn (cách chức chi uỷ viên). Điều nực cười là Ủy ban Kiểm tra - Huyện uỷ Đức Phổ đồng thời thừa nhận vi phạm của On có tính chất nghiêm trọng: từ tháng 1 đến tháng 11-2009, trên cương vị Bí thư chi bộ, đã vi phạm điều lệ Đảng và quy chế cơ quan trong công việc, không chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, bỏ nhiều kì không tổ chức sinh hoạt chi ủy, chi bộ; từ tháng 4-2010, trên cương vị hiệu trưởng, đã tự ý ban hành quy chế chi tiêu nội bộ mà không đưa ra bàn bạc, thảo luận dân chủ trong cơ quan, không công khai tài chính và chậm tổ chức hội nghị công nhân viên chức năm học 2010-2011 theo quy định, vi phạm quy chế dân chủ, làm ảnh hưởng tới hoạt động của nhà trường…
Quay trở lại với hội thảo quốc tế "Bảo vệ người tố cáo tham nhũng" mới diễn ra ngày 3-11-2011. Tại đây, ông Phách "chỉ đạo": "Để đẩy mạnh cuộc chiến phòng chống tham nhũng, cần phải thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ những người dám tố cáo, kiên trì tố cáo những hành vi tham nhũng". Nghe cũng rõ hay song qua những lần gặp gỡ các ông Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Tiến Chiến, Trần Văn Truyền, qua những cuộc gọi vào các số điện thoại 08044198, 08044519, 0986548686… và với những gì đã thấy, đã trải, tôi tự nhủ trăm nghe không bằng một thấy, chớ uổng công trông chờ, hi vọng.
Bảo vệ người tố cao tham nhũng!!!
Ai bảo vệ? Thử hỏi các ông Trọng, Chiến, Truyền, Phách đã nói gì, làm gì để bảo vệ các ông bà Phạm Thanh Bình, Phạm Thị Hồng Hoa, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Kim Hợp, Phan Văn Hướng, Đinh Đức Phiếu, Trần Xuân Quý, Khổng Thị Hồng Vân và hàng ngàn, hàng vạn người tố cao tham nhũng đang bị đe dọa, trù dập, bức hại?
Bảo vệ khỏi thế lực nào? Quận uỷ Cầu Giấy - TP Hà Nội? Quận uỷ quận 5 - TP Hồ Chí Minh? Huyện uỷ Đức Phổ - tỉnh Quảng Ngãi? Huyện uỷ và UBND huyện Hương Khê - tỉnh Hà Tĩnh? Tỉnh uỷ và Công an, Viện kiểm sát, Tòa án tỉnh Ninh Bình? Đảng uỷ và HĐQT Công ty cổ phần chuyển phát nhanh bưu điện? Tất cả đều là các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
Nếu có trách nhiệm, có vai vế trong hệ thống các cơ quan phòng chống tham nhũng khá cồng kềnh ở đất nước Việt Nam này thì tôi sẽ luôn tâm niệm nói đi đôi với làm, mà tốt hơn hết là làm trước rồi hẵng nói để khỏi bị triệu triệu dân thường rủa là "nói và lừa" hoặc nôm na hơn, là "đĩ mồm".
Kết bài này, tôi xin dẫn lại tin có trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đó là ngày 21-10-2011, sau mấy năm gửi nhiều đơn tố cáo hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở trung ương và địa phương có hành vi tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Văn Tuấn, 54 tuổi, cựu sĩ quan an ninh, cựu đảng viên Cộng sản, cựu Trưởng phòng Tiếp dân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị Cơ quan An ninh điều tra thuộc Công an tỉnh này khởi tố, bắt giam trong 3 tháng để điều tra về việc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Liệu có phải Việt Nam đang có thêm một Đinh Đức Phiếu nữa?
L.H.Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét