Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Dân đang nghĩ gì khi thấy quan chức quá giàu?

Dân đang nghĩ gì khi thấy quan chức quá giàu?

bauxitevn12:54 AM

Công Lý
Bài đăng ngày 23-7-2017 trên Tạp chí điện tử Nhà quản lý thuộc Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý.
Có cả chục câu hỏi nhưng câu trả lời thì lại để ngỏ. BVN đành đáp thay:
“Có độc mới đủ, có phũ như chó mới giàu”, 
Hệt nhau - trên dưới, trước sau - ấy mà.
Bauxite Việt Nam
clip_image002
Cơ ngơi hoành tráng của một quan chức ở Yên Bái. Ảnh: Tuổi Trẻ
Quan chức giàu có. Quan chức rất giàu. Vậy thì người dân đang nghĩ gì khi quan chức quá giàu? Liệu dân đang nghĩ rằng quan chức giàu có là do “chạy xe ôm, “buôn chổi đót”…?

Khi quan chức quá giàu…

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý đang bị thanh tra vì khối tài sản khủng của mình. Trong năm 2015 và 2016, UBND TP Yên Bái đã ban hành liên tục 6 quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 13.000 m2 đất vốn là đất nông nghiệp thành đất ở cho bà Hoàng Thị Huệ, vợ ông Quý, sử dụng đất tại tổ 42 và tổ 52, phường Minh Tân, TP Yên Bái. Trên các diện tích đất này, gia đình ông Quý đã xây dựng nhiều công trình nhà ở, vườn tược có quy mô lớn. Một tài sản khác cũng được đánh dấu hỏi là căn chung cư cao cấp Mandarin Garden rộng 130 m2 (Cầu Giấy, Hà Nội) mà ông Quý khai trị giá 2,5 tỉ đồng, trong khi giá thị trường thực tế cao hơn rất nhiều lần. Ông Quý thanh minh rằng ông có khối tài sản này là do nuôi lợn, buôn chổi đót… Liệu dân có tin không?
Tháng 11-2014, sau khi báo chí dồn dập đưa tin về tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc xác minh làm rõ. Trong kết luận về vụ việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ ông Trần Văn Truyền mắc một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất. Danh sách 6 căn nhà, biệt thự có bóng dáng ông Trần Văn Truyền và người thân nắm giữ được Ủy ban Kiểm tra Trung ương liệt kê khiến dư luận không khỏi “giật mình”. Trước những vi phạm khuyết điểm ấy, ông Trần Văn Truyền đã bị kỷ luật cảnh cáo. Tuy nhiên biệt thự “khủng” của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ vẫn sừng sững hiên ngang, lồ lộ xuất hiện ở Bến Tre, người dân mỗi lần đi ngang đó nghĩ gì?
Vài tháng trước đây, thông tin về tài sản cổ phiếu “khủng” giá trị lên đến 600-700 tỷ đồng của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa (là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) cùng gia đình tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang khiến dư luận xôn xao. Thực tế, không khó để tìm ra các số liệu cổ phiếu này bởi tất cả đều được công khai trên các website khi Điện Quang là công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán gần 10 năm nay. Bà Thoa cũng đã kê khai số tài sản là cổ phiếu này với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, câu hỏi lại đặt ra, dù từng là một lãnh đạo doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp nhà nước rồi cổ phần hóa vậy bà Thoa và gia đình lấy đâu ra nguồn tiền lớn đến thế để mua cổ phiếu?
Nếu ai đã từng đến thành phố Lào Cai, chắc đều nghi ngờ về việc tỉnh này đứng trong nhóm 6 tỉnh nghèo nhất cả nước. Nhưng không tin cũng không được, bởi theo như số liệu và đặc biệt là dịp Tết Đinh Dậu 2017, tỉnh Lào Cai đã phải xin Trung ương trợ cấp hàng trăm tấn gạo cứu đói. Thế nhưng mới đây, người ta rỉ tai nhau về khu đất phân lô thuộc phường Kim Tân, TP Lào Cai có cả dãy biệt thự sang trọng nằm tách biệt với phần dân cư còn lại. Khu đất có vị trí đắc địa hướng ra mặt tiền 3 con đường to đẹp, đắt đỏ nhất Lào Cai là Soi Tiền, An Dương Vương và Lý Nam Đế. Khu biệt thự này cũng “mọc” lên ở nơi có giá trị nhất tỉnh Lào Cai. Nghe đâu, đây là khu có giá trên dưới 100 triệu/m2, thế nên các biệt thự có đến 3 mặt tiền này có giá lên tới hàng chục tỉ đồng. Điều bất thường là 6 lô đất biệt thự đều rơi vào tay 6 quan chức tỉnh này sau khi đấu giá, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai (là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý). Ngày 29-5, trả lời phóng viên báo chí, ông Vương Trinh Quốc - Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Lào Cai cho biết quan chức Lào Cai trúng đất vì trả hơn giá khởi điểm 100.000 đồng. Ừ, thì “đúng quy trình” cả. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: “Nếu việc đấu thầu khu đất vàng ở Lào Cai là công khai và công bằng thì ở góc độ kinh tế ít nhất cho chúng ta thấy một kết luận khách quan là: công chức rất giàu có, quan chức rất giàu có”.
Cũng như biệt thự “khủng” của ông Trần Văn Truyền, biệt thự “khủng” của quan chức Lào Cai, cổ phiếu “khủng” của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, nhiều quan chức sau khi về hưu đã từng được báo chí điểm mặt trong những căn biệt thự nguy nga xây dựng để “dưỡng già”. Nhưng những căn biệt thự, những tài sản cực lớn nhìn thấy được dường như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi dư luận đã không ít lần “dở khóc dở cười” khi đọc những bản tin về những tên trộm “viếng thăm” nhà quan chức. Họ kê khai tài sản rất khiêm tốn, nhưng khi khai báo với cơ quan công an thì thể hiện số tài sản nhà quan chức bị cuỗm đi trị giá hàng chục, hàng trăm cây vàng, hàng tỷ đồng hay vài chục nghìn đôla…
Quan chức giàu có. Quan chức rất giàu. Vấn đề đáng quan tâm là người dân đang nghĩ gì về thực trạng quan chức quá giàu?
Liệu người dân có nghĩ rằng quan chức giàu có là do “làm thối móng tay”?
Liệu người dân tin rằng quan chức giàu là do buôn chổi đót, đổ giá?
Liệu người dân có nghĩ rằng quan chức giàu có là do cóp nhặt từ “đồng lương và kinh doanh bia hơi”?
Hay liệu người dân nghĩ có rằng quan chức giàu có là do “chạy xe ôm” ngoài giờ làm việc?
Chắc chắn người dân không thơ ngây đến mức nghĩ như vậy. Vậy thì người dân đang nghĩ gì, mấy quan chức giàu có chắc cũng hiểu ra. Không có bức tranh nào tương phản sống động hơn khi so sánh biệt thự “khủng” của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền với những căn nhà nghèo nàn của người dân xung quanh biệt thự khủng đó.
Khi quan chức quá giàu mà đa số người dân còn nghèo thì có nói bao nhiêu cũng đều vô nghĩa, không thuyết phục! Với việc Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với đối tượng là 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, người dân kỳ vọng đây sẽ là Tuyên ngôn quan trọng về thái độ của Đảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang là ngọn cờ tiên phong trong công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng.
C.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét