Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Chuyến đi Đức của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chuyến đi Đức của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

bauxitevn7:00 AM

Thục Quyên
Chuyến đi Đức vào đầu tháng 7/2017 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhắm 2 mục đích: tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 và xúc tiến hợp tác kinh tế với Cộng hoà Liên bang Đức.
Hội nghị thượng đỉnh G20 
Hội nghị thượng đỉnh G20 [1; 2] vừa nhóm họp ngày 7 và 8/07/2017 tại Hamburg. 
Tương ứng với chủ đề của hội nghị, "Định hình một thế giới kết nối", một số quốc gia bạn (Tây Ban Nha, Singapore, Hà Lan và Na Uy), cũng như các tổ chức khu vực, cũng được mời tham dự. Ba tổ chức khu vực là "Liên Minh Châu Phi" đại diện bởi Guinea, "Đối tác mới vì sự Phát triển của Châu Phi" đại diện bởi Senegal và "Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương" (Asia Pacific Economic Cooperation, APEC) hiện nay đại diện bởi Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu phức tạp và đang đối mặt với nhiều thách thức, những nhà lãnh đạo thế giới chiếm thời gian chính trong lịch trình những cuộc đối thọai song phương của chủ nhà là bà Thủ tướng Angela Merkel lẽ dĩ nhiên là Tổng thống Mỹ Donal Trump, Tổng thống Pháp Emanuel Macron, Chủ tịch nước Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In, các vị thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Canada Justin Trudeau, Singapore Lý hiển Long... Buổi tối cuối cùng trước hôm khai mạc hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đại diện APEC,  cũng đã được sắp thời gian gặp xã giao bà Merkel sau buổi nói chuyện dài và gay go của bà với Tổng thống Thổ nhĩ Kỳ Recep Erdogan.
Suốt 2 ngày họp, giới truyền thông thế giới dồn mọi chú ý vào các nhân vật chính kể trên với những đề tài thế giới nóng bỏng và chỉ rất hiếm khi thoáng nhắc đến sự có mặt của những vị đại diện các nước còn lại. Duy chỉ có Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được nhắc chính tên trong hai bài báo, một của Đức và một của Úc, tiếc thay trong hai trường hợp không mấy vẻ vang:
- Tờ báo Úc The Sydney Morning Herald [3] thuật lại những cuộc tiếp xúc song phương của thủ tướng Úc Malcolm Turnbull với những nhà lãnh đạo thế giới xoay quanh sự tự do thương mại và thị trường mở, nhưng đến khi tới lượt vị đại diện APEC thì Thủ tướng Phúc lại chỉ chú tâm bực bõ than phiền về tình trạng 5 hội đồng địa phương ở Úc ủng hộ việc những cộng đồng người Úc gốc Việt "phất Cờ Vàng", lá cờ của chính quyền miền Nam Việt Nam lúc trước. Ông Phúc còn yêu cầu thủ tướng Turnbull sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn việc này, cho thấy ông Phúc không có nổi một ý niệm tối thiểu về Tự do Dân chủ.
- Tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung [4] thì trong một bài viết dành riêng để mô tả thái độ những nhà lãnh đạo quốc tế khi thưởng thức buổi hoà nhạc dưới sự điều khiển của Nhạc trưởng Kent Nagano tại Elbphilharmonie, một trong những phòng hòa nhạc lớn nhất và có hệ thống âm thanh tân tiến nhất trên thế giới, đã quan sát tỉ mỉ Thủ tướng Phúc, suốt buổi cầm tờ chương trình phe phẩy quạt ngay sau lưng bà Merkel. Tuy rằng đây có vẻ là một chuyện nhỏ nhặt, không phải là một xì căng đan chính trị, nhưng sẽ không tránh khỏi những người ngoại quốc, đặc biệt người Đức đang có hoặc sắp giao dịch với Việt Nam đang chú ý theo dõi tin tức về hội nghị G20, sẽ đánh giá tư cách đại diện quốc gia mình của ông Thủ tướng. 
Quan hệ hợp tác kinh tế Đức-Việt
Nhân dịp có mặt tại Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chương trình gặp gỡ những chính trị gia và giới doanh nghiệp với mục đích được tuyên bố rõ ràng: hợp tác kinh tế là trụ cột của quan hệ Việt Nam-Đức.
Cộng hoà Liên bang Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh Âu Châu. Quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch giữa Đức và Việt Nam mặc dù đã bắt đầu từ tháng 9/1975 và đã có những bước phát triển, nhưng sau hơn 40 năm vẫn còn quá thấp so với tiềm năng và yêu cầu. Nước Đức là nước có thiết bị, kỹ thuật-công nghệ nguồn của nhiều ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thế giới, nhưng so với tiềm năng thì cả số dự án và lượng vốn đầu tư tại Việt Nam còn qúa ít. Nếu nhà cầm quyền VN và cả giới doanh nghiệp VN không có khả năng nhận định nguyên nhân để sửa đổi thì quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước không thể có triển vọng tươi sáng như phía VN mong muốn.
Giúp đỡ trong quá trình chuyển đổi kinh tế song song với cải cách hệ thống pháp luật
Tháng 10/2011, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Angela Merkel đã ký Tuyên bố Hà Nội [5] về thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược vì tương lai“. Điểm vô cùng đặc biệt trong bản tuyên bố này là chương trình "Đối thọai nhà nước pháp quyền Đức-Việt" hầu hỗ trợ VN trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật. Phù hợp với luật pháp Đức, Tuyên bố Hà Nội có định rõ vai trò Nhân quyền và bảo vệ Môi sinh trong nền tảng của sự hợp tác kinh tế. Thủ tướng Merkel với nhiều triển vọng sẽ tiếp tục giữ ghế thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa, chắc chắn sẽ tôn trọng những điều bà đã thay mặt Cộng hoà Liên bang Đức ký kết với Việt Nam.
Ngôn ngữ ngoại giao của chính phủ Đứctrong những lần tiếp xúc vừa qua với Thủ tướng Phúc trong cương vị người đứng đầu chính phủ VN đương thời
Ngay ngày đầu tiên khi tới Đức, Thủ tướng Phúc đã đến thăm bà Malu Dreyer Chủ tịch Hội đồng Liên bang Đức, kiêm Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz, thuộc đảng đối lập SPD. Theo nguồn tin [6] của Thông tấn xã Đức DPA (Deutsche Presse-Agentur), bà Dreyer cho biết Thủ tướng Phúc rất quan tâm đến sự phát triển quan hệ hữu nghị Đức-Việt và tình trạng Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Âu châu và Việt Nam. Đáp lại lời đề nghị thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Đức-Việt của ông Phúc, bà Dreyer hứa sẽ chuyển lời đến Quốc hội và Hội đồng Liên bang. Ngược lại, bà Dreyer đã hỏi đến tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam, và câu trả lời của Thủ tướng Phúc là VN đã thông qua một Hiến pháp năm 2014, định rõ quyền tự do của công dân, nhưng VN cũng biết là còn phải cải tổ rất nhiều.
Bản tin của DPA cũng nhắc đến một nhóm người Việt lưu vong đứng biểu tình chống "Cộng sản độc tài" phía ngoài toà nhà Văn phòng Chính phủ (Staatskanzlei)
(Bà Mỹ Nga, một người tham dự cuộc biểu tình nói trên cho biết, sau khi thủ tướng Phúc rời toà Staatskanzlei thì bà Malu Dreyer đã cử Dr. Deniz Alkan (phụ trách văn phòng Hợp tác Âu châu và quốc tế) ra gặp đoàn biểu tình để cho biết nội dung buổi nói chuyện trao đổi.
Những điều Dr Alkan kể lại phù hợp với bản tin của DPA).
Ngoài bang Rheinland-Pfalz, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn trực tiếp gặp Thủ hiến, Thị trưởng của Berlin, Hessen, và Hamburg. Những cuộc gặp gỡ này không được truyền thông Đức nhắc tới.
Nhân vật Đức cao cấp nhất đã gặp gỡ trao đổi với thủ tướng Phúc là Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, người đại diện cho nước Đức về mặt luật pháp quốc tế. 
Tổng thống Steinmeier là người rất thông thạo tình hình Việt Nam, vì mới vừa đầu tháng Tư vừa qua ông đã cùng vợ là Thẩm phán Elke Büdenbender đón tiếp và trò chuyện gần 45 phút với ông Vũ Quốc Dụng [7], người đại diện cho LS. Nguyễn Văn Đài nhận Giải Nhân Quyền 2017 của Liên đoàn Thẩm phán CHLB Đức. Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào cuối tháng 10/2016, ông Steinmeier đã khai mạc khóa học "Pháp luật Đức và Châu Âu" tại Đại học Luật, Hà Nội. Trong buổi trao đổi thân mật với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, ông Steinmeier cũng kêu gọi Việt Nam phải chú trọng nâng cao các quyền chính trị và công dân [8].
Sau buổi thăm viếng TT Steinmeier của Thủ tướng Phúc, vị Tổng thống Đức đã ghi trong Facebook của ông [9] là sau khi chúc mừng những thành quả kinh tế, ông đã bàn thẳng về tình trạng Nhân Quyềntại Việt Nam và khẳng định "Những bước tiến can đảm trong việc tăng cường tự do báo chí và tự do quan điểm là một nền tảng cho mối quan hệ (giữa hai nước) trở nên mật thiết hơn".
Và như vậy Tổng thống Steinmeier đã trả lời đúng sự quan tâm của Thủ tướng Phúc.
Phương cách hợp tác với Cộng hoà Liên bang Đức
Nếu lời hứa hẹn của Thủ tướng Phúc đăng trong tờ Tuổi trẻ online trong buổi ăn sáng làm việc tại Berlin ngày 6/07 với 30 doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Đức là sự thật, thì ông Phúc đã hiểu phải làm gì để lời kêu gọi Đức đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn của ông có hy vọng được đáp ứng. 
"Các bạn hãy cùng làm ăn, cùng đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và Nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp Việt Nam và ngày càng làm tốt hơn công cuộc thực hiện dân chủ trong việc lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp ” [10].
Nhà cầm quyền Việt Nam đương thời nên nhớ rằng:
Hứa hẹn với những doanh nghiệp Đức không thể rỗng tuếch như hứa hẹn với dân VN. Và những ưu tư của Tổng thống cũng như Chủ tịch Hội đồng Liên bang Đức về tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam là bằng chứng chính phủ Đức rất lắng tai nghe những báo cáo của các dân biểu Quốc hội và các tổ chức Đức phi chính phủ, về tình trạng vi phạm Nhân quyền, vi phạm Tự do Tôn giáo, tham nhũng, hối lộ, v.v. hiện nay ở Việt Nam.
_________________________________________________
(1) G20 bao gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý và Canada, cùng một số thành viên khác như Argentina, Úc, Brasil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, México, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Thành viên thứ 20 là Liên minh châu Âu (EU). 
(7) Giám đốc điều hành tổ chức Veto! Mạng lưới các nhà bảo vệ nhân quyền, tại Đức
T.Q.
Tác giả gửi BVN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét