LẠI NÓI VỀ CHIẾN TRANH
Một cô thanh niên xung phong bị phát hiện đang lén lút làm cái việc “tự sướng” bên con suối nhỏ sâu trong rừng.
Suốt ba đêm liền, từ sau bữa ăn tối cho đến gần sáng, cô bị đồng chí của mình, toàn nữ, kiểm điểm gay gắt và không ngớt lời sỉ vả. “Ghê tởm, thật ghê tởm!” “Một biểu hiện suy đồi đạo đức!” Một hành động bêu xấu hình ảnh người chiến sĩ cách mạng, đi ngược với lý tưởng và lối sống cách mạng tốt đẹp!” “Xử bắn con đĩ tư sản thối nát ấy đi!”. Vân vân.
Sang ngày thứ tư, không chờ đồng đội xử bắn, “con đĩ tư sản thối nát” ấy đã treo cổ tự tử trên cành cây bị bom chặt đứt một nữa.
Chủ trì và cũng lớn tiếng sỉ vả nhất trong ba đêm đấu tố ấy là cô Duyên. Đơn giản vì cô là đội trưởng đội thanh niên xung phong ấy. Duyên là người làng tôi, thậm chí suýt thành chị dâu, nếu anh trai con ông bác tôi không hy sinh ở Quảng Trị năm 68. Tự cô kể tôi nghe chuyện này khi hết chiến tranh trở về nhà.
“Tội nghiệp nó! Người ta bảo thì bọn chị phải làm thế chứ thương lắm!” cô nói, rơm rớm nước mắt. “Khối đứa như nó. Chị biết”.
“Cả chị?” tôi hỏi.
Ngập ngừng một lúc, chị nói, giọng thách thức:
“Thì sao? Chị không là người chắc? Cả bầy con gái thui thủi một mình trong rừng không một mống đàn ông suốt mấy năm trời! Đơn vị chị thì không, nhưng nghe nói ở Đrao, Tây Nguyên, có mấy chục đứa phát cuồng, lúc ôm nhau cười mãi không thôi, lúc xé hết quần áo kéo chạy tồng ngồng gữa rừng như những con điên.
Mắt chị lại rưng rưng.
Về làng được bốn năm, do lỡ thì, và cũng do chẳng còn đàn ông nào nữa mà lấy, chị Duyên xuống tóc đi tu, ở ngay Chùa Mít bên sông Bùng. Vợ chồng bác tôi thương lắm, nhưng chẳng can ngăn. Trong thâm tâm hai cụ vẫn coi chị là con dâu. Có người nói chị bị ai đó trên tỉnh lừa tình. Chuyện này thì tôi không rõ, mà cũng chẳng quan trọng. Tôi chỉ thấy ngỡ ngàng, thậm chí đau nhói trong ngực khi hình dung chị dâu hụt của tôi, - một người xinh đẹp, yêu đời, từng nhiều năm làm đội trưởng đội văn nghệ xã, - lại tự nguyện giam mình trong ngôi chùa hiu quạnh, đổ nát, với bộ quần áo màu nâu nhà Phật. Mấy ngày sau, tôi đến tìm chị, định hỏi cho ra chuyện, nhưng tôi đã không vào chùa khi đứng từ xa nhìn thấy chị đang thẫn thờ đưa chổi quét đi quét lại cái sân vốn đã sạch.
Lặng lẽ ra về, tôi cố lý giải mà không lý giải nỗi cái gì đã biến một cô gái tươi vui, hồn nhiên, tràn trề hạnh phúc và xứng đáng được hưởng hạnh phúc thành một người yếm thế, bất hạnh như vậy.
Chiến tranh? Phải chăng đây là cái giá của chiến tranh?
Bẵng đi nhiều năm, tôi lại vào chùa Mít.
Nó vẫn thế. Hai cây nhãn trước chùa vẫn thế, và vẫn thế, chúng không chịu cho quả.
Đang vắng người, tôi vào thẳng phòng riêng sư trụ trì, sư thầy Đàm Duyên. Sư thầy chứ không phải sư cô như ngày nào.
“Chào chị Duyên,” tôi lên tiếng, không hiểu sao còn cố tình nói to.
“Mô phật. Xin xưng hô với kẻ tu hành này theo đúng cách của nhà phật. Chào chú.”
Đứng chắp tay trước mặt tôi, đầu hơi cúi, là một bà già nhỏ bé, khô đét và không còn tí dấu vết nào của cô Duyên ngày xưa cũng như sư cô Đàm Duyên sau đó tôi gặp. Nét mặt bà không chỉ vô cảm mà bất động như được nặn bằng sáp. Cái đầu trọc bóng loáng cũng có lớp sáp nhờn nhợt ấy.
Bất giác, tôi chợt nghĩ: “Nếu không trọc, không biết tóc chị sẽ bạc đến đâu?”
“Chị khỏe chứ?”
“Mô phật.”
“Người ta nói nay mai chùa Mít bị đập bỏ để xây đường lớn lên Đô Lương và sang Lào?”
“Mô phật,” và chị khẽ cúi đầu.
“Thế chị và mọi người đi đâu?”
Sư thầy Đàm Duyên không đáp. Chất sáp trên mặt và cái đầu trọc của bà càng trở nên rõ nét hơn. Hình như bà đang khóc, dù đôi mắt sâu vô hồn vẫn ráo hoảnh.
Lát sau tôi bỏ về, vô cớ hậm hực với ngôi chùa tội nghiệp sắp bị phá bỏ, với hai cây nhãn xum xuê mà không chịu cho quả. Với cả chính tôi vì mãi vẫn lấn cấn tìm lời giải thích cho số phận chị dâu mình và những người như chị.
Chiến tranh! Ừ, chiến tranh! Tiên sư thằng chiến tranh!
Tôi thấy có cái gì nghèn nghẹn trong cuống họng, muốn văng tục chửi ai đó, đập phá cái gì đó mà không được. Chửi cái thằng gây ra chiến tranh chẳng hạn. Tiên sư thằng gây ra chiến tranh!
Đừng nói với tôi về chiến tranh bảo vệ tổ quốc và chính nghĩa. Tôi đã đủ khôn lớn để hiểu rằng cái cuộc chiến tranh ấy, nếu quả là bảo vệ tổ quốc và chính nghĩa như người ta nói, cũng chẳng là gì nếu nó là thủ phạm của hàng triệu cái chết dân Việt, hàng chục triệu cuộc chia ly đau đớn, thủ phạm của một sự đảo lộn triệt để các giá trị truyền thống dân tộc. Nó trở thành nhảm nhí khi vì nó các cô gái của chúng ta phải “tự sướng” và tự treo cổ, khi một người trẻ trung, tươi vui và tràn trề nhựa sống như chị Duyên của tôi phải biến thành một hình sáp vô hồn.
“Ừ, mà nếu không cạo đầu, tóc của chị sẽ bạc đến đâu nhỉ?”
14. 11. 2011
CÔ GÁI MÙ
Đó là một cô gái xinh đẹp, nhỏ nhắn, với chiếc cổ trắng thon dài, mái tóc xoăn tự nhiên có màu nâu vàng nhạt, chắc cũng tự nhiên. Khuôn mặt cô hao hao giống Đức mẹ Đồng trinh ta thường thấy trong nhà thờ. Ở cô toát lên một sự hiền dịu và sạch sẽ đến mức thánh thiện.
Chỉ tiếc cô mù. Cũng có thể vì mù, không phải chứng kiến bao cảnh bẩn thỉu của cuộc đời nên cô có được sự hiền dịu và sạch sẽ thánh thiện ấy.
Tiếc nữa là cô nghèo, và phải tự kiếm sống nuôi mình.
Hàng ngày, từ sáu giờ sáng người ta đã thấy cô ngồi bán hoa bên cột đèn điện ở góc một con phố nhỏ yên tĩnh. Con chó bé xíu màu vàng dắt cô đi về hàng ngày ngồi bên, hếch mõm, nghiêng đầu nhìn mỗi lần có khách dừng lại mua hoa. Nó khôn lắm, chăm chăm nhìn khách đếm tiền, và biết sủa hai tiếng chép chép khi khách quên hay chậm thanh toán.
Khu phố này nghèo, người dân lam lũ, nhưng vì hoa rẻ và chắc muốn giúp cô gái mù dễ thương nên người ta vẫn mua hoa của cô. Nhiều người cẩn thận chọn hoa, trả tiền xong lại lặng lẽ đặt vào chỗ cũ. Cô gái không nhìn thấy, chỉ mỉm cười cảm ơn. Con chó thì biết, nhưng nó im, ngoe nguẩy cái đuôi ngắn tũn. Cây cột điện bê tông đầy giấy dán quảng cáo và những dòng chữ bậy bạ đỡ trơ trẽn hơn nhờ nó. Nhờ chủ nó, người dân ở đây, trong đó có vợ chồng tôi, hình như cảm thấy đời đẹp hơn và ấm áp hơn chút ít
Mọi việc cứ thế đều đều diễn ra, lặng lẽ, bình dị và quen thuộc.
Bỗng một hôm không thấy cô gái mù bán hoa cùng con chó nhỏ của cô. Hôm sau mọi người nhốn nháo bàn tán. Hôm sau nữa thì cả phố xếp hàng đưa tang cô. Cô gái xinh đẹp, tội nghiệp ấy đã bị ai đó cưỡng hiếp rồi giết chết, vứt xác xuống hồ Thanh Nhàn ngay giữa trung tâm thành phố.
Vợ chồng tôi theo đám đông cùng lặng lẽ đưa tiễn cô. Mọi người cúi mặt bước đi, xấu hổ với cảm giác bất lực không bảo vệ được cô khỏi cái ác đang ẩn nấp đâu đó ngay trong cộng đồng mình. Sao người ta nỡ cướp đi mạng sống của một thiên thần vô hại như cô? Sao người ta nỡ tước đi của chúng tôi một trong số những bông hoa hiếm hoi mang chút hơi ấm cho cuộc đời lạnh lẽo này?
Không còn cô, con phố trở nên vắng hẳn. Hình như rác bụi cũng nhiều hơn.
Không còn cô, con chó nhỏ trở thành chó hoang, để lại cây cột đèn bê tông một mình không bạn. Nó sẽ phải tự vật lộn kiếm sống, cạnh tranh với những con chó hoang như nó nhưng lọc lõi và độc ác hơn. Hơn nữa, nó còn phải luyện chạy thật nhanh, nhìn thật rõ để khộng bị người ta bắt làm thịt. Tội nghiệp nó. Nếu biết suy nghĩ và viết văn như tôi, liệu nó sẽ nghĩ và viết gì nhỉ?
Ai đó đặt chiếc bàn thờ nhỏ bằng gỗ ọp ẹp lên chỗ cô gái mù vẫn hàng ngày thường ngồi bán hoa. Trước nén hương nghi ngút khói là hoa, rất nhiều hoa màu trắng.
Cô trao cho đời những bông hoa đẹp đủ màu, giờ nhận được chỉ toàn hoa màu trắng.
16. 11. 2011
NHỤC
Hay tin, ông bỏ cả việc đang làm giở ở Sài Gòn, vội vàng bay ra Hà Nội.
Vừa đặt va-li xuống nền nhà, ông cao giọng hỏi vợ:
“Làm sao mà người ta trả lễ?”
“Vì con ông làm công an.”
“Công an thì sao mà trả lễ?”
“Ông đi mà hỏi người ta ấy.”
“Nhưng trước đồng ý, người ta đã biết nó là công an rồi cơ mà?”
“Tôi biết đâu đấy. Sao ông cáu với tôi?”
“Nhục!”
*
Con trai ông và con gái gia đình ông giáo phố bên học cùng nhau từ bé rồi yêu nhau và định lấy nhau. Cả hai đều ngoan, lại môn đăng hộ đối, tưởng chẳng còn gì nữa phải bàn. Thế mà khi nghe tin con ông vào Học viện công an, gia đình ông giáo có ý ngãng ra. May hai đứa yêu nhau thực sự nên cuối cùng cũng xuôi xuôi, và tuần trước họ đã đồng ý cho làm lễ dạm hỏi. Thế mà bây giờ... Trả thì trả, thành phố này thiếu gì con gái! ông nghĩ. Đành là thế, nhưng ông thấy bị sĩ nhục. Một gia đình như ông, với một thằng con hiền lành, tử tế như con ông mà bị trả lễ thì thật nhục. Hàng xóm sẽ khối anh được dịp đơm đặt.
Tối đến, ông gọi riêng con trai ra một chỗ, hỏi chuyện.
“Lý bảo bố mẹ cô ấy lần này làm căng, dứt khoát không chịu.” Anh con nói.
“Vì sao?”
Anh ta im một lúc mới đáp:
“Vì có ai đó nhìn thấy con hôm công an dẹp vụ cưỡng chế đất ở Cống Bầu.”
“Con ở đấy thật à?”
“Vâng.”
“Tưởng con lính văn phòng không phải làm những việc đó...”
“Bây giờ cần là người ta điều hết.”
“Thế con làm gì ở đấy?”
Anh con ngước mắt nhìn bố, vẻ ngạc nhiên:
“Làm những việc công an phải làm với bọn phản động. Bọn bị các thế lực thù địch kích động làm loạn...”
Đến lượt ông bố dướn mắt ngạc nhiên:
“Con có đánh người ta không? Thậm chí nổ súng?”
“Con thì không, vì chưa cần.”
“Còn nếu cần?”
Anh con không trả lời.
“Hôm dẹp mấy vụ biểu tình chống Tàu con có tham gia không?
“Có.”
“Có đánh ai không?”
“Không. Chỉ xô đẩy. Mà bố hỏi kỹ thế làm gì nhỉ? Đấy là việc của con. Nhiệm vụ của chúng con là bảo vệ đảng, bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân.” Anh con thậm chí cao giọng, là việc xưa nay ông chưa từng thấy, vì nó vốn là đứa hiền và ngoan nhất nhà.
Rồi anh ta nói thêm:
“Trước bố đi bộ đội, cũng để bảo vệ đảng, bảo vệ đất nước và nhân dân như con bây giờ thôi. Việc bố xưa bố làm. Việc con nay con làm. Thế cả.”
Ông thấy vương vướng trong cuống họng.
“Không, khác hẳn. Xưa bố đánh giặc, đánh Mỹ. Nay chúng mày đánh nhân dân. Xưa nhà nước lấy đất người giàu chia cho người nghèo. Giờ thì ngược lại.”
Ông định nói thế. Thậm chí định tát và mặt thằng con của mình, nhưng nghĩ thế nào, ông im lặng bỏ vào phòng mình.
*
Ông nằm ngửa, mắt nhìn trân trân lên trần nhà.
Vậy là con ông đã thay đổi. Trong nhà với bố mẹ có thể nó vẫn như xưa, nhưng ra ngoài thì đã khác. Mà chỉ sau mấy năm học ở trường cảnh sát. Người ta đã dạy cho nó những gì nhỉ? Chắc các ông thầy ở đấy phải giỏi lắm mới thuyết phục được nó tin mấy ông bà nông dân chân đất mắt toét và mấy vị trí thức già yêu nước là phản động để xô đẩy và đánh họ. Hay đạp vào mặt họ. Hay thậm chí có thể bắn họ. Lúc nãy nó chẳng bảo “chưa cần” đấy thôi.
Láo! Nhục!
Hôm sau, ông nhẹ nhàng bảo vợ:
“Thôi, bà ạ. Người ta đã muốn thế thì mình cũng im đi cho xong. Chắc họ phải có lý do của họ. Nhục cũng phải chịu chứ biết làm thế nào.”
Bà vợ ông chỉ hiểu chữ “nhục’ theo nghĩa bẽ bàng với hàng xóm chứ không biết ông hàm ý cái nhục khác còn lớn hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét