Kẻ thủ lợi trong vụ Trịnh Xuân Thanh là ai?
Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Hai, ngày 12 tháng 9 năm 2016 | 12.9.16
Chưa biết phe ông Trịnh Xuân Thanh sẽ ra thêm đòn gì kế tiếp, nhưng qua vụ này, tô đậm thêm hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng không có khả năng “phòng chống tham nhũng”, kể từ sau vụ kỷ luật thất bại đồng chí X vào năm 2012. Song qua vụ Trịnh Xuân Thanh nhiều phần TBT Trọng sẽ phải ra đi sớm, có thể là cuối năm 2016 hay giữa năm 2017, vì năng lực lãnh đạo đã bị tiêu tùng trong cuộc nội chiến chỉ mới bắt đầu này.
Hai ngày trước khi Ủy ban kiểm tra trung ương đảng nhóm họp từ 6-8 tháng 9, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch Tỉnh Hậu Giang đã gọi điện cho báo Thanh Niên nói là ông vừa mới gửi đơn ra khỏi đảng với lý do “không còn tin vào sự chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng”, hôm mồng 4 tháng 9, như một thách thức đầu tiên đối với phe ông Trọng.
Biết là dù có nhận, Ủy ban kiểm tra sẽ không công bố nên ông Trịnh Xuân Thanh đã gọi điện cho Báo Thanh Niên một lần nữa vào sáng ngày 6 tháng 9, khẳng định về quyết định ra khỏi đảng, như một cú hích kế tiếp nhằm khuấy động dư luận.
Quả nhiên, tại cuộc họp của Ủy ban kiểm tra trung ương sáng mồng 6 tháng 9, lá đơn của ông Thanh đã được đọc. Nghe xong, cả Ủy ban rơi vào trạng thái im lặng, không ai dám phát biểu vì chẳng khác nào ông Trịnh Xuân Thanh đã bợp tai ông Trọng ngay trong phòng họp.
Nội dung đơn ra khỏi đảng của ông Trịnh Xuân Thanh đã đặt cho Ủy ban kiểm tra lúng túng vì nó diễn ra ngoài dự trù, khiến cho ông Trần Quốc Vượng, Chủ tịch Ủy ban kiểm tra phải cho tạm ngưng cuộc họp để xin ý kiến ông Nguyễn Phú Trọng và Ban Bí Thư.
Không còn có thể làm khác hơn đối với một đảng viên dám bợp tai mình, ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ thị Trần Quốc Vượng ra quyết định đề nghị Ban Bí Thư khai trừ Trịnh Xuân Thanh ra khỏi đảng hôm mồng 8 tháng 9.
Quyết định khai trừ nói trên của Ủy ban kiểm tra vô hình chung đã biến ông Trịnh Xuân Thanh từ một người bị đảng bôi xấu là tham ô, vi phạm kỷ luật sau bài báo của báo Thanh Niên về vụ “chạy xe Lexus tư nhân gắn biển xanh” hôm 3 tháng 6, nay lại trở thành người hùng, dám đương đầu lại thế lực của Tổng Bí Thư.
Trong lá thư mới nhất gửi cho một số cán bộ cao cấp tại Tỉnh Hậu Giang hôm 10 tháng 9, ông Trịnh Xuân Thanh đã tô đậm thêm quyết tâm đối đầu với ông Trọng khi viết rằng: “Tổng Bí Thư đã tiếp tục chỉ đạo UBKTTW, Ban Bí thư, báo chí áp đặt, bịa đặt, bôi nhọ em để kỷ luật.”
Việc làm của ông Trịnh Xuân Thanh không đơn thuần là một cá nhân hay vài ba nhân sự “bất mãn” về cách hành xử của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay.
Chính ông Nguyễn Phú Trọng và phe đảng đã đẩy những người “thất sủng” sau Đại Hội 12 vào tháng 1 năm 2016, đành phải công khai chống lại cái gọi là cuộc chiến “trong sạch đảng, trong sạch cơ chế nhà nước” của ông Trọng tung ra vào đầu tháng 4, 2016.
Nói cách khác, chỉ trong 3 tháng qua, khi ông Trọng hai lần chỉ thị đem ông Trịnh Xuân Thanh làm con dê tế thần vào đầu tháng 6, ông Trọng nghĩ rằng sẽ tóm gọn các băng đảng, xuất phát từ Bộ Công Thương, vây chung quanh gia đình ông Dũng, vốn là mục tiêu đầu tiên mà phe đảng muốn triệt hạ.
Chính vì nghĩ là đã loại được phe Dũng và nắm trong tay mọi thứ quyền lực, ông Trọng đã không ra tay bắt giữ một số “con dê tế thần” mà chỉ dùng dư luận báo chí đánh phủ đầu, để qua đó tạo hình ảnh mình là người trong sạch và đang cứu đảng.
Nhưng qua sự kiện Trịnh Xuân Thanh chạy trốn sang Âu Châu, làm đơn ra khỏi đảng trước khi bị ông Trọng tung đòn khai trừ và ra lệnh bắt giữ trong mấy ngày qua, người ta thấy là cuộc nội chiến mà ông Trọng khởi động đang có chỉ dấu bất lợi cho chính ông Trọng.
Ông Dương Chí Dũng |
Thứ nhất, rút kinh nghiệm từ vụ Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh đã thấy rõ là khi bị phe đảng coi là con dê tế thần thì phải cao bay xa chạy và phải đóng vai người hùng để chống lại thế lực muốn triệt hạ mình, chứ không nộp mình minh oan vô ích. Sự kiện ông Thanh nằm yên ở nước ngoài trong tháng qua, cho thấy là ông Thanh và những người liên hệ đã chuẩn bị thế trận để sau đúng một tháng nghỉ phép, tung đòn đánh công khai, tạo bất ngờ cho ông Trọng và phe đảng.
Thứ hai, cú đánh của Trịnh Xuân Thanh đã làm cho những tuyên bố vung vít của Nguyễn Phú Trọng trong 3 tháng qua nào là xử lý triệt để tham nhũng, không nương nhẹ, không cảm tình… đã chỉ là sáo ngữ. Thậm chí những chỉ thị của ông Trọng nào là Ủy ban kiểm tra trung ương, Ban bí thư, Bộ nội vụ, Bộ công an, Thanh tra chính phủ phải vào cuộc điều tra vụ ông Thanh làm thất thoát 3.200 tỷ đồng ở Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam vào năm 2011, chỉ biểu hiện sự chém gió trên mặt dư luận, vì chính ông Trịnh Xuân Thanh tố cáo ông Trọng đã bẻ cong sự thật và cố tình chỉ đạo các cơ quan làm sai.
Thứ ba, chưa biết phe ông Trịnh Xuân Thanh sẽ ra thêm đòn gì kế tiếp, nhưng qua vụ này, tô đậm thêm hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng không có khả năng “phòng chống tham nhũng”, kể từ sau vụ kỷ luật thất bại đồng chí X vào năm 2012. Nói cách khác là ông Trọng tuy giữ được ghế Tổng Bí Thư sau trận thư hùng với Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm nay, nhưng qua vụ Trịnh Xuân Thanh nhiều phần ông Trọng sẽ phải ra đi sớm, có thể là cuối năm 2016 hay giữa năm 2017, vì năng lực lãnh đạo đã bị tiêu tùng trong cuộc nội chiến chỉ mới khởi động trong 3 tháng vừa qua.
Vấn đề đặt ra là ai lợi trong vụ Trịnh Xuân Thanh?
Ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư. Ảnh: Internet |
Người lợi trong ván bài này chính là Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí Thư. Khi ông Trọng thất bại trong vụ Trịnh Xuân Thanh, có nghĩa là ông Trọng đã cháy trong ván bài đánh phe Nguyễn Tấn Dũng dưới chiêu bài “trong sạch đảng”.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ lấy cớ tuổi quá cao, hết năng lực để từ nhiệm sớm. Bộ chính trị sẽ phải chọn người kế vị và nhiều phần sẽ chọn Đinh Thế Huynh đang là thường trực Ban Bí Thư và cũng là ngưởi gần với ông Trọng trong phe đảng.
Không ngờ dùng Trịnh Xuân Thanh làm con dê tế thần cho sự nghiệp chống tham nhũng của mình, rốt cuộc Nguyễn Phú Trọng lại bị chính con dê Trịnh Xuân Thanh phản đòn một cách ngoạn mục, làm tiêu tan sự nghiệp Tổng Bí Thư quá sớm hơn dự kiến.
Trung Điền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét