Formosa Hà Tĩnh: hoàn thuế và trách nhiệm
bauxitevnMon 10:37 PM
BBC Tiếng Việt
Lãnh đạo công ty thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh xin lỗi vì gây thảm họa ô nhiễm môi trường hôm 30/6/2016 ở Hà Nội. Image copyright Getty
Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh được Chính phủ Việt Nam hoàn thuế ở mức trên 14.600 tỷ đồng Việt Nam, theo truyền thông nhà nước.
Tuy nhiên liệu số liệu hoàn thuế này có ‘chuẩn xác’ và thời điểm được nhận có phù hợp hay không so với trách nhiệm mà doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan gây ra trong vụ thảm họa môi trường làm hải sản chết hàng loạt và bất thường ở Việt Nam còn là những dấu hỏi, theo một kinh tế gia từ Hà Nội.
Hôm 2/9, Tuổi trẻ Online của Việt Nam trong bài báo có tựa đề “Formosa được hoàn thuế 14.600 tỷ đồng” cho hay:
“Số tiền thuế và phí mà Formosa nộp ngân sách đến hết tháng 5-2015 khoảng 13.800 tỉ đồng nhưng số tiền doanh nghiệp này được hoàn thuế đã lên đến 14.600 tỉ đồng”.
Vẫn báo này cho biết thêm:
“Theo quy định của Luật thuế VAT (giá trị gia tăng), các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế VAT đầu vào trên 300 triệu đồng... sẽ được hoàn thuế.
“Tuy nhiên trong 8 năm đầu tư ở VN, Tổng cục Thuế cho hay Formosa Hà Tĩnh đã bị cơ quan thuế, hải quan phát hiện một loạt sai phạm như trốn thuế, khai sai, chậm nộp thuế”.
Trước đó, hôm thứ Năm, báo Dân trí dẫn nguồn từ Tổng cục Thuế của Việt Nam khẳng định:
“Việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho Formosa được thực hiện đúng quy định của Luật thuế Giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp mới thành lập, đang trong giai đoạn đầu tư”, đại diện cơ quan thuế khẳng định.
Vẫn báo này cho biết thêm:
“Thông tin được tiết lộ từ Tổng cục Thuế cho hay, từ năm 2009 đến nay, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã được giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng 14.617 tỷ đồng đối với máy móc, nguyên vật liệu nhập khẩu.
“Số tiền này bao gồm 10.601 tỷ đồng do Formosa nhập khẩu đã nộp ngân sách Nhà nước thuế giá trị gia tăng nhập khẩu hàng hoá, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu... Số còn lại là thuế giá trị gia tăng đầu vào trong nước của các nhà thầu”.
Chưa chính xác?
Người dân Việt Nam phản đối vụ Formosa Hà Tĩnh gây thảm họa môi trường ở duyên hải miền Trung Việt Nam. Image copyright Other
Về con số trên 14.600 tỷ đồng được hoàn thuế của Công ty thép Formosa Hà Tĩnh, hôm thứ Sáu, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, kinh tế gia từ Hà Nội, đưa ra bình luận:
“Con số trên có thể là chưa hoàn toàn chính xác và có thể đã được tổng hợp từ các khoản lớn nhỏ khác nhau. Tôi có tham khảo ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Thuế, cũng như một Thứ trưởng Bộ Tài chính, thì được biết là đúng là doanh nghiệp này được hoàn những khoản theo chế độ và chính sách của Việt Nam, tuy nhiên con số chính xác, cụ thể cuối cùng thì cần phải theo dõi thêm.
Tuy nhiên về mặt thời điểm mà doanh nghiệp này được tuyên bố nhận hoàn thuế, nhà kinh tế này bình luận:
“Thực ra thì đúng là doanh nghiệp này được thành lập từ trước, tuy nhiên nếu không có vụ gây thảm họa môi trường nghiêm trọng, thì chắc là không có ai quan tâm lắm.
“Còn trước câu hỏi là liệu doanh nghiệp này có bị soi hay không, tôi xin nói là theo quan điểm cá nhân của tôi thì soi như thế là chưa đủ. Formosa Hà Tĩnh đã làm mọi người ở Việt Nam rất phẫn nộ.
“Thái độ của họ không tự nhận lỗi từ ban đầu mà phải chờ có chứng cứ, điều tra mới buộc phải nhận lỗi cho thấy họ không có văn hóa doanh nghiệp một cách văn minh. Chẳng thế mà ở khắp nơi trên thế giới họ đều bị phản đối.
“Còn về câu hỏi liên quan tới việc chịu trách nhiệm của doanh nghiệp này tới nay đã đủ chưa, cũng như các biện pháp chế tài, tôi thấy là doanh nghiệp nào gây ra sai phạm tới đâu, mức độ nào, thì phải chịu trách nhiệm tới đó.
“Nếu là trách nhiệm dân sự, thì chịu trách nhiệm dân sự; nếu là hình sự, thì chịu trách nhiệm hình sự; doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường mức độ nghiêm trọng thế nào, thì phải xử lý theo đúng mức độ ấy.
“Phải làm nghiêm và điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khẳng định rõ ràng, công khai. Doanh nghiệp mà gây ra hủy hoại môi trường, phá hoại sinh thái nghiêm trọng... thì phải được xử nghiêm, đúng luật” Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nói với BBC.
‘Không phù hợp, lẫn lộn’
Bà Phạm Chi Lan cho rằng thời điểm Formosa Hà Tĩnh được đề nghị ‘bồi thường thiệt hại’ là không phù hợp và gây lẫn lộn. Image copyright baomoi.com
Trước đó, một nhà phân tích khác từ Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đưa ra bình luận về việc các cơ quan hữu quan của Việt Nam đưa ra các đề xuất ‘bồi thường thiệt hại’ cho Formosa và cho về mặt thời điểm là ‘không thích hợp’ và gây ‘lẫn lộn’.
Bà nói: “Tôi thấy thời điểm đưa ra [đề xuất của Tổng cục Thuế] vào lúc này là không hợp lý, không phù hợp” bà nói, bởi việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại “phải được tách ra khỏi việc Formosa đã có một loạt các vi phạm về thuế mà các cơ quan thuế đã nêu ra trước đó”.
“Nếu là thiệt hại phát sinh từ thời điểm do xô xát, bạo loạn liên quan tới vụ giàn khoan hồi năm 2014, thì việc đó lẽ ra phải giải quyết từ thời gian đó rồi, khi Chính phủ có quyết định về việc sẽ có bồi thường cho các công ty bị thiệt hại trong thời gian đó. Vậy tại sao lúc đó không thực hiện ngay mà lại để đến bây giờ?”
“Việc bồi thường có thể được thực hiện như chính phủ đã thực hiện đối với một số doanh nghiệp ở Bình Dương hoặc ở những nơi khác. Nhưng việc đó phải được tách riêng chứ không thể đem gắn chung vào việc miễn hoàn thuế”.
“Việc ghi chung như thế này sẽ gây nhiễu về các con số. Bản thân cơ quan thuế đã có lần đưa lên báo chí là qua kiểm tra giám sát đã phát hiện Formosa có những trường hợp khai không đúng, phải bị phạt về thuế. Thông tin đó xảy ra gần như đồng thời với lúc Formosa gây ra thảm họa môi trường”.
“Tại sao nay chưa thấy nói về việc trừng phạt đối với hành vi gian lận thuế mà đã nói tới việc bồi hoàn thuế cho Formosa? Điều này gây nhiễu thông tin và khiến người dân thấy khó hiểu về cách hành xử của các cơ quan nhà nước.
“Các khoản miễn, không truy thu khác, được đưa ra vào lúc này, phải được gắn với việc Formosa vẫn còn đang nợ trong khoản tiền 500 triệu đôla họ cam kết bồi thường sau sự cố môi trường”.
“Theo thông tin báo chí nêu ra, họ mới bồi thường 250 triệu đôla, tức là họ vẫn đang còn nợ 250 triệu đôla nữa. Khi họ còn nợ tiền đền bù mà phía Việt Nam lại đem đền bù ngay cho họ hoặc miễn trừ thuế ngay cho họ là điều theo tôi là không hợp lý,” bà Phạm Chi Lan nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét