Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Trái đất một vòng tròn (2)

    Trái đất một vòng tròn (2)

  • Bởi Admin
         
    5xu
    Bạn Đông của “sĩ gái luận” trong phần trước của bài viết đã nhận ra chính mình, rồi ra tôi qua bài viết trên blog. Chúng tôi gặp lại nhau ở Sài Gòn tuần trước, lần gặp đầu tiên kể từ đầu năm lớp 6.
    Lần cuối tôi nghe tin về Đông là lúc tôi học cuối cấp 3. Năm đó là năm Trung Quốc xảy ra sự kiện Thiên An Môn.
    Năm đó tôi đang học Chuyên lý của Đại học Tổng hợp. Thầy Chỉnh dạy văn, không hiểu sao lại kể chuyện Thiên An Môn trên lớp. Kể cả chuyện xe tăng cán lên sinh viên rồi xe vòi rồng đi sau rửa máu.
    Gặp lại nhau ở quán bia bờ kè, Đông bảo hồi đó mình có biết gì đâu, chẳng qua là rất chăm đọc báo Nhân Dân và báo Hà Sơn Bình.
    Tỉnh Hà Sơn Bình, là ba tỉnh ghép lại: Hà Đông, Sơn Tây và Hòa Bình. Tỉnh này có Xuân Mai, một thành phố được xây lên để làm thủ đô mới, sau bỏ phế. Hà Sơn Bình sau tách ra thành Hà Tây và Hòa Bình. Rồi Hà Tây sau này nhập vào thành Hà Nội mới.
    ***
    Cái gọi là “Đổi mới” bắt đầu từ năm 1986 nhưng gần 10 năm sau Việt Nam mới hội nhập trở lại với khu vực (năm 1995 ra nhập Asean). Cũng thời gian này tổng thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận Việt Nam (1994) và bình thường hóa quan hệ Mỹ Việt (1995).
    Tôi còn nhớ khi học Macroeconomics, giáo trình của Mankiw, đến bài “Small and Open Economy – Nền kinh tế mở nhỏ”, có anh đứng lên hỏi tại sao lại chỉ “Mở nhỏ”. Trợ giảng hôm đó là anh Vũ Tú rất bối rối, phải hỏi lại: “Có phải ý anh là mở he hé không?”.
    Đó là năm 2000. Năm mà cả thế giới chuyển từ thiên niên kỷ này qua thiên niên kỷ khác. Bọn tôi tụ tập đón thời khắc vĩ đại mà nhợt nhạt ấy ở một căn phòng tôi thuê trên đường Pasteur, gần sáng còn ăn mì gói vì đói.
    Hơi buồn cười nhưng công nhận “mở he hé” lại rất đúng với Việt Nam ở cái giai đoạn chuyển giao thiên niên kỷ ấy. Gọi là hội nhập nhưng thò vào rất ít. Vừa đéo vừa run, các cụ bảo thế. Sướng nửa vời mà sợ cả vời. Khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 làm Châu Á lao đao, Thailand tí chết, Malaysia ngáp lên ngáp xuống. Nhưng Việt Nam không sao, thật là tự hào, lãnh đạo nước ta quả là sáng suốt.
    Câu chuyện phá giá đồng baht của Thailand, câu chuyện Hội đồng tiền tệ Hongkong chiến đấu bảo vệ nội tệ, câu chuyện rất độc đáo của thủ tướng Mahathir một mình một kiểu kiểm soát tài khoản vốn trong ngắn hạn để ngăn các nhà đầu cơ như Soros tấn công đồng thời bắt bỏ tù bộ trưởng Anwar người cổ súy đường lối thị trường tự do, tự do hóa ngoại thương và đang thực thi chính sách khắc khổ của IMF bao gồm cả giảm lương công chức: tất đều được đưa vào bài giảng của môn Development Finance. Hoàn toàn học chay, vì Việt Nam lúc đó chưa có thị trường tài chính (ngay cả bây giờ cũng chưa có thị trường phái sinh).
    Cuối môn Development Finance, có anh đứng lên hỏi thầy giáo là Giáo sư David Dapice, rằng nước ta (tức là nước Nam, chứ không phải nước Mỹ của thầy) đã hội nhập tài chính sâu thế nào rồi. Thầy Dapice bảo còn vẫn còn tài khoản vốn nữa. Nghĩa là các anh còn để ngoài nguyên cái cán.
    Đàn ông với lại đàn bà, ai cũng thích hội nhập sâu lút cán. Lãnh đạo Việt Nam lúc đó thì không. Rất có thể họ chính là những lãnh đạo đầu tiên thuộc loại lãnh đạo thái giám mà đỉnh cao là tay gì già già đi thong thả nói ề à ngay cả khi quốc gia lâm nguy nhất. Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách, còn thái giám thì không.
    Chúng tôi còn được đi nghe Joseph Stigliz, lúc này chưa giật giải Nobel kinh tế, nói về thành tích cứu các nước Châu Á khỏi khủng hoảng. Tôi vẫn còn nhớ thái độ diễu cợt và giọng nói khào khào của Stigliz khi ông này chê đường lối của IMF. 
    Hàn Quốc, Malaysia,… đã vượt qua khủng hoảng tài chính 1997 bằng các cải cách sâu rộng và đau đớn thế nào, rồi họ đã vươn lên đẳng cấp thế giới ra sao. Những thứ ấy ngày nay ai cũng thấy rõ.
    Còn Việt Nam miễn nhiễm thế nào, chế độ an toàn ra sao, nhân dân cần lao thế nào, nay ai cũng rõ.
    Thậm chí từ năm 1961, Ngô Đình Nhu cũng đã nhìn thấy rõ cái tương lai này. Mọi mong muốn của Ngô Đình Nhu có thể gói gọn trong một câu: muốn nước Việt tự cường, không sợ Tàu, không sợ nghèo, chỉ có con đường hội nhập.
    ***
    Ngay cả bây giờ, Việt Nam cũng chỉ là nền kinh tế nhỏ, nội lực yếu ớt, pháp lý lăng nhăng, chính quyền tham nhũng. Sau hội nhập, tăng trưởng của Việt Nam phần nhiều là nhờ ơn thế giới. Kinh tế thế giới ăn nên làm ra, Việt nam cũng khấm khá. Kinh tế thế giới hắt hơi sổ mũi, kinh tế nước nhà lao đao.
    Mười năm đầu hội nhập là giai đoạn của hai thủ tướng Kiệt và Khải. Quy mô nền kinh tế rất bé, hội nhập nông, chính trị ngáo ngơ, ngoại giao ngơ ngáo. Thị trường chứng khoán chưa có. Hệ thống ngân hàng thô sơ. Thống đốc ngân hàng chỉ là ông bộ trường bé tí, xếp thứ mười mấy từ trên xuống trong nội các do thủ tướng đứng đầu, không oai hùng một cõi như chủ tịch Fed bên Mỹ.
    Đến thời thống đốc Lê Đức Thúy, vị trí này mới bắt đầu có giá trị. Chắc nhiều người còn nhớ lần đầu tiên thống đốc Thúy xuất hiện ở ngân hàng ACB để trấn an khách hàng, không để rút tiền ào ạt. Đó là cũng là thời của thủ tướng Dũng. Rất thú vị, ông thủ tướng này khi còn là phó thủ tướng, lại là thống đốc ngân hàng.
    Thủ tướng Dũng làm thủ tướng đúng vào lúc đà đi lên của kinh tế Mỹ, Nhật và thế giới, mà đỉnh cao là triều đại Bill Clinton vàng son, có dấu hiệu chững lại. Sau khủng hoảng tài chính 2008-2009 là cơn khủng hoảng tệ nhất kể từ Đại suy thoái 1930, kinh tế thế giới đi xuống, dấu chấm hết cho chủ nghĩa toàn cầu và chủ nghĩa Tân tự do lờ mờ xuất hiện khi chính phủ Mỹ phải bailout các đại công ty, một chiêu thức mà để làm được Mahathir đã phải tống bộ trưởng tài chính kiêm phó thủ tướng Anwar ra đằng sau song sắt.
    Trong lúc đó, do bỏ lỡ cơ hội từ đổi mới đến hội nhập, Việt Nam vẫn tiếp tục là nền kinh tế nhỏ và yếu. Không chỉ mất đà phát triển do suy thoái kinh tế thế giới, mà còn bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang, mua một đống tàu ngầm, máy bay tên lửa, chỉ cốt phòng ngừa anh bạn phương bắc nơi chôn rau cắt rốn của Đảng ta.
    ***
    Khi tôi nghe Stigliz nói chuyện, vào quãng 1999-2000, thì các nền kinh tế Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia đang là các câu chuyện thần kỳ của châu Á. Các con rồng con cọp Châu Á.
    Kể từ năm 1982, khi nhà kinh tế đoạt giải Nobel tên là Milton Friedman, ca khúc khải hoàn cho chủ nghĩa Tân tự do, bằng cách gọi Chile là một “economic miracle” thì đến những năm cuối 199x đầu 200x người ta mới lại thấy những sự thần kỳ kinh tế mới.
    Chính sách kinh tế tân tự do (neoliberal agenda) có thể gói gọn trong vài dòng đơn giản, rất liên quan đến hội nhập và cải cách sâu sắc về thể chế. Thứ nhất là tăng cường cạnh tranh, bằng cách bãi bỏ tối đa các điều luật, đồng thời mở cửa thị trường nội địa (đặc biệt là mở cửa thị trường tài chính) cho các công ty nước ngoài. Thứ hai là thu hẹp vai trò của nhà nước (chính phủ nhỏ) thông qua tư nhân hóa, cộng với thu nhỏ khả năng chi tiêu chính phủ, không cho thâm hụt ngân sách và gia tăng nợ công.
    Việc dũng cảm hội nhập, ăn chưởng khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, dũng cảm cải cách mạnh mẽ và đau đớn để vượt qua khủng hoảng, đã mang đến cho, ví dụ Hàn Quốc, những phần thưởng lớn lao, mà tất nhiên Việt Nam luôn là kẻ đi nhầm chuyến tàu không bao giờ có được.
    Vốn đầu tư nước ngoài, cùng với nó là công nghệ và bí quyết (know-how) đã chảy vào những chỗ như Hàn Quốc. Tư hữu hóa đã làm bớt gánh nặng ngân sách chính phủ, và làm tăng tính giám sát.Tự do hóa tài khoản vốn, khắc khổ về ngân sách (đặc biệt là Malaysia với phó thủ tướng Ibrahim Anwar trước khi bị bắt). Tất cả đã làm các nước này “hóa rồng” trong kỷ nguyên mà ngoại thương toàn cầu, và dần dần là chủ nghĩa toàn cầu hóa, lên ngôi.
    Hàn Quốc bây giờ thế nào, đến các bạn teen còn biết.
    ***
    Thế mà mới đây, Joseph Stigliz tuyên bố “Chủ nghĩa Tân tự do đã chết, cả ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển”.
    Chủ nghĩa Tân tự do, chính là ý thức hệ nấp dưới các hình thái chính sách kinh tế, trỗi dậy từ những năm cuối 197x đầu 198x. Hai nhà vô địch của Tân tự do là thủ tướng Anh Thatcher và tổng thống Mỹ Reagan đã đưa chủ nghĩa Tân tự do đi khắp toàn cầu. Với các chính sách kinh tế Trọng cung, giàu màu sắc ý thức hệ Tân tự do, hai nhà vô địch này đã đánh gục Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, đồng thời đặt nền móng cho Toàn cầu hóa.
    Thế nhưng với Brexit, với sự trỗi dậy của Donald Trump, với chính sách quay lưng với TPP của cả Hillary Clinton, Bernie Sanders và Donald Trump, có vẻ như chủ nghĩa toàn cầu hóa, sản phẩm hiện hình chủ nghĩa Tân tự do, cũng bỗng nhiên đứt bóng.
    Một điều thật lạ lùng, cả Trump và Clinton, mới đây đều đưa ra các gói giải pháp kinh tế giống nhau: mở rộng việc đi vay nợ để có quỹ chi cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nước Mỹ. Một chính sách hoàn toàn trái ngược với Tân tự do. Chưa hết, chính phủ của tân thủ tướng Anh Theresa May có vẻ như cũng sẽ áp dụng chính sách nới lỏng ngân sách, một cách làm rất khác với Bà Đầm Thép ngày xưa.
    Và ngạc nhiên chưa: nới lỏng ngân sách, đi vay nợ để xây dựng cơ sở hạ tầng, là cái cách mà Việt Nam làm suốt những năm vừa qua. Nó góp phần lớn vào chuyện làm tăng nợ công. Tuy rằng ở mặt tích cực, doanh nghiệp và người dân có đường cao tốc để mà đi, đã thế lại còn lách ra được một ít mua tàu ngầm tên lửa, là những thứ không ai cho anh vay để mua (và nhân tiện làm thêm rất nhiều tí). Điều đáng tiếc cuối cùng, và cũng là tiếc nhất, nếu hồi đó Đường tàu cao tốc bắc nam được thông qua, thì giờ hẳn đã xây xong, nhân dân sáng ăn phở Bờ Hồ, chiều ăn lẩu bờ kè Nhiêu Lộc, mà không cần phải bay qua bầu trời mùa giông bão.
    ***
    Trong phát biểu về cái chết của chủ nghĩa Tân tự do, Stigliz đã không bao gồm Việt Nam. Chủ nghĩa Tân tự do chưa bao giờ đến đất nước này. Mặc dù thánh tông đồ của nó là Milton Friedman đã cổ súy nó hết mực ở một nước độc tài là Chile, rồi ở một lãnh thổ Châu Á là Hongkong, là hai nơi rất gần gũi với Việt Nam về mặt này hay mặt khác.
    Cũng như Thánh Francisco Xavier chưa bao giờ đặt chân lên mảnh đất hình chữ S này, ngoài một lần ghé vào lấy nước ngọt trên đường đi truyền đạo.
    Mọi ông Thánh và ý tưởng của họ, dường như chỉ nhắm đến Đông Á, như Nhật Bản và Trung Hoa, còn Việt Nam chỉ là chặng dừng chân bất đắc dĩ.
    Khi chủ nghĩa Tân tự do khởi sắc ở Mỹ và Anh, thì người Mỹ đã rút khỏi Miền Nam Việt Nam từ vài năm trước.
    ***
    Chủ nghĩa Tân tự do (Neoliberalism) là cái tên được cho là do Ludwig von Mises và Friedrich Hayek nghĩ ra để định nghĩa một ideology mới toe khi hai ông này gặp nhau ở Paris năm 1938. Đó là thời điểm trước Thế chiến thứ II, hai ông này chống phát xít, chống cộng sản (hai phong trào lớn mạnh hồi đó, và chưa đụng độ trong chiến tranh) và chống cả các chính sách xã hội thiên tả ở Anh và Mỹ cùng thời. (Đây là giai đoạn tác phẩm của Orwell là Animal Farm còn bị từ chối in ngay cả ở Anh).
    Hai ông tổ này viết hai cuốn sách và được rất nhiều trí thức và đại gia phương tây quan tâm. Đó là The Road to Serfdom của Hayek và Bureaucracy của Mises. Cuốn của Hayek cách đây mấy năm được Tri Thức xuất bản với tên Đường về Nô lệ.
    Chủ nghĩa tân tự do quốc tế, tự nhiên thành một ý tưởng mới lạ, chống lại không chỉ chủ nghĩa cộng sản quốc tế, mà giúp các thể chế (kể cả độc tài như Chile) tạo sinh ra “tự do” bằng cách bảo vệ “lựa chọn dân chủ”. Lựa chọn dân chủ được thực thi thông qua thị trường và giá. Lý luận cốt lõi và quan trọng nhất của chủ nghĩa tân tự do, đó là thị trường nếu để mặc nó, nó sẽ hoạt động tốt, và các thị trường không bị điều phối (unregulated) sẽ là con đường tốt nhất tạo ra tăng trưởng. Tất nhiên nhiều người khác, như những người ở phe Keynes, không đồng ý như vậy. Họ tin rằng thị trường không phải lúc nào cũng hoạt động tốt, và rõ ràng là có nhiều méo mó, khiếm khuyết, và không hoàn hảo. Nhưng các đại gia ủng hộ Hayek. Vì họ có lợi. Họ thành lập các viện nghiên cứu, nay gọi là think tank, để cổ súy cho chủ nghĩa mới mẻ này. Nhưng suýt nữa thì cái ý thức hệ tên rất kêu này chỉ có thếlà hết.
    Rất may là trời sinh Hayek, lại sinh thêm cả Milton Friedman; mà trời còn có thiên thời: sau chiến tranh Việt Nam và chiến tranh lạnh bắt đầu vào cao trào, thì các chính sách kinh tế kiểu Keynes bắt đầu gây khủng hoảng ở phương tây; thế là chủ nghĩa Tân tự do giáng trần với hình hài của các chính sách kinh tế (và tiền tệ). Bắt đầu từ thời Carter ở Mỹ và Callaghan ở Anh.
    Và sau đó là hai kiện tướng: Tổng thống Reagan, với chính sách kinh tế trọng cung và Thủ tướng Thatcher; rồi các nền tảng đầu tiên của toàn cầu hóa được xây bằng gạch đá của Tân tự do: IMF, World Bank và WTO. Rồi tổng thống Bill Clinton như được Chúa sắp đặt để trở thành nhà vô địch không có đối thủ của chủ nghĩa Tân tự do, xây nên thời vàng son có lẽ sẽ còn được nhớ mãi của kinh tế Mỹ thời kỳ toàn cầu hóa lên ngôi.
    ***
    Nếu nước ta có một cái vận, thì cái vận ấy có vẻ như xấu nhiều hơn tốt. Nếu không tin vào vận, ta đành nhìn vào các đặc tính tốt và xấu của thể chế kinh tế chính trị.
    Những cái hay cái đẹp của chủ nghĩa tân tự do, mà Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan có được nhờ hội nhập và toàn cầu hóa thì Việt Nam ta hoàn toàn không có.
    Những cái tồi tệ nhất của chủ nghĩa tân tự do, lại đầy rẫy ở Việt Nam.
    Thị trường cạnh tranh thô sơ và thô bạo kiểu luật rừng, sinh tồn tự nhiên, tạo ra kẻ thắng người thua, dần dần tạo ra các hố ngăn cách giàu nghèo, bất bình đẳng. Những kẻ thua cuộc, sẽ nghèo hơn, dần dần bỏ lại phía sau, và mất hẳn cơ hội, và cả tinh thần để thay đổi số phận. Tương tự ngược lại, kẻ thắng cuộc sẽ giàu hơn. Giàu hơn, nhờ những thứ mà tiếng Anh gọi là unearned income, hay còn gọi là “rent”, giống như “thu tô” trong tiếng Việt.
    Thứ tự do mà Von Mises, Hayek cổ súy, ở Việt Nam tiếc thay lại là thứ tự do của những tập đoàn có thế lực, thậm chí ở tầm vóc toàn cầu: tự do làm ô nhiễm môi trường, tự do đối xử tàn tệ với người lao động, tự do cho vay nặng lãi, tự do trốn thuế chuyển thuế, tự do móc túi và làm hại người tiêu dùng. Và hơn cả, là tự do khai thác tài nguyên, đất vàng đô thị, rừng nguyên sinh, để làm giàu cho một số rất ít những kẻ chỉ nhờ “thu tô” mà trở thành đại đại gia, còn nhân dân tha hồ đổ vỏ.
    Đây chính là cái được gọi là “kinh tế thị trường”, là “dân chủ”, mà chúng ta đang có.
    ***
    Chiến tranh vùng Vịnh (thời tổng thống Bush Cha) xảy ra khi chúng tôi đang học năm thứ nhất ở Khoa Vật Lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lúc đó lớp tôi đang học môn Cơ cổ điển, thầy Nguyễn Xí còn nói về sân bay, máy bay, số bom đạn mà bằng tính toán ước lượng có thể biết liên quân sẽ đánh sang Iraq.
    Thầy còn nói đùa, đại ý, các nền văn minh có tính tuần hoàn, Việt Nam chẳng cần tiến lên đâu, cứ đứng yên rồi văn minh sẽ lù lù hiện ra sau đít.
    Mấy năm gần đây người ta nói nhiều về việc mang vào Việt Nam mô hình đại học Liberal Arts kiểu Mỹ.
    Liberal Arts, diễn giải ra, chính là một trường đại học “khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn”. Tức là giống y như Đại học tổng hợp Hà Nội của chúng tôi ngày trước.
    Trường Tổng hợp ấy, ngày nay không còn nữa!
    Từ khóa: 5xukinh tếđổi mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét