Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Tuấn Khanh: Thực phẩm độc giết từng người và hủy hoại cả dân tộc

Tuấn Khanh: Thực phẩm độc giết từng người và hủy hoại cả dân tộc 

Quốc gia tự tàn phá mình bởi niềm tin mong manh. Và mong manh hơn khi các quan chức có liên quan, vẫn nói về cuộc chiến đó, như họ là những người ngoài cuộc.

ca-chet-1-1461654339
Trong khi tin tức về những người bị ngộ độc do ăn cá phải nhập viện liên tục xuất hiện, thì nhiều người dân ở khu vực Đá Nhảy, xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình vớt cá chết bán cho thương lái – Ảnh: Tuổi Trẻ.
Một trong những điều mà các nhà nghiên cứu xã hội tìm thấy từ các quy trình làm giả thực phẩm của người Trung Quốc, là sự công phu và tài tình đến sửng sốt.
Khi được hỏi rằng vì sao họ không dùng nguồn lực đó để xây dựng cho mình một thương hiệu tử tế về chăn nuôi và chế biến thịt cừu mà làm giả thịt chuột thành cừu, các doanh nghiệp Trung Quốc đã trả lời rằng họ muốn kiếm tiền nhanh. 
Đối phó với nạn tham nhũng của các cấp chính quyền, cảm nhận sự bất ổn về chính trị cũng như không có niềm tin về một cuộc sống nơi đất nước mà họ đang tồn tại, khiến cho chủ trương kiếm tiền thật nhanh, kiếm nhiều – và cũng không cần phải ý thức trách nhiệm hay đạo đức với ai, khiến sự thông minh của người Trung Quốc lạc lối.
Để nói về quan niệm và đạo đức xã hội của người Trung Quốc lúc này thật không dễ. Sự suy đồi tinh thần với những ví dụ đáng sợ về con người và cộng đồng ở Trung Quốc, được ghi nhận là một tiến trình phức tạp, có từ thời Cách mạng Văn hoá của Mao Trạch Đông.
Sự hỗn loạn đó đã thôi thúc con người chọn một con đường sống duy nhất làm mọi thứ cho riêng mình, vượt lên, và đừng quan tâm gì đến chính trị.
Trong cuốn sách viết về biến đổi tinh thần và tư duy của người Trung Quốc có tên Moral Politics in a South Chinese village của tác giả Hok Bun Ku, các ghi chép cho thấy hầu như sau khi thoát chết và đói khổ từ cuộc Cách mạng Văn hoá, người người, nhà nhà ở Trung Quốc chỉ theo đuổi hai chuyện: kiếm tiền (zhuanqian) và làm giàu (zhifu).
Họ bị bóng ma quá khứ ám ảnh nhưng lại không đủ niềm tin vào tương lai nên vội vã và bất chấp.
Năm 2009, khi bị chính quyền Trung Quốc kết án xử tử vì tội sản xuất sữa có chất melamine, làm cho sáu em nhỏ thiệt mạng và 300.000 em khác bệnh nặng, ông Geng Jinping được báo chí Trung Quốc hỏi rằng làm chuyện ác như vậy, ông có sợ đối diện với trời Phật không.
“Không còn Phật trên đất nước này”, ông Geng đã trả lời như vậy. Buôn bán loại sữa độc này, nhưng ông Geng luôn dặn dò chỉ sử dụng sữa ngoại quốc cho gia đình, người thân của mình.
Bài viết mới đây trên tờ Khám Phá, có tên Ăn nhầm luống rau để bán cũng là một cái nhìn đủ để báo động về thực trạng của xã hội Việt Nam hôm nay, không khác nhiều Trung Quốc.
Câu chuyện kể về một gia đình trồng rau, chỉ ăn một luống đã đánh dấu riêng, thế nhưng đứa con vô tình hái nhầm nên cả nhà đau bụng lăn lộn, suýt phải vào bệnh viện.
Ở trong một xã hội bị đồng tiền dẫn lối, đến mức nhìn quanh không còn đủ sức nhận ra ai là nạn nhân, ai là kẻ thủ ác thì sự vô cảm, ích kỷ sẽ tăng theo mỗi buổi bình minh.
Đời sống trở thành những dự án ngắn hạn như cuộc trốn chạy đến vô cùng nên khi thấy chung quanh mình có ai đó gục ngã, tình đồng loại không thắng nổi khoái cảm cầu an, rằng kẻ ngã xuống đó may sao vẫn chưa phải là mình.
Những bài học bí mật về làm giàu nhanh, sống vội, thậm chí là bất chấp việc có thể tổn hại đến sinh mạng người khác, nhiều năm nay từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam, và hấp dẫn nhanh rất nhiều người.
Một phần do những cá nhân người Việt hám lợi, nhưng một phần khác cũng do người Trung Quốc rỉ tai, chỉ vẽ, nhằm biến người Việt thành công cụ trong việc kiếm tiền nhanh của họ.
Thậm chí, có thể đó là một sách lược lâu dài nhằm tàn phá năng lực sinh tồn của quốc gia được nhắm đến.
Bên cạnh việc trách cứ rất nhiều người Việt đã “thay tâm đổi tính” với dân tộc mình, cũng đừng quên nhìn vào hàng đoàn xe hàng hoá Trung Quốc với quy chế tối huệ quốc không thành văn, vẫn im lặng tràn vào các cửa ngõ Việt Nam mà nguồn gốc hay chất lượng thì không thể lường.
Những đoàn người Trung Quốc đang mỗi lúc nhiều hơn ở các ngả đường huyết mạch, xây dựng và rỉ tai nông dân những phương thức có lợi nhanh, thu mua gom kỳ quái nhưng tự do tung hoành như chỗ không người.
Năm 2010, khi nạn lấy chồng Hàn Quốc bùng lên trong xã hội Campuchia, chỉ trong ba tháng, chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm vô thời hạn việc người Hàn Quốc đến Campuchia tìm vợ kết hôn.
Đó là một ví dụ của sự dứt khoát.
Nếu những người có trách nhiệm thật sự quan tâm, thật sự lo sợ, việc đối phó với nạn thực phẩm bẩn từ Trung Quốc cũng như cách họ lũng đoạn thị trường nông thôn Việt Nam, ắt lâu nay chúng ta đã có những kết quả khác rồi.
Tiếc thay, 20 năm nay vẫn là những nụ cười, chối quanh, im lặng và đổ lỗi cho nhân dân.
Rất nhiều các quan chức cấp cao đang được thụ hưởng các sản phẩm organic được nuôi và gieo trồng an toàn từ các trang trại đặc biệt của Nhà nước, nên ít khi cảm nhận được nỗi lo thật sự ngoài đời của nhân dân.
Bên cạnh đó, họ chỉ được đọc qua các báo cáo tô hồng và vội vã từ cấp dưới, luôn cho thấy miếng ăn bẩn chỉ bởi “người Việt xấu và tham” mà thôi.
Nhìn vào những câu chuyện thực phẩm độc bị phát hiện, là lúc từng người Việt phải tự vấn vì sao hàng hàng lớp lớp thịt heo, gà chết bệnh có thể tàng hình, dễ dàng đi qua các cửa khẩu Việt – Trung.
Báo chí cất tiếng tố cáo nông sản nhiễm hoá chất, thịt thối thì chỉ nghe loanh quanh vài lời góp chuyện rồi chìm hẳn vào trong một màn đêm tội ác.
Không khác gì chuyện ngư dân Việt trên biển bị tàu Trung Quốc tấn công, ở trên bộ thì những cuộc công phá ấy cũng diễn ra mỗi ngày nhưng luôn bị né tránh việc cần phải đối đầu.
Nhưng hôm nay thì không chỉ thực phẩm độc tràn qua biên giới, mà cả tài nguyên của Việt Nam đang bị đầu độc bởi những chất thải bí mật từ các nhà máy của Trung Quốc, ở Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Trớ trêu thay, với sự bàng quan của chính quyền.
Phải có một chính sách quyết liệt thì dân tộc Việt Nam mới thoát khỏi cuộc đầu độc vĩ đại, cũng như cách đầu độc từ những kẻ hám lợi, trước sự lỏng lẻo an ninh lương thực, và an ninh của cả quốc gia.
Không có cuộc chiến nào kinh hoàng hơn cuộc chiến với thực phẩm độc mà nhân dân đang vật vã từng ngày.
Mỗi bữa ăn ai nấy đều đắn đo, mỗi buổi chợ đều phải chất vấn về loại, nguồn thực phẩm trước khi mua về cho chồng, cho con, cho mẹ cha mình qua bữa.
Quốc gia tự tàn phá mình bởi niềm tin mong manh. Và mong manh hơn khi các quan chức có liên quan, vẫn nói về cuộc chiến đó, như họ là những người ngoài cuộc.
Tuấn Khanh
Thế Giới Tiếp Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét