Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Đảng CDU ở Moritzburg (nước Đức) yêu cầu dẹp bỏ dự án khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở nơi đây

Đảng CDU ở Moritzburg (nước Đức) yêu cầu dẹp bỏ dự án khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở nơi đây

bauxitevnFri 3:36 AM


Đặng Hà
Suốt cả 2 tuần qua Cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở nước Đức đã xôn xao và “nóng sốt” lên khi Thông tấn xã Việt Nam đưa tin “Khu tưởng niệm Bác Hồ sẽ được xây dựng ở Moritzburg” (Moritzburg là một làng nhỏ ở miền Đông nước Đức).
Trên trang web chính thức của Đại sứ quán Việt Nam ở Đức, ông đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết, đây là một dự án do Đại sứ quán đề xuất: “Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đề nghị Chính quyền địa phương hỗ trợ triển khai dự án tôn tạo khu tưởng niệm do Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Đức đề xuất để nơi đây trở thành một di tích văn hóa – lịch sử chung của hai nước Việt Nam và Đức”.
Thật ra khu tưởng niệm này đã được dựng lên từ thời cộng sản Đông Đức, đó là một khoảnh đất nhỏ trong một khu vườn và vỏn vẹn chỉ dăm ba cột trụ vuông bằng đá hoa cương.
clip_image002
Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg vừa mới được trùng tu lại
Trên một cột trụ đá hoa cương có gắn tấm biển đồng khắc hàng chữ: “Tại đây tháng 7/1957, những thiếu nhi Việt Nam sinh sống, học tập tại trường Käthe-Kollwitz-Heim đã được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất thì khu tưởng niệm này bị bỏ hoang phế. Cách đây 2 năm, từ tháng 9 năm 2014 đã có những nỗ lực vận động khôi phục lại khu tưởng niệm này.
Điểm cần nhấn mạnh, trong khu tưởng niệm này nói riêng và kể cả khắp nơi trên nước CHDC Đức khi xưa cũng không có một pho tượng Hồ Chí Minh nào cả. Ngay trong dự án khôi phục lại khu tưởng niệm Bác Hồ ở Moritzburg cũng không có chương trình xây tượng hoặc dựng tượng Hồ Chí Minh, mà chỉ có dự định “xây dựng một ngôi nhà sàn thu nhỏ của Bác Hồ ở khu tưởng niệm để trưng bày, lưu giữ những kỷ vật của Bác khi người tới thăm nơi đây”.
Thế nhưng, khi nghe đến dự án xây dựng khu tưởng niệm bác Hồ ở Moritzburg”, người Việt ở nước Đức, ở khắp nơi trên thế giới và kể cả ở trong nước, ai cũng tưởng rằng sẽ xây tượng hoặc dựng tượng Hồ Chí Minh ở Moritzburg, có lẽ ai cũng bị ám ảnh những tượng đài nghìn tỷ ở Việt Nam trong thời gian gần đây.
clip_image004
Tấm biển đồng kỷ niệm chuyến viếng thăm của Hồ Chí Minh ở Moritzburg hồi tháng 7/1957
Trong thời gian 2 tuần vừa qua trong cộng đồng người Việt tỵ nạn ở nước Đức đã có hàng loạt những hành động, những sáng kiến phản đối và ngăn chặn dự án xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg.
Nào là thu chữ ký cho Thư phản đối gửi đến ông Andreas Lämmel, Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức đã và đang vận động tích cực cho dự án này. Nào là Thư của Diễn đàn Việt Nam 21 gửi đến ông Thị trưởng Moritzburg. Nào là Thư của Liên hội người Việt tỵ nạn gửi đến ông nghị sĩ Lämmel. Nào là thư của Dr. Thanh Nguyen-Brem gửi đến bà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Usula von den Leyen, v.v.
Các hội đoàn và đoàn thể người Việt cũng vận động người Đức và các tổ chức Đức hỗ trợ việc phản đối và ngăn chặn dự án này. Điển hình là bà cựu Nghị sĩ Quốc hội Vera Lengsfeld đã có một bài viết đăng báo với tựa đề “Hồ Chí Minh ở Moritzburg: Trùng tu nơi tưởng niệm cho một kẻ giết người hàng loạt” (bản gốc tiếng Đức xem ở đây và bản dịch tiếng Việt xem ở đây)
Đặc biệt nhất 2 người ở trong nước là cựu học sinh Moritzburg đã viết thư phản đối dự án gửi đến chính quyền Moritzburg và nhất là gửi đến Đảng CDU ở Moritzburg nhờ họ hỗ trợ (bản dịch lá thư xem ở đây).
Sau một thời gian tưởng chừng như va vào “bức tường câm”, điển hình là Thư phản đối, mặc dù thu được gần 2 nghìn chữ ký, nhưng ông Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Lämmel không trả lời thư và cũng không trả lời email xin ông cho lịch hẹn nói chuyện. Ông Rößler, Chủ tịch quốc hội tiểu bang Sachen, cũng im lặng không trả lời thư. Đó là những nỗ lực nhắm vào cấp cao trên bình diện tiểu bang và liên bang.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực vận động nhắm trực tiếp vào địa phương, tình hình ở địa phương Moritzburg không còn có thể “im ắng” được nữa. Mới đây nhất, Đảng CDU (Liên minh Dân chủ Ki-tô giáo) ở Moritzburg đã ra một thông báo yêu cầu dẹp bỏ dự án xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg:
clip_image006
Được biết, hiện nay Đảng CDU ở Moritzburg là đảng chiếm nhiều ghế nhất (8 ghế) trong tổng số 19 ghế trong Hội đồng làng Moritzburg (Gemeinderat). Như vậy, dự án xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ gặp khó khăn cản trở rất lớn trong thời gian tới ngay tại địa phương Moritzburg và có nhiều hy vọng cuối cùng dự án này sẽ bị chính quyền địa phương dẹp bỏ (xem Thông báo bản gốc tiếng Đức nơi đây).
clip_image008
Sau đây là bản dịch Thông báo của Đảng CDU ở Moritzburg:

Tái lập một khu tưởng niệm?

Từ tháng 9/2015 thị trưởng Jörg Hänisch đã phấn khởi trước việc “khu tưởng niệm chuyến viếng thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Hồ Chí Minh” được lôi ra từ sự quên lãng. Ông kêu gọi củng cố “sự kiện lịch sử đáng chú ý và hấp dẫn” này của tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Trong số mới nhất của tờ thông tin địa phương, ông hứa sẽ ủng hộ dự án này.
Chúng ta nên cùng nhau bỏ công điểm lại sự thật của lịch sử! Năm 1955 nước XHCN Bắc Việt Nam gửi 350 thiếu nhi sang nước anh em Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức. Những con em của tầng lớp cán bộ có công trạng này được giảng dạy và theo học tiếng Đức 4 năm trong một ký túc xá mà ngày nay nằm trong khuôn viên của một cơ sở đạo Tin Lành ở Moritzburg.
Năm 1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Moritzburg và đúng theo thông lệ của xã hội chủ nghĩa, một khu tưởng niệm sùng bái cá nhân đã được dựng lên. Việc gửi con cái tầng lớp cán bộ sang đây, cũng như chuyến viếng thăm (của Hồ Chí Minh) không hề là tình hữu nghị giữa 2 dân tộc.
“Khu tưởng niệm” này có làm chúng ta nhớ đến tình hữu nghị giữa 2 dân tộc, hay là nhắc chúng ta nên nhớ đến những điều gì khác? Nhớ đến những đứa trẻ bị buộc phải rời xa gia đình, nhớ đến trại cải huấn thiếu niên thời Đông Đức? Hay là nhớ đến một nhà độc tài đã giam giữ 200.000 đối thủ chính trị trong các trại cải tạo? Có phải là chúng ta muốn tưởng nhớ đến một con người mà quân lính của ông ta (Việt cộng) đã tàn sát khoảng 3.000 thường dân chỉ trong vòng 3 tuần ở Hoàng thành Huế năm 1968? Hồ Chí Minh, “Bác Hồ kính yêu”, đã thực hiện cuộc Cải cách ruộng đất, khi đó những địa chủ không chỉ bị đuổi đi, mà còn bị tra tấn và giết chết. “Bác Hồ kính yêu” này cũng đã trấn áp văn hóa và nghệ thuật.
Có nên hay chăng, khi chính trên khu đất của một cơ sở đạo Tin lành lại để cho một kẻ độc tài được ca tụng và chế độ cộng hòa XHCN Việt Nam được nghĩ tới một cách thân thiện, nơi mà ngày nay những Thánh lễ (ở Việt Nam có khoảng 6,5 triệu tín đồ Cơ đốc giáo) cũng cần phải có giấy phép của nhà cầm quyền? Chúng ta ở Moritzburg có muốn rao bán việc “di tản trẻ em” theo sắc lệnh nhà nước như là tình hữu nghị giữa hai dân tộc hay không?
Chúng ta ở Moritzburg không được phép thực hiện tệ sùng bái cá nhân cho một kẻ độc tài cộng sản, chỉ vì ngày nay có một vài cán bộ cộng sản thành đạt ở Việt Nam thích hồi tưởng về thời gian của họ ở CHDC Đức. Vì vậy, đây là lời yêu cầu gửi đến ông Thị trưởng Jörg Hänisch: Ông chớ nên ủng hộ việc tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, tôn vinh một kẻ độc tài cộng sản và ông hãy thẳng thừng tuyên bố bác bỏ bất cứ dự án nào nhằm thành lập một khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg.
Chi bộ CDU Moritzburg
- Ban Chấp hành -
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét