Nếu là lãnh đạo
bauxitevnMon 8:27 AM
Hãy tưởng tượng bạn là lãnh đạo cấp cao ở một quốc gia như Việt Nam.
Vị trí của bạn không phải do dân bầu, nên bạn không cần lo dân sẽ phế truất bạn bầu người khác.
Không có đảng đối lập, nghĩa là không có cạnh tranh.
Bạn không cần xuất hiện trên truyền hình tranh luận trực tiếp, không cần đưa ra chính sách và bảo vệ đường hướng, không bị chất vấn hay cãi lại. Bạn không cần thuyết phục và không cần giải thích.
Bạn không cần công khai thu nhập và tài sản. Bạn không bị bới móc đời tư.
Bạn đầy quyền lực, và có thể tự do làm bất kỳ điều gì, dù làm thất thoát hàng tỷ, hay gây chết người. Bạn (gần như) có impunity*. Tòa án bạn không cần lo – không có tam quyền phân lập, bạn sẽ không bao giờ bị lôi ra xét xử. Truyền thông bạn không cần ngại – báo chí tất cả thuộc về nhà nước, và chỉ trích có thể làm một tờ báo bị đình bản. Dân chúng bạn càng không bận tâm – dân bàn tán, bạn có thể block tin nhắn, xây tường lửa và chặn facebook; dân đả kích, bạn cứ tống vào tù; dân biểu tình, bạn chỉ việc cho công an đánh và bắt giữ; và khi dân muốn bạn từ chức, bạn cứ cười bảo trách nhiệm còn đó và từ chối rời ghế, thậm chí không cần xin lỗi.
Bạn có tiền, có quyền, có tự do, có Ðảng, có quân đội, có công an và an ninh, có báo chí, có dư luận viên.
Chưa kể, trong dân chúng sẽ luôn có người bênh vực bạn, rằng lãnh đạo như phụ mẫu, rằng chuyện chính trị có người lo không cần dân lo, rằng người phê phán chưa chắc sẽ làm tốt hơn bạn, rằng bạn có thể mắc vài sai lầm nhưng mọi người vẫn phải tin tưởng bạn tuyệt đối.
Bạn sẽ thế nào?
Bạn có chắc bạn sẽ luôn nghiêm minh chính trực không? Bạn có chắc bạn sẽ quên bản thân và luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu không? Bạn có chắc bạn sẽ làm việc đến bạc đầu, và cẩn thận để không gây lỗ hoặc thất thoát không? Bạn có chắc bạn sẽ luôn nghĩ tới tương lai và các thế hệ sau không? Bạn có chắc sẽ không lợi dụng một chút của cái tự do bạn đang có và lấy tí lợi phần mình không? Bạn có chắc bạn có thể cưỡng lại sự cám dỗ của quyền lực không? Bạn có chắc bạn sẽ không ngăn chặn kẻ khác nói những điều bạn không ưa không?
Hơn nữa, guồng máy của Việt Nam hiện nay không cho phép một cá nhân có toàn quyền, và khi tất cả những người khác trong Bộ Chính trị đều tận hưởng tự do, quyền lực và impunitykhi không phải sợ tòa án, báo chí hay nhân dân, bạn có chấp nhận cưỡng lại hết và chịu thiệt phần mình không? Bạn có đủ mạnh và bản lĩnh để làm điều đúng và chống lại 18 người còn lại trong Bộ Chính trị không, khi họ không muốn bạn gây ảnh hưởng đến lợi lộc của họ? Nếu nói có thể, bạn nghĩ bạn có thể làm được bao lâu?
Phần tôi, tôi không chắc. Tôi không chắc về ai cả. Người từng khốn khổ bị bắt nạt hoặc chịu áp bức chắc gì sẽ không bắt nạt hoặc chèn ép lại người khác khi trong tay có quyền lực. Người có thể làm tốt việc trong hệ thống dân chủ phương Tây không đảm bảo sẽ cũng như thế trong một hệ thống chính trị khác. Trong một lớp về kinh tế và hệ thống chính trị tôi từng học, giáo sư của tôi cho rằng Erna Solberg khi đặt vào một chế độ độc tài toàn trị sẽ hành xử khác, như Leopold II ở Bỉ và ở Congo. Người ta không nhất thiết tận dụng quyền lực, lấy lợi cho riêng mình và làm hại cho xã hội, bạn có thể nói, nhưng câu hỏi của tôi là, bạn có chắc chắn 100% trong vị trí đó, với những lợi thế đó, bạn sẽ không làm không?
Nếu bạn không chắc phần bạn, làm sao bạn có thể đặt hoàn toàn niềm tin vào người khác? Và, điều gì khiến bạn tin tưởng tuyệt đối vào Ðảng và Nhà nước?
Tất nhiên, trừ thời nguyên thủy, một xã hội không thể tồn tại nếu không có chính phủ, không có pháp luật và tòa án, không có cảnh sát và nhà tù. Cuốn Principles of Comparative Politics của William Roberts Clark, Matt Golder và Sona Nadenichek Golder nhắc đến 2 cách nhìn với 1 nhà nước. Một là the contractarian view, tạm diễn đạt là quan điểm nhà nước khế ước xã hội. Theo Thomas Hobbes, trong trạng thái tự nhiên, vô chính phủ, với một sự ngang bằng nhất định, mỗi người sẽ nhận ra mình có thể có lợi khi tấn công người khác và chiếm cái mình muốn khi họ không thể đánh trả, chẳng hạn như ăn trộm khi họ ngủ. Một người có thể chọn trộm, hoặc không trộm. Lựa chọn có lợi nhất cho cả 2 sẽ là cả 2 đều không làm. Tuy nhiên, thử áp dụng lý thuyết trò chơi, quyết định của người A sẽ phụ thuộc vào cái A nghĩ B chọn – nếu B trộm, A tất nhiên nên trộm; ngay cả khi B không làm, A vẫn nên làm, vì có lợi; ngược lại, B nên đi trộm dù A làm hay không làm. Vậy cả 2 đều nên trộm.
Ở đây tất nhiên mọi thứ đã được đơn giản hóa – làm gì có nơi nào có trộm cắp quanh năm suốt tháng? Cái quan trọng là, khi không có ai để sợ và không có gì ràng buộc, những chuyện như vậy có thể xảy ra và sẽ xảy ra khi có điều kiện, và mọi người đều phải luôn sống trong sợ hãi. Bởi vậy, để đổi lấy trật tự và an toàn, người ta lập ra chính phủ và, qua khế ước xã hội, sẵn sàng từ bỏ những quyền tự nhiên của mình.
Ngược lại là the predatory view, tạm gọi là quan điểm nhà nước quyền lực. Nếu cách nhìn thứ nhất tập trung vào mâu thuẫn giữa cá nhân, cách nhìn thứ hai tập trung vào mâu thuẫn (có thể xảy ra) giữa nhà nước và người dân. Nếu chúng ta không nghĩ mỗi cá nhân đáng tin cậy và có tinh thần cộng đồng (nếu có, đã không cần chính phủ ngay từ đầu), làm sao chúng ta có thể nghĩ những người đại diện của nhà nước có thể, đặc biệt khi họ nắm quyền trong tay?
Quay lại giả thuyết bạn là lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam, bạn có thể muốn đặt ra cả trăm loại thuế, hoặc tham nhũng, hoặc ký hợp đồng để chia chác với một nhà máy từng bị nhiều nước khác tống cổ vì gây ô nhiễm, v.v… Áp dụng lý thuyết trò chơi, nếu không làm, bạn sẽ không mất ghế, nhưng nếu làm, bạn cũng chả mất gì cả, vì tòa án, công an và báo chí đều nằm trong tay bạn và dân không (thể) làm gì, và bạn lại còn có lợi, vậy tại sao bạn không làm? Chỉ vì lương tâm. Cái khác của chế độ dân chủ với chế độ độc tài là nó giới hạn quyền lực của nhà nước, và trong xã hội có tam quyền phân lập, sự phát triển kinh tế và bền vững xã hội không phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân hay một nhóm người vì quyền lực bị hạn chế và có nhiều cơ quan kiểm soát chồng chéo và kìm hãm, còn trong hệ thống như ở Việt Nam, mọi thứ sẽ tùy thuộc vào khả năng và lương tâm của người lãnh đạo. Hên xui.
Hiện nay, khi cá chết khắp cả nước và nhiều người đứng dậy biểu tình, bạn có thể chọn không tham gia. Ðó là quyền của bạn. Chống biểu tình cũng là tự do của bạn.
Bạn có thể nói, Nhà nước vẫn chưa có kết luận cụ thể và, thay vì biểu tình, người dân nên tin tưởng tuyệt đối vào Ðảng và tiếp tục chờ đợi. Xin hỏi trong cuộc sống bạn có tin cậy ai đó tuyệt đối vô điều kiện không, trừ gia đình? Ðôi khi thậm chí người nhà còn không tin được.
Bạn có thể nói, không có bằng chứng Formosa làm cá chết. Bạn và tôi đều không biết tại sao cá chết. Nhưng bây giờ, khoan nói tới “thành tích” ô nhiễm môi trường lâu nay của Formosa, mọi người lên tiếng không còn để dẹp nhà máy thép nữa mà để đòi hỏi nhà nước minh bạch thông tin. Là công dân, bạn có quyền đặt câu hỏi, có quyền được biết, có quyền lo lắng về thực phẩm, môi trường và mạng sống của chính mình và gia đình mình.
Trong chuyện cá chết, cũng như mọi chuyện khác, bạn có thể lên tiếng và đòi hỏi quyền lợi của mình, vì đã đóng thuế nuôi nhà nước. Hoặc bạn có thể tin tưởng tuyệt đối vào Ðảng và chờ đợi kết luận. Hoặc không quan tâm. Ðó là tự do của bạn, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình.
Và nếu bạn, như trong Moby Dick, chọn theo thuyền trưởng Ahab, không phản kháng, hoặc chỉ rụt rè phản đối như Starbuck, không sớm thì muộn bạn sẽ chìm cùng Pequod.
D.N.
__________
* impunity là tội ác không bị trừng phạt, một khái niệm có lẽ khá mới ở Việt Nam, có thể đọc thêm ở đây: http://luatkhoa.org/2014/11/khi-toi-ac-khong-bi-trung-phat/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét