Đại quốc - tiểu nhân
bauxitevnMon 7:44 AM
Hoàng Việt
Vâng, đúng Trung Quốc là một gã khổng lồ cực kỳ tiểu nhân bỉ ổi, nuôi mưu kế lâu dài xâm chiếm Việt Nam từng bước, kỳ cho đến khi ngoạm bằng hết vào cái mõm sói của nó. Điều đó thì cả dân tộc Việt Nam từ bé đến già ai cũng rõ, nhìn thấu lòng dạ gã như nhìn vào lòng bàn tay. Chỉ khổ nỗi là người cầm quyền đất nước chúng ta lại cố tình không chịu biết. Từ Mao đến Tập trong vòng 7 thập kỷ, nhân danh “anh Hai” chung một phe cánh hẩu, đã gây nên không biết bao nhiêu điều ác nghiệt làm điêu đứng 90 triệu dân Việt này. Thế mà thế hệ cầm quyền Việt tộc nào lên cũng vẫn ngoan ngoãn cúi mọp, khom người, vẫy... tay, tung hô các anh, bắt dân phải đội lên đầu khẩu hiệu giả dối “4 tốt và 16 chữ vàng” các anh đã hạ cố ban cho. Thậm chí trước những hành xử đểu cáng, thủ đoạn, lại cố ý phô ra một cách trắng trợn của các anh, khác nào tặng cho ông em một cái tát nẩy lửa, hoặc còn hơn là một cái tát vạn triệu lần, như cho lái buôn sang mua chè, ép nông dân ta phun thuốc trừ sâu vào rồi đợi đến đại hội Olimpic Bắc Kinh (2008) thì mang ra đốt giữa hàng vạn quan khách quốc tế với lời rêu rao: Việt Nam chuyên sản xuất hàng bẩn. Đó không phải là một cái tát nữa mà là một trong trăm ngàn ngón triệt hạ Việt Nam. Thế mà “em” vẫn cứ câm miệng hến, vẫn tươi cười, không có phương cách nào đáp trả, cũng không hề nghĩ đến việc đáp trả. Có ai mà chịu được thói hạ mình quá lố đến như vậy không? Đến một việc như kiện “các anh” ra Tòa án quốc tế là việc hết sức chính đáng, không ai không nóng lòng, nhưng các vị thì cứ đủng đỉnh, thỉnh thoảng cũng có gióng lên một đôi tiếng, kiểu đánh dứ, rồi kết cục lại... bỏ dùi. Thử hỏi không sốt ruột sao được! Tình thế hệt như con cua trước miệng con ếch, hay như đà điểu đến lúc rúc đầu vào cát, không còn nghĩ dân đau khổ như thế nào, nước lâm nguy như thế nào.
Đồng bằng Cửu Long đã và đang chết từng ngày. Cá và biển miền Trung đã và đang chết từng ngày... Nguyên nhân do đâu và có liên quan trực tiếp hay gián tiếp, ở mức nào, đến bàn tay bẩn thỉu của Tập Cận Bình? Sao không thúc đẩy giới khoa học tăng nhanh tiến độ kiếm tìm lời giải nghiêm chỉnh và ngọn ngành xung quanh hai câu hỏi bức bối đó và vô số câu hỏi tương tự mỗi ngày một nẩy thêm ra trong đời sống ngổn ngang của đất nước, mà cứ giữ thái độ lập lờ, bỏ ngoài tai tiếng kêu cứu của dân? Rốt cuộc việc gì cũng nham nhở, khiến tâm lý bất an không được xóa bỏ mà cứ tăng lên. Rồi còn trưng ra trước bàn dân thiên hạ những việc đối phó nhố nhăng không nhịn được cười, mà người có học vấn và tự trọng cứ nghĩ đến là đỏ nhừ cả mặt.
Phải chăng cái gọi là ý thức hệ là nguyên nhân của tất cả mọi bế tắc từ trước tới nay, đẩy đất nước ta đi dần đến chỗ chết không cựa vào đâu nổi? Có thể lắm. Bởi “ý thức hệ”, như trong tuyên ngôn của CNCS, được coi là một phạm trù trọng đại để chọn bạn và thù trên con đường xây dựng Internationale cúa giai cấp vô sản. Nhưng trong thực tế tồn tại của Đảng CSTQ cũng như VN, từ sau khi LX đổ sụp và cả 2 nước phải chuyển sang nền kinh tế “tư bản hoang dã” để tự cứu, thì chuyện ý thức hệ cùng nhiều chuyện khác đều đã ở tận cùng của sự nhạt nhẽo, mỗi ngày mỗi thêm nhạt, trừ một vài anh lú vẫn còn ôm khư khư, hoặc giả cách ôm khư khư để...“làm giá” mà thôi.
Có lẽ có một lý do quan trọng hơn nhiều. Các vị, cựu quan chức cũng như tân quan chức đều một duộc cả thôi, không ai có thể thờ ơ trước cái mồi câu của lão ngư ông gian xảo Tàu Cộng. Mà cái mồi này thì vô cùng hậu hĩnh. Tên ngư ông họ Tập đã cho thả mồi trên khắp thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Nhưng đớp lấy mồi rồi mắc câu thì chỉ là một số ít, những cá nhân được ngồi trên quyền lực đâm mất hết lòng tự trọng và tinh thần dân tộc, để máu tham che mờ mắt mình. Rất tiếc ở Việt Nam loại người khát tiền ấy lại quá nhiều. Mồi câu của Tập Cận Bình đã gây nên một điệu nhảy quyến rũ và cuốn hút hầu như tất cả mọi thế hệ người cai trị Việt Nam vào điệu nhảy ma mị ấy, kể từ ngày đôi bên gật gù hò hẹn ở hội nghị Thành Đô. Bộ sậu mới lên hôm nay có phải cũng là nạn nhân của điệu nhảy đó rồi không? Thành thực mà nói chúng tôi chưa giải đáp được. Tuy nhiên, vẻ mặt lúng túng căng thẳng của họ khi đón ông Obama, cũng như sự im lặng đáng sợ của họ trước tiếng kêu thảm thiết của dân chúng vùng ven biển miền Trung và vùng đồng bằng Nam Bộ đang vang lên vô vọng suốt từ bấy đến giờ... hình như cũng là một chỉ dấu lờ mờ giúp chúng ta tiến đến gần sự thật.
Bauxite Việt Nam
|
TTO - Chiều 3-6-2016, bên lề khuôn khổ Diễn đàn đối thoại Shangri-La tại Singapore, ngay sau cuộc gặp giữa đoàn Việt Nam và Trung Quốc, phía Trung Quốc đã phát tờ rơi bằng hai thứ tiếng Trung và tiếng Anh, nhằm tuyên truyền cho luận điệu dối trá của họ về vấn đề Biển Đông.
Tờ rơi tiếng Hoa gồm những nội dung xuyên tạc về Biển Đông mà Trung Quốc chủ ý phát cho các đại biểu quốc tế tại Đối thoại Shangri-La - Ảnh: V.T.
Hành động này rõ ràng không xứng đáng với tầm vóc của một cường quốc - đàn anh trong khu vực được.
Chúng ta ai cũng biết Trung Quốc là một cường quốc ở châu Á, tuy nhiên “làm anh khó lắm, phải đâu chuyện đùa”, người Trung Quốc có bao giờ tự hỏi tại sao sức hấp dẫn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc (một phần của sức mạnh mềm) không được cộng đồng thế giới đón nhận và tin tưởng là mấy? Đó chính là cách hành xử của một “đại quốc - tiểu nhân”, không có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và cư xử một cách thô lỗ.
Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc luôn tìm cách bẻ cong luật quốc tế theo cách của riêng họ, những luận điểm nghe như đã nhàm tai, nhưng được các đại biểu Trung Quốc “phát loa” ở bất cứ nơi đâu hòng đánh lừa dư luận. Họ luôn khẳng định người Trung Quốc là người phát hiện sớm nhất các quần đảo ở Biển Đông và vì thế họ có chủ quyền trên vùng biển này từ xa xưa.
Đây là một lập luận hết sức nực cười. Luật pháp quốc tế về thiết lập chủ quyền quốc gia trên một lãnh thổ nào đó không hề đơn giản như vậy.
Thứ nhất, các quốc gia dân tộc xuất hiện ở phương Tây sau năm 1648 với định ước Westphalia và kể từ đó, hệ thống luật quốc tế hiện đại mới được dần thiết lập.
Các quy định của luật quốc tế về xác lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia bắt đầu hình thành từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 và được hoàn thiện ở thế kỷ 20. Vậy thì cái mà người Trung Quốc gọi là họ phát hiện từ thời nhà Hán (trước Công nguyên) thì dựa trên thứ luật pháp nào mà gọi là luật pháp quốc tế?
Thứ hai, nếu nói người Trung Quốc là người tới Biển Đông sớm nhất thì bằng chứng đâu? Người Trung Quốc cứ đưa ra mấy cuốn cổ sử của họ ra, nhưng họ lợi dụng việc ít người nước ngoài biết tiếng Trung nên họ cắt xén, biến tấu chỉ để phục vụ cho lợi ích của họ, chứ các học giả như Phạm Hoàng Quân, Hồ Bạch Thảo, Bil Hayton… và hàng loạt sử gia phương Tây khác đã nghiên cứu và khẳng định tất cả các tài liệu cổ của Trung Quốc từ cổ sử đến các địa đồ cổ, chẳng có cái nào nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa cả.
Hàng trăm bản đồ từ các nhà địa lý và hàng hải phương Tây đều cho thấy rõ lãnh thổ của Trung Quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam mà thôi.
Còn nữa, các di chỉ tàu đắm cổ trên khu vực Biển Đông cho chúng ta biết tàu Trung Quốc xuất hiện từ thế kỷ 12, trong khi các tàu đắm cổ của các quốc gia Đông Nam Á khác xuất hiện sớm hơn rất nhiều, như tàu đắm của Philippines xuất hiện từ thế kỷ 4, sớm hơn của người Trung Quốc 800 năm. Vậy các bằng chứng chứng minh ai là người tới Biển Đông sớm nhất đây?
Thứ ba, Trung Quốc lúc nào cũng phát ngôn là “theo luật pháp quốc tế”. Trung Quốc là một cường quốc, nhưng lại phớt lờ nghĩa vụ của luật pháp quốc tế. Năm 2013, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra một thiết chế trọng tài được quy định bởi phụ lục VII của UNCLOS, nhưng Trung Quốc áp dụng chiến thuật “không tham gia, không xuất hiện và không tuân thủ”.
Nếu Trung Quốc tự tin là họ có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và pháp lý về việc thiết lập chủ quyền của Trung Quốc trên các cấu trúc địa lý ở Biển Đông, và nếu họ nói họ luôn tuân thủ luật quốc tế, sao họ không tự tin cùng với Philippines giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế đi? Mà họ luôn tìm cách né tránh, biện bạch cho hành động “né tránh” với phiên tòa mà Philippines khởi kiện.
Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS) đều quy định rõ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và các tòa án quốc tế có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia một cách hòa bình, theo các quy định của luật quốc tế.
Vậy mà, Trung Quốc cứ chối là tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc là không có thẩm quyền, trong khi UNCLOS nói rõ việc có thẩm quyền hay không phải do tòa quyết định. Và phán quyết ngày 29-10-2015, tòa trọng tài đã khẳng định tòa có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp này. Một cường quốc luôn tuyên bố là tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng lại “chạy trốn” một phiên tòa quốc tế, liệu đó có phải là một cường quốc có trách nhiệm?
Chưa kể trong các tờ rơi, Trung Quốc còn “đổi trắng thay đen” bằng cách lu loa rằng nhiều quốc gia đã đưa quân xâm chiếm lãnh thổ của họ trên Biển Đông. Có lẽ chúng ta nên nhắc lại với người Trung Quốc rằng chính hải quân Trung Quốc đã nổ súng tấn công để xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, một số cấu trúc tại Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và bãi Vành Khăn mà quân đội Philippines đang chiếm giữ năm 1995.
Chúng ta cũng nên nhớ, luật pháp quốc tế từ sau khi Hiến chương Liên Hiệp Quốc ra đời năm 1945, cùng với nghị quyết 2625 của Liên Hiệp Quốc năm 1970 đã không chấp nhận việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác.
Và chính vì vậy, cho dù Trung Quốc đã chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa, nhưng có quốc gia nào khác Trung Quốc trên thế giới thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa đâu.
Một cường quốc “trỗi dậy hòa bình” mà luôn hăm dọa các nước nhỏ, tráo trở trong chính sách và thô lỗ trong cư xử thì ảnh hưởng của nó khó có thể khiến cộng đồng quốc tế “tâm phục, khẩu phục” được.
Tranh chấp Biển Đông chỉ có thể giải quyết được với thiện chí của tất cả các bên và nỗ lực tìm kiếm giải pháp trong hòa bình, thực sự tuân thủ luật pháp quốc tế, chứ không phải việc “bẻ cong” luật quốc tế.
H.V. (Thạc sĩ, Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo - Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét