Điện Cẩm Linh bày đặt một hệ tư tưởng Nhà nước và không ngại dùng côn đồ đàn áp những người đối lập
bauxitevnSat 7:15 AM
Pierre Avril - Ký giả báo Le Figaro ở Maxcơva
Phong Uyên dịch tổng hợp (dịch giả gửi tới Dân Luận)
Trên đại lộ Sakharov ở Moscova, nơi mà tháng 12 năm 2011 đã có tới hơn một trăm ngàn người biểu tình chống chính quyền Putin, một bức tranh khổng lồ được dựng trên một bức tường, đập vào mắt mọi người. Bức tranh vẽ những con cá răng đao mang màu sắc quốc kỳ Mỹ bị nghiến nát trong một máy xay thịt quay tít. Cách đó mấy trăm mét, trên đại lộ vòng đai thứ nhất, một tấm hình cũng đồ sộ như vậy tưởng niệm những chiến sĩ trong cuộc Thế chiến thứ Hai. Tấm hình này có chua một thông điệp rõ ràng hơn: “chúng tôi không bao giờ quên các anh và chúng tôi rất hãnh diện vì các anh”.
Từ khi Liên Xô sụp đổ, chưa bao giờ mà đầu óc người Nga lại bị ứ đầy một hệ tư tưởng như vậy, hệt như trong thời kỳ mà những nhà lãnh đạo Xô viết, bằng ma lực của miệng lưỡi, đã muốn tạo ra một “con người mới”. Tất nhiên là ở thời buổi này, các nhà tư tưởng của điện Cẩm Linh không thể có một tham vọng như vậy. Cách đây không lâu Putin, chủ nhân điện Cẩm Linh, đã tuyên bố một câu xanh rờn sáo rỗng: “Chỉ có ý tưởng ái quốc” mới đủ khả năng “thống nhất” dân tộc Nga. Ngày 26 tháng Năm, Chủ tịch Ủy ban Điều tra, Alexandre Bastrykin, đưa ra khuyến nghị yêu cầu thiết lập một “Hệ Tư tưởng Nhà nước”, ôm tất cả trong tay mọi lãnh vực được coi là thuộc thẩm quyền của vị Sa hoàng mới (Putin), đi từ kinh tế học qua nhân khẩu học tới sinh thái học. Vị chủ tịch “Ủy ban Điều tra” này, được coi là cột trụ của một cơ cấu bao gồm cả công an lẫn tư pháp, còn muốn tạo cho “Hệ Tư tưởng” một sức mạnh “pháp lý” nữa.
Hiện thời thì hệ tư tưởng này chỉ là một thuyết hổ lốn trộn lẫn những nhớ tiếc thời Xô viết với những khẳng định những giá trị thời Sa hoàng, cộng với những kích động về đạo giáo, bất chấp những cái trái ngược nhau nằm trong cái món tả pí lù này. Vì vậy sự tưởng niệm gia đình Sa hoàng Romanov được đặt ngang hàng với sự tưởng niệm những người đã ra lệnh ám sát Sa hoàng là những người Bônsêvic, những ông chủ tương lai của Liên Xô! Còn Stalin, người đã mưu toan chia đôi Âu châu với Hitler năm 1939, thì lại được coi là hiện thân của cuộc đấu tranh chống “chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa Quốc xã”- mà theo Maxcơva, nơi phát động những chủ nghĩa này chính là Kiev.
Lãnh tụ Đảng Cộng sản Nga Guennadi Ziouganov, người thừa kế của một cơ cấu đã đầy ải trong Goulag cả mấy trăm ngàn linh mục - bị coi là “tàn dư của những giai cấp đang giãy chết” - và bắt đóng cửa gần 40 ngàn nhà thờ, mới đây đã trọng vọng hình ảnh chúa Giêsu-Kitô, và coi Chúa như là “người cách mạng đầu tiên” của thời đại mới. Ngay cả thời kỳ “đại khủng bố” (1937-1938), khi mà 100 ngàn linh mục bị xử bắn, giáo chủ Kirill cũng chỉ nhớ đó là thời kỳ mà “sức mạnh quân sự” của Nhà nước (Liên Xô) được tăng cường. Giáo chủ kirill muốn đối chọi “mẫu hình Kitô giáo” (kiểu Nga) với tình trạng tinh thần “quá là kinh khủng” ở phương Tây hiện thời, và cho là nhờ mẫu hình này mà Giáo hội Nga sống sót được dưới thời Liên Xô.
Vị cầm đầu Giáo hội Nga vừa mới được Putin mời giữ một chân trong một tổ chức Nhà nước. Tổ chức này có 2 nhiệm vụ: hướng dẫn một đường lối giáo dục và bảo vệ tiếng Nga. Đây là một vấn đề “an ninh quốc gia”, vị chủ nhân điện Cẩm Linh nói vậy. Vị lãnh đạo tinh thần Kirill được thể nói tiếp theo, đưa ra khuyến nghị cần phải làm một danh sách “được Giáo hội phê chuẩn” (canonique) tập trung những tác phẩm văn chương cổ điển. Chỉ những tác phẩm này mới được dạy trong các trường học và phải loại bỏ những tác phẩm tân thời “quá bị khái niệm hóa”.
Với một “đường lối chính trị theo đúng “hệ tư tưởng” như vậy, thì dù bên ngoài (Tây phương) có tung ra rất nhiều tiền cũng vô ích, không làm cho nước Nga mất ổn định được”, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Alexandre Batryskine tự khen mình như vậy. Theo các nhà Cẩm Linh học, cái “mặt trận đối nội” mới này còn có tính cách thời sự hơn nữa khi mà cả nước đang xa lầy. Đúng là chính quyền nước Nga cần bới quá khứ để bảo đảm tương lai.
Cách đây mấy tuần họ bị những kẻ hành hung tạt thuốc cồn Iode, vứt bột và trứng, bị đánh đập túi bụi trước cặp mắt giễu cợt của công an. Chỉ khi nào bị ngã xuống đất và bị những gót giày đá nhừ tử thì công an mới can thiệp. Họ là mấy chục người gồm những trí thức, những người bảo vệ nhân quyền, những người đối lập Nga. Những người đánh đập họ thuộc về những tổ chức, những nhóm nhỏ. Những tốp người này biểu lộ một cách mãnh liệt sự ủng hộ Putin của mình và dĩ nhiên là được sự bao che đầy thiện cảm của các lực lương giữ gìn trật tự.
Bị đánh đập ngày 16-3 ở Grosny, Igor Kaliapine, giám đốc một tổ chức phi chính phủ Ủy ban chống tra tấn, đã phải đợi 2 tháng mới được Tòa án Tchetchen công nhận là công an sở tại đã không theo đúng luật khi từ chối không mở cuộc điều tra. Ngay tháng sau, nữ văn sĩ Lioudmina Oulitskaia, người được gắn Đệ tứ Bắc Đẩu Bội tinh Pháp, bị tạt thuốc cồn Iode và bị NOD, một tổ chức mà khẩu hiệu là “Phải trao ngay toàn thể quyền hành cho Putin” chửi bới. Ngày 17 tháng Năm, Alexei Navalny bị “đón tiếp” một cách dữ tợn ở Phi trường Anapa bởi một nhóm người bận đồng phục truyền thống Cosaque. Navalny và những người đồng bọn bị đè xuống đất và một người trong bọn bị đánh đập tơi bời phải nhập viện.
Lần nào cũng vậy, những nạn nhân đều than là cCảnh sát hoàn toàn lãnh đạm và kiếm cách từ chối không chịu ghi đơn kiện. Và lần nào cũng vậy, những đài truyền hình chánh, dưới sự kiểm sát của điện Cẩm Linh, đều câm lặng không bao giờ nói đến những cuộc hành hung. Nhà chính trị học Masha Lipman thấy đang tạo ra “một xu hướng rất nguy hiểm, vì người hành hung người khác thấy mình tha hồ hành động mà không bị trừng phạt, khiến sẽ có nhiều người bắt chước và giải quyết những bất đồng bằng võ lực, tạo ra một vòng xoáy hung bạo mỗi ngày một lớn, vượt ra ngoài mọi kiểm sát”. Chuyên về nghiên cứu chính quyền Nga, Masha Lipman thú nhận không biết ai đứng sau những hành động hung bạo cũng như không biết có mối liên lạc giữa điện Cẩm Linh và những nhóm côn đồ này không. “Nhưng điều hiển nhiên là những người hành hung đều được hưởng một sự che chở, chứ nếu không thì những lực lượng giữ gìn trật tự đã có một cách xử sự khác. Khi mà đối lập biểu tình thì công an tức khắc đập thẳng cánh, dù chỉ là vài ba cá nhân”, bà Lipman đưa ra nhận định như vậy.
Alexei Navalny chỉ rõ ràng ngay tức khắc ai là đầu não vụ hành hung ở phi trường Anapa. Chả ai khác là Viện trưởng viện Kiểm sát Nga Iouri Tchaika, mà sau một cuộc điều tra, đối lập đã phanh ra những mối liên lạc với giới kinh tài và giới mafia Nga. “Những người hành hung chúng tôi chả dính dáng gì đến những người cosaques cả”, Leonid Volkov, một cộng sự viên thân cận với Navalny, cùng đi với Navalny ở Anapa khẳng định như vậy. “Những người này được tòa hành chính Anapa trả lương khá cao. Họ xử sự như công an. Ở nước độc tài nào cũng có công an riêng như vậy. Hệt như vậy ở Đức những năm 1930 và ở Tây Ban Nha những năm 1960. Đó là những tổ chức bán quân sự được chính quyền cho phép làm những hành động hung bạo và chính quyền phủi tay làm như không biết để không phải chịu một trách nhiệm nào”, một nhà đối lập nói toạt móng heo như vậy.
P.A.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét