Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Từ cộng sản đến dân chủ - Bài học Ba Lan (Kỳ 2)

Từ cộng sản đến dân chủ - Bài học Ba Lan (Kỳ 2)

bauxitevn5:02 AM


Tác giả: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal
Người dịch: Phan Trinh
Phần 2: 
Phỏng vấn Aleksander Kwasniewski, Tổng thống Ba Lan 1995-2005
___ 
TÓM LƯỢC TIỂU SỬ – PHỎNG VẤN ALEKSANDER KWASNIEWSKI: 1. YẾU TỐ THÀNH CÔNG – “CHUẨN BỊ” TỐT, QUAN HỆ RỘNG – GIÁO HỘI, ĐẢNG, CÔNG ĐOÀN. 2. MỘT THẾ HỆ MỚI. 3. CHẾ ĐỘ SUY YẾU. 4. NỀN TẢNG CHO ĐỐI THOẠI. 5. GIẢI MÃ THÀNH CÔNG. 6. CHÍNH QUYỀN YẾU, ĐỐI LẬP YẾU. 7. LÃNH TỤ DỌA TỪ CHỨC - TUỔI TRẺ BA LẬP TRƯỜNG. 8. CƠ CẤU ĐÀM PHÁN - BA ỦY BAN ĐÀM PHÁN. 9. ĐẢNG MUỐN GÌ KHI ĐÀM PHÁN? 10. KẺ CHUYÊN CHẾ CHẤP NHẬN DÂN CHỦ? 11. BỎ ĐẢNG CŨ, LẬP ĐẢNG MỚI. 12.ĐẢNG PHÁI. 13. CẢI CÁCH KINH TẾ. 14. TẢN QUYỀN. 15. ĐỒNG THUẬN ĐỂ THAY ĐỔI

___ 
Tóm lược tiểu sử 
clip_image002
Aleksander Kwasniewski là một nhà chính trị chuyên nghiệp, ông thăng quan tiến chức trong Đảng Cộng sản Ba Lan (tên chính thức là Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan), lên đến vị trí một Bộ trưởng trong chính quyền cuối cùng thời cộng sản. Ông giữ vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi từ chế độ độc tài cộng sản qua chế độ dân chủ và kinh tế thị trường, và sau đó đưa những người cộng sản cải cách đến thành công trong các cuộc bầu cử. Ông đắc cử Tổng thống hai nhiệm kỳ trong nền chính trị “Tổng thống chế một nửa” (hay “Bán Tổng thống chế”) của Ba Lan.
Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị với vai trò người lãnh đạo tổ chức sinh viên cộng sản tại Gdansk năm 1976, rồi làm Tổng biên tập cho hai chuyên san của sinh viên toàn quốc. Trong những năm cộng sản cuối cùng, từ 1985 đến 1990, Kwasniewski làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao, và sau đó thành người đứng đầu Ủy ban Chính trị Xã hội của Chính phủ từ cuối 1988 đến 1989. Năm 1989, cùng Tadeusz Mazowiecki, ông là đồng chủ tọa nhóm thảo luận các vấn đề công đoàn trong Đàm phán Bàn tròn. 
Khi Đảng Cộng sản giải tán năm 1990, Kwasniewski là người đồng sáng lập và Chủ tịch của đảng kế thừa có tên Đảng Dân chủ Xã hội, và của liên minh đảng phái tại Quốc hội có tên là Liên minh Cánh tả Dân chủ (SLD). Dưới quyền ông lãnh đạo, Liên minh Cánh tả Dân chủ đạt kết quả cao trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên năm 1991, chiến thắng cuộc bầu cử Quốc hội năm 1993, và Kwasniewski trở thành người cầm đầu liên minh cầm quyền. Chiến thắng này cũng như chiến thắng của ông trước Lech Walesa trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1995 là nhờ quần chúng Ba Lan bất mãn với chương trình cải cách kinh tế theo “liệu pháp sốc”, và nhờ Kwasniewski lãnh đạo theo cách coi hiệu quả quan trọng hơn ý thức hệ, đồng thời tập trung nhiều hơn vào chuyển đổi kinh tế.
Trong vai trò Tổng thống, cũng với chủ trương lấy hiệu quả quản lý làm trọng, Kwasniewski đã bắc được cầu nối giữa cánh tả và cánh hữu trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, kể cả khi SLD là liên minh chiếm đa số trong Quốc hội, lẫn khi cánh hữu đánh bại SLD trong năm 1997. Ông đạt được sự đồng thuận của Quốc hội và quần chúng cho Hiến pháp mới năm 1997 – một Hiến pháp giới hạn quyền của chính Tổng thống – thay cho “Hiến pháp Nhỏ” được dùng trong thời kỳ chuyển đổi. Ông tiếp tục chuyển đổi kinh tế qua hướng tư bản chủ nghĩa, đưa Ba Lan gia nhập NATO và EU, và tái đắc cử Tổng thống Ba Lan năm 2000. Năm 2001, Kwasniewski góp phần đưa SLD trở lại nắm đa số trong Quốc hội khi liên minh với Đảng Nông dân Ba Lan, nhưng rồi lại chứng kiến SLD thất bại năm 2006.
Trong thời kỳ làm Tổng thống và sau này, Kwasniewski đã thúc đẩy việc hợp tác giữa các quốc gia Trung và Đông Âu, và khuyến khích công cuộc dân chủ hóa trong khu vực. Ông dẫn đầu các nỗ lực hòa giải giúp hoàn tất Cách mạng Cam tại Ukraina năm 2004, và dẫn đầu phái đoàn quan sát viên tại các phiên tòa sau đó để xét xử những chính khách Ukraina bị tố cáo vi phạm nhân quyền. Ông cũng đi giảng thuyết ở nhiều nơi.
___
Phỏng vấn Aleksander Kwasniewski
1.
Yếu tố thành công
HỎI: 
Ba Lan được mô tả là một trong những trường hợp chuyển đổi thành công nhất – từ một guồng máy nhà nước đàn áp, với nền kinh tế nhà nước kiểm soát không hiệu quả, qua nền kinh tế thị trường với chính thể dân chủ. Tại sao Ba Lan thành công được như thế?
ĐÁP: 
Tôi đồng ý Ba Lan là một trường hợp thành công. Ngay trong cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây nhất [phỏng vấn này thực hiện năm 2013], Ba Lan vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế, tiếp tục ổn định chính trị và có quan hệ rất hợp lý với tất cả các nước láng giềng. 
Quan hệ với láng giềng là quan trọng vì ít ai chú ý là trong nhiều năm qua Ba Lan không hề dịch chuyển biên giới, trong khi tất cả các nước láng giềng của chúng tôi đều thay đổi. Trước, chúng tôi có ba nước láng giềng, nay có tới bảy. Chúng tôi đã tìm cách thiết lập quan hệ tốt với tất cả. Trong 20 năm qua, có thể nói Ba Lan là nước xuất khẩu sự ổn định ra cả khu vực.
“Chuẩn bị” tốt, quan hệ rộng
Vì sao chúng tôi có thể chuyển đổi bền vững qua dân chủ ư? Nói về mức độ tích cực của quần chúng trong hoạt động chính trị, về những thay đổi trong nội bộ Đảng Cộng sản, và về những nỗ lực rất sớm để cải tổ chế độ trước đây, có thể nói Ba Lan được chuẩn bị tốt hơn để thay đổi, so các nước khác trong khu vực. Thêm vào đó, cũng so với các nước khu vực, Ba Lan có quan hệ nhiều hơn với phương Tây, thông qua cộng đồng người Ba Lan hải ngoại, thông qua quan hệ và nỗ lực của nhiều cá nhân, chẳng hạn như đã có nhiều học bổng giúp sinh viên Ba Lan du học, và các du học sinh này sau đó nắm giữ những vị trí quan trọng trong công cuộc cải cách. 
Giáo hội, đảng, công đoàn
Tại Ba Lan, có một yếu tố khác giúp thúc đẩy đối thoại thay cho đối đầu và giảm bớt thái độ quá khích, đó là Giáo hội Công giáo. Trên thực tế, có thể nói từ sau Thế chiến II, Ba Lan thường xuyên có khủng hoảng chính trị, cứ khoảng trên dưới 10 năm một lần, khủng hoảng đầu tiên xảy ra năm 1956, lần thứ hai năm 1970, tiếp theo là năm 1976. Những cuộc khủng hoảng này làm suy yếu Đảng Cộng sản. Rồi đến 1980-81, phong trào Công đoàn Đoàn kết xuất hiện làm thay đổi cục diện. 
Nói chung, sau mỗi cuộc khủng hoảng như thế, chế độ cộng sản cũng được cải thiện hơn. Năm 1956, Chủ nghĩa Stalin kết thúc và Wladyslaw Gomulka (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ba Lan thời kỳ 1945-48 và 1956-70) bắt đầu theo đuổi đường lối quốc gia. Người ta có thể chỉ trích ông nhiều điều, nhưng phải nói ông đã cố gắng giúp Ba Lan giành được một mức độ độc lập nào đó đối với Liên Xô. Gomulka rời vị trí năm 1970 [ông phải từ chức sau vụ ra lệnh đàn áp công nhân đình công, làm chết 41 người và hơn 1.000 người bị thương], và trong thập niên 1970, Edward Gierek (lãnh tụ Đảng 1970-80) đã tự do hóa phần nào hệ thống chính trị và cởi mở hơn với phương Tây, giúp hiện đại hóa Ba Lan. Dĩ nhiên người ta có thể chỉ trích việc ông vay những khoản tiền lớn của phương Tây, nhưng mặt khác, đó là thời kỳ Ba Lan có một cú nhảy vọt về hiện đại hóa. 
Dù chúng ta có thể giễu cợt các kiểu, nhưng cũng nên biết rằng năm nay [2013] là năm kỷ niệm 40 năm ngày sản xuất chiếc xe Fiat mini đầu tiên của Ba Lan, loại xe này trở thành xe ô-tô tiêu biểu của Ba Lan. Ô-tô đầu tiên của tôi cũng là một chiếc Fiat mini. Đây là một bước lớn vì nhờ vậy Ba Lan trở thành một xã hội có đông đảo người lái ô-tô*. 
Năm 1980 là năm đánh dấu đoạn kết của thời kỳ Gierek và là năm khai sinh phong trào Công đoàn Đoàn kết – một phong trào chưa hề có tiền lệ trong khối Xô-viết. Đó cũng là minh chứng cuối cùng rằng xã hội Ba Lan không muốn chỉ có “mở rộng dân chủ” mà họ muốn có dân chủ thực sự, và những nỗ lực nửa vời là không thể đủ. Khẩu hiệu “Nói ‘có’ với chủ nghĩa xã hội, nói ‘không’ với thoái hóa biến chất” mà Đảng Cộng sản lặp đi lặp lại bao nhiêu năm trời không còn được dân chúng chấp nhận nữa.
***
2.
Một thế hệ mới
HỎI: 
Ông có thể giải thích sự khác nhau giữa điều ông gọi là “mở rộng dân chủ” và “dân chủ đầy đủ”? 
ĐÁP: 
Mở rộng dân chủ có nghĩa chúng ta chỉ có dân chủ một phần, hoặc một cái gì gần với dân chủ, chứ chưa thực sự là dân chủ. Ở Ba Lan, chúng tôi có một chế độ được gọi là dân chủ, nhưng đó là “Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa”. Có một chuyện tiếu lâm rất nổi tiếng vào thời kỳ này như sau: 
“Hỏi: ‘Dân chủ’ và ‘Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa’ khác nhau ra sao? 
“Đáp: Một cái GHẾ với một cái GHẾ ĐIỆN khác nhau ra sao thì DÂN CHỦ và DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA khác nhau như thế!” 
Chỉ thêm một từ là ý tứ đổi hẳn. 
Và đó là thử thách chủ chốt mà Công đoàn Đoàn kết đặt ra với chế độ vào năm 1980-81, vì đã có một thế hệ mới xuất hiện, một thế hệ có học hành tốt hơn, gồm đông đảo người ở các thành phố lớn và cả giai cấp công nhân nữa. Điều này có nghĩa là những người đấu tranh chống Đảng Cộng sản không chỉ là những trí thức, giáo sư đại học hoặc nhà bất đồng chính kiến. Không, người đấu tranh trụ cột chống lại Đảng và đường lối cộng sản chính là công nhân, và điều đó đánh vào điểm yếu của Đảng Cộng sản, vì Đảng đặt giai cấp công nhân vào trọng tâm mọi việc họ làm. Vì vậy, giai đoạn 1980-81 hết sức quan trọng.
Dĩ nhiên, tính cách mạng của phong trào Công đoàn Đoàn kết gắn rất chặt với việc Vatican bầu chọn Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II năm 1978. Chuyến viếng thăm đầu tiên của Giáo hoàng đến Ba Lan năm 1979 góp phần hình thành phong trào khổng lồ này. Hàng triệu người tham dự các thánh lễ và các cuộc tụ tập chào đón ngài. Tất cả mọi sự đều không do chính quyền hoặc cơ quan nhà nước chính thức nào tổ chức, mà do tự tay quần chúng làm, xã hội tự thân vận động, xã hội tự tổ chức. Đó là lần đầu tiên trong thời cộng sản nhân dân nhận ra rằng cuối cùng họ cũng có thể tự làm điều gì đó lớn lao một mình, như tự tổ chức các sự kiện cho cả triệu người tham dự. 
Năm 1980, bầu không khí thay đổi nhiều lắm. Đại đa số người thuộc Công đoàn Đoàn kết đều không dám nói về việc thay đổi chế độ, vì như thế quá rủi ro. Brezhnev (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô 1964-82) vẫn đang cầm quyền tại Điện Kremlin. Nhưng đây là cuộc đấu tranh giành lại nhân phẩm, cuộc đấu tranh vì tự do, cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ đúng nghĩa, chứ không phải là đòi dân chủ một phần. Giải pháp nửa vời là không được. Quần chúng đòi hỏi có giải pháp đúng nghĩa. Và họ đòi hỏi điều này vào đúng lúc có khủng hoảng kinh tế cực kỳ trầm trọng.
***
3. 
Chế độ suy yếu
HỎI:
Đảng Cộng sản đã phản ứng ra sao trước những đòi hỏi ngày càng mạnh về cởi mở dân chủ và cải thiện kinh tế, trong bối cảnh những hạn chế do Liên Xô áp đặt?
ĐÁP: 
Có hai yếu tố quyết định khiến chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, theo nghĩa chính trị và xã hội. Thứ nhất, đó là biến cố Mùa Xuân Praha năm 1968 khi Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc để đàn áp nỗ lực đổi mới của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Đây là khởi điểm cho thấy hệ thống mất tính chính danh và ý thức hệ mất ý nghĩa, vì nếu lãnh tụ cộng sản rêu rao cải cách nhưng lại phải dùng quân đội để đàn áp người dân muốn cải cách thì điều đó cho thấy về mặt ý thức hệ, chế độ này không ổn chút nào. Yếu tố quyết định thứ hai khiến cộng sản sụp đổ chính là Công đoàn Đoàn kết, một phong trào thu hút 10 triệu người, đại đa số họ là những công nhân Ba Lan đấu tranh chống chế độ.
Năm 1981, giải pháp của Wojciech Jaruzelski, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ba Lan (từ 1981-89), là thiết quân luật. Áp đặt thiết quân luận là một trong những quyết định kịch tính nhất trong lịch sử Ba Lan. Ngày hôm nay, nếu hỏi người dân Ba Lan nghĩ gì về thiết quân luật hồi đó, quần chúng sẽ có ý kiến rất khác nhau: 50% đoan chắc rằng đó là cần thiết vì tình hình cực kỳ nguy hiểm và việc Liên Xô xâm lược hoàn toàn có thể xảy ra, còn 50% thì cho rằng thiết quân luật không cần thiết và Jaruzelski đã không khai phá hết mọi con đường để tìm giải pháp tốt hơn. 
Nếu bạn hỏi tôi, thì tôi có thể nói chắc chắn rằng nỗi sợ Liên Xô xâm lược lúc ấy là rất mạnh. Rất có thể nếu tình hình Ba Lan cứ tiếp tục căng thẳng như thế thì chỉ cần một tháng thôi, quân Liên Xô, hay quân đội Khối Warsaw sẽ quyết định can thiệp. Dĩ nhiên, đó sẽ là một cuộc “xâm lược” rất đặc biệt, vì lúc đó đã có 200.000 quân Liên Xô đóng trên lãnh thổ Ba Lan rồi. Họ không cần gửi quân từ tận Vladivostok đến Warsaw đâu. Họ chỉ cần dùng đến quân đội đồn trú tại Rembertow, cách trung tâm Warsaw chỉ 20 km.
Vì vậy, thập niên 1980 là thời kỳ của những vấn đề trọng đại cho cả Jaruzelski lẫn Công đoàn Đoàn kết. Lần đầu tiên, xã hội cực kỳ phân hóa. Sau khi áp đặt thiết quân luật, đại đa số người dân Ba Lan trở nên thất vọng, nản chí và thụ động. Vị thế của Đảng Cộng sản và của nhà nước suy yếu. Dù có vài cải cách, nền kinh tế vẫn rất tệ hại. Ba Lan gặp khó khăn với tất cả các đối tác phương Tây: Họ không cấp tiền, không cho vay, không bang giao bình thường. Tình hình ở Liên Xô cũng xấu đi, nên Liên Xô không thể hỗ trợ Ba Lan bằng bất cứ cách nào. 
***
4.
Nền tảng cho đối thoại 
Tình hình lúc bấy giờ rất kịch tính, và Jaruselski ngày càng hiểu rõ hơn là ông cần thực sự đột phá. Ông cần có một hình thức đối thoại nào đó với phe đối lập, và dĩ nhiên, trước hết ông nhờ Giáo hội khởi đầu cuộc đối thoại này, vì đối với Jaruzelski vào đầu thập niên 1980, Giáo hội Công giáo Ba Lan là một đại diện của xã hội. Tôi có ấn tượng rằng Jaruzelski, người có những mối quan hệ tốt với Giáo hội, chắc chắn tin rằng chỉ cần làm việc với Giáo hội là đủ để tìm ra giải pháp. Nhưng điều đó thực ra không đủ, vì có nhiều nhóm chính trị đối lập không dính líu đến Giáo hội.
Những thay đổi tại Liên Xô là một yếu tố quan trọng khác, và năm 1986 Gorbachev bắt đầu thực hiện perestroika (tái cấu trúc). Trước 1986, trong mọi nước cộng sản, rất khó nghĩ đến chuyện có một cuộc đối thoại cởi mở với bên đối lập. Sau năm 1986, Gorbachev bật đèn xanh cho Jaruzelski. Ông nói: “Được rồi, nếu anh muốn thực hiện các cuộc cải cách khác nữa, dĩ nhiên là phải tôn trọng ý thức hệ và các giá trị Xã hội Chủ nghĩa, thì cứ làm đi”. Gorbachev thực ra không quá cấp tiến vào lúc đầu. Ông biết cần phải làm gì đó, nhưng ông gặp khó khăn trong việc giải thích với các đồng chí về nhu cầu tái cấu trúc và những thay đổi khác. 
Đến cuối thập niên 1980, Jaruzelski hoàn toàn chắc chắn rằng chỉ có thông qua đối thoại mới có thể giải quyết được những vấn đề của Ba Lan. Lịch trình khá xấu cho ông vì cuộc bầu cử kế tiếp tại Ba Lan sẽ diễn ra vào năm 1989. Dĩ nhiên, đó không phải là cuộc bỏ phiếu dân chủ bình thường vì mọi ứng cử viên đều phải được Đảng Cộng sản duyệt trước. Vấn đề chính là làm sao cho quần chúng đi bầu. Số lượng người bỏ phiếu sẽ cho thấy dân chúng ủng hộ Đảng nhiều hay ít. Trong nhiều trường hợp trước đó, số liệu phổ biến cho công chúng đã bị làm giả, nhưng giới lãnh đạo biết rất rõ kết quả thực sự của các cuộc bầu cử là gì. Trong Đảng, ai cũng thấy rằng trong cuộc bầu cử sắp tới không lý do nào để quần chúng đi bỏ phiếu trên 30% hoặc 40%. Một tỉ lệ thấp sẽ là dấu hiệu đậm nét cho thấy người dân không còn chấp nhận chế độ và đòi phải thay đổi lớn.
Nhiều yếu tố tổng hợp lại – kinh tế trì trệ, xã hội chia rẽ trầm trọng, và bầu cử đang tới gần – đã khiến Jaruzelski quyết tâm phải bắt đầu nói chuyện với bên đối lập. Những cuộc gặp gỡ kín đầu tiên diễn ra năm 1988, và rồi chúng tôi chính thức bắt đầu Đàm phán Bàn tròn năm 1989, từ tháng 2/1989 đến tháng 4/1989. Sau đó, cả hệ thống thay đổi. 
*** 
5.
Giải mã thành công 
Trở lại câu hỏi chính – vì sao chúng tôi thành công – đầu tiên tôi nghĩ Ba Lan được chuẩn bị cho công cuộc cải cách kỹ hơn các nước khác. Những biến cố “thường xuyên” xảy ra tại Ba Lan góp phần làm thay đổi chế độ cộng sản, khiến nó cởi mở hon so với các nước khác trong khối cộng sản. 
Tại Ba Lan, chúng tôi có một lực lượng đối lập rất mạnh và một phong trào phản kháng mang tính truyền thống có mặt từ lâu. Chúng tôi có một số người bất đồng chính kiến trong hàng ngũ Đảng Cộng sản vào năm 1956, và sau đó chúng tôi có những tổ chức đối lập khá mạnh, chẳng hạn như Ủy ban Bảo vệ Công nhân (Komitet Obrony Robotnikow – KOR) năm 1976 dưới quyền lãnh đạo của Jacek Kuron (một nhân vật nổi bật của phe dân chủ đối lập) và những người khác. Tổng Bí thư Gierek lúc đó đủ cởi mở để có thể chịu đựng những nhóm như vậy, và họ có thể hoạt động tích cực vào cuối thập niên 1970. Và đương nhiên, chúng tôi có một lực lượng đối lập rất hùng mạnh là Công đoàn Đoàn kết do Lech Walesa lãnh đạo và nhiều nhóm đồng hành khác. 
Như vậy có thể nói trong thập niên 1980, xã hội Ba Lan đã thực sự phân hóa, nhưng thành phần không cộng sản của xã hội đã có tổ chức tốt hơn nhiều, nhất là phong trào Công đoàn Đoàn kết, và ngay cả các đoàn nhóm nhỏ khác cũng có tổ chức hơn. Các phong trào này giúp tạo nên một hạ tầng cơ sở tốt về mặt tổ chức, giúp nhận diện được những tổ chức chính trị thay thế, giới thiệu được những gương mặt lãnh đạo đối lập, và là kết quả của bao nhiêu năm trăn trở, bàn bạc về con đường Ba Lan cần đi để mang lại những thay đổi cần thiết.
Yếu tố quan trọng kế tiếp là đã có những con người sẵn sàng dẫn dắt và thực hiện những thay đổi đó. Họ được học hành rất tốt tại Ba Lan; họ có một số kinh nghiệm sống và làm việc ở phương Tây, và tất cả những người này đều ở độ tuổi cuối 30 đầu 40, độ tuổi sung sức nhất để đảm nhận vai trò chính trị và bắt đầu những cuộc cải cách sâu rộng. Nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt ở phương Tây. Và khi họ có cơ hội, họ sẵn sàng đề xuất những chương trình cải cách. Leszek Balcerowicz (phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính 1989-91 và 1997-2000, tác giả của “liệu pháp sốc”, tức công cuộc cải cách kinh tế có tên là Kế hoạch Balcerowicz) là một ví dụ điển hình. Ông ấy đã từng học ở Mỹ, tại Đại học St John. Mark Belka (Thủ tướng 2004-5, Bộ trưởng Tài chính 1997, 2001-2), hiện đang làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương, cũng từng đi học ở Mỹ.
Thêm vào đó, chính quyền cộng sản cuối cùng, tức chính quyền ngay trước giai đoạn chuyển đổi (1988-89), lại do Thủ tướng Mieczyslaw Rakowski lãnh đạo – Rakowski là Tổng biên tập nổi tiếng của tờ Polityka, một tờ báo Ba Lan đứng đắn, và là Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản (1989-90). Chính quyền của ông, mà trong đó tôi là thành viên, đã đưa ra nhiều cải cách quan trọng và những đạo luật mới giúp ích rất nhiều cho kinh tế Ba Lan. Đạo luật then chốt nhất trong số được gọi là “Đạo luật Wilczek”. Mieczyslaw Wilczek là Bộ trưởng Công nghiệp, và ý tưởng của ông ta là xây dựng một “khí hậu” thuận lợi cho các doanh nghiệp. 
Theo ý tôi, tất cả những gì Wilczek đề xuất 25 năm trước vẫn tốt hơn những gì chính quyền của chúng tôi đề xuất hôm nay [2013]. Vì vậy, chúng tôi có một không khí thuận lợi cho kinh doanh, thuận lợi về thuế má, thủ tục hành chính, vân vân, hơn các nước cộng sản khác. Dĩ nhiên, cũng cần nói là tình hình kinh tế Ba Lan lúc đó rất bi thảm. Nhưng dù vậy, chúng tôi có đủ dũng cảm và đủ quyết tâm để thực hiện những cải cách này.
*** 
6.
Chính quyền yếu, đối lập yếu
HỎI:
Khi bước vào một cuộc thương lượng như Đàm phán Bàn tròn, thì tư thế của những người cầm đầu tùy thuộc nhiều vào tương quan lực lượng đôi bên. Một số trường hợp thương lượng có “chính quyền mạnh, đối lập yếu”, hoặc ngược lại “chính quyền yếu, đối lập mạnh”. Ông giải thích rằng Jaruzelski chính là người chủ động, nhưng cũng có một lực lượng đối lập chủ đạo là Công đoàn Đoàn kết. Cuộc thảo luận giữa phái bảo thủ với nhau và giữa phái bảo thủ với phe cải cách đã diễn ra như thế nào?
ĐÁP: 
Chúng ta có thể có các tình trạng như chính quyền mạnh với đối lập yếu, hoặc chính quyền yếu với đối lập mạnh. Nhưng tương quan lực lượng tốt nhất là khi cả hai bên đều yếu, không ai mạnh hơn ai, và điều đó đã xảy ra tại Ba Lan. Thực vậy, trước Đàm phán Bàn tròn, cả hai bên đều hoàn toàn yếu. 
Đảng Cộng sản yếu và không biết phải làm gì hoặc làm thế nào để vận hành nền kinh tế không hiệu quả đang có. Đại đa số mọi người, có cả nhiều người trong Đảng, đều thấy rất cần những thay đổi chính trị thật sâu sắc. Công đoàn Đoàn kết cũng yếu. Đó không phải là Công đoàn của thời kỳ 1980 hay 1981 với 10 triệu thành viên. Đó là Công đoàn của 10 năm sau thời hoàng kim: Rất mệt mỏi và không được ủng hộ rộng rãi như xưa. 
Tôi nghĩ sự thành công của Đàm phán Bàn tròn Ba Lan có được chính là do cả hai bên không bên nào quá mạnh, nhưng cả hai đều thành thực tin và đều có tinh thần trách nhiệm khi cho rằng đã đến lúc phải làm gì đó quan trọng cho tương lai, vì hiện trạng không thể cứ kéo dài. Đây là yếu tố quan trọng. Theo tôi, nếu có một bên mạnh và một bên yếu, thì không thể nào thỏa hiệp được. Ta có thể thấy điều này trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine hiện nay.
Đảng Cộng sản Ba Lan có hai triệu người, với nhiều khuynh hướng bên trong, nhưng có hai nhóm chính. Có nhóm “cải cách” là những người cho rằng cần thay đổi và rằng nếu không thay đổi thực sự sâu rộng thì chúng tôi không có cơ hội tồn tại. Dĩ nhiên trong phe cải cách cũng có những người cải cách thận trọng, bên cạnh những người cải cách mạnh dạn, và những người dũng cảm hơn nữa. Lãnh tụ của nhóm này là Jaruzelski, nếu bản thân Jaruzelski không được thuyết phục rằng cải cách là thiết yếu thì sẽ không có gì xảy ra. 
Lãnh tụ các Đảng Cộng sản khác trong khu vực – như Erich Honecker (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Đức (tên chính thức là Đảng Đoàn kết Xã hội chủ nghĩa Đức) từ 1971-89) và Gustav Husak (Chủ tịch nước Tiệp Khắc 1975-89) là những lãnh đạo không bao giờ chấp nhận cải cách – chỉ có Janos Kadar (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hungary (tên chính thức là Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary) 1956-88) là chấp nhận cải cách. 
Jaruzelski hiểu rằng thiết quân luật là cần thiết vào đầu thập niên 1980, nhưng sau thiết quân luật ông biết chọn lựa duy nhất của ông chính là đối thoại. Ông không còn có thể trở nên cứng rắn, bạo liệt hoặc đàn áp hơn. Với ông, lối thoát duy nhất là trở thành một nhà lãnh đạo cởi mở và mềm mỏng hơn, chứ không phải đàn áp thẳng tay hơn. Dĩ nhiên, có những đảng viên Đảng Cộng sản chống lại những cải cách này, viện cớ rủi ro khủng khiếp có thể xảy ra. Lập luận của họ là nếu tiếp tục đi theo những cải cách này thì Đảng Cộng sản sẽ đánh mất quyền lực. Giờ nhìn lại, ta thấy họ nói đúng. Các nhà cải cách đã không đúng khi dự đoán tương lai của Đảng. Khi chúng tôi bắt đầu cải cách – Gorbachev với perestroika, Jaruzelski với cải cách ở Ba Lan – thì đó là khởi điểm cho đoạn kết của Đảng.
*** 
7.
Lãnh tụ dọa từ chức
Jaruzelski quyết định tiến hành Đàm phán Bàn tròn và cải cách vào cuối thập niên 1980. Gorbachev ủng hộ ông, đó là điều quan trọng với Jaruzelski. Tình hình bấy giờ rất căng thẳng. Trong một phiên họp của Ủy ban Trung ương Đảng, khi tranh cãi đến hồi kịch liệt, phe bảo thủ bắt đầu đả kích Jaruzelski về Đàm phán Bàn tròn, cho rằng đối thoại là sai lầm và sẽ hủy diệt Đảng. 
Lần đầu tiên trong sự nghiệp chính trị nhiều năm của mình, Jaruzelski quyết định dùng biện pháp hăm dọa. Ông nói ông thấy nhiều đồng chí chống đối thoại, vậy ông sẵn sàng từ chức và họ có thể bầu Tổng Bí thư mới. Một số đồng sự thân cận với ông cũng dọa cùng từ chức. Và rồi, dĩ nhiên, Bộ Chính trị tuyên bố sẽ tuân theo quyết định của Ủy ban Trung ương. Kết quả bỏ phiếu là Jaruzelski ở lại, và như vậy họ bất đắc dĩ phải đồng ý với đường lối cải cách của ông. Trong các Đảng Cộng sản, những tình trạng kịch tính như vậy, vận dụng đến cả đe dọa từ chức và làm loạn, chưa từng xảy ra. Tuyên bố sẽ từ chức là một dấu hiệu rất quan trọng cho thấy Jaruzelski và nhóm theo ông quyết tâm cải cách đến đâu. 
Tuổi trẻ ba lập trường
Lúc đó, tôi mới 31 hoặc 32 tuổi. Tôi là Bộ trưởng trẻ nhất trong chính quyền Ba Lan, được đưa lên làm Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao khi 31 tuổi. Tôi còn trẻ và được học hành khá tốt, cũng được đi đây đó trên thế giới. Năm 1976, tôi học ở Mỹ ba tháng. Vì vậy, tôi dễ thấy sự khác biệt khi so sánh giữa chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô với phương Tây và các nước phát triển. Sự khác biệt thấy được làm tôi thất vọng hoàn toàn và đó là một tình trạng cực kỳ chán nản. Thời sinh viên, tôi từng đi học ở Tây Đức. Lúc đó so sánh Ba Lan với Tây Đức đã là điều tệ hại, chẳng có gì so sánh được, vì Ba Lan quá ư lạc hậu.
Đối với thế hệ chúng tôi thì tuyệt đối rõ ràng là Ba Lan phải thay đổi, là chúng tôi phải hiện đại hóa. Chúng tôi muốn trở thành một phần của thế giới phát triển tiến bộ hơn. Vấn đề là làm thế nào để cải cách. Cần phải đi đường nào? Tôi và các bạn trong đại học có hai hoặc ba lập trường chung:
Thứ nhất, và đây cũng là lập trường của tôi, là chúng tôi phải làm mọi cách có thể để hỗ trợ cải cách, để thay đổi hệ thống càng nhiều càng tốt, nhưng cùng lúc phải chấp nhận tình trạng là chúng tôi còn có Khối Warsaw, còn có Liên Xô, còn tất cả những hạn chế, hệ quả của Thế chiến II, và đó là những thực tế không thể thay đổi. 
Một số bạn tôi thuộc thành phần đối lập (phía đối lập hoạt động khá sôi nổi vào cuối thập niên 1970) lại nói rằng không thể nào thay đổi được chế độ. Lập trường của họ là đấu tranh chống lại chế độ, dù phải trả một giá rất đắt. Đó là lập trường thứ hai.
Lập trường thứ ba của nhiều bạn bè tôi thì cho rằng cả hai con đường cải cách hoặc chống đối đều vô vọng, vì theo họ, chúng tôi chưa sẵn sàng để thay đổi hay cải tổ chế độ từ bên trong. Chúng tôi cũng chưa sẵn sàng để trả một giá đắt với tư cách những nhà cách mạng mới, hoặc bị cầm tù như những nhà bất đồng chính kiến. Chọn lựa duy nhất là ra đi. Nhiều bạn bè tôi đã rời Ba Lan vào đầu thập niên 1980, và làn sóng di dân này của người Ba Lan rất lớn, nhất là sau thiết quân luật. Nhiều người Ba Lan hiện vẫn sống tại Mỹ, Úc, Nam Phi, và nhiều nước Châu Âu khác.
Tôi là đảng viên Đảng Cộng sản và là một Bộ trưởng trong chính quyền. Với tôi, tất cả những gì xảy ra trong những năm cuối thập niên 1980, ngay trước khi Đàm phán Bàn tròn diễn ra, thật là kỳ diệu – đó chính là cơ hội để làm điều gì đó gần với suy nghĩ của tôi. Tôi được tham gia vào toàn bộ những quá trình này từ ban đầu, vì một trong những quyết định đầu tiên Thủ tướng Rakowski đưa ra để thay đổi tình hình và phần nào cải tổ chính trị là thảo luận với Giáo hội và phía đối lập về Luật lập Hội. Đến cuối thập niên 1980, đạo luật mới này cho phép nhiều hình thức tổ chức, hội đoàn được thành lập mà không cần nằm dưới quyền kiểm soát của nhà nước. Đây là một bước tiến rất lớn.
Tôi là chủ tọa cuộc thảo luận với Giáo hội. Tôi nhớ mình được gặp một số vị Giám mục và các cố vấn của họ. Một trong những cố vấn của Đoàn Giám mục là ông Jan Olszewski (sau làm Thủ tướng Ba Lan năm 1991-92). Họ cực kỳ ngạc nhiên vì chúng tôi còn quá trẻ. Phản ứng đầu tiên của họ với chúng tôi phải nói là khá tiêu cực, vì họ đinh ninh Thủ tướng Rakowski như đang đùa giỡn thiếu nghiêm túc khi cử những Bộ trưởng quá trẻ đến thảo luận về Luật lập Hội. Với thế hệ chúng tôi, đó là cơ hội bằng vàng, và với chúng tôi, việc Đảng Cộng sản già nua không thể giữ vai trò tích cực trong thời kỳ mới không là vấn đề lớn. 
*** 
8.
Cơ cấu đàm phán
HỎI:
Tướng Jaruzelski và cộng sự đã hiểu tình hình dẫn đến Đàm phán Bàn tròn theo cách nào?
ĐÁP: 
Jaruzelski có Bộ trưởng Nội vụ Czeslaw Kiszczak [1981-90] trong đội của mình với vai trò người lãnh đạo Đàm phán Bàn tròn. Đó là một ý tưởng rất hay vì Bộ trưởng Nội vụ, người bị phe đối lập “ghét” nhất, lại là người cầm đầu phe Chính phủ trong đàm phán, vì bên đối lập thấy ông là một người có thể đưa ra quyết định. Ông là người thân cận nhất với Jaruzelski, và ông từ vai trò là trụ cột của đàn áp, nay lại chịu trách nhiệm xây dựng dân chủ và mở rộng tự do. Theo tôi, dưới góc cạnh chính trị và tâm lý, đó là một chọn lựa rất chính xác. Ngoài ra còn có Bộ trưởng Quốc phòng Florian Siwicki, Thủ tướng Rakowski, ba thành viên của Bộ Chính trị (Stanislaw Ciosek, Wladyslaw Baka, và Janusz Reykowski), và tôi ở trong đội của Kiszczak.
Ba Ủy ban Đàm phán
Tôi chưa bao giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, tôi chỉ là thành viên Chính phủ, là một Bộ trưởng trong chính quyền của Thủ tướng Rakowski, nhưng tôi là một trong những đồng chủ tọa của ba ủy ban làm việc tại Đàm phán Bàn tròn. Theo cấu trúc chung của Đàm phán Bàn tròn, mọi đại biểu ngồi quanh một chiếc bàn tròn, những cuộc họp này có hai chủ tọa chính là Kiszczak và Walesa.
Để xử lý mọi tài liệu và đưa ra các quyết định, chúng tôi chia thành ba ủy ban. Tôi và Mazowiecki là đồng chủ tọa cho một ủy ban, và ủy ban của chúng tôi thảo luận về đề tài công đoàn và làm thế nào để hợp pháp hóa Công đoàn Đoàn kết. Reykowski, Ủy viên Bộ Chính trị, và Giáo sư Bronislaw Geremek là đồng chủ tọa của Ủy ban chính trị. Ủy ban thứ ba thảo luận về kinh tế với Wladyslaw Baka, một Ủy viên Bộ Chính trị, và Giáo sư Witold Trzeciakowski, một nhân vật đối lập, làm đồng chủ tọa. Và như thế, Jaruzelski làm việc với đội ngũ của ông và vai trò của ông là tuyệt đối quan trọng.
Theo cách nhìn của tôi, tư duy của Jaruzelski có một số yếu tố đáng chú ý. Đầu tiên đó là sau thiết quân luật, điều rất quan trọng là phải tìm ra một giải pháp mới, vì làm như cũ lần nữa sẽ là thảm họa khi tình hình đã hoàn toàn khác. Tôi nghĩ việc dân chủ hóa một phần, tự do hóa một phần là suy nghĩ thực tâm của Jaruzelski. Tôi không dám chắc Jaruzelski có nghĩ đến “dân chủ toàn phần” hay không. Tôi nghĩ ông nghĩ về “dân chủ một phần” nhiều hơn. Nhưng tôi rất tôn trọng quyết tâm của ông vì tôi tận mắt thấy điều đó. 
Ông là một trong rất ít chính khách bắt đầu sự nghiệp với thiết quân luật và kết thúc sự nghiệp với đối thoại và sự chuyển đổi trong ôn hòa cả một hệ thống chính trị. Thường người ta thấy một Thủ tướng, hay Tổng thống, ban đầu thì được bầu cử một cách dân chủ nhưng cuối cùng lại có thể áp đặt thiết quân luật hoặc áp đặt các biện pháp đàn áp khắc nghiệt khác. Tôi nghĩ rằng trong số những nhà độc tài hoặc nửa độc tài, Jaruzelski là một nhân vật rất đặc biệt.
*** 
9.
Đảng muốn gì khi đàm phán? 
HỎI:
Đâu là chiến lược của Đảng Cộng sản khi tham gia Đàm phán Bàn Tròn?
ĐÁP: 
Ý tưởng của Đảng Cộng sản rất đơn giản: Mời phe đối lập đến để đề nghị chia sẻ quyền lực và trách nhiệm. Dự định ban đầu – và chúng tôi đã đoán không đúng – là quá trình chuyển đổi sẽ mất ít nhất bốn năm, và bầu cử, theo Hiến pháp, sẽ diễn ra trong năm 1989. 
Cuộc bầu cử năm 1989 không hoàn toàn dân chủ. Ý đồ là chỉ có 35% số ghế trong Quốc hội được dành cho phe đối lập tranh cử tự do, 65% số ghế còn lại được dành sẵn cho Đảng Cộng sản và các đảng vệ tinh lệ thuộc. Rồi sau đó sẽ có một cuộc bầu cử Tổng thống, và ngay từ ban đầu (dù chúng tôi không chính thức bàn việc này) nhưng mọi người đều rất rõ rằng người sẽ làm Tổng thống trong giai đoạn chuyển đổi này là Jaruzelski. Tôi là người đưa ra đề nghị lập thêm Thượng viện, tức viện thứ hai của Quốc hội. 
Phía đối lập chống đối gay gắt các đề nghị này, vì họ nói họ có thể chấp nhận một cuộc bầu cử Quốc hội không hoàn toàn tự do, nhưng sau đó sẽ phải chấp nhận bao nhiêu cuộc bầu cử như vậy nữa? Rồi tôi đề nghị rằng bầu cử Thượng viện sẽ là bầu cử hoàn toàn tự do [không có ghế dành riêng cho Đảng Cộng sản], và mọi người chấp nhận. 
Điều này làm kinh ngạc các lãnh tụ đối lập cũng như các đồng nghiệp cộng sản của tôi, nhưng tôi giải thích cho họ rằng Đảng, sau khi đã cai trị đất nước gần 50 năm, cần chuẩn bị để tham gia một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do để giành ghế vào Thượng viện. Ngay cả khi 100% ghế Thượng viện đều nằm trong tay phía đối lập thì vẫn còn một đa số đủ để [Hạ viện và Thượng viện] chọn Jaruzelski làm Tổng thống. Lập luận của tôi cũng có tính kích động, tôi bảo:
“Các vị hãy nghĩ xem, nếu Đảng này không sẵn sàng để tham gia một thử nghiệm nhỏ như vậy, thì điều đó có nghĩa Đảng không còn là một chính đảng nữa. Và nếu như thế thì cần phải thú nhận rằng Đảng của chúng ta chẳng có khả năng thắng được điều gì hết. Làm sao chúng ta có thể vỗ ngực tự xưng là mình đủ sức điều hành đất nước, trong khi không cả dám tham gia một bài tập bầu cử như thế này?” 
Dĩ nhiên, tôi cũng không bi quan lắm. Tôi chắc rằng trong cuộc bầu cử Thượng viện tự do đó thì ít nhất 30% đến 35% ghế sẽ lọt vào tay Đảng Cộng sản. Với Jaruzelski nắm chức Tổng thống, ngay cả khi Thượng viện được bầu chọn tự do, chúng tôi sẽ vẫn có được đa số trong Quốc hội, và sẽ đủ chủ động để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp (bầu cử hoàn toàn tự do bốn năm sau).
Nhưng mọi sự đều thay đổi sau cuộc bầu cử tháng 6/1989. Kết quả bầu cử nghiêng hẳn về phía đối lập và không thể nào chối bỏ được [Công đoàn Đoàn kết thắng 33/35% ghế Hạ viện được phép tranh cử, và thắng 99/100 ghế Thượng viện]. 
Một lần nữa, Jaruzelski tỏ ra có trách nhiệm vì có nhiều người thuộc Đảng Cộng sản trong liên minh các đảng – và trong một số nhóm nhỏ, nhất là các nhóm thân Giáo hội – đã tìm cách áp lực để Jaruzelski phủ nhận cuộc bầu cử, tuyên bố đó là phi pháp và không có giá trị. Ông nói không, và cho rằng cần phải chấp nhận kết quả bầu cử, quan trọng hơn nữa là chấp nhận rằng Đảng Cộng sản chỉ có kết quả tệ hại và vì thế cần phải nghĩ đến những giải pháp khác cho tương lai. Cuộc bầu cử tăng tốc cho quá trình cải cách, nhưng dù sao cải cách cũng sẽ phải đến đúng lúc của nó.
***
10.
Kẻ chuyên chế chấp nhận dân chủ?
HỎI: 
Không phải lúc nào cũng cần một “nhà dân chủ” lâu năm để giữ vai trò then chốt mang lại dân chủ. Ông có đồng ý rằng Tướng Jaruzelski là ví dụ điển hình cho hiện tượng này không?
ĐÁP: 
Đồng ý hoàn toàn. Trong toàn bộ những lãnh tụ của khối Xô-viết, Jaruzelski nổi bật như một lãnh tụ thông minh sắc sảo, học cao hiểu rộng, rất có văn hóa và nhân cách đáng kính trọng. Ông nhìn vấn đề một cách thực tế. Ông hiểu rằng nếu không đối thoại và thay đổi thì ông sẽ không có cơ hội để chỉnh sửa nền kinh tế hoặc vận dụng được tầm nhìn của phía đối lập. 
Một yếu tố quan trọng khác là Gorbachev, đương nhiên rồi, vì Jaruzelski có quan hệ cực tốt và thân mật với Gorbachev. Quan hệ cá nhân giữa hai người rất tốt, và tôi nghĩ rằng có lẽ đối với Gorbachev, Jaruzelski và Ba Lan là một cuộc thử nghiệm quan trọng để xem cải cách sẽ đi đến đâu.
Jaruzelski là một người đầy mâu thuẫn. Ông sinh ra trong một gia đình Ba Lan rất quý tộc. Trước Thế chiến II, ông học trường Công giáo, học cả ở trường Marianow, trường đạo lớn nhất ngay Warsaw. Ông mất cha trong Thế chiến II, cha ông chết tại Liên Xô vì gia đình bị đày đi Siberia khi Liên Xô xâm lăng Ba Lan. Ông sống nốt những năm chiến tranh còn lại tại đó. Rồi ông bắt đầu sự nghiệp trong Quân đội Ba Lan, cánh tay phải của chính quyền cộng sản. Rồi ông lên tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và cuối cùng là Thủ tướng.
Không có ai hoàn hảo, ông đã phạm rất nhiều sai lầm, và nhiều lần trong đời ông là người “cơ hội chủ nghĩa”. Nhưng có một tố chất mà tôi muốn nhấn mạnh là ông rất yêu nước. Ông yêu đất nước Ba Lan sâu sắc. Tinh thần trách nhiệm trong mọi việc ông làm và lòng yêu nước của ông, theo tôi, là hết sức quan trọng cho bản thân ông và cho các quyết định ông đưa ra, nhất là những quyết định cuối cùng.
Ông được bầu làm Tổng thống năm 1989, thắng chỉ với đa số một phiếu ở Quốc hội, và ông từ chức chỉ một năm sau đó. Ông hiểu rằng thời của ông đã hết, và ông đã từ chức Tổng thống Ba Lan bằng cách ôn hòa nhất có thể. Điều này tạo điều kiện cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 1990, và Walesa được bầu làm Tổng thống kế vị ông. 
Nếu hỏi những người từng làm việc với ông trong giai đoạn này, chẳng hạn như hỏi Mazowiecki, thì mọi người sẽ nói rằng ông là người vô cùng biết hợp tác và chung thủy. Lúc đó, ông vẫn có nhiều ảnh hưởng đối với quân đội và một số thành phần trong Bộ Nội vụ, nhưng ông đã không dùng những ảnh hưởng đó để áp đặt ý muốn của mình. 
Ông cũng hết sức chung thủy với vị Thủ tướng mới, và với người kế vị là Walesa. Và sau một năm làm Tổng thống ông từ chức, thì đó là đoạn kết sự nghiệp chính trị của ông, nhưng điều đó cho thấy hiện tượng dưới đây là hoàn toàn có thể xảy ra, đó là: Một nhà độc tài lúc khởi nghiệp có thể trở thành một chính khách ủng hộ dân chủ khi sự nghiệp kết thúc.
***
11.
Bỏ đảng cũ, lập đảng mới
HỎI:
Tại sao ông quyết định dấn thân đi tiếp, bỏ đảng [Cộng sản] cũ, lập đảng mới?
ĐÁP: 
Tôi quyết định lập đảng mới vì tôi thấy Đảng Cộng sản Ba Lan là một đảng của quá khứ. Nó tồn tại trong một hệ thống đàn áp, không có luật lệ dân chủ. Cái đảng này (cả lối suy nghĩ của nó nữa) đã trở nên hoàn toàn bất lực và, nói một cách thành thực, không thể nào chấp nhận được trong thời đại dân chủ mới. 
Một trong những tài liệu của đảng mới, Đảng Dân chủ Xã hội Cộng hòa Ba Lan (SdRP), ghi rằng chúng tôi muốn có ảnh hưởng chính trị dựa trên mức độ ủng hộ chúng tôi có được, và chúng tôi tôn trọng luật chơi dân chủ. Nếu chúng tôi chỉ có 5% số phiếu bầu, thì đó là vai trò của chúng tôi: 5%. Nếu có 55%, thì như vậy chúng tôi có đa số và chúng tôi sẽ có trách nhiệm lớn đối với đất nước.
Liên minh đầu tiên mà tôi thành lập với Wlodzimierz Cimoszewicz (ứng viên Tổng thống năm 1990; làm Thủ tướng năm 1996-97), có tên là Liên minh Cánh tả Dân chủ (Sojusz Lewicy Demokratycznej (SLD) Liên minh này trở thành đảng năm 1999 và được xem là hậu thân duy nhất của Đảng Cộng sản). Tôi thấy tự hào vì trong suốt 23 năm, Đảng SLD chưa bao giờ gây ra các vấn đề về dân chủ. Đó là một trong những đảng phái ủng hộ dân chủ nhiều nhất và sạch sẽ nhất. Mọi khía cạnh của dân chủ đều hoàn toàn được Đảng SLD chấp thuận.
*** 
12.
Đảng phái
HỎI: 
Ông có dự đoán [vào thời điểm 1989] rằng sẽ có một đảng khác ra đời khi các cuộc đàm phán bắt đầu không?
ĐÁP: 
Không, không hẳn vậy. Trong khi thương lượng, không ai nói về các đảng phái mới vì quá trình thương lượng còn rất dễ vỡ. Không ai trong chúng tôi có đủ tài tiên tri để biết rằng Liên Xô sẽ sụp đổ, nước Đức sẽ thống nhất, và Đảng Cộng sản Ba Lan sẽ không còn. Thành thực mà nói, không biết trước tương lai như vậy tốt hơn. Biết trước nhiều quá khi đang thương lượng cũng không ích lợi gì nhiều. Nếu biết trước thì điều gì sẽ xảy ra?
Ơn Trời! Chúng tôi đã không thảo luận về việc thống nhất nước Đức hay những chuyện tương tự. Chúng tôi chỉ đàm phán về cách thay đổi hệ thống chính trị và kinh tế tại Ba Lan. Trong một cuộc thảo luận kéo dài và rất mệt mỏi với phía đối lập, tôi có nói với họ rằng: “Các vị ạ, tôi biết rằng đấu tranh để giành quyền lực thì rất phức tạp. Nhưng tại sao từ bỏ quyền lực lại cũng phức tạp đến thế?” 
Với tôi thì hoàn toàn rõ là các cuộc thảo luận này giữa phe đối lập và Đảng Cộng sản có nghĩa là ít nhất chúng tôi sẽ cùng chia sẻ quyền lực và trách nhiệm. Phía đối lập sẽ tham gia vào chính trị, và điều đó rất quan trọng. 
Trong cuộc bầu cử năm 1989, Công đoàn Đoàn kết đã chiến thắng hết sức ngoạn mục; thắng đến 99 trên 100 ghế tại Thượng viện. Đối với tôi, kết quả cho thấy rất rõ là Đảng Cộng sản Ba Lan đã trở thành một đảng của quá khứ và không có cửa nào để trở thành một nhân tố được kính trọng hoặc có hiệu quả trong một đất nước Ba Lan dân chủ mới.
*** 
13.
Cải cách kinh tế
Giai đoạn then chốt cho thành công của chúng tôi là sau bầu cử 1989. Chính phủ mới của Tadeusz Mazowiecki (Thủ tướng không cộng sản đầu tiên, 1989-91), về hình thức, là một Chính phủ liên hiệp vì quy tụ đại diện của mọi đảng phái chính trị có ghế trong Quốc hội. Quốc hội này, thành lập năm 1989, tuy không được bầu cử hoàn toàn dân chủ, nhưng lại hết sức quyết tâm cải cách. Quốc hội đó rất khách quan trong cách tiếp cận mọi vấn đề.
Không khí tích cực của cuộc chuyển đổi, tinh thần lạc quan hy vọng rộng khắp và những mong muốn tích cực trong người dân đã được tận dụng để chính quyền của Mazowiecki và Balcerowicz tiến hành “liệu pháp sốc” kinh tế. Liệu pháp sốc có nghĩa là những biện pháp rất nghiêm khắc để cải tổ kinh tế, khiến nhiều người mất tiền và nhiều nơi mất việc. Chúng tôi đã phải đóng cửa rất nhiều nhà máy. Thất nghiệp tăng rất cao. Nếu bạn muốn thi hành liệu pháp sốc thì phải tìm đúng lúc mà làm. Làm không đúng lúc, liệu pháp sốc sẽ không thành công. Một số nước đã dùng liệu pháp sốc sau khi chuyển đổi dân chủ được hai hoặc ba năm. Nhưng chờ hai hoặc ba năm là quá trễ vì người dân không còn phấn khích và không còn sẵn sàng chấp nhận gian khó như lúc mới chuyển đổi.
Cũng có những yếu tố xã hội khác nữa. Trong bối cảnh mới, người dân Ba Lan lúc đó cho thấy họ có một điều làm chúng tôi phải ngạc nhiên: Họ có một tinh thần kinh doanh rất năng động và mạnh mẽ đến khó tin. Hiện nay [2013], Ba Lan có lẽ đang là một trong những xã hội biết kinh doanh và thích kinh doanh nhất Châu Âu. 
Chúng tôi hiện có hai triệu công ty vừa và nhỏ, với bảy hoặc tám triệu người làm việc trong đó. Các công ty này đều rất linh hoạt, và đó là lý do tại sao trong cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, chúng tôi có thể xử lý được tình huống hiệu quả như vậy. Nếu chỉ có hai hoặc ba đại công ty vào lúc khủng hoảng thì có thể Chính phủ sẽ khó xoay xở. Nhưng nếu bạn có đến hai triệu công ty nhỏ, thì tuy có thể bạn không biết họ đang làm gì, nhưng họ đều tìm được giải pháp thích hợp nào đó cho mình. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nhỏ này là cực kỳ tốt cho Ba Lan.
*** 
14.
Tản quyền
Thay đổi kế tiếp giúp chúng tôi thành công là việc tản quyền xuống địa phương. Một trong những sai lầm chính của các nước hậu cộng sản là họ không quyết tâm tản quyền. Chúng tôi quyết định thay đổi hệ thống và trao thêm quyền hành cho các chính quyền địa phương và vùng miền. Chúng tôi đã tổ chức những cuộc bầu cử địa phương hoàn toàn tự do vào tháng 5/1990, tức 11 tháng sau cuộc bầu cử “nửa tự do” để bầu Quốc hội Ba Lan. Vì vậy có thể nói rằng, vào tháng 5/1990, ở Ba Lan chúng tôi đã có một nhà nước tản quyền rộng rãi hơn, với nhiều quyền hành và ngân sách mới được dành cho các huyện, các tỉnh thành, các vùng miền.
Quyết định này có tác dụng ra sao? Đầu tiên là các địa phương trở nên năng động hơn rất nhiều, vì người ở địa phương nếu tha thiết muốn làm điều gì đó thì giờ đây họ có quyền và có tiền để làm. Họ có công cụ và có ngân sách để làm điều họ mong muốn. Thứ hai, người dân có thể bầu chọn lãnh tụ địa phương của mình, họ bầu cho những người nổi bật tại thành phố hay khu vực của mình. Họ bầu chọn thị trưởng của mình, bầu lãnh đạo hội đồng huyện, tỉnh của mình, vân vân. 
Tản quyền cũng rất quan trọng để có thể kiểm soát tốt hơn nạn tham nhũng. Dĩ nhiên tham nhũng là vấn nạn ở bất cứ nước nào. Nhưng nếu ta có một cấu trúc nhà nước tản quyền thì có thể kiểm soát tham nhũng dễ dàng hơn. Trước hết, vì hệ thống hành chính chưa phát triển cao, nếu ta muốn đưa ra quyết định thì [với cơ chế tản quyền] không nhất thiết phải đi qua quá nhiều văn phòng hay cấp độ. Quy trình đưa ra quyết định cần gần với người dân và cử tri. Và nếu có những cộng đồng địa phương mạnh, họ có thể quan sát kỹ những gì xảy ra trong chính quyền địa phương. Chẳng hạn, họ có thể thấy ông thị trưởng năm nay đi chiếc xe hơi cà tàng, nhưng năm sau lại tậu một chiếc xe rất sang, dĩ nhiên nói vậy là đơn giản hóa vấn đề cho dễ hiểu, nhưng điều đó cũng cho thấy khả năng nắm bắt vấn đề của địa phương. 
*** 
15.
Đồng thuận để thay đổi
Cuối cùng, trong những nguyên nhân giúp Ba Lan thành công, dù đứng góc nào đi nữa thì cũng buộc phải ghi nhận rằng Ba Lan đã tìm được sự đồng thuận chính trị trong 20 năm đầu của cuộc chuyển đổi, đồng thuận về những yếu tố chiến lược chủ chốt trong sinh hoạt chính trị Ba Lan, bao gồm những thay đổi theo hướng dân chủ trong năm 1989-91, Kế hoạch Balcerowicz [“liệu pháp sốc”], và việc trở thành thành viên NATO, là điều rất quan trọng cho an ninh Ba Lan. Chúng tôi cũng vận động được sự đồng thuận rộng lớn để thông qua Hiến pháp mới bằng trưng cầu dân ý năm 1997. Và cuối cùng chúng tôi cũng trưng cầu dân ý để trở thành thành viên EU, với 75% phiếu thuận. Có lẽ đó là lần cuối cùng chúng tôi có được sự đồng thuận rộng lớn như vậy của quần chúng và sự hợp tác của các đảng phái trong chính quyền.
[Còn tiếp 2 kỳ]
P.T.
___ 
Nguồn: Chương 7, “Poland” (Ba Lan), cuốn Democratic Transitions – Conversation with World Leaders (Chuyển đổi dân chủ - trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới), của Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, do “Viện Quốc tế vì Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử” tại Stockholm (International Institute for Democracy and Electoral Assistance – Stockholm) và Nhà Xuất bản Johns Hopkins University Press, Baltimore, Hoa Kỳ, phát hành năm 2015.
___ 
Ghi chú
* Năm 1971, trong 1.000 người thì chỉ có 17 người có xe. Năm 1973, chiếc Fiat 126p ra đời, có biệt danh là Maluch (cục cưng, bé cưng), ngay lập tức được ưa chuộng vì giá rẻ và dễ mua hơn. Xem “Communist Poland’s Beloved Baby Ride” (Đây đó với cục cưng, thời Ba Lan cộng sản) đăng trên Culture.pl ngày 16/9/2013 – ND
Dịch giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét